Home

Nghệ nhân "bàn tay vàng" dệt lụa Vạn Phúc

Email In PDF.

Là một nghệ nhân tâm huyết với nghề dệt lụa Vạn Phúc, ông được tặng nhiều danh hiệu như: nghệ nhân "Bàn Tay Vàng", "Doanh nhân tiêu biểu 1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Ông cũng là một đại biểu của Thủ đô tham dự Đại hội thi đua yêu nước "Tuổi cao - gương sáng" lần thứ hai, do Hội Người cao tuổi Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội. Đó là nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh ở làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội).

Cả cuộc đời gắn bó với nghề dệt

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh (Ảnh TL)Đến thăm nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh ở nhà riêng của ông, chúng tôi thấy ông cùng vợ và con trai ông đang lúi húi bên khung dệt chuẩn bị cho mẫu hoa văn chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông là một trong 3 nghệ nhân cao tuổi có nhiều kinh nghiệm và đóng góp cho làng nghề Vạn Phúc. Tiếng lách cách của máy dệt lụa với ông vô cùng thân thuộc. Cả cuộc đời ông gắn bó với nghề dệt. Trong suốt 20 năm (từ năm 1969 đến 1989), ông tham gia xây dựng và lãnh đạo Xí nghiệp Dệt Sơn La. Do có công phát triển sản phẩm thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sơn La, ông được UBND tỉnh tặng bằng "Lao động sáng tạo". Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề dệt, ông góp phần đầu tư thiết bị, chuyển giao kỹ thuật giúp đồng bào Ninh Thuận dệt thổ cẩm từ khổ hẹp sang khổ rộng.

Năm 1990, nghỉ hưu trở về địa phương đúng vào thời điểm nhà nước xóa bỏ cơ chế bao cấp, ông đã cùng các nghệ nhân tâm huyết phục hồi nghề dệt lụa Vạn Phúc truyền thống của địa phương. Đến năm 2001, số máy dệt ở Vạn Phúc đã lên tới hơn 1000 máy, sản lượng đạt tới hơn 2,5 triệu mét/ năm, nhưng còn thiếu thị trường tiêu thụ. Lãnh đạo địa phương quyết định cho thành lập Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc để quản lý sản xuất và quảng bá, tuyên truyền, xây dựng thị trường nội địa, thu hút khách du lịch. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh được bầu là Chủ tịch Hiệp hội và giữ chức này trong 9 năm liền. Theo ông, điều quan trọng nhất là các hộ sản xuất trong làng Vạn Phúc đều phải ý thức được việc phát huy thương hiệu, chữ tín của nghề truyền thống:

“Người dân làng của chúng tôi có tay nghề khéo, chính xác nó là kỹ năng xử lý về tơ tằm khi đi vào sản xuất nên giữ được nhiều đời. Cách xử lý tơ tằm là phải lựa chọn loại tơ để dệt sản phẩm, độ đều giống nhau. Để sử dụng lượng sợi tơ phải có 4 nghìn đến 8 nghìn sợi. Việc lựa chọn sợi tơ đòi hỏi kỹ năng của nguời làm, thì khi ra sản phẩm mới bảo đảm được. Hoa văn do những nghệ nhân của làng nghề có kinh nghiệm thiết kế mẫu, chúng tôi phải kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để trên cơ sở dung hòa được cả hai cái, làm thế nào đó để người tiêu dùng ưa chuộng, đấy là cả quá trình nghiên cứu, tìm ra mẫu đáp ứng được cả hai mặt”. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh tâm sự.

Cũng theo nghệ nhân năm nay đã ở tuổi 73 này, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm lụa của các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ... nhưng điều quan trọng là chúng ta phải phát triển các mặt hàng mang tính Việt Nam thuần túy, từ đó khẳng định thương hiệu sản phẩm của mình. Cùng với việc thiết kế các mẫu mã mới, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh đã nghiên cứu thành công thuốc nhuộm có độ bền màu cao, đồng thời tổ chức một khóa học cho anh chị em làm nghề thợ nhuộm trong làng về kỹ thuật này để sản phẩm của lụa Vạn Phúc được nâng lên.

Đối mặt với khó khăn

Những lúc cao điểm nhất nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Chính có 8 máy dệt, phải thuê 5-6 thợ. Nhưng trong vòng hai năm trở lại đây, giá nguyên liệu ngày càng cao,  (thậm chí tăng gần gấp đôi), sản xuất không có lãi, nên gia đình ông chỉ hoạt động 2-3 máy, con cháu trong nhà làm là chính.

Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh sinh được 5 người con (2 trai, 3 gái), ai cũng thành thạo nghề dệt. Theo anh Nguyễn Văn Hòa - con trai thứ hai của ông Chỉnh, từ ngày đi học phổ thông, anh đã làm nghề cùng gia đình. Theo anh, đây là nghề truyền thống của gia đình nên anh luôn luôn tâm niệm phải gìn giữ và phát triển. Và anh đã học được ở người cha của mình những kỹ năng và đức tính của nghề nghiệp, đồng thời áp dụng khoa học - kỹ thuật để cho ra đời những sản phẩm với chất lượng tốt hơn và hiệu quả nhanh hơn.

