Liên hiệp các Hội UNESCO VIệt Nam

Thứ ba, 03 Tháng 11 2009 15:32
In

Tên tiếng Việt:  Tên gọi và sự ra đời của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam
Tên tiếng Anh:  Vietnam Federation of UNESCO Associations.
Tên viết tắt tiếng Anh: VFUA

Biểu tượng của Tổ chức

Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam sử dụng Biểu tượng của Hiệp hội UNESCO Thế giới làm biểu tượng trong các hoạt động của mình. Biểu tượng đó là hình đường xoáy ốc chạy quanh dòng chữ UNESCO ở vị trí trung tâm. Đường xoáy ốc tượng trưng cho quy luật phát triển, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với lý tưởng cao đẹp đối với cương lĩnh hành động của UNESCO.

Ngoài ra, trong những hoạt động lớn mang nội dung văn hoá và chuyên môn thuần khiết, để thể hiện sự tôn vinh đối với UNESCO và tuyên truyền cho lý tưởng, tôn chỉ và mục đích của UNESCO, Li
ên hiệp có thể được sử dụng biểu tượng của UNESCO.

Li
ên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng như các Hiệp hội UNESCO trên toàn thế giới cam kết với UNESCO và Hiệp hội UNESCO Thế giới về việc nghiêm cấm hội viên, các tổ chức thành viên của mình sử dụng biểu tượng của UNESCO và biểu tượng của Hiệp hội UNESCO Thế giới phục vụ cho các mục đích thương mại, hoặc phục vụ các mục đích cá nhân dưới bất cứ hình thức và hoàn cảnh nào.

Theo quy định của UNESCO, việc sử dụng biểu tượng của UNESCO phải được sự nhất trí của Uỷ ban Quốc gia UNESCO. Do đó khi các đơn vị thành viên của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam muốn được sử dụng biểu tượng của UNESCO phục vụ cho các hoạt động của mình thì bắt buộc phải có đơn gửi Liên hiệp, trình bày rõ yêu cầu và tính chất của hoạt động để Ban Thư ký Hiệp hội có căn cứ xin phép Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam về việc sử dụng biểu tượng UNESCO.

Lịch sử ra đời của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam

Việt Nam trở thành thành viên của UNESCO từ thời Chính quyền Bảo Đại (1951). Sau ngày đất nước thống nhất, Chính phủ Việt Nam lần lượt thay chân chính quyền Sài Gòn cũ tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc, trong đó có UNESCO (1976).

Năm 1981 Ngài Amadou Mahtar M’Bow, Tổng Giám đốc UNESCO đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng giới thiệu về hệ thống Câu lạc bộ UNESCO trên thế giới và gợi ý Việt Nam nên có mạng lưới UNESCO phi chính phủ tại Việt Nam để thu hút cộng đồng tham gia đóng góp vào các hoạt động UNESCO tại Việt Nam. Năm 1986 Tổng Giám đốc UNESCO một lần nữa khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét hình thức hoạt động UNESCO phi chính phủ đã trở thành thông lệ tại các quốc gia thành viên UNESCO là có Hiệp hội UNESCO tại nước mình để góp phần mở rộng các hoạt động UNESCO trong nhân dân vì mục đích hoà bình và phát triển.

Tháng 3-1993, trong chuyến thăm Việt Nam của Ngài Federico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh thay mặt Chính phủ Việt Nam và Ngài Mayor đã ký bản ghi nhớ, trong đó có nêu việc Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét tích cực việc thành lập Hiệp hội UNESCO Việt Nam.  Tiếp đó Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã góp phần cùng các sáng lập viên tích cực chuẩn bị cho việc ra đời một mạng lưới UNESCO phi chính phủ tại Việt Nam sẽ mang tên là Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam.

Ngày 3-8-1993 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số 397/TTg cho phép thành lập Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam.

Ngày 6-10-1993 Đại hội Toàn quốc lần thứ Nhất, đồng thời là Đại hội Sáng lập Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đã được triệu tập tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 150 sáng lập viên cá nhân và tập thể bao gồm các cơ quan nghiên cứu khoa học, các đơn vị hoạt động nghệ thuật, các nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà giáo, các nhà hoạt động xã hội Việt Nam đã tham dự Đại hội. Điều lệ của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam và cương lĩnh hoạt động của Hiệp hội đã được toàn thể Đại hội thông qua bằng sự nhất trí đồng thuận. Đại hội đã bầu ra một Ban Châp hành gồm 21 uỷ viên do KTS Nguyễn Trực Luyện làm Chủ tịch. Ban Chấp hành đã bầu ra một Thường vụ Ban Chấp hành với 5 uỷ viên và bổ nhiệm GSTS Phạm Huyễn làm Tổng Thư ký.

