Home

Không chỉ gìn giữ mà phải phát triển nâng cao

Email In PDF.

Tại sao không thể chỉ nêu phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là trong thời kỳ giao lưu hội nhập toàn cầu hóa hiện nay. Phát triển không phải chỉ là bồi đắp thêm vào, mà còn có nhiều dạng thái cực kỳ quan trọng khác. Xin lần lượt giải đáp những vấn đề này theo các tiêu mục sau đây 

Tính tất yếu và cấp bách của sự phát triển bản sắc văn hóa dân tộc

Bây giờ đâu cũng nghe thấy “phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.v.v..., tất nhiên rất đúng, nhưng chưa đầy đủ. Đúng ở chỗ một dân tộc mà đánh mất bản sắc văn hóa, thì chỉ còn là một quần thể dân cư, dù có đông đúc bao nhiêu thì cũng như một cái xác không hồn. Nhưng chỉ thấy và cứ lặp đi lặp lại mãi như thế mà thôi, thì rất dễ gây ấn tượng về bản sắc văn hóa dân tộc như một thứ báu vật “dĩ thành bất biến” và có thể lấy cái “bất biến” này để “ứng vạn biến”, nhất là trong tình hình toàn cầu hóa phải giao lưu mở cửa hội nhập hiện nay. Nghe thì rất trung trinh, kiên cường, nhưng chỉ là một chiến thuật, thậm chí là một chiến lược “thủ thế” mà thôi. Thật ra bản sắc văn hóa dân tộc không phải là một di vật vô cơ từ xưa truyền lại, mà là một thực thể tinh thần hữu cơ, bản thể của nó luôn luôn sinh sôi nảy nở. Và với tư cách chủ thể, chúng ta, thế hệ con cháu ngày nay, trong vận hội đầy thời cơ xen lẫn nguy cơ này, chỉ biết ăn sẵn mà lại không biết chủ động trau dồi, bồi bổ, nâng cao và phát triển cái di sản hữu cơ quý báu do cha ông để lại này hay sao? Phát triển chứ không phải chỉ phát huy. Phát huy chỉ gây tác dụng từ cái vốn có của bản thể, còn phát triển là bồi đắp cho chính cái bản thể ấy. Đối với thời cơ, thì tất nhiên phát huy cái vốn có, ít nhiều cũng có hiệu quả, nhưng chắc chắn không cao. Đối với nguy cơ, nhất là những nguy cơ trầm trọng, thông thường phải phát triển thêm cái vốn có thì mới vượt qua được. Mà nghiền ngẫm đến cùng thì sẽ gặp ngay phép biện chứng là chỉ có phát triển, mới là cách bảo tồn (giữ giữ) tối ưu. Giẫm chân tại chỗ có khi lại chính là một cách tự triệt tiêu. Có lẽ không ai phản đối điều này, nhưng lại không muốn nhắc đến sự “phát triển” để song hành với phải “giữ giữ”, cô đúc trong một mệnh đề chung nhằm dứt khoát phải phát triển mạnh mẽ, thì chí ít cũng là vì xem nhẹ, mà một trong những nguyên nhân là chưa ý thức đầy đủ về mặt lý thuyết đối với tầm quan trọng của nó. Phát triển tự phát thì không nói làm gì, nhưng phát triển tự giác thì cũng phải có lý thuyết, mà trước hết là về vấn đề tính tất yếu và cấp bách của nó.      

