Âm dương tướng số

Thứ sáu, 31 Tháng 12 2010 15:12
In

Trong cuộc sống vô thường, người ta có số hay không? Câu hỏi ấy làm tôi băn khoăn từ buổi thiếu thời. Sài Gòn giải phóng xong, tôi lao ngay ra đường Nguyễn Huệ, đắm mình vào một núi sách khổng lồ.

altVới số tiền tiết kiệm từ phụ cấp của lính, không khó gì tôi đã có trong tay một hòm sách: nào Kinh Dịch, nào Tử vi đầu số toàn thư, nào Kim Oanh ký, rồi Trang Tử, Nam hoa kinh, rồi Số phận qua lòng bàn tay... Mày mò tìm hiểu mấy chục năm mới thấy việc tiêu mấy trăm đồng ngày ấy vào mua sách hóa ra lại tuyệt vời. Nhờ có đống sách cũ nát ấy mà tôi thoát khỏi cái cảnh chả lao động gì, ngồi một mình với chén rượu suông, tự cho mình là thiên tài nhưng sinh bất phùng thời rồi chửi tất, chửi thầy, chửi bạn, chửi cả ân nhân. Chửi hằn học đã đành. Lại còn chửi bóng bẩy, hài hước, châm biếm, chửi người khác để khoe mình... Tôi cũng đã mấy lần suýt bay vào cõi lâng lâng ấy. Nhưng cái hòm sách đã kéo tôi lại và chợt nghĩ rằng, mình là ai chứ?

Chu Hảo tiên sinh là một người ham hiểu biết không những trong lĩnh vực khoa học mà cả trong văn học. Từ ngày ông chuyển công tác mới, lũ chúng tôi rất khó gặp ông. Muốn gặp chỉ có cách mời ông đi ăn bánh rán, món mà ông khoái nhất. Sáng hôm ấy nhân tranh luận về sự thành đạt của đời người, Chu tiên sinh mới đọc 2 vế đối của danh nhân Nguyễn Công Trứ và Nghè Tân.

Vế của Nguyễn Công Trứ, “Thật là may, công đăng hỏa có gì đâu. Theo đòi vừa phận lại vừa duyên. Quan trong năm sáu tháng. Quan ngoài tám chín năm. Nào cờ, nào biển, nào mũ, nào đai, nào hèo hoa gươm bạc, nào võng tía dù xanh. Mặt tài tình trong hội kiếm cung. Khắp trời nam bể bắc nức phương danh. Vị thế thử chơi coi đã thỏa.”

Vế đối của cụ Nghè Tân như sau: “Thôi chẳng nghĩ cuộc phong trần chi nữa tá. Ngất ngưởng bán tiên mà bán tục. Hầu gái một đôi cô. Hầu trai năm bảy cậu. Này cờ, này kiệu, này rượu, này thơ, này đàn ngọt hát hay, này chè chuyên chén mẫu. Tay chí khí ngoài vòng cương tỏa. Lấy gió mát trăng thanh làm tri thức. Tuổi đời thêm thắt ấy là hơn.”

Và ông bình luôn, thế mới biết cái “phận và duyên” của bậc quân tử, dù ở “trong hội kiếm cung” hay “ngoài vòng cương tỏa”, lúc nào cũng an nhiên, tự tại, chẳng tục mà cũng chẳng tiên, cứ nhẹ như lông hồng, chẳng có gì quan trọng cả. Đó là cốt cách của Nguyễn Công Trứ, cũng là cốt cách của kẻ sỹ.

Nguyễn Công Trứ ngoài tài kinh bang tế thế và văn chương, ông còn là người xem tướng số rất giỏi. Một lần đi kinh lý ở vùng Tiền Hải, nằm trên võng, ông hỏi ngày tháng năm sinh của anh phu kiệu, thấy ngày tháng năm sinh trùng với mình, ông lạ quá. Một người là quan đại thần, tước hầu, chỉ huy trăm vạn người, một người lại là phu kiệu...lan man dò hỏi mới biết ở nhà người phu kiệu có nuôi đôi mười đõ ong, cũng trăm vạn con. Thế mới biết tử vi tướng số vừa kỳ bí mà cũng vừa...tương đối.