Ngày 16-12-1993 Ban Tổ chức Cán bộ của Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã thay mặt Chính phủ phê chuẩn Điều lệ của Hiệp hội (Quyết định số 1174/TCCP-TC). Tiếp đến Bộ Ngoại giao đã thay mặt Chính phủ Việt Nam chính thức thông báo với UNESCO việc ra đời Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam.

Xem Điều lệ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam

 


 

Tôn chỉ, mục đích
 
Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam (sau đây gọi tắt là Liên hiệp) là tổ chức xã hội, tập hợp rộng rãi các tổ chức, công dân Việt Nam trên phạm vi quốc gia và người Việt Nam ở nước ngoài tự nguyện tham gia, đóng góp vào các hoạt động theo mục tiêu, lý tưởng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là UNESCO) đã được ghi nhận trong Công ước thành lập UNESCO. Liên hiệp có nhiệm vụ thúc đẩy việc truyền bá các mục tiêu, chương trình hoạt động của UNESCO, thông tin kiến thức về khoa học, giáo dục, văn hoá và thông tin truyền thông, là những lĩnh vực hoạt động chuyên môn của UNESCO, thông qua đó góp phần nâng cao dân trí, phát triển đất nước, tăng cường hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia, bảo vệ hoà bình và an ninh thế giới.
 
Địa vị pháp lý, trụ sở 
 
1. Liên hiệp có tư cách pháp nhân, con dấu (dấu ướt, dấu ướt thu nhỏ, dấu nổi) và tài khoản riêng theo quy định pháp luật Việt Nam.
2. Liên hiệp hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, Hiến chương của UNESCO, Điều lệ Liên hiệp UNESCO Thế giới, khu vực và Điều lệ của Liên hiệp được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt. 
3. Trụ sở của Liên hiệp đặt tại Thủ đô Hà Nội. Liên hiệp có văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết Liên hiệp được thành lập văn phòng đại diện tại nước ngoài theo quy định của pháp luật.
4. Liên hiệp là thành viên chính thức của mạng lưới UNESCO phi chính phủ khu vực và thế giới theo thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam.
 
Phạm vi, lĩnh vực hoạt động và mối quan hệ
 
1. Liên hiệp hoạt động trên phạm vi cả nước liên quan đến các lĩnh vực UNESCO giáo dục, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa và thông tin truyền thông, thúc đẩy hợp tác quốc tế, thực hiện đối ngoại nhân dân, tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới.
2. Liên hiệp là đại diện của phong trào UNESCO phi chính phủ tại Việt Nam tham gia thành viên chính thức của Liên hiệp UNESCO Thế giới, Liên hiệp UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có quan hệ hợp tác với các Liên hiệp UNESCO tại các quốc gia và quan hệ như một đối tác của Tổ chức UNESCO.
3. Liên hiệp chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp, hoạt động theo quy định của pháp luật, thông lệ quốc tế, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tổ chức UNESCO và của Liên hiệp UNESCO khu vực và thế giới.
4. Chịu sự hướng dẫn của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam về công tác UNESCO và các chương trình hoạt động liên quan đến tổ chức UNESCO.
5. Liên hiệp có mối quan hệ với các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và địa phương ở Việt Nam và với các tổ chức nước ngoài có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
 
Nguyên tắc tổ chức, hoạt động  
 
Tổ chức và hoạt động của Liên hiệp được thực hiện theo nguyên tắc:
1. Tự nguyện, tự quản;
2. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động và được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ được Nhà nước giao;
3. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, phát huy năng lực sáng tạo và nhiệt tình đóng góp của hội viên;
4. Động cơ trong sáng, không vụ lợi cá nhân;
5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và Điều lệ của Liên hiệp.
 
QUYỀN HẠN, NHIỆM VỤ VÀ NGHĨA VỤ
Quyền hạn
 
1. Tuyên truyền tôn chỉ và mục đích hoạt động của Liên hiệp. Tập hợp trí tuệ, đoàn kết nhân dân đóng góp vào các hoạt động giáo dục, khoa học, văn hoá và thông tin truyền thông, đóng góp với Nhà nước triển khai công tác UNESCO trong cộng đồng.
2. Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp. 
3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Liên hiệp theo quy định của pháp luật. 
4. Tham gia phối hợp trong các hoạt động đối ngoại nhân dân, tổ chức các hình thức trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực của UNESCO với các Liên hiệp UNESCO quốc gia, khu vực, thế giới, với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
5. Tham mưu, tư vấn đối với các cơ quan nhà nước, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động UNESCO tại Việt Nam. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Liên hiệp theo quy định của pháp luật.
6. Không ngừng phát triển hội viên, bồi dưỡng kiến thức UNESCO, phổ biến kinh nghiệm và phương pháp hoạt động trong lĩnh vực UNESCO phi chính phủ cho hội viên. Phổ biến thông tin cho các hội viên và nhân dân để nâng cao hiểu biết về mục tiêu, tôn chỉ của UNESCO.
7. Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
8. Thành lập pháp nhân thuộc Liên hiệp theo quy định của pháp luật.
9. Được gây quỹ Liên hiệp trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.
10. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao.
11. Được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao về việc gia nhập tổ chức quốc tế tương ứng, ký kết, thực hiện thoả thuận quốc tế. 
 
