Nguyễn Trường Tộ Bài học về thái độ sống của người trí thức

Thứ sáu, 24 Tháng 9 2010 10:56
In

Có thể nói Nguyễn Trường Tộ là người trí thức tân học đầu tiên ở nước ta, có những khác biệt về chất so với những bậc sỹ phu tiền bối Nho học từ xưa đến thời bấy giờ. Cũng mang tấm lòng ưu thời mẫn thế, yêu nước thương dân như những trí thức khác trên những khúc quanh của lịch sử,nhưng Nguyễn tiên sinh lại có một tư tưởng hoàn toàn mới mẻ, một thái độ sống tích cực và đầy ý thức trách nhiệm đối với dân tộc. Mặc dù những ý tưởng cải cách của ông không được sử dụng và bản thân Nuyễn Trường Tộcũng không có một vai trò gì trong triều đình, ông vẫn là một nhân cách trí thức lớn, đáng để người đời suy ngẫm và học tập.

Chân dung ông Nguyễn Trường TộCuộc đời Nguyễn Trường Tộ khá ngắn ngủi, ông mất khi chưa đầy 41 tuổi nhưng đã tích lũy được một khối lượng kiến thức khổng lồ so với những người cùng thời. Ông thông thạo Hán văn, Pháp văn, tiếng Latin, thông hiểu kiến trúc,xây dựng, thiên văn, địa lý, cơ khí, quang học... hiểu biết uyên bác về chính trị, quân sự, ngoại giao...Tầm nhìn xa và chiều cao trí thức của ông từng được đánh giá ngang những cải cách lớn của nước Nhật. Ông đánh giá tình hình nước ta và thế giới một cách khách quan và khoa học, từ đó đề xuất một cuộc canh tân toàn diện khả dĩ làm cho dân giàu nước mạnh. So với sỹ phu thời đó còn chìm trong lối học từ chương, khoa bảng thì Nguyễn Trường Tộ đã vượt hơn học hẳn một thế hệ.

Nguyễn Trường Tộ suốt đời học tâp,không môn nào mà tôi không để ý đến, cái cao cả của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn chính trị, thuật số...”(Di thảo số 3) nhưng điều quan trọng hơn là Nguyễn Trường Tộ đã có một phương pháp tư duy hoàn toàn mới so với những trí thức cùng thời. Ông uyên thâm Hán học,Nho học nhưng không bị lệ thuộc vào định chuẩn trong nền văn hóa đã tồn tại ngàn năm mà đề xuất một lối học có ích cho cuộc sống hiện tại. Phương pháp tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ là luôn gắn lý thuyết với thực tế. “Mấy chục năm nay tôi bôn tẩu trong thiên hạ, thu thập những tình thế biên thiên xưa nay, đem những điều đọc trong sách nghiệm ra việc đời...”(Di thảo số 30) Nguyễn Trường Tộ chưa tiếp xúc với học thuyết Mác nhưng phương pháp tư tưởng nói trên rõ ràng phù hợp với nguyên lý “từ tư duy trừu tượng đến thực tế sinh động” của ngày nay.

Toàn bộ cuộc đời Nguyễn Trường Tộ và những di thảo để lại của tiên sinh là những minh chứng cao cả về một tấm lòng yêu nước và trách nhiệm công dân của người trí thức trước vận mệnh của dân tộc. Tất cả những ý tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ đều nhằm cho dân giàu,nước mạnh. Chủ trương tạm hòa với Pháp là dựa trên sự phân tích khoa học về thời đại và cũng là của một tầm nhìn thời đại. “Sự thể hiện nay chỉ có hòa. Hòa thì trên không cưỡng lại ý trời, dưới thì làm cho dân khỏi khổ, chấm dứt sự dòm ngó của kẻ gian nghịch, ngăn chặn được sự tranh giành của ngoại bang” (Thiên hạ đại thế luận, di thảo số 3).

Điều quý báu mà người đời sau ghi nhận ở Nguyễn Trường Tộ là tinh thần trách nhiệm sâu sắc của ông đối với dân tộc. Nguyễn Trường Tộ không có địa vị gì trong Triều đình Huế, là người công giáo nên chịu nhiều hiềm khích nghi kỵ, bệnh tật phải nằm ngửa mà viết, vậy mà tiên sinh canh cánh ấp ủ bên lòng những dự định lớn lao nhằm canh tân đất nước. Quan niệm của ông là “biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hất là bất nghĩa”(Di thảo số 1).Cội nguồn của ý thức trách nhiệmvà dũng khí sống ấy chính là lòng ái quốc. “Thật không nỡ lòng nào thấy đất nước bị chia cắt, trăm họ bị lìa tan, cho nên không nghĩ mình ở địa vị thấp hèn, dám cả gan nói ra”. Dẫu nhiều lần không được sử dụng, ông vẫn không nản chí, vẫn không ngừng gửi lên Triều đình những bản kiến nghị cải cách để đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu.

Chính  nhờ có tư tưởng tiến bộ, nhiệt tình đối với xã hội và trách nhiệm lớn lao đối với đất nước mà Nguyễn Trường Tộ hầu như là người duy nhất nhìn thấy vấn đề canh tân đất nước toàn diện thực sự là một nhu cầu bức thiết có tính quy luật của nước ta lúc bấy giờ. Những đề xuất cải cách của Nguyễn Trường Tộ thực sự là của một trí tuệ siêu việt vượt qua thời đại rất xa và có giá trị đến ngày nay, ví dụ như “nên mở cửa chứ không nên khép kín”. Ý thức phê phán xã hội ở Nguyễn Trường Tộ không chỉ dừng lại ở nhận thức mà rất cần thiết cho thực tiễn. Những nhận định của Nguyễn Trường Tộ về hợp tác quốc tế(Di thảo số 35,36,41,52), về cải cách giáo dục (Di thảo 18) vẫn còn tính thời sự trong nước ta hiện nay.

Rõ ràng tầm trí thức và tầm tư duy của Nguyễn Trường Tộ vượt trước người đương thời hàng trăm năm. Ông là tấm gương lớn của một trí thức đầy tài năng và tâm huyết, đầy ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước. Dẫu cho không được triều đình tin dùng, dẫu cho những bản điều trần canh tân đất nước cuối cùng không được thực hiện, Nguyễn Trường Tộ vẫn là một tài năng không bị thời gian làm phai mờ. Nguyễn Trường Tộ là một bi kịch, bi kịch giữa trí thức và xã hội, số phận ông cũng giống như số phận bao nhiêu nhà canh tân trong lịch sử./.

Phạm Thị Ly

alt