Tôi là người duy vật, theo chủ nghĩa Marx. Bởi vậy, những chuyện gặp ma gọi hồn, nhập đồng... tôi cho là mê tín tất. Như tôi đã kể, có lần vô Nghệ An, tay trưởng ban Văn hóa huyện nộp báo cáo lên tỉnh có đoạn viết : “Về căn bản, huyện nhà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đập phá đình chùa trong chiến dịch chống mê tín dị đoan...” Đến tối chúng tôi ngủ tại nhà ông chủ tịch huyện, họa sỹ L rất sợ ma, cứ đòi nằm giữa. Ông chủ tịch bảo, thế cậu tả mặt mũi con ma rồi gọi nó ra đây cho tôi xem mày ngang mũi dọc nó ra sao? Ấy thế mà chàng họa sỹ tịt và rồi... không sợ ma nữa mới tài chứ. Nhưng càng ngày chính tôi lại càng tin là có thật, nhất là khi  họa sỹ N B T kể cho tôi một loạt chuyện kỳ lạ.

Chuyện thứ nhất: Nhà anh gần chợ Âm phủ. Có lần gặp một bác xích lô chạy bán sống bán chết qua nhà, gạn hỏi, bác ta vừa thở vừa kể. Tôi hay chờ khách ở chợ Mơ, xế chiều là nghỉ. Hôm nay xâm xẩm tối, tôi dọn xe để về thì gặp ngay một bà lão đẫy đà, khăn vấn, áo the, thắt bao tượng, đeo xà tích, xách một cái tay nải, chân đi guốc mộc. Bà nói, bác chở tôi đến chợ Âm phủ nhé, rồi toan lên xe. Tôi bảo, cụ ơi, trời tối rồi, giờ này chợ làm gì còn ai... Cụ bảo, nhưng tôi có việc cần lắm, bác cứ chở tôi đi, hết bao nhiêu tiền tôi cũng trả. Tôi bực mình bảo, cuốc xe đến chợ Âm phủ được 5 ngàn, cụ có trả tôi 50 ngàn không? Bà cụ bảo, được, bao nhiêu tôi cũng trả... Tôi đành chở bà cụ đi. Đến nơi, bà cụ đưa tôi một tập tiền, rồi xách tay nải vào chợ. Trong chợ tối thui, không một bóng người, hai cánh cổng đã khóa bằng một sợi xích rất to. Lạ thay! Khi bà lão đi đến, tự nhiên hai cánh cổng từ từ mở ra, sợi xích rơi xuống đất không một tiếng động. Bà lão vừa khuất bóng hai cánh cổng từ từ khép lại... Bác xích lô thất thần ra cột đèn để đếm tiền thì thấy toàn...tiền âm phủ.

Chuyện thứ hai: thời xưa, phố nào ở Hà Nội cũng có một cái máy nước công cộng. Sau này có chợ Âm phủ cũng vậy, nó lại nằm ngay cạnh nhà bảo vệ mà có một bác bộ đội phục viên mới đến nhận nhiệm vụ. Một đêm bác đang ngủ chợt nghe tiếng nước chảy ào ào, nhìn ra cái máy nước thấy một cô gái đang giặt áo, cái áo bé tý mà cứ vò mãi. Của đau con xót, bác phải quát “Thành phố mất điện, thiếu nước, mày phải biết tiết kiệm chứ.” Cô gái dường như không nghe thấy gì. Bác đành chạy ra định cho một trận, thì lạ thay...vòi nước không một giọt, khô không khốc mà xung quanh cũng không một bóng người...