Dân tộc là một thực thể có tính lịch sử, nghĩa là có quá trình hình thành và phát triển, thì bản sắc văn hóa của nó cũng không thể khác. Bản sắc văn hóa Việt Nam ở thời đại Hùng Vương với thời đại Hồ Chí Minh, hiển nhiên có mặt nhất quán, nối tiếp, nhưng ắt hẳn là nhiều điều được nâng cao mạnh mẽ qua trường kỳ diễn biến lịch sử. Trong quá trình trường tồn đó, cũng như bao dân tộc khác, dân tộc ta đã gặp phải bao nỗi thăng trầm, nhiều nẻo quanh co của lịch sử, bao vấn đề phức tạp trong nhiều thời đại khác nhau, từ đó mới hun đúc dần nên bản sắc văn hóa của mình. Bản sắc văn hóa, do đó, không phải chỉ là một thực thể, mà một quá trình, không phải là hệ thống khép kín, mà là một hệ thống mở. Làm sao có thể hình dung được bản sắc văn hóa Việt Nam đã “dĩ thành bất biến” từ thời xa xưa để rồi cứ thế “ứng vạn biến” cho mãi đến nền kinh tế thị trường hiện nay? Không phải vậy! Cái bản sắc văn hóa vốn có để ứng xử với nền kinh tế thị trường hiện nay đã phong phú lên rất nhiều. Tuy nhiên cách nói “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong nền kinh tế thị trường...” vẫn còn tính chất “thủ thế” chưa toàn diện. Tất nhiên đây là cách nói đầy thiện chí, muốn lưu ý mọi người phải phát huy những đạo đức tốt đẹp cổ truyền để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường. Nhưng cái gì lại không có mặt trái, bởi vì cái gì dù có tốt đẹp đến đâu cũng do con người thực thi. Mà đã là con người thì từ ngàn xưa đã vậy, bao giờ cũng có thiện, cũng có ác. Từ ngàn xưa, ngay trong xã hội cộng sản nguyên thủy, chưa phân hóa giai cấp, thì vẫn có những ác nhân, đã hiện hình thành những ác ma, ác quỷ. Còn ngày nay, khi chưa có kinh tế thị trường còn chế độ bao cấp, thì cũng đã nhan nhản những ác nhân. Chuyện buôn gian bán lận, làm hàng giả, đục khoét của nhà nước là có từ trước và còn di họa đến ngày nay và là kẻ thù của chính kinh tế thị trường ngay trong chủ nghĩa tư bản, chứ chưa nói đến kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thật ra đã có kinh tế thị trường thì cũng có văn hóa thị trường, mà then chốt là lấy chữ “tín” làm đầu. Hiển nhiên là văn hóa thị trường còn bao hàm nhiều nội dung phong phú khác, và tỏ ra còn khá mới mẻ với văn hóa Việt Nam. Cho nên vấn đề không phải là “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” để đối ứng với kinh tế thị trường, mà chính là phải tự làm phong phú thêm bằng cách dung nạp thêm những tinh hoa trong văn hóa thị trường. Đây chỉ là một thí dụ, nhưng để thấy chung rằng cứ mỗi khi phải đương đầu với những vấn đề lớn trong đời sống, thì văn hóa dân tộc, tất yếu phải phát triển, và bản sắc nền văn hóa, do đó, cũng được bồi đắp nâng cao lên. Dân tộc, nhưng phải luôn luôn hiện đại là như vậy.

Phát triển “hồi tính” với phát triển “nghịch tính”.

