Tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên của họa sĩ, nhà điêu khắc Trịnh Yên

Thứ tư, 12 Tháng 2 2014 16:42
In

Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Ông Ngô Văn Quán, Phó tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay đã có cuộc phỏng vấn họa sĩ, nhà báo Trịnh Yên – Uỷ viên Thường vụ BCH Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, đồng thời là tác giả của Pho tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên vừa được an vị tại đỉnh núi Ba Vì ngày 16/10/2010 vừa qua. Tượng có kích thước bằng người thật, nặng khoảng 1 tấn đồng đỏ đúc liền khối, cao 2,3m. Pho tượng là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật được thể hiện công phu trên chất liệu đồng cẩn tam khí, có gắn đá quý màu. Đây cũng là một hoạt động văn hoá đã được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam bảo trợ ngay từ khi khởi xướng.

Ông Ngô Văn Quán (NVQ): Thưa họa sĩ, nhà báo Trịnh Yên, ông là họa sĩ sao lại thực hiện công việc của điêu khắc?

Họa sĩ Trịnh Yên (HSTY): Trước khi vẽ tôi đã từng làm điêu khắc sáng tác, phục chế nhiều pho tượng cổ và kiến trúc đền, đình, chùa với nhiều chất liệu khác nhau. Tôi say mê các khối âm dương ở các bức tượng Phật, Thần, Thánh phương Đông.

NVQ: Núi Ba Vì chắc có gì hấp dẫn ông?

HSTY: Tôi rất mê đỉnh núi “Cổ Bồng” ở Ba Vì với sự tích Sơn Tinh, Thủy Tinh và những cuộc “Thánh chiến chẳng phân thắng bại”. Tôi khao khát được đặt pho tượng Đức Thánh Cả Tản Viên khổng lồ tựa lưng vào núi Cha phía bên kia để “lo âm cơ” cho đất nước... nhưng trước đây người ta đã đặt trên đỉnh núi Mẫu này một pho tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên cỡ nhỏ bằng sứ theo mẫu của Trung Hoa. Điều này làm nhiều người băn khoăn. Khi được ông Nguyễn Đình Thoàn và một số người khác nêu vấn đề tổ chức  “làm lại pho tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên” là tôi vui mừng nhận lời ngay.

NVQ: Xin ông cho biết đôi điều về núi Ba Vì và đỉnh Tản Viên có quan hệ gì với Mẫu Cửu Trùng Thiên?

HSTY: Ba Vì là một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách Hà Nội chừng 60km. Ba Vì có đỉnh Vua là cao nhất (khoảng 1296m); đỉnh Tản Sơn, tức đỉnh Bà hoặc đỉnh Mẫu, còn gọi là Ngọc Tản hay núi Phượng Hoàng Sơn, cao 1281m và đỉnh Ngọc Hoa, tức đỉnh Công Chúa, cao hơn 900m. Với chân núi Mẫu, phía bên Tây Bắc, người xưa đã lập tích tôn thờ đặc trưng cho giới tính nữ, tức thờ Mẫu sinh ra Sơn Tinh có tên là Lăng Sương, sau đó lập Đền Thượng trên núi để thờ Thánh Tản, có thể ở thời sau Hùng Vương ngôi đền này đã bị rừng già phủ kín, vị trí Đền Thượng bây giờ là chỗ mới lập lại gần trăm năm nay dưới thời Pháp thuộc. Những gì đã có và như chúng ta thấy tại đây đạo Mẫu cũng được đặc biệt củng cố, một lần nữa người ta đã “nâng cấp” đưa Mẫu Cửu Trùng Thiên lên vị trí độc lập và dựng pho tượng ngự ngoài trời, TRÊN CAO THEO THẾ NHẤT TRỤ THIÊN ỨNG. Ý nghĩa này muốn biện minh rằng Ngài là đấng thông thiên hoằng pháp như đã có, đã đúng như nhận thức của tín ngưỡng trần gian sau này.

NVQ: Trong điêu khắc đỉnh hạng xưa nay, mọi pho tượng thờ đều toát vẻ mặt đẹp của tính cách nhân vật thần thánh, ông có quan tâm điều này?

HSTY: Chúng tôi cẩn trọng thể hiện thật tinh tế về nhân tướng học, về các pháp nhà Thánh dành cho pho tượng và có chỗ tham khảo một số người có khả năng đặc biệt để thể hiện gương mặt Ngài sao cho có nét: đoan nghị, tươi tắn, vị tha nhưng đầy vẻ trang nghiêm. Nét mặt này ứng với giác độ nhạy cảm của từng thành phần (người hành hương chấp lễ) khi đứng trước dung diện Ngài: Nếu tâm tính hiền từ sẽ được nhận thấy vẻ mặt của Mẫu thật hiền từ. Nếu tâm tính bất định, bất ổn sẽ thấy vẻ mặt của Mẫu khoan dung, tâm sự, khuyên bảo. Nếu tâm tính dối trá, gian manh sẽ cảm thấy vẻ mặt Mẫu nghiêm buồn mà phát uy để đối tượng phải sám hối, sửa chữa… Có nghĩa là nhân tướng và vẻ mặt của Mẫu là phần thể hiện quan trọng nhất cho một pho tượng, phải toát được tố chất thanh cao, giản dị và dễ thấy ở vẻ đẹp chung ứng trong nhân loại ở tần số rất xa (xưa) nhưng lại rất gần với đời sống (nay) của người Việt Nam.