Những câu chuyện trên của bạn tôi, nghe sởn gai ốc, vẫn làm tôi bán tín bán nghi. Chỉ đến khi chính tôi gặp ma thì tôi mới tin là thật. Ai có dịp lên Thuận Châu, Sơn La, đều biết đèo Chiềng Pắc. Thời chống Mỹ, nó là con đèo vắng vẻ và hiểm trở. Lần thực tập năm ấy, tôi lên Tây Bắc, mải vẽ, trời sập tối lúc nào không biết. Lúc ấy tuổi trẻ không biết gì là sợ, tôi quyết đạp xe hơn mười cây số về nhà. Vừa ngoặt qua Chiềng Pắc thì vẳng trong gió tiếng một người con gái xin đi nhờ. Dưới ánh trăng hạ tuần, một cô gái Thái, eo thắt chỉ độ chét tay, chiếc váy đen bó tròn cặp đùi. Tôi cũng chưa kịp từ chối hay nhận lời thì nhoáng một cái cô đã ngồi gọn sau xe, tay quàng chặt lấy eo tôi. Tôi đành kệ. Vừa đạp xe vừa hỏi chuyện lan man. Cô kể, nhà cô ở bản Thôm Môn, mùa xuân về mai nở trắng rừng. Thỉnh thoảng cô phải đi lấy mẻ loi... Chồng cô là chủ tịch xã nên có điện thoại, rồi cô đưa cho tôi mảnh giấy ghi địa chỉ và số điện thoại của chồng cô để làm tin, (chả biết cô lấy đâu ra mảnh giấy nhanh thế). Nghe giọng cô thánh thót như gió rừng, tôi muốn ngó nhìn mặt cô, chắc là rất khả ái. Vừa lao dốc tôi vừa ngó lại nhìn trộm cô...thì eo ôi, dưới ánh trăng mờ mờ tôi thấy người ngồi sau xe tôi là một cô gái không có đầu. Nơi cổ dòng máu đỏ bầm vẫn còn ứa ra. Tôi thét lên một tiếng rồi chiếc xe đâm sầm vào vách đá, không biết gì nữa. Hôm sau những người đi lấy củi gặp và đưa tôi vào bệnh xá xã, họ bảo trên tay tôi vẫn cầm một mảnh giấy ghi địa chỉ và số điện thoại... Rồi sau tôi gọi vào đó thì gặp đúng ông chủ tịch và ông bảo, cô gái đó là vợ ông nhưng đã chết vì bom phạt mất đầu trong trận bom hồi năm ngoái... Từ đó, tôi không dám bén mảng đến Chiềng Pắc nữa.

Tất cả những chuyện âm dương tướng số như trên bây giờ tôi có cả vạn chuyện, kể cả ngày không hết. Qua bao thăng trầm và “nhiều hòm sách nữa tôi cũng đã trưởng thành lên. Và vẫn là người “không mê tín”. Duy, tôi thấy đạo Phật cho tôi nhiều hơn cả. Những luân hồi nhân quả...  Và cho dù vẫn biết lòng tham là cội nguồn của mọi đau khổ thì nó vẫn lù lù trước sức phấn đấu của con người trên con đường đi tìm hạnh phúc. Vô tình hay hữu tình, hai thế đối nghịch nhau luôn luôn làm cho đời sống nhân sinh bị bao phủ một bức màn thần bí và nhờ thế mà cuộc sống mờ mịt hơn nhưng cũng dễ sống hơn. Phan tiên sinh có lần đọc cho tôi nghe bài thơ:

Nhạn quá trường không / Ảnh trầm hàn thủy / Nhạn vô lưu ảnh chi ý / Thủy vô lưu ảnh chi tâm.      

Nhìn chim nhạn bay trên tầng cao, bóng nhạn soi trong lòng nước lạnh, cảnh thật hữu tình, làm lòng ta xúc động. Có biết đâu, chim nhạn có ý gì đâu khi tung cánh bay và mặt nước lạnh kia có lòng dạ nào lưu bóng chim nhạn? Tất cả chỉ là vô tình mà thôi./.

alt