Thật ra phát triển không chỉ thuần túy là bổ sung thêm vào, mà còn nhiều dạng khác nữa. Trước hết là phát triển “hồi tính” tức là khôi phục và phát huy lại những tinh hoa vốn có, song đã bị mai một lãng quên làm cho xã hội trì trệ quanh co bế tắc. Nhưng một khi đã biết vận dụng lại những bài học vốn có từ ông cha, thì bế tắc sẽ được khai thông và lịch sử sẽ tiến bước. Bài học “Lấy dân làm gốc” mà Đại hội VI ra sức nêu cao là một thí dụ điển hình về mặt này. Bởi vì nguyên lý nền tảng cho việc giữ nước và dựng nước này đã sáng ngời trong thời Lý Trần, mà đại thần Nguyễn Nguyên Ức đã khái quát một cách sâu sắc và thấm thía: “Các bậc đại vương đời trước đều bắt chước trời, không ngừng trau đức để sửa mình; bắt chước đất không ngừng trau đức để yên dân. Sửa mình thì phải cẩn thận ở trong lòng, run sợ như giẫm trên băng mỏng. Yên dân thì phải yêu mến người dưới, hãi hùng như cưỡi nắm phải dây cương mục”. Đó là những lời trong Bàn về nguồn gốc hưng vong, trị loạn của thiên hạ, để khẳng định rằng hưng thịnh hay suy vong, thịnh trị hay loạn lạc đều bắt nguồn ở chỗ có thấm nhuần và quán triệt tư tưởng thân dân, khoan dân, yên dân hay không? VàTrần Quốc Tuấn cũng tổng kết: “Làm thế nào thu hút được binh lính như cha con một nhà... Khoan sức cho dân để làm cái kế sâu gốc, bền rễ. Đó là thượng sách giữ nước, không có gì hơn”. Quả là những di huấn không những có ý nghĩa thời sự nóng hổi trước mắt, mà còn như một chân lý vĩnh cửu sẽ mãi mãi đồng hành cùng vận mệnh của dân tộc chúng ta. Một kho báu như thế trong lịch sử văn hóa dân tộc mà có lúc bị lãng quên! Trong lúc lãng quên, mà hô to “phải giữ gìn”, thì còn giữ gìn được gì? Tất nhiên chỉ có thể giữ gìn những cái vốn có. Nhưng cần phải luôn luôn có ý thức phân biệt “cái vốn có” trong lịch sử với “cái thực có” trong thế hệ trước mắt. Nếu cái vốn có đó bây giờ lại vắng bóng làm cho xã hội thoái hóa, thì phải ra sức khôi phục phát huy trở lại để mở đường cho lịch sử tiếp tục tiến lên, và đó chính là dạng phát triển “hồi tính”.

altTrái lại có những cái trong truyền thống đúng là hay thật, nay bỗng không hợp thời, trở thành chướng ngại, đành phải cắt bỏ nó đi, mới tiến lên được, và đó là sự phát triển “nghịch tính”. Điều này không có gì lạ, nếu hiểu được phép biện chứng của lịch sử phát triển. Trong Tuyên ngôn Cộng sản, sau khi nêu bật tính chất tiến bộ của chủ nghĩa xã hội không tưởng so với các loại chủ nghĩa xã hội khác, Mác, Anghen liền chỉ ra tác dụng của nó sẽ “tỷ lệ nghịch với lịch sử phát triển... một khi cuộc đấu tranh giai cấp càng phát triển và càng có hình thức xác định”. Lênin đã vận dụng quy luật này trong việc đánh giá học thuyết (chứ không phải toàn bộ tác phẩm) của L.Tolstoi: “Hai mươi lăm năm trước đây... những thành phần phê phán trong học thuyết L.Tolstoi có lúc trên thực tế vẫn còn có thể đem lại bổ ích cho một số giai tầng nào đó trong nhân dân. Nhưng mười năm trở lại đây, thì không thể còn như thế nữa... Trong thời đại chúng ta ngày nay, bất cứ mưu toan nào muốn lý tưởng hóa học thuyết của L. Tolstoi đều là nguy hại một cách trực tiếp và trầm trọng nhất” (L. Tolstoi và thời đại của ông). Lê Duẩn cũng khẳng định chân lý này qua một trường hợp cụ thể trongnền văn hóa của ta: “Như vở chèo Lưu Bình - Dương Lễ: cho vợ đi nuôi bạn thay chồng. Đó là cái hay của trước kia, bây giờ có phải như vậy là hay không? Bây giờ chắc không ai muốn làm như thế cả, vì như thế là tàn nhẫn với phụ nữ”(Về văn hóa, văn nghệ, Văn hóa, H. 1976, tr. 123). Có khi còn gây họa cho cả đàn ông, xin được bổ sung như vậy! Đến cái hay mà có khi cũng phải cắt bỏ đi, xót đau thật. Nhưng từ Mác đến Anghen, từ Lênin đến Lê Duẩn đều có di huấn như thế. Quả đã đến lúc phải nghiền ngẫm thật kỹ lời dạy này, mới thật sự tiến lên được.

Phát triển “dương tính” và phát triển “âm tính” hay là vấn đề “tự phê phán dân tộc”.