Nhiệm vụ, nghĩa vụ 
 
1. Thực hiện vai trò điều phối quốc gia đối với các hoạt động UNESCO phi chính phủ tại Việt Nam. Thành lập, giải thể các tổ chức trực thuộc Liên hiệp theo quy định của pháp luật.
2. Được tham gia các tổ chức UNESCO phi chính phủ thế giới, khu vực theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
3. Phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình chuẩn bị, thành lập Hội UNESCO địa phương (là các Hội thành viên của Liên hiệp và mang tên UNESCO).
4. Là đại diện duy nhất cho các Hội UNESCO, các Trung tâm UNESCO, các Câu lạc bộ UNESCO trực thuộc, các tổ chức khác trực thuộc Liên hiệp và hội viên của Liên hiệp trong quan hệ với tổ chức UNESCO, Liên hiệp UNESCO Thế giới, Liên hiệp UNESCO Khu vực, các tổ chức UNESCO phi chính phủ thế giới theo quy định của pháp luật Việt Nam.
5. Tư vấn, phản biện với Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương về việc ban hành các chủ trương, chính sách đối với lĩnh vực UNESCO phi chính phủ.
6. Phối hợp, tham gia với các bộ, ban ngành, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong các hoạt động thẩm định, đánh giá, phân loại thuộc các lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp.
7. Giúp đỡ, hướng dẫn, bảo trợ di tích, danh thắng và các hoạt động của hội viên và cộng đồng có nội dung liên quan đến UNESCO khi có yêu cầu. Triển khai các hoạt động tư vấn dịch vụ trên các lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp.
8. Kiến nghị với Nhà nước khen thưởng cho những tập thể và cá nhân là hội viên của Liên hiệp đã có công lao và đóng góp xuất sắc trong hoạt động UNESCO phi chính phủ. Khen thưởng và trao giải thưởng của Liên hiệp cho các cá nhân và tập thể trong cộng đồng đã có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp nâng cao dân trí, xây dựng đất nước theo tiêu chí UNESCO.
9. Quyết định khen thưởng và kỷ luật đối với các tổ chức, tập thể, hội viên và cán bộ nhân viên thuộc Liên hiệp.
10. Xây dựng và ban hành các quy chế, quy tắc trên cơ sở cụ thể hóa Điều lệ của Liên hiệp nhằm hướng dẫn hoạt động cho hội viên của Liên hiệp.
11. Quyết định những vấn đề về kế hoạch tài chính, tài sản của Liên hiệp.
12. Nhận tài trợ của Nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội trong nước và nước ngoài nhằm phục vụ cho các hoạt động UNESCO phi chính phủ theo quy định của pháp luật.
13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ giao và khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
14. Hàng năm, Liên hiệp báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Liên hiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm nhất vào ngày 01 tháng 12 hàng năm.  
 


Các cơ quan lãnh đạo và tổ chức hoạt động

Đại hội đại biểu toàn quốc

Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan cao nhất của Hiệp hội, bốn năm họp một lần, số lượng đại biểu do Ban Chấp hành của Hiệp hội quy định và triệu tập. Đại hội bất thường được triệu tập khi có yêu cầu đột xuất và phải được quá nửa số uỷ viên  Ban Chấp hành  đồng ý.
Nhiệm vụ và quyền  hạn của  Đại hội:
- Xem xét và thông qua báo cáo công tác của Ban Chấp hành. 
- Thảo luận, thông qua chương trình hoạt động và quyết định các vấn đề về ngân sách cho nhiệm kỳ tới.
- Thông qua, bổ sung, sửa đổi Điều lệ.
- Bầu Ban Chấp hành Hiệp hội .

Từ 1993 đến 2006 Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đã tổ chức ba Đại hội đại biểu toàn quốc. Cả ba kỳ Đại hội đều được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

- Đại hội lần thứ Nhất tổ chức vào tháng 10-1993 được coi là Đại hội sáng lập;
- Đại hội lần thứ Hai vào tháng 12-2000 được coi là Đại hội ổn định để phát triển, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn Hiệp hội phát triển ồ ạt theo bề rộng;
- Đại hội lần thứ Ba vào tháng 3-2006 được coi là Đại hội củng cố và tăng cường để phát triển theo bề sâu, có chất lượng.