NVQ: Mọi người đều khen chiếc mũ của Ngài, ông dựa vào đâu?

HSTY: Ở pho tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên, chúng tôi cho bỏ mũ bình thiên như đã có xưa nay, vì nghĩ rằng các vua trần gian mới cần mũ ấy bởi lẽ họ là “con Trời” – tức Thiên tử mới phải đội “cái lệnh ngang trời” ấy được gọi là “Bình thiên”, còn các Thánh, Thần trong vai Thiên chủ không nên đội mũ ấy, vì họ đã “thay mặt cho Trời” để hoằng pháp và vẫn “đang ngự trên trời”. Vì thế Mẫu Cửu Trùng Thiên cần đội chiếc mũ “đỉnh phượng của Trời” do hỏa biến – là những ngọn lửa hướng thiên cấu thành (theo nguyên tắc tứ linh thì chim Phượng do Lửa hóa ra, Rồng linh do Thủy tác thành; Lân, Ly do Mộc tạo nên và Rùa thiêng do Đất lập lại). Chiếc mũ của Ngài phải mang dáng dấp Việt, như dáng mũ của Tứ Pháp và Phật Mẫu Man Nương bên chùa Dâu biểu hiện cho chim phượng hóa nữ tính mà cấu thành.

NVQ: Còn nội dung trên thân tượng ?

HSTY: Căn cứ điển tích của Ngài và sức cảm nhận của tôi về pho tượng ấy thì Ngài đã khởi sự kiến thức Kinh Dịch mà hoằng pháp tiên tri, pháp cứu độ chúng sinh. Câu chuyện về Ngài có nhiều, rõ nét nhất là chuyện Mẫu Cửu Trùng Thiên với Hoàng đế Hiên Viên – Hiên Viên là một trong sáu ông vua là Ngọc Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng, Phục Hy, Thần Nông và Hiên Viên. Ngài Hiên Viên có tên thật là Hữu Hùng Thị - vì sinh ra ở gò có tên là Hiên Viên nên có tên hiệu như vậy. Thời gian của Hữu Hùng Thị có trước thời Phục Hy, tức có trước cả Kinh Dịch. Thời ấy có tướng giặc tên là Xuy Vưu cậy thế mạnh, tính tình tàn ác, đã tiêu diệt các nước chư hầu, hòng chiếm ngôi bá chủ. Hữu Hùng Thị bèn tập trung quân chống lại không nổi, ông bèn liên kết các nước chư hầu đồng chống lại Xuy Vưu, nhưng cũng bị chiến bại liên tiếp. Một lần Hữu Hùng bị Xuy Vưu vây khốn trên đỉnh núi, đường cùng hết cách chống trả. Bỗng ông thấy một tiên nữ xuất hiện và giao cho Hữu Hùng một chiếc la bàn và dặn: Đây có chiếc kim chỉ Nam, nó chỉ đâu sẽ đánh vào nơi ấy, tất diệt được giặc. Hữu Hùng nghe lời làm theo quả nhiên thắng trận ấy. Về sau ông bắt được tướng giặc Xuy Vưu làm lễ tế thần, giải cứu cho trăm họ. Sau này Hữu Hùng biết người giúp mình là Mẫu Cửu Trùng Thiên. Ông lập đàn tạ suốt 9 ngày đêm và được hiệu ứng xưng Hoàng đế Hiên Viên là người có phép tác tạo ra muôn vật và đồ dùng của con người từ xưa đến nay.