Phát triển “dương tính” là bồi đắp nâng cao thêm cái hay vốn có. Thí dụ một đặc điểm trong văn hóa Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước gắn chặt với lòng thương dân, bởi vì “dân là dân nước, nước là nước dân”. Đến thời đại Hồ Chí Minh đã phát triển thành sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội. Sự phát triển “dương tính” như thế này là vô cùng quý báu và giữ vai trò chủ đạo. Những giá trị mới mẻ của thời đại như dân chủ bình đẳng, công khai minh bạch.v.v... đã bồi đắp thêm rất nhiều cho văn hóa nước nhà. Điều này bất tất phải dài lời, ai nấy cũng thừa biết, nhưng có chịu quán triệt hay không, thì lại vấn đề rất bức xúc hiên nay, nhưng chỉ có thể bàn luận trong phạm vi khác. Tuy nhiên cần lưu ý thêm rằng nếu tự lực cánh sinh, đôc lập sáng tạo ra giá trị mới mẻ thì quý hóa quá rồi, nhưng ngày nay chúng ta đang mở cửa giao lưu hội nhập, muốn làm bạn với tất cả các nước, hiển nhiên không bao giờ quên phải lấy cái tinh hoa văn hóa vốn có của dân tộc mình để đề kháng với không biết bao nhiêu cái dở từ bên ngoài đang ào ạt tràn vào. Nhưng về mặt này “nguy cơ” đã đành là không nhỏ, nhưng “thời cơ” vẫn lớn hơn! Bởi vì đây cũng chính là lúc không phải chỉ biết giữ gìn bản sắc, mà phải thật sự cởi lòng, ra sức hấp thu không biết bao nhiêu là tinh hoa cực kỳ phong phú khắp nơi trên thế giới để tha hồ bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay. 

Cuối cùng chúng tôi muốn dành thời gian cho sự phát triển “âm tính”, tức là vấn đề “Tự phê phán dân tộc” cực kỳ quan trọng, nhưng dường như chưa có được sự nhận thức cần thiết. Dân tộc nào bên cạnh mặt mạnh, cái hay, cũng có mặt yếu, cái dở, tiếp tục gây tác hại. Vạch trần và gột sạch được chúng làm trong sáng bản sắc văn hóa dân tộc, đó cũng là một cách phát triển, tức là phát triển “âm tính” - trừ bỏ được “bệnh tật” để mạnh mẽ vươn lên, tại sao không phải là một trạng thái đang phát triển?

Nhưng trước hết phải giải thích tại sao cái dở, cái xấu, cái tiêu cực lại có thể lan ra pham vi của dân tộc, dù là chỉ mới giải thích theo quan điểm giai cấp. Tất nhiên loại quan điểm giai cấp siêu hình, cô lập và tĩnh tại, mà thực chất là một loại chủ nghĩa thành phần giáo điều và dung tục sẽ cho rằng những giai cấp này tốt, những giai cấp này xấu, chứ không thể có cái xấu lan ra phạm vi dân tộc. Nếu thế thì về mặt lô-gic cũng buộc phải thừa nhận rằng chỉ có những giai cấp tốt chứ không thể có cái tốt chung của cả dân tộc(mặc dù tỉ lệ có thể khác nhau giữa các giai cấp). Nhưng sự thực không phải như vậy, mà cũng chỉ cần luận chứng giản dị thế này thôi. Dù là giai cấp tiến bộ và cách mạng hay giai cấp lạc hậu và phản động cũng đều là những thực thể, mà đã là thực thể thì khi nào cũng kèm theo phạm vi tác động của nó, từ đó sẽ nãy sinh ra cái tốt lẫn cái xấu trong phạm vi toàn xã hội. Cách phân tích này sẽ được củng cố thêm bằng quan điểm giai cấp chân chính (biện chứng, liên đới và chuyển hóa)của chủ nghĩa Mác-Lênin được thể hiện qua các tác phẩmTuyên ngôn Đảng Cộng sản, Hệ tư tưởng Đức, Chống Duyring. v. v. . Ở đây chỉ xin dẫn chứng thêm sự phân tích cuả các vị riêng về mặt tiêu cực của dân tộc. Do những điều kiện lịch sử xã hội đặc thù, một căn bệnh vôn phát sinh từ một giai cấp lạc hậu đã lan tràn ra hầu như đến quy mô toàn dân, với những tàn dư dai dẳng. Trong Thư gửi cho Paul Ecnest, Engels viết:

“Ở Đức, tầng lớp tiểu tư sản là kết quả của một cuộc cách mạng không thành, kết quả của một quá trình phát triển gián đoạn và bị kìm hảm, do cuộc chiến tranh Ba mươi năm và thời kỳ tiếp theo, cho nên tầng lớp này đã có một tính cách tiêu biểu của nó và được thể hiện rất rõ nét. Đó là tính hèn nhát, tính hạn chế, bất lực và không có chút năng lực chủ động nào, trong khi hầu hết các dân tộc lớn khác trong thời gian ấy đều trải qua quá trình hưng thịnh nhanh chóng. Tính cách này đã được tầng lớp tiểu tư sản Đức giữ mãi về sau, khi mà nước Đức lại một lần nữa bị cuốn vào dòng thác của quá trình phát triển lịch sử. Tính cách này ăn sâu đến mức đủ để có ảnh hưởng ít nhiều đến các tầng lớp xã hội khác ở Đức, tạo thành một kiểu người Đức nói chung”(Mác, Anghen, Lênin về văn học nghệ thuật, Sự thật, H. 1977, tr. 168)

Mặt tiêu cực của một dân tộc còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nữa. Cho nên kh«ng ph¶i ngÉu nhiªn mµ c¸c l·nh tô vµ c¸c nhµ v¨n hãa lín cña c¸ch m¹ng ®Òu rÊt biÕt tù phª ph¸n d©n téc. Khẳng định thói”philistin” ngự trị từ trên ngai vàng đến túp lều của anh thợ giày, Anghen còn nói: “Hégel là người Đức và là—cũng giống như Goethe, người cùng thời với ông—một anh chàng philistin đích thực. Goethe cũng như Hégel, mỗi người trong lĩnh vực của mình đều thực sự là những vị thần Giupite trên đỉnh núi Olympe, song cả hai đều không bao giờ có thể hoàn toàn trút bỏ đầu óc philistin Đức”(L. Feurbach).

Oblomov là nhân vật địa chủ trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga Gonsarov, nhưng Lênin lại thấy đó là “điển hình... về cuộc sống Nga”. Bởi vì do những điều kiện lịch sử lạc hậu và trì trệ của xã hội Nga, sự lười nhác và mơ mộng vớ vẩn của nhân vật địa chủ này đã thâm ngấm khá phổ biến trong nhiều tầng lớp nhân dân Nga. Và nếu ý thức tiên tiến hướng trước thời đại, thì tư tưởng lề thói lạc hậu lại kéo dài lịch sử bởi những tàn dư của nó. Chính vì những lẽ trên mà sau Cách mạng Lênin vẫn thấy bóng dáng của địa chủ Oblomov không những ở nông dân, mà cả ở công nhân, trí thức, thậm chí ở cả đảng viên Cộng sản, và viết tiếp: “Chỉ cần chúng ta ngắm lẫn nhau, xem chúng ta ngồi thế nào, làm việc thế nào trong những Ủy ban, thì chúng ta thấy ngay lão Oblomov vẫn còn đó, phải gột rửa lão, kỳ cọ lão, lay tĩnh lão... “ (Lênin bàn về văn học nghệ thuật, Văn học nghệ thuật quốc gia, M. 1960, tr. 479). Còn về phép thắng lợi tinh thần của người Trung quốc, tức chủ nghĩa A. Q, thì đại văn hào cách mạng Lỗ Tấn nói: “Thiên AQ chính truyện đại để là muốn bộc lộ nhược điểm của quốc dân”(Lỗ Tấn toàn tập, tập V, Văn học nhân dân, Bắc kinh 1958, tr. 114).

