Một năm đầy dấu ấn của UNESCO Việt Nam

Thứ sáu, 25 Tháng 2 2011 15:40
In

2010 là một năm đặc biệt thành công với các danh hiệu UNESCO của Việt Nam”. Đó là nhận định của ông Phạm Sanh Châu Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Đối ngoại UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam.

Truyện kể rằng: “Nhận lệnh vua truyền, cậu bé Gióng ở làng Phù Đổng đã xin đức Vua đúc một con một ngựa Sắt, một cây kiếm sắt, một chiếc Roi sắt, một chiếc Nón sắt để đi dẹp giặc…Dẹp xong giặc Ân, thánh Gióng về trời, để lại nhân gian nhiều huyền thoại”. Trải qua bao thế kỷ, huyền thoại thánh Gióng (một trong 4 vị thánh “Tứ bất tử” của Việt Nam) đã được tái hiện qua lễ hội dân gian nhiều màu sắc, và cứ đến ngày 9/4 âm lịch hàng năm, hội đền Gióng đã trở thành điểm đến của hàng vạn du khách thập phương trong và ngoài nước. Trong câu chuyện với chúng tôi tại làng Phù Đổng, Tiến sỹ Geoffay, một du khách người Mỹ có mặt trong lễ trình diễn hội Gióng-di sản văn hoá phi vật thể mới được công nhận- đã phải thốt lên rằng“  “Lễ hội Gióng thật tuyệt. Nó gợi lại truyền thống đấu tranh của các bạn. Mọi người tham gia lễ hội rất đông vui. Nó thấm đậm hơi thở của lịch sử, của ký ức, và đem lại những cảm xúc thật khác lạ”.

alt

Còn tại Hoàng Thành Thăng Long, nơi ẩn chứa sức mạnh của dân tộc Việt trong 13 thế kỷ, ngày ngày vẫn nô nức du khách thập phương đến thăm quan. Say mê ngắm con Rồng đá trước cửa điện Kính Thiên, bác Lại Văn Tâm, 82 tuổi, một người dân ở thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết bác thực sự vui và xúc động khi được ra thăm Thủ đô và tới thắp hương cho các bậc tiền nhân ở ngôi điện cổ kính này. “Tôi sung sướng lắm, xúc động lắm vì ở tuổi này rồi mà vẫn ra được Hà nội, tới thăm được Hoàng Thành….”   

Câu chuyện của những du khách trên đây là những minh chứng cho thấy sự chia sẻ, niềm vui của người dân, của du khách khi lần đầu đến thăm các di sản mới của Việt Nam.

Nhưng niềm vui chưa dừng ở đó. Gần như trong cùng một thời điểm, việc Cao nguyên đá Đồng văn (Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) được Hội đồng Tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (GGN) chính thức công nhận là thành viên; và trước đó nữa là sự kiện 82 Bia Tiến sỹ ở Văn Miếu quốc tử giám được chương trình "Ký ức thế giới" của UNESCO công nhận di sản tư liệu thế giới…đã làm nức nòng những người yêu mến di sản, yêu mến Hà Nội và Việt Nam.

Trong một buổi gặp mặt báo chí gần đây, ông Phạm Sanh Châu Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Đối ngoại UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam không dấu nổi vẻ tự hào, thốt lên rằng “Năm 2010 là năm đặc biệt thành công của UNESCO Việt Nam”.

Công sức của những “người trong cuộc”

Vậy điều gì đã làm lên những thành công ấy?

Theo lý giải của những người “trong cuộc”, có rất nhiều bài học đem lại những thành công cho UNESCO Việt nam. Thứ nhất đó là sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp ăn ý giữa các cơ quan ban, ngành, của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội. Thứ hai là việc chủ động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ.

Câu chuyện 82 Bia Tiến sỹ Văn Miếu là một ví dụ. Tại Hàn quốc, khi Việt Nam bảo vệ thử hồ sơ bia Tiến sỹ Văn Miếu thành công, đó là động lực và cơ sở để Việt nam tự tin quyết định đưa Bia Tiến sỹ Văn Miếu đệ trình UNESCO và kết quả là chương trình “Ký ức thế giới" của UNESCO công nhận 82 bia Tiến sỹ tại Văn Miếu là di sản tư liệu thế giới.