Ban Chấp hành

Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo của Hiệp hội giữa hai kỳ Đại hội. Ban Chấp hành do Đại hội Đại biểu Toàn quốc bầu ra. Số lượng Ban Chấp hành do Đại hội quy định, trong đó có 1-2 uỷ viên mặc nhiên là đại diện cho Uỷ Ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Ban Chấp hành bầu ra Ban thường vụ gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký và một số Uỷ viên thường vụ.
Ban Chấp hành mỗi năm họp 2 kỳ do Chủ tịch triệu tập. Trong trường hợp có những quyết định quan trọng phải có ít nhất 2/3 số uỷ viên Ban Chấp hành biểu quyết thuận.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành :
1. Nghiên cứu nội dung, chương trình, kế hoạch hoạt động của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, của tổ chức UNESCO, tham khảo các hoạt động cuả Hiệp hội để đề ra nội dung và phương thức hoạt động của Hiệp hội phù hợp với nhiệm vụ và chương trình do Đại hội đề ra.
2. Lãnh đạo quyết định những vấn đề liên quan đến cơ cấu, tổ chức bộ máy, tài chính và đối ngoại của Hiệp hội và những điều cần thiết để đảm bảo thực hiện chương trình có hiệu quả.
3. Cử ra Ban Thư ký để trực tiếp điều hành công việc hàng ngày của Hiệp hội
4. Xem xét và công nhận các đơn vị cơ sở.
5. Triệu tập Đại hội toàn quốc.

Ban Chấp hành nhiệm kỳ 1993-2000 có 21 uỷ viên, trong đó có một Ban Thường vụ gồm 5 uỷ viên Thường vụ, do KTS Nguyễn Trực Luyện làm  Chủ tịch, GSTS Phạm Huyễn làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký (đến 1997), NSND Nguyễn Đình Nghi và NSND Phạm Thị Thành làm Phó Chủ tịch, từ 1997 ông Nguyễn Xuân Thắng làm Tổng Thư ký.

Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2000-2006 có 27 uỷ viên, trong đó Ban Thường vụ gồm 9 uỷ viên Thường vụ, do KTS Nguyễn Trực Luyện làm Chủ tịch, Ông Nguyễn Xuân Thắng làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Ông Đỗ Phượng và NSND Phạm Thị Thành làm Phó Chủ tịch.

Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2010-2015 có 27 uỷ viên, trong đó Ban Thường vụ gồm 11 uỷ viên Thường vụ, do ông Nguyễn Xuân Thắng làm Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; Phó Chủ tịch gồm: NSND Phạm Thị Thành, GSTS. Nguyễn Minh Đường, TS. Phan Huy Phú.


Ban Thư ký

Ban Thư ký của Hiệp hội gồm Tổng Thư Ký, các Phó Tổng Thư Ký và các Uỷ viên Thư ký. Bộ máy của Ban Thư ký là Văn phòng và Bộ máy chuyên trách. Số lượng các uỷ viên Ban Thư ký do Tổng Thư ký đề nghị và Ban Chấp hành quyết định. Đó là những người nhiệt tình, có khả năng hoạt động cho UNESCO, có điều kiện, năng lực tổ chức và điều hành các hoạt động của Hiệp hội. Ban Thư ký họp hàng tháng để kiểm điểm công tác và báo cáo Thường vụ và Ban Chấp hành.

Ban Thư ký có các nhiệm vụ sau:
1. Là Cơ quan Thường trực của Ban Chấp hành Hiệp hội, thay mặt Ban Chấp hành triển khai các chương trình hoạt động do Ban Chấp hành đề ra, điều hành công việc thường ngày của Hiệp hội, quan hệ với Ban Thư ký của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam để triển khai các hoạt động UNESCO quốc gia, đề xuất với Ban Chấp hành về những chương trình và phương hướng hoạt động của Hiệp hội .
2. Là đầu mối điều phối hoạt động của mạng lưới Câu lạc bộ UNESCO trong cả nước. Ban Thư ký có nghĩa vụ đi sát và thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn, điều phối hoạt động của các Câu lạc bộ UNESCO cơ sở.
3. Tổ chức các mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành, Cơ quan, Tổ chức, Đoàn thể xã hội, đơn vị, địa phương và các cá nhân có liên quan đến hoạt động của Hiệp hội để thực hiện nhiệm vụ.
4. Tổ chức, duy trì và phát triển các quan hệ thường xuyên với các Hiệp hội  và các Câu lạc bộ UNESCO cơ sở trong quan hệ Quốc tế.
5. Văn phòng Hiệp hội là bộ phận thường trực chuyên môn giúp việc cho Ban Thư ký.

Các cơ quan chức năng và chuyên môn

Các cơ quan chức năng và các cơ quan chuyên môn của Hiệp hội là các bộ phận tham mưu giúp việc cho Ban Chấp hành, Chủ tịch và Tổng Thư ký trong các phần việc cụ thể, về tổ chức, quản lý cũng như nghiệp vụ chuyên môn.