Cùng cần nói thêm về ngôi Đền Thượng và đỉnh Mẫu nơi đây vẫn còn nằm trong bí hiểm bởi tương truyền hàng ngàn năm trước người ta có lập một hệ thống đền thờ Thánh Mẫu Cửu Trùng Thiên, Thánh Mẫu Lăng Sương (mẹ của Đức Thánh Tản Viên) và Thần Linh Tam Thánh là Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh…sau các biến cố thời gian, khu đền đã bị rừng già phủ kín. Nền ngôi Đền Thượng bây giờ là mái vách núi, chỉ còn lại 3 pho tượng đá, đôi khi có nén hương của người đi rừng cầu cúng lấy may. Năm 1993 bà thủ nhang Đặng Thị Mát mới cho tôn lập lại ngôi đền này trong hoàn cảnh khó khăn về vật chất và sự cấm đoán khi chưa có bộ luật bảo vệ di sản văn hóa. Còn tại sao đỉnh núi này thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên ngoài trời thì trước đó người ta đã tôn cấp lập thờ rồi, theo tôi thì đây là câu chuyện dài về đất nước mình, dân tộc mình cần phải ngược dòng hơn 4000 năm trước để đến được cái tích tín ngưỡng Mẫu Cửu Trùng Thiên, khi mà Kinh Dương Vương tuyên bố lãnh địa của nước ta thì đã xuất hiện Mẫu Cửu Trùng Thiên xuống giúp Hữu Hùng Thị đánh giặc ác chúa tên là Xuy Vưu như đã nói ở trên. Về núi Ba Vì theo cách luận của Nguyễn Trãi viết trong “Dư địa chí” gọi đó là Ngọn Trời, là Núi Tổ Việt Nam. Nguyễn Siêu thì gọi núi ấy cũng là điểm tựa vĩnh viễn của Thăng Long – Hà Nội. Còn Thánh Tản Viên khi mang kiếp Sơn Tinh thì coi đó là “cột chống trời, là ngọn núi thề” có thể tránh mọi cơn đại hồng thủy và cũng là chỗ đứng cao nhất để chống trả các loài thủy quái quấy phá hàng năm.

NVQ: Với các pho tượng thờ thì người ta chỉ cần sao chép những cái đã có, tại sao ông phải sáng tác?

HSTY: Nút cởi chính là ở câu hỏi này. Nhân dân ta ngày nay quan tâm nhiều đến tín ngưỡng, nhưng chưa có người chỉ bảo về tiểu sử các thần thánh, nghi thức cúng lễ, thậm chí những nghệ nhân vẽ tranh, làm tượng đều được truyền nghề bằng thói quen thể hiện hình dáng mà bất biết sự tích, điển tích cho nên chúng ta mới có được các pho tượng thờ thiếu sống động, thiếu linh do người tạo hình thiếu học thức và “mù” điển tích. Với Mẫu Cửu Trùng Thiên, tôi và các cộng sự đã mất nhiều công đi khắp các di tích ở miền Bắc Việt Nam, ghi nhận từng vóc dáng của các pho tượng “quốc hồn, quốc túy” để học cái đẹp, cái linh của người xưa sao cho đúng Luận: luận điển tích, luận điêu khắc, luận tâm linh... Sau đó mới đến Làm (thể hiện). Chúng tôi đã thể hiện pho tượng này suốt một năm trời và thống nhất các quan niệm cấu thành, tạo hình theo sự tích thì Mẫu Cửu Trùng Thiên (là Thiên Thần – không có tích giáng trần) được tín ngưỡng của người Việt Nam xếp hạng “Đệ Nhất Thượng Đẳng Tối Linh Thần”. Ngài cai quản cả chín tầng Trời và ứng pháp hóa hóa sinh sinh trên cung Diêu Trì, ứng với TRÍ TUỆ (phần đầu của con người). Ở thời Hậu Lê do Đạo Phật bị cấm, Đạo Nho phát triển, kèm theo truyền bá các kiến thức về Kinh Dịch, cho nên tay trái của Ngài phải cầm chiếc La Kinh, tay phải cầm sách Trúc để tuyền bá tri thức chiêm tinh, còn y phục của Ngài vẫn là áo khoác long phượng mở tà giữa, bên trong có bổ tử “Phượng hóa” cùng đai dây mềm và có thắt dây lưng theo kiểu phụ nữ Việt truyền thống, tay áo thụng, váy phủ chân, ngai dáng kiệu Việt, có rồng phượng giao linh, đế tượng trưng cho Trời và Đất. Toàn thân Ngài được trang trí các đường tròn khép kín có kết cấu hoa văn Bát Cát Tường (nhà Thánh – tức là 8 thứ sinh phúc lành), trên chính cung ngai Ngài ngự phải có hàng chữ Nôm thay cho bài vị hoặc “dụng” pháp yểm tâm đó là “Thiên Tâm Hoằng Pháp”, tức là Người ngự trên ngai này sẽ dùng tâm Trời, Trí Đất để hành động cứu sinh và phù độ… Điều này đã được các nhà nghiên cứu khi đọc bản thuyết minh của chúng tôi đánh giá cao tính sáng tác điêu khắc vừa đáp ứng nghệ thuật, vừa đáp ứng tâm linh…

Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn ông Nguyễn Đình Thoàn, bà Đặng Thị Mát cùng một số vị phát tâm khởi công đóng góp tiền của, sau đó kiên trì cùng chúng tôi thực hiện thành công công trình nghệ thuật mang tính tín ngưỡng truyền thống có ý nghĩa này. Đồng thời tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã quan tâm và giúp đỡ cho công trình và tác phẩm của tôi trong suốt thời gian qua, cho đến ngày bức tượng của Ngài được an vị uy nghi trên đỉnh Mẫu thiêng ở Ba Vì.

NVQ: Xin cảm ơn họa sĩ, nhà báo Trịnh Yên.

 

Ngô Văn Quán thực hiện – 10.2010