Câu chuyện Cao nguyên đá Đồng văn cũng là một ví dụ khác. Theo ông Phạm Sanh ChâuVụ trưởng Vụ Văn hóa - Đối ngoại UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO, có khá nhiều khó khăn khi đệ trình hồ sơ này. Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia Bỉ, để hoàn tất hồ sơ Cao nguyên đá Đồng văn, Việt  Nam có thể phải đợi tới …4 năm! Với nỗ lực và quyết tâm của các Bộ, ngành liên quan, hồ sơ Cao nguyên đá Đồng văn đã xây dựng sớm hơn dự kiến và được nộp lên UNESCO vào tháng 9/2009 (cho dù muộn hơn so với hạn định). “Vẻ đẹp của Cao nguyên đá Đồng văn là không thể phủ nhận. Cái khó khăn của chúng ta ở đây là cơ sở vật chất-hạ tầng. Bởi vì Công viên Đá (theo quan niệm của UNESCO) không phải chỉ dành cho các nhà khảo cổ hay địa chất để nghiên cứu, mà nó phải là một mô hình gồm 5 yếu tố: yếu tố phát triển du lịch, bảo vệ văn hoá cộng đồng, phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư và cuối cùng là yếu tố phát triển bền vững”.  Ông Phạm Sanh Châu lý giải.

Để thuyết phục các chuyên gia UNESCO, các nhà đàm phán Việt Nam đã “sử dụng” 2 lập luận: Việt nam là nước đầu tiên trong ASEAN có công viên địa chất, và do đó nếu thiếu vắng sự có mặt của khu vực ASEAN, tính toàn cầu di sản của UNESCO sẽ không đạt được như mong muốn. Điểm thứ 2, Hà Giang là một tỉnh rất xa và hiểm trở. Từ thủ đô đi cao nguyên đá Đồng văn, các huyện vùng sâu, vùng xa của Hà Giang mất gần 12 tiếng. Thời gian ấy tương đương với khoảng thời gian bay từ Hà Nội đi Paris. Do đó, được công nhận, giá trị thương hiệu ấy sẽ giúp Việt nam thu hút du khách vượt qua “chặng đường bay từ Hà nội đến Paris” để đến với Hà giang. Vì thế, danh hiệu này sẽ rất quan trọng giúp Việt nam phát triển kinh tế xã hội. Với hai điểm mạnh như vậy, với quyết tâm của chính quyền địa phương, của các nhà khoa học thì UNESCO đã quyết định thông qua hồ sơ này của Việt Nam.

Những vấn đề cần rút ra

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi vấn đề bảo tồn và phát triển di sản di tích đang gặp những thuận lợi nhưng cũng đứng trước những thách thức, rủi may không nhỏ, thì việc mỗi người, mỗi nhóm xã hội, mỗi cộng đồng, cả dân tộc... dồn sức cho việc bảo tồn di sản văn hóa phải được xem như một vấn đề tất yếu.       

Trong câu chuyện với báo giới Việt Nam trước thềm năm mới, đại diện Văn phòng UNESCO thế giới đã nhấn mạnh “tôn vinh di sản mới chỉ là một mặt của vấn đề. Điều quan trọng nữa là phải bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản ấy theo thời gian. Và làm được điều này, cần tới trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta.”

Luận điểm này hoàn toàn có cơ sở. Ở Việt Nam có nhiều bài học về bảo tồn và phát triển di sản mà phố cổ Hội An là một ví dụ. Từ một thị xã hẻo lánh, Hội An được công nhận là di sản thế giới năm 1999, nay trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Để đạt được thành công như thế, ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương và hoạt động của các nhà chuyên môn về bảo tồn di sản, vai trò của người dân sở tại là hết sức quan trọng. Trong sự phát triển kinh tế - xã hội, trước sức ép của hiện đại hóa nếu biết cách đánh thức hay “làm mới” giá trị truyền thống và lấy cộng đồng cư dân làm trung tâm, để họ trực tiếp tham gia công cuộc bảo tồn thì có thể làm tốt công tác bảo tồn văn hóa truyền thống trước những thách thức của hiện đại hóa.

Di sản, di tích UNESCO sẽ vẫn được bảo vệ và phát huy giá trị mà chúng đang có để đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng hay Việt Nam nói chung. Thành công đã có, nhưng năm mới 2011 cũng đang đặt ra nhiều thách thức.

Liệu Việt nam sẽ có thêm những di sản mới được UNESCO công nhận trong tương lai? Liệu Thành Nhà Hồ, nghi lễ cúng Tế các Vua Hùng… sẽ tiếp tục được tôn vinh? Đó là thách thức lớn và cũng là trách nhiệm đặt ra trong năm 2011 đối với những người làm công tác văn hoá ở Việt nam./.

Hồ Điệp

alt