Các cơ quan chức năng của Hiệp hội, gồm:

- Ban Tổ chức và Hội viên
- Ban Kiểm tra
- Ban Thi đua và Khen thưởng
- Ban Tài chính
- Ban Đối ngoại

Các cơ quan chuyên môn, gồm:

- Tạp chí Ngày Nay - cơ quan ngôn luận của Hiệp hội.
- Mạng Thông tin điện tử Mái Nhà Chung - cơ quan truyền thông điện tử của Hiệp hội.
- Ban phát triển Dự án
- Ban chuyên môn (gồm các Tiểu ban Giáo dục, Tiểu ban Khoa học và Công nghệ, Tiểu ban Văn hoá, Tiểu ban Thông tin và Truyền thông).
- Hội đồng Khoa học bảo trợ các công trình lịch sử và văn hoá có giá trị và người tài Việt Nam;
- Một số cơ quan nghiệp vụ của Hiệp hội như Văn phòng đại diện của Hiệp hội tại các tỉnh phía Nam có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và “Trung tâm UNESCO Voyages” (du lịch văn hoá).
- Công ty TNHH “một thành viên” của Hiệp hội.



Mạng lưới hội viên, các đơn vị thành viên và các thành viên liên kết

Mạng lưới thành viên của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam bao gồm các hội viên cá nhân, các đơn vị cơ sở (đơn vị thành viên) của Hiệp hội là các Câu lạc bộ UNESCO, Trung tâm UNESCO, các Hội UNESCO  và thành viên liên kết gồm các tổ chức, tập thể cá nhân có cam kết phối hợp, hợp tác dài hạn hoặc ngắn hạn với Hiệp hội trên một số lĩnh vực chuyên môn cụ thể.

Hội viên của Hiệp hội

Điều lệ của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam quy định: “Những Câu lạc bộ cơ sở, tập thể, đơn vị và những công dân Việt Nam tán thành Điều lệ Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam và tự nguyện xin ra nhập Hiệp hội thì được kết nạp vào Hiệp hội và các Câu lạc bộ UNESCO cơ sở, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, tuổi tác, thành phần xã hội và trình độ học vấn và nghề nghiệp.”

Thành phần các hội viên bao gồm:
1. Hội viên chính thức là những Câu lạc bộ UNESCO cơ sở, những tập thể, cá nhân tự nguyện xin gia nhập Hiệp hội  và cam kết tôn trọng Điều lệ Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam.
2. Hội viên mặc nhiên là các thành viên của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ban Thư ký của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam .
3. Hội viên danh dự là những cá nhân và tập thể người Việt Nam và người nước ngoài có đóng góp, giúp đỡ đặc biệt và vô tư cho Hiệp hội và các Câu lạc bộ UNESCO của Việt Nam.
4. Hội viên tham gia là các bộ, ngành, cơ quan và các tổ chức đoàn thể xã hội ủng hộ Hiệp hội về mặt tinh thần và vật chất hoặc tham gia các hoạt động của Hiệp hội và các Câu lạc bộ UNESCO cơ sở.
5. Hội viên tư vấn là những cá nhân tự nguyện tham gia đóng góp những ý kiến, khuyến nghị cho hoạt của Hiệp hội và các Câu lạc bộ UNESCO cơ sở.

Các nghĩa vụ của Hội viên gồm:
1. Tích cực học hỏi, nâng cao trình độ hiểu biết để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu hoạt động của Hiệp hội và các Câu lạc bộ.
2. Tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội và các Câu lạc bộ, chấp hành Điều lệ và phát triển hội viên mới.
3. Đóng hội phí theo quy định của Hiệp hội và Câu lạc bộ cơ sở.

Quyền hạn của Hội viên như sau:
1. Được đóng góp ý kiến về công tác Hiệp hội và các Câu lạc bộ.
2. Được bầu cử và ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo Hiệp hội và các Câu lạc bộ UNESCO cơ sở.
3. Được kiểm tra các hoạt động của cơ quan lãnh đạo Hiệp hội và Câu lạc bộ cơ sở.
4. Được hưởng những phúc lợi tinh thần và vật chất do Hiệp hội và các Câu lạc bộ cơ sở quản lý.
5. Được yêu cầu bảo vệ các nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mình với tư cách hội  viên trong phạm vi hoạt động của Hiệp hội.
6. Được xin ra khỏi Hiệp hội và CLB cơ sở.

