Thân phận người phụ nữ trong chèo cổ

Thứ năm, 11 Tháng 3 2010 09:21
In
Người phụ nữ Việt Nam từ xưa tới nay luôn tiêu biểu cho những đức tính tốt đẹp của dân tộc đó là: giỏi việc nước, đảm việc nhà, khéo chiều chồng, giỏi chăm sóc con và có đủ tứ đức “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Bởi vậy, hình ảnh của họ đã được miêu tả rõ nét qua nhiều tác phẩm nghệ thuật ở các thể loại như: thơ ca, hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu .v.v… đặc biệt là trong nghệ thuật Chèo.

Có thể nói, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa với nhiều cung bậc tình cảm và tính cách đã được thể hiện rõ nét qua các nhân vật nữ trong nghệ thuật Chèo truyền thống qua đó giúp khán giả có thể hiểu được phần nào số phận cũng như những khát khao, mong ước của họ về cuộc sống trong xã hội phong kiến xưa. Để cung cấp cho độc giả thêm nhiều thông tin về chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với NSƯT Minh Thu, người được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật chèo, có nhiều năm hoạt động và thành công trong biểu diễn Chèo.

NSUT-Minh-Thu-2PV: Chào NSƯT Minh Thu, Chị có thể cho biết một số vai nữ tiêu biểu trong nghệ thuật chèo truyền thống?

Minh Thu (MT): Nghệ thuật chèo có nhiều vai diễn khác nhau trong đó có các vai nữ. Có bốn loại vai nữ đặc trưng và tiêu biểu, thứ nhất là vai Nữ Chín (gọi là Đào Thương); thứ nhì là vai Nữ Lệch (gọi là vai Đào Lệch); thứ ba là vai Nữ Pha (gọi là Đào Pha). Sở dĩ gọi là Đào Pha là vì vai này có 2 tâm trạng, tính cách cùng tồn tại trong một nhân vật, lúc thì chín chắn của vai Nữ Chín, lúc thì mang tính chất phá phách của vai Đào Lệch nên gọi là Đào Pha và vai thứ tư là vai Mụ. Đó là bốn loại vai nữ tiêu biểu trong nghê thụât chèo.

PV: Chị có thể cho bạn đọc biết sâu hơn về các vai nữ này?

MT: Trước tiên, tôi muốn nói sâu hơn một chút về vai Nữ Chín. Đúng như các cụ ta ngày xưa thường nói về người phụ nữ Việt Nam có đủ tứ đức “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” và luôn nhẫn nhịn thờ chồng, nuôi con. Vai Nữ Chín trong chèo cũng vậy, điển hình là vai Thị Kính. Tất cả đức hạnh, sự nhẫn nhịn, chịu đựng, cam phận đều để hy sinh cho chồng, cho con. Người ta vẫn thường nói: “Oan như oan Thị Kính” mà vẫn không một lời than thở. Nhiều khán giả khi xem chèo, bức xúc hộ cho nhân vật mà nói rằng: “Sao mình không nói trắng ra mình là phụ nữ để cho cô Thị Mầu kia khỏi đổ oan và tại sao lại phải nhẫn nhịn như thế?”. Cái cốt lõi của vấn đề ở đây chính là người phụ nữ Việt Nam xưa luôn luôn cam chịu, nhẫn nhịn, nhẫn để mà được, nhẫn để yêu thương, nhẫn để tìm đường lo toan, nhẫn để vẹn toàn, nhẫn để cho tất cả mọi sự việc, mọi người đều được tốt đẹp, không làm khổ, liên lụy đến ai. Tôi nghĩ rằng nhân vật Thị Kính là một trong những nhân vật điển hình cho sự cam chịu, nhẫn nhịn và đức hy sinh cao quý của người phụ nữ Việt Nam.