“Chúng tôi học nhiều những cái bố tôi để lại, truyền lại cho tôi về kỹ năng và đức tính của nghề nghiệp, đó là tính kiên trì và lòng kiên nhẫn của nghề nghiệp. Trước tiên muốn giữ được chất lượng mặt hàng tơ tằm của Hà Đông, mình phải chọn nguyên liệu tốt, bền đủ tiêu chuẩn. Những sợi tơ không đủ tiêu chuẩn thì mình không sản xuất. Phải giữ thương hiệu của làng Vạn Phúc. Là người trẻ tuổi , mình cũng tiếp cận với công nghệ hiện đại. Thông qua một số anh em làm nghề mình cũng học hỏi thêm và làm thành công trên máy không thoi (máy kiếm) - loại máy dệt bán công nghiệp, khi  mình áp dụng trên sản phẩm lụa tơ tằm, hiệu quả nhanh hơn và chất lượng tốt hơn”. Anh Nguyễn Văn Hòa nói.

Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc hiện có khoảng 500 hội viên. Mỗi năm Hiệp hội sản xuất đạt khoảng 2 triệu mét lụa. Năm ngoái, Hiệp hội sản xuất đạt khoảng 2 triệu 2 mét và phấn đấu năm nay đạt khoảng 2,4 triệu mét. Doanh thu hàng năm đạt từ 40 đến 50 tỷ đồng, giải quyết cho 1.500 lao động có công ăn việc làm. Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, Chủ nhiệm HTX dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề Vạn Phúc hiện gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, vốn và mặt bằng sản xuất. Nhưng Hiệp hội nói riêng và làng nghề nói chung quyết tâm vượt lên những khó khăn này để duy trì nghề truyền thống và thương hiệu lụa Vạn Phúc. Trong đó, các nghệ nhân cao tuổi như ông Nguyễn Hữu Chỉnh thực sự giữ vai trò đầu tàu để truyền bá kỹ năng nghề nghiệp, bảo tồn và phát triển những mặt hàng độc đáo của làng nghề.

Tâm huyết với những sản phẩm của Thăng Long 1000 văn hiến

Từ xa xưa, sản phẩm lụa Vạn Phúc đã nổi tiếng trong và ngoài nước, đã đi vào những câu ca dao, dân ca. Chẳng hạn câu: "Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông".

Phát huy vai trò "Tuổi cao - Gương sáng", "Tuổi cao chí khí càng cao" của lớp người cao tuổi Thủ đô, các nghệ nhân cao tuổi như ông Nguyễn Hữu Chỉnh vẫn miệt mài với nghề dệt. Ông thường xuyên nghiên cứu cho ra đời nhiều mẫu hoa văn mới, được thị trường ưa chuộng. Trong vòng hai năm gần đây, ông cho ra đời 3 mẫu hoa văn mới là: mẫu hoa ban, đoạt Giải thưởng quốc gia, mẫu hoa loa kèn và mới đây nhất là mẫu Long Vân, hưởng ứng cuộc thi sáng tác mẫu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc nghiên cứu mỗi mẫu hoa văn mới, theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, cũng hết sức kỳ công: “Sau khi nghiên cứu nhu cầu của thị trường thì mình vẽ bằng tay trên giấy, phải nhìn thấy mẫu hoa văn hài hòa. Điều này đòi hỏi người thiết kế phải có kiến thức về mặt mỹ thuật, nhất là mỹ thuật công nghiệp. Sau đó, đưa mẫu đó vào máy vi tính để phân tích những điểm nổi, rồi chuyển từ kết quả đó để đục bìa, đưa lên máy thì nó sẽ thành hoa”.

Dẫu còn nhiều khó khăn, trăn trở, nhưng với những nghệ nhân tâm huyết với nghề như ông Chỉnh, ông luôn tâm niệm việc gìn giữ và truyền lại bí quyết từ thế hệ này sang thế hệ khác là trách nhiệm của mình. Những mong muốn, kiến nghị của ông cũng là nhằm để làng nghề ngày càng phát triển hơn.

“Với làng nghề trải qua lâu đời, nhưng hiện nay đứng trước kinh tế thị trường thì luôn luôn chịu sự thử thách với thị trường, giá đầu vào bị tác động bởi nhiều thứ như giá điện, giá xăng dầu lên, nguyên liệu đầu vào lên, từ đó tác động tới giá thành, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất. Trong khi đó lại phải cạnh tranh với các sản phẩm may mặc khác trong thị trường nên cũng gây khó khăn trong quá trình sản xuất và mặt bằng sản xuất thì chật hẹp khiến các hộ vừa ăn ở, vừa sản xuất một chỗ, nên ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, chưa thể xử lý ô nhiễm môi trường vì tổ chức sản xuất phân tán”.Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh nêu suy nghĩ.

Trong xưởng dệt của gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh và nhiều gia đình khác ở làng Vạn Phúc tiếng máy vẫn rộn rã. Tình yêu đối với nghề truyền thống như một nguồn mạch chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần tạo dựng và duy trì những giá trị độc đáo của Hà Nội hôm qua, hôm nay và mai sau.../.

                                                                                                      - Mai Hồng -

alt