Tính đến tháng 6-2016 Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam có trên 10.000 cá nhân là hội viên chính thức và khoảng trên dưới 100 nghìn người tham gia thường xuyên vào các hoạt động do các đơn vị thành viên của Hiệp hội tổ chức với tư cách là hội viên tham gia; có khoảng 100 các đơn vị thành viên là các Câu lạc bộ UNESCO, Trung tâm UNESCO và Hội UNESCO hoạt động trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Hiệp hội có một Văn phòng Đại diện tại các tỉnh phía Nam đóng trú tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tính đến tháng 12-2015, cơ cấu hội viên cá nhân của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phân bổ như sau:

- Giới tính:  Nam chiếm 64%  
Nữ chiếm 36%
- Tuổi:   Từ 20-30 chiếm 20%  
Từ 31-40 chiếm 13%  
Từ 41-50 chiếm 17%  
Từ 51-60 chiếm 23%
Trên 60 tuổi chiếm 27%
- Trình độ văn hoá:  
Tốt nghiệp Đại học:  59%
Trên Đại học :  16%
Dưới Đaị học:   25%

Các Câu lạc bộ, Trung tâm và Hội mang tên UNESCO

Các tập thể được Hiệp hội ra quyết định thành lập hoặc kết nạp làm đơn vị thành viên của Hiệp hội, được Hiệp hội bảo trợ pháp nhân hoạt động sẽ được mang tên UNESCO trong tên gọi của mình. Theo Điều lệ của Hiệp hội UNESCO Thế giới và thông lệ của mạng lưới UNESCO phi chính phủ trên thế giới, có ba hình thức tổ chức thành viên phổ biến thuộc các Hiệp hội UNESCO quốc gia được mang tên UNESCO, đó là: Câu lạc bộ UNESCO, Trung tâm UNESCO và Hội UNESCO.

Xuất phát từ yêu cầu quản lý và đặc thù của xã hội Việt Nam cả ba hình thức tổ chức thành viên nêu trên đều có những đặc điểm chung:

- Đều được coi là tổ chức cấp cơ sở của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, có vị trí như nhau và bình đẳng về tinh thần, quyền lợi, trách nghiệm và nghĩa vụ trong hoạt động.
- Đều chịu sự tuân thủ nguyên tắc như Điều lệ Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam quy định là “tự nguyện, tự quản, tự trang trải và phi vụ lợi” và chịu sự theo dõi, hướng dẫn và quản lý của Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.

Tuy nhiên, khi xem xét thành lập các đơn vị cơ sở Hiệp hội căn cứ vào chức năng, nội dung, phương thức và khả năng hoạt động của các sáng lập viên để quy định hình thức tổ chức của đơn vị cơ sở. Cụ thể:

- Câu lạc bộ UNESCO là hình thức phổ cập nhất trong những nơi có yêu cầu tập hợp quần chúng, là các diễn đàn mang tính chuyên đề nhằm giới thiệu, trao đổi về các vấn đề liên quan đến các nội dung của UNESCO, thông qua đó giúp cộng đồng nâng cao hiểu biết về UNESCO, về các vấn đề giáo dục, văn hoá, khoa học và thông tin của đất nước, cổ động quần chúng tham gia  tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
- Trung tâm UNESCO là hình thức hoạt động mang tính nghiệp vụ chuyên sâu ổn định lâu dài về mặt tổ chức, có định hướng chuyên môn hoá, có chương trình hoạt động cụ thể dài hạn, chứng minh được khả năng khả thi đem lại hiệu quả chuyên môn và tăng trưởng ngân sách cho đơn vị và cho Hiệp hội. Do tính chất chuyên môn hoá, yêu cầu tổ chức và giao dịch trong các hoạt động chuyên môn nên đối với những trường hợp cụ thể, một số Trung tâm UNESCO có thể được Hiệp hội xem xét và đề nghị các cơ quan chức năng Nhà nước cho phép sử dụng tư cách pháp nhân đầy đủ để hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả.
- Hội UNESCO là tổ chức cấp tỉnh và thành phố, được Chính quyền cấp tỉnh hoặc thành phố ra quyết định cho phép thành lập, được Hiệp hội UNESCO Việt Nam công nhận là tổ chức thành viên của Hiệp hội. Các Hội UNESCO hoạt động nhằm phát huy tiềm năng về tổ chức, khả năng tham gia của các tổ chức cơ sở trong việc thực hiện các chương trình của UNESCO, đồng thời có thể được Hiệp hội Trung ương uỷ quyền phối hợp với Chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ tinh thần, vất chất, điều hoà và phối hợp hoạt động của các tổ chức cơ sở của Hiệp hội Trung ương đang hoạt động tại địa phương.