Khác với nhân vật “Thị Kính”, cô “Thị Mầu”(vai nữ Lệch) lại biểu hiện cho một phẩm chất khác của người phụ nữ Việt Nam đó là: khát khao yêu đương. Đây là cái quyền cơ bản của người phụ nữ nói riêng và con người nói chung khi lớn lên phải được tự do tìm hiểu, yêu đương và phải lấy người mình yêu. Trong chế độ phong kiến hà khắc xưa, người phụ nữ phải tuân theo “Tam tòng” hay cha mẹ đặt đâu, con phải ngồi đấy chứ không được lựa chọn tình yêu và hạnh phúc của riêng mình. Chính vì thế mà cô Thị Mầu trong chèo lại là một tấm gương điển hình về sự phá phách, chống lại những trói buộc của chế độ phong kiến hà khắc, khát khao hướng tới hạnh phúc của người phụ nữ thời bấy giờ.

Còn với Xuý Vân không phải vai Nữ Lệch hay Nữ Chín mà là vai Đào Pha. Bởi vì, từ ban đầu khi ở trong gia đình Kim Nham, Xuý Vân là cô gái thuần tuý như Thị Kính, cũng nhẫn nhịn chăm lo cho chồng, phục vụ chồng ăn học chu đáo để anh ta đi thi và thành đạt. Nhưng khi thành đạt anh ta lại phụ bạc người phụ nữ ở thôn quê. Hơn nữa, mẹ chồng thì hà khắc, đè nén con dâu hết sức tàn nhẫn coi như “một con sâu, cái kiến” trong nhà, không bằng người ở. Xuý Vân cũng như những người phụ nữ bình dị khác chỉ đòi hỏi quyền yêu và được yêu. Thế nhưng chàng Kim Nham lại phụ bạc và tìm mọi cách để ruồng rẫy, đuổi khéo Xuý Vân ra khỏi nhà. Vì thế, Xuý Vân buộc phải trở thành người phụ nữ mạnh mẽ, không còn là người phụ nữ nhẫn nhịn, thuần tuý mà cô phá phách để quyết tâm “phá cũi sổ lồng”. Sau khi lấy vợ hai cho chồng Xuý Vân kiên quyết bắt Kim Nham phải ký vào tờ đơn để cô được giải thoát và đi theo tiếng gọi của trái tim mình. Xuý Vân gặp Trần Phương ở trên chùa, anh ta đánh trúng tâm lý của người phụ nữ đang bị ruồng bỏ, buồn nản, “tôi với cô cùng hoàn cảnh” cho nên Xuý Vân tưởng nhầm, thật thà, cả tin cuối cùng bị lừa. Đó chính là lý do, cô trở thành một người điên, lúc thì điên thật và lúc thì giả điên để quyết bắt gia đình Kim Nham phải cho mình “sổ lồng phá cũi”.

Còn một thể loại vai nữ nữa trong chèo, đó là vai Mụ. Các vai Mụ có tính cách rất rõ nét, thường thì nanh nọc và độc ác như vai bà Sùng mẹ của Thiện Sỹ hay như vai mẹ của Kim Nham - Mụ Kim; vai Mụ Quán - một con mụ bán hoa, chuyên dắt bướm, tìm hoa, ăn tiền lời. Các vai Mụ trong chèo đều là các nhân vật ác độc, trưởng giả học làm sang, có một chút tiền cho con đi ăn học thành đạt, rồi trở thành người mẹ học đòi sang trọng, nhìn người bằng nửa con mắt, đối với người hèn kém hơn mình thì khinh rẻ… Đó là bốn thể loại vai diễn chính trong chèo đối với nữ.

PV: Chị thường đóng những vai nào trong các vai nữ này?

MT: Minh Thu nghĩ rằng đã là diễn viên thì mình đã được học tất cả những cái kỹ thuật của các vai diễn, các nét cơ bản của một vai Đào Chín; Đào lệch; Đào Pha; vai Mụ... Nhưng sở trường và lợi thế của tôi thường diễn vai Đào Thương (Đào Chín). Vai thành công nhất của tôi là vai Thị Kính và một vài vai nữ có chút hờn ghen, mà là ghen Chín như vai Đào Huế…. Mặc dù vậy, đôi khi tôi cũng muốn thể hiện một chút vào các vai khác như vai Nữ Lệch hay vai Mụ cũng tạo được ấn tượng với và rất thành công.

Xin cảm ơn NSƯT Minh Thu./.

Nguyễn Quang Vinh thực hiện

Ngay-nay