Theo các cánh quân thần tốc

Thứ hai, 12 Tháng 4 2010 09:37
In
Trưa 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, hơn 20 phóng viên báo Quân đội dân nhân đã có mặt ở Sài Gòn. Tại Dinh Độc Lập, sau khoảnh khắc chứng kiến Tổng thống Dương Văn Minh và nội các ngụy tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đại tá nhà văn Nguyễn Trần Thiết - khi đó là phóng viên phòng biên tập quân sự đã viết ngay bài tường thuật: “Sài Gòn những giờ phút lịch sử”, điện nhanh về Hà Nội… Cho đến bây giờ, những kỷ niệm, niềm hạnh phúc được theo 5 cánh quân từ 5 hướng thần tốc về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, vẫn nóng hổi trong lòng các nhà báo.

xetangddltr0

Đòn hiểm Buôn Ma Thuật thắng lợi, quân ngụy ùn ùn đổ xuống đường 7 rút chạy. Tất nhiên phải chặn chân chúng lại, song bộ đội ta có đuổi kịp không, ấy là nỗi lo chung ở sở chỉ huy mặt trận Tây Nguyên. Chính vì thế mà khi nghe tin một chiến sĩ của đại đội 9 - Nguyễn Vi Hợi, đã nổ tiếng súng đầu tiên trước đội hình tháo chạy của địch, ai nấy đều mừng rỡ. Tôi tìm gặp Hợi ngay và hỏi:

- Làm thế nào mà đồng chí đến Cheo Reo nhanh vậy?

- Chúng em chạy tắt rừng ạ - Hợi trả lời - Địch chạy bằng ô tô, xe tăng nhưng chúng đang hoảng loạn, đường hẹp, lại nhiều cầu hỏng, chỉ va nhau đã đủ ùn tắc. Còn chúng em ba lô, dép lốp, bi đông nước và mấy bánh lương khô, có lệnh là xuất phát được ngay. Đi đêm, đường nhiều rào gai và đá tai mèo, anh em vẫn không nghỉ, bảo nhau rút quai dép cao su đốt làm đuốc soi đường. 16 giờ ngày 17-3, chúng em chặn đầu được bọn địch. Chẳng kịp đào công sự, em nhằm vào chiếc xe đầu tiên nổ một phát B40. Chiếc xe bốc cháy, cả đám tàn quân địch dúi dụi vào nhau. Vừa lúc đó, quân ta ở phía sau cũng kịp đến…

Chọc thẳng vào yết hầu địch

Tôi được đi với sư đoàn 325 của Quân đoàn 2. Từ lúc bước vào chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, bộ đội ta chuyển sang cách đánh mới: tiến công hành tiến, tràn qua các cứ điểm bên vành đai, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não và các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Ngày 20-3-1975, tướng ngụy Ngô Quang Tưởng còn la hét: “Sẽ tử thủ trên đường phố Huế” thì chỉ một ngày sau, đã kéo quân chạy bán sống bán chết ra cửa biển Thuận An, Tư Hiền, khi các tuyến phòng thủ của địch bị ta đập tan. Chiều 28-3, xe chúng tôi lướt nhanh qua Huế giải phóng, qua đám tù binh ngụy với đủ sắc lính “cọp biển”, “mũ nồi xanh” đang ngơ ngác nhìn cờ đỏ bay trên Phu Văn Lâu, nhìn xe tăng, ô tô và bộ binh ta đi rầm rập trên đường. Chúng tôi ra cửa biển Thuận An, Tư Hiền, nơi đây như một bãi tha ma đầy những xe tăng, xe lội nước, xe kéo pháo, những đống súng ống, quần áo, mũ mãng quân ngụy trút ra khi tháo chạy. Ngay đêm 28-3 ấy, sư đoàn 325 đánh chiếm Lăng Cô, vượt đèo Hải Vân, thốc vào Liên Chiểu, phối hợp với các hướng, tiến công vào thành phố Đà Nẵng, căn cứ hải lục không quân lớn nhất của địch.