Một số hình thức tổ chức hoạt động khác được Hiệp hội bảo trợ

Ngoài các hình thức phổ cập phổ biến là các Câu lạc bộ, Trung tâm và Hội UNESCO được Hiệp hội bảo trợ hoạt động, trong những trường hợp cần thiết, căn cứ nguyện vọng của quần chúng và tính khả thi đề án tổ chức, Hiệp hội có thể bảo trợ cho các hoạt động nằm trong chức năng của Tổ chức với các hình thức tổ chức ngắn hạn hoặc hoạt động thí điểm, phổ biến là hình thức:

- “Trung tâm” không có pháp nhân đối với các dự án tổ chức đào tạo, dạy nghề, nghiên cứu khoa học.
- Đoàn Nghệ thuật đối với các đơn vị hoạt động nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp.
- Chương trình, Dự án đối với các đề án nghiệp vụ mang tính khả thi cao.

Đa số các hình thức bảo trợ này đều có thời hạn, được giao cho Ban Thư ký hoặc Văn phòng Hiệp hội trực tiếp hướng dẫn và chịu trách nhiệm quản lý.

Danh sách các đơn vị cơ sở của Hiệp hội  (file riêng)



Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam

Tạp chí Ngày Nay

Tạp chí Ngày Nay được thành lập theo Giấy phép số 512/GP-BVHTT, do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin ký ngày 25-11-2002. Tạp chí Ngày Nay là cơ quan ngôn luận chính thức của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, phát hành mỗi tháng 2 kỳ, kỳ một (phát hành đầu tháng) lấy tên chuyên đề là “Giao lưu Văn hoá”, kỳ hai (phát hành cuối tháng) lấy tên chuyên đề là “Phong cách Việt”.

Chức năng và nhiệm vụ của Tạp chí Ngày Nay
(trích Điều lệ của Tạp chí Ngày Nay)
- Tạo ra một Diễn đàn tập hợp những tiếng nói chân chính của những tập thể, cá nhân có tâm huyết với sự phát triển lành mạnh của Sự nghiệp Văn hoá, Giáo dục, Khoa học và Thông tin của đất nước theo đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, với những mục tiêu của tổ chức UNESCO mà Việt Nam là một thành viên.
- Truyền bá và phổ cập những tri thức về truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam, cổ động và đấu tranh cho việc bảo tồn, kế thừa và phát triển tinh hoa truyền thống trong đời sống hiện đại, góp phần xây dựng con người mới và nền văn hoá Việt Nam "tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc".
- Giới thiệu những giá trị tinh thần và tinh hoa của các nền văn hoá, văn minh của các nước ASEAN, các dân tộc trên thế giới vì mục đích tăng cường tình hữu nghị, hoà bình và ổn định của khu vực và thế giới.
- Thực hiện chức năng đối ngoại nhân dân của Hiệp hội là phổ cập hiểu biết quốc tế bao gồm: kiến thức chung về những vấn đề toàn cầu, giáo dục ý thức công dân, vấn đề bảo vệ Hoà bình, An ninh Quốc tế, Bản sắc dân tộc, bảo vệ Môi trường sinh thái, Tài nguyên thiên nhiên…
- Thông tin về hoạt động của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Hiệp hội CLB UNESCO khu vực và thế giới cho cộng đồng.

Ban Biên tập Tạp chí Ngày Nay gồm Tổng Biên tập và đội ngũ phóng viên. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam kiêm Tổng Thư ký UNESCO thế giới đồng thời là Tổng Biên tập của Tạp chí Ngày Nay. Các ông Ngô Văn Quán và Lê Tuấn Dũng là Phó Tổng Biên tập. Ông Nguyễn Tiến Thanh và Lương Đình Dũng là Thư ký và Phó Thư ký Toà soạn.

Mạng thông tin điện tử Mái Nhà Chung

Mạng Thông tin Mái Nhà Chung của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam thực chất là “cánh tay nối dài” của Tạp chí Ngày Nay để đến với cộng đồng nhanh hơn và rộng rãi hơn.

Mạng Thông tin Mái Nhà Chung hoạt động theo giấy phép của Tạp chí Ngày Nay do đó thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn mở rộng của Tạp chí Ngày Nay theo phương diện là một phương tiện thông tin điện tử (Internet). Trong tương lai Mạng Mái Nhà Chung sẽ dịch một phần nội dung từ Mạng tiếng Việt sang tiếng Anh để tạo nên một mạng thông tin song ngữ để tuyên truyền hoạt động của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Mạng Mái Nhà Chung do Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay phụ trách.

Các đơn vị tham gia quản trị nội dung và bảo trì kỹ thuật cho Mạng Thông tin Mái Nhà chung gồm: Văn phòng Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam, Ban biên tập Tạp chí Ngày Nay,  Trung tâm UNESCO Phát triển Công nghệ Thông tin, Câu lạc bộ UNESCO Leonardo Da Vinci. Những chuyên đề đặc biệt của Mạng Mái Nhà chung do các đơn vị thành viên có liên quan của Hiệp hội phụ trách biên tập phần nội dung.


