Hoa Ban trong đời sống người Thái Tây Bắc

Thứ sáu, 12 Tháng 3 2010 10:57
In
Tây Bắc - mảnh đất không chỉ giàu bản sắc văn hoá mà còn có chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - quê hương của những rừng Ban trắng muốt trải dài như vô tận. GS.TSKH.Tô Ngọc Thanh từng viết về hoa Ban: “… không nơi nào hoa Ban lại nhiều và trắng trong, trinh bạch như ở Tây Bắc. Hoa Ban đã trở thành biểu tượng của vùng đất ngút ngàn trùng xa này”.

hoa-ban-trangCây Ban là một loại cây thân gỗ, có sức sống mãnh liệt, mọc trên núi cao hay trong khe sâu, hoa có 5 cánh, hình cánh bướm, màu trắng hay màu tím. Hoa nở thành rừng trắng muốt, phủ kín đỉnh đèo, lưng núi, mỗi năm hoa Ban chỉ nở một lần vào mùa xuân và hoa có vị ngọt. Trong tiếng Thái, “Ban” có nghĩa là “ngọt”; “hoa Ban” nghĩa là “hoa ngọt”. Từ lâu, hoa Ban đã gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây, đặc biệt là dân tộc Thái. Hơn thế, hoa Ban đã đi vào kho tàng văn học nghệ thuật tượng trưng cho vẻ đẹp lý tưởng trong tâm hồn và tính cách con người Tây Bắc.

Mùa xuân ở Tây Bắc có một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp lung linh của hoa Ban, của cây rừng thay da đổi áo và vẻ đẹp lấp lánh của mùa vui chơi, hội hè. Trong quan niệm của người Thái, hoa Ban tượng trưng cho ước mơ, hạnh phúc, khát vọng yêu thương. Vì thế, trong đời sống tinh thần của người Thái, hoa Ban có vai trò đặc biệt trong phong tục, tập quán, lễ hội: Hội hái hoa Ban, hội xoè xuân, lễ uống rượu măngcúng bản, cúng mường… Trong những lễ hội này, người Thái thường dùng hoa Ban làm lễ vật dâng cúng để bày tỏ khát vọng sống, khát vọng lứa đôi, tấm lòng biết ơn với tổ tiên. Theo kinh nghiệm dân gian, năm nào hoa nở đều, khắp cả suối, cả đồi, cả rừng là năm ấy trời không mưa dai quá và cũng không nắng gắt quá, báo trước một mùa bội thu. (kin lẩu nó),

Hằng năm, cứ vào dịp tháng hai âm lịch, thời tiết bắt đầu nắng ấm sau những cơn mưa xuân ấm áp, hoa Ban nở trắng núi rừng Tây Bắc, hội hái hoa Ban của người Thái được mở ra cũng là thời kỳ lúa chiêm đang độ gặp mưa xuân xanh mơn mởn trên các cánh đồng lúa nước. Vào ngày hội, từ sáng sớm, khắp các bản làng, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên giục giã. Các bếp nhà sàn lửa đỏ bập bùng. Người ta đồ xôi, luộc gà làm cỗ. Những vò rượu thơm ngon được mang ra đãi khách. Ăn uống no say, mọi người cùng nhau ra rừng để tìm những bông hoa Ban mới nở. Họ trân trọng mang về tặng cha mẹ, tặng người yêu, vì người Thái cho rằng, hoa Ban trinh trắng vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng của tình yêu trai gái xứ Thái.

hoa-ban-doHoa Ban không chỉ mang vẻ đẹp trinh bạch của núi rừng Việt Bắc mà còn đi vào đời sống ẩm thực của người Thái, đặc biệt sự độc đáo, tinh xảo cùng những kinh nghiệm dân gian chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ con người qua ăn uống. Người Thái có nhiều món ăn ngon được chế biến từ hoa Ban, lá Ban non, quả Ban già, người ta chế biến thành những món ăn vừa ngon, vừa bổ như: hoa Ban hầm móng giò, hoa Ban xào thịt lợn rừng, hoa Ban đồ, hoa Ban nộm củ riềng… Những món ăn này vừa tốt cho sức khoẻ vừa có thể chữa trị một số bệnh như: bệnh đường ruột, bệnh gan, giải nhiệt cơ thể. Ngoài ra, lá Ban đun nước đặc bỏ một chút muối vào dùng để rửa vết thương…

Hoa Ban thường xuất hiện trong các trường ca và truyền thuyết dân gian các dân tộc thiểu số Tây Bắc Việt Nam. Trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, tồn tại ba kiểu truyện kể về sự tích hoa Ban; đó là các truyện Pi Khun-Noọng Ban, truyện Cầm Đôi-Hiến Hom và truyện Bun Trai-Bun Nhinh (hay truyện hai Bun). Cách kể và tên nhân vật của các truyện tuy có khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ dùng hoa Ban làm biểu tượng cho sự thủy chung trong tình yêu đôi lứa.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết trong bài thơ Gửi Lai Châu:

Trái tim đập không một ai nhìn thấy

Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu

Hoa Ban nở thành người con gái Thái

Đám mây bay trong thau nước gội đầu

Tình ca Thái có câu:

Trăm năm ngắm Ban nở còn ngắm mãi

Mỗi mùa bạn lại thêm trẻ ra, không già...

Có thể nói, hoa Ban là linh hồn của núi rừng Tây Bắc, nó vừa là một phương tiện hữu hiệu để phản ánh hiện thực, vừa là bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây, giúp cho con người thêm gắn bó với nhau và yêu quê hương đất nước tha thiết hơn. Tô Ngọc Thanh - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nói rằng “ Từ hoa Ban, có thể tàm tạm vạch ra một vùng đất văn hoá Tây Bắc”.

Các nhà quản lý Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) đã có ý tưởng lấy giống hoa Ban trắng từ Điện Biên về trồng tại nơi đây. Sau hơn một năm thử nghiệm, du khách về thăm quê Bác Hồ trong những ngày tháng 5 sẽ được chiêm ngưỡng một trời hoa Ban trắng ngợp cả Khu di tích. Loài hoa được lấy giống từ Điện Biên đã nở lứa hoa đầu tiên đúng vào dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh nhật Bác. Hoa Ban trắng trồng thành công ở Khu di tích Kim Liên khiến nhiều người ví von rằng đang có một Điện Biên thu nhỏ ngay giữa làng Sen quê Bác./.

Phạm Thị Thu Hà

Ngay-nay