 Dù muốn hay không, trở lên vẫn là những sự thực rõ ràng trong xã hội và trong văn hóa văn học. Vấn đề là ở thái độ đối với sự thực đó. Lợi dụng sự thực đó để miệt thị, phỉ báng dân tộc, là phản động. Nhưng che đậy sự thực đó, thì tác hại sẽ kéo dài. Chỉ có lên án mặt tiêu cực đó với mục đích làm trong sáng phẩm chất dân tộc mình và góp phần thúc đẩy nó phát triển lên, mới thực sự là người cách mạng. Một con người phải biết tự phê bình, một tổ chức phải biết tự chỉ trích, thì về phương diện dân tộc cũng không lệ ngoại. Trong tác phẩmGóp phần phê phán triết học pháp quyền của Hégel, Mác có nói đến cái “ảo tưởng và chịu khuất phục “của người Đức và chủ trương:

“Phải làm cho họ cảm thấy bị áp bức hơn là họ bị áp bức trong thực tế bằng cách gây cho họ ý thức về sự áp bức, và phải làm cho họ cảm thấy nhục nhã hơn là họ đang bị nhục nhã bằng cách nêu sự nhục nhã đó ra trước công chúng. Cần phải trình bày mỗi giới của xã hội Đức là một partie honteuse (cái phần nhục nhã—P. L) của xã hội Đức, và cần bắt cái chế độ khủng khiếp đó phải nghe chính khúc nhạc của mình mà nhảy múa lên. Cần phải tập cho nhân dân Đức biết khủng khiếp đối với bản thân để đem lại can đảm cho họ”(Mác, Anghen về văn học nghệ thuật, Sự thật, H. 1958, tr. 347).

Lênin, sau khi vạch trần thói Oblomov nói trên, đã viết tiếp: “Về điểm này, chúng ta không được có bất cứ ảo tưởng nào khi xem xét tình hình của chúng ta. Chúng ta không bắt chước được những kẻ viết hoa từ Cách mạng như bọn xã hội chủ nghĩa cách mạng. Nhưng chúng ta có thể nhắc lại lời nói của Mác rằng trong thời cách mạng không phải là có ít hơn những điều ngu xuẩn, mà đôi khi lại còn nhiều hơn. Phải nhìn thẳng vào những điều ngu xuẩn đó một cách tỉnh táo mà không hề kinh hải. Chúng ta những người cách mạng phải học cho được điều đó” (Lênin về văn hóa văn học, Văn học, H. 1977, tr. 32). Đó là những lời Người viết sau Cách mạng, nhưng ngay năm 1914, trong bàiVề lòng tự hào dân tộc của dân Đại Nga, Người đã tiếp cận tính cần thiết của vấn đề tự phê phán dân tộc như sau:

“Chúng ta còn nhớ trước đây nửa thế kỷ, nhà dân chủ Đại Nga Sernysevsky, người cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, đã từng nói: Dân tộc khốn khổ, dân tộc nô lệ, từ trên xuống dưới—tất cả đều là nô lệ. Dù là nô lệ công khai hay giấu mặt, thì những người nô lệ Đại Nga... cũng không thích nhắc lại những lời nói ấy. Nhưng theo chúng tôi, đó là những lời nói chứng tỏ tình yêu chân chính đối với Tổ quốc, tình yêu lo âu trước tình trạng thiếu tinh thần cách mạng trong quần chúng nhân dân Đại Nga”. (Lênin về văn hóa văn học, Sđd, tr. 165).

Nói chung, khi bước sang xã hội hiện đại, các dân tộc đều phải trải qua một quá trình tự phê phán như vây. Nhất là chúng ta luôn tuyên bố kiên trì theo chủ nghĩa Mác Lênin, vậy thì đối với tư tưởng tự phê phán dân tộc này của các tác gia kinh điển, đã được nghiên cứu nghiêm túc để toàn tâm toàn ý quán triệt đến đâu?

   GS. TSKH Phương Lựu
alt