Cẩn thận, có cá sấu…

Đại tá Thiều Quang Biên (phóng viên phòng biên tập kinh tế nội chính) kể:

Cũng thần tốc, nhưng cánh quân tiến về Sài Gòn từ hướng Tây Nam mà tôi được theo, lại phải hành quân đêm, và không được ồn ã vì đường xuyên giữa những đốm “da báo”, nhiều đồn bốt bảo an và thám báo địch. Đêm 15-4-1975, tôi theo cơ quan tham mưu Quân khu 9 vượt một con sông ở Long An. Một chiến sĩ ghé tai tôi nói nhỏ: “Đây là sông Vàm Cỏ, có cá sấu, anh Hai phải bơi đứng như đi trên cạn, cá sấu sẽ không lao tới”. Tôi răm rắp làm theo nhưng bơi đứng không quen, chân phải đạp liên tục, lên tới bờ thì tôi mệt nhoài, khụyu xuống. Bấy giờ, anh chiến sĩ lại đến bên thì thầm: “Xin lỗi anh Hai, vì sợ anh bơi không khéo, chân đạp tùm lum thì lộ mất, nên em mới nói vậy, chứ đây không phải sông Vàm Cỏ, là rạch Ông Đình đấy, không có cá sấu đâu”.

“Con có biết thằng Tư Hiền nhà má không?”

Đà Lạt giải phóng, chúng tôi xin phép các đồng chí chỉ huy cánh quân phía đông vào thăm thành phố trước khi theo đơn vị tiến về Sài Gòn. Vừa vào tới nơi, hàng ngàn người vây lấy chúng tôi hô vang: “Quân giải phóng đã về! Bộ đội chủ lực đã về, bà con ơi!…”. Mấy anh em bị vòng người xô đẩy, chẳng biết thế nào mà tôi lại bị “bật” lên chiếc xe của các sinh viên Viện Đại học Đà Lạt. Chiếc xe chạy vòng vèo mấy dãy phố, rồi dừng ở sân chùa Linh Sơn, nơi đồng bào còn tụ tập đông hơn. Một cậu đeo kính trắng kéo tôi đến giữa sân chùa, nói to: “Cô bác ơi, sướng quá! Quân giải phóng đây rồi. Anh giải phóng sẽ nói mấy lời với cô bác…”. Cả ngàn người im phăng phắc. Tôi cũng lặng đi vì quá xúc động và đột ngột. Có tiếng ai đó giục: “Kìa, nói đi chú”.

- Thưa bà con cô bác - tôi trấn tĩnh lại - Đà Lạt đã giải phóng. Hôm qua anh em chúng tôi còn ở trong rừng, hôm nay đã ở đây. Nhiều chiến sĩ là con em của các cô, các bác cũng đã về. Đà Lạt đẹp quá! Tôi mới từ Hà Nội vào, chắc lúc này biết tin Đà Lạt giải phóng, biết tin quân ta đang ào ạt tiến về Sài Gòn, Hà Nội cũng vui lắm, vui như bà con chúng ta ở đây.

Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò dậy lên. Một má chợt nắm lấy tay tôi hỏi: “Con có biết thằng Tư Hiền nhà mà không? Nó tập kết ra Hà Nội từ năm 1954 mà…”. Tôi chưa kịp trả lời má, thì tốp sinh viên lại kéo tôi lên xe, đi tiếp…

“Chú cho bộ đội ngủ nhờ với”

 Nhà văn Cao Tiến Lê (năm 1975 là phóng viên phòng biên tập Văn nghệ) kể:

Tôi được cử đi theo mũi tiến công của trung đoàn 3, sư đoàn 5, vượt Đồng Tháp Mười, để cắt đứt đường số 4 - đoạn từ Bến Lức về Tân An, không cho địch từ Sài Gòn rút về các tính phía Nam và ngược lại. Đêm ấy, đi gần hết một vùng đầm lầy, thì chỉ huy đơn vị cho bộ đội tạm nghỉ lấy sức rồi sẽ đi tiếp. Tôi tìm đến một vuông vườn, thấy giữa có sân khô ráo, có trải tấm ni lông xanh và treo màn, múi màn được dém chặt vào mép ni lông. Nghe tiếng thở to, mạnh, tôi đoán là đàn ông, nên đập tay vào màn gọi: “Chú! Chú cho bộ đội ngủ nhờ với”. Không có tiếng trả lời, tôi gọi lần thứ hai, rồi thứ ba, mới nghe trong màn phát ra tiếng “ịc, ịc, ủn ỉn”. Tôi nhìn kỹ, hoá ra một con lợn đang đứng dậy trong màn.

Hỏi ra mới hay, Đồng Tháp Mười rất nhiều muỗi, nên lợn phải ngủ màn, và trâu cũng ngủ màn nốt.

Gia Khoa (ghi chép)

Ngay-nay