Chiến lược và các chương trình mũi nhọn

Lịch sử ra đời của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam

Đầu năm 1942, trong khi Chiến tranh thế giới Hai đang diễn ra khốc liệt thì chính phủ các nước châu Âu trong khối liên minh chống phát xít đã tổ chức một hội nghị tại Vương quốc Anh, có tên là “Hội nghị Các bộ trưởng giáo dục của các quốc gia đồng minh” (Conference of Allied Ministers of Education, CAME)



Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế

Phạm vi quan hệ quốc tế

Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam là một tổ chức xã hội tham gia vào mạng lưới phi chính phủ quốc tế, có chức năng đối ngoại và có nghĩa vụ tham gia thực hiện chính sách đối ngoại nhân dân của Nhà nước.

Theo quy định của UNESCO và Điều lệ của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam thông báo việc ra đời của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam cho Tổ chức UNESCO thì Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội UNESCO Thế giới và Hiệp hội UNESCO Khu vực Châu á - Thái Bình Dương.

Nhưng do điều kiện khách quan nên đến 1997 Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam mới có điều kiện chính thức tham gia các diễn đàn của Hiệp hội UNESCO Châu á - Thái Bình Dương, có mặt tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Châu á - Thái Bình Dương lần thứ 12 tổ chức tại Bangkok, Thai Lan, tháng 8-1997. Ngay sau hội nghị khu vực Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đã tích cực tham các hoạt động phối hợp giữa các Hiệp hội UNESCO anh em trong khu vực, duy trì thông tin liên lạc, trao đổi kinh nghiệm với các Hiệp hội khu vực trên các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm. Hiệp hội đã đón một số đoàn đại biểu của các Hiệp hội bạn trong khu vực đến thăm, trao đổi kinh nghiệm tại Việt Nam và cử một số đoàn đi thăm và làm việc tại một số Hiệp hội bạn. Hiệp hội Việt Nam gây được sự chú ý của các bạn trong khu vực, được đánh giá là một Hiệp hội trẻ nhưng phát triển đều trên các lĩnh vực chuyên môn và hoạt động có kết quả.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành khu vực lần thứ 13 tổ chức vào tháng 4-1999 tại Dahka, Bangladesh, Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Châu á - Thái Bình Dương.

Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam lần đầu tiên tham gia Đại hội lần thứ VI của Hiệp hội UNESCO Thế giới tổ chức vào tháng 10-2003 taị Cộng hoà Síp. Tại Đại hội này Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam được các Hiệp hội nhóm khu vực Châu á - Thái Bình Dương đề cử vào Ban Chấp hành Hiệp hội UNESCO Thế giới và đã trúng cử tại Đại hội với số phiếu tuyệt đối chức vụ Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Thế giới.

Trong phạm vi khu vực Châu á - Thái Bình Dương Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam có quan hệ hữu nghị hợp tác thường xuyên và mật thiết với các Hiệp hội UNESCO Nhật Bản, Hiệp hội UNESCO Thái Lan, Hiệp hội UNESCO Hàn Quốc, Hiệp hội UNESCO ấn Độ, Hiệp hội UNESCO Bangladesh, Hiệp hội UNESCO Trung Quốc… Trong phạm vị quốc tế, tuy chưa triển khai được các hoạt động hợp tác cụ thể nhưng Hiệp hội quy trì được quan hệ hữu nghị mật thiết với nhiều Hiệp hội anh em như Hiệp hội Nga, Hiệp hội Italy, Hiệp hội Pháp, Hiệp hội Bulgaria, Hiệp hội Síp, và một số Hiệp hội khu vực Trung cận Đông.

Từ tháng 12-2003 ông Nguyễn Xuân Thắng đã được Tổng Giám đốc UNESCO mời tham gia là một trên mười bốn thành viên Nhóm công tác của UNESCO để giúp UNESCO trong vấn đề cải tổ phong trào Câu lạc bộ UNESCO Thế giới. Từ tháng 12-2003 đến tháng 7-2005 Nhóm công tác này đã tổ chức 5 cuộc họp tại trụ sở của UNESCO ở Paris, thực hiện việc dự thảo bổ sung và sửa đổi Điều lệ của Hiệp hội UNESCO Thế giới cũng như đề xuất với UNESCO những nguyên tắc cơ bản cho hệ Hiệp hội UNESCO Thế giới và UNESCO. Hội nghị quốc tế về 60 năm Phong trào UNESCO phi chính phủ tổ chức tại Paris với sự tham gia của khoảng 120 quốc gia là đã đánh giá sự lớn mạnh của phong trào UNESCO phi chính phủ trên toàn thế giới, thể hiện mối quan hệ không thể tách rời giữa phong trào với lý tưởng, mục tiêu của UNESCO, khẳng định sự đoàn kết của phong trào và sự ủng hộ của UNESCO đối với phong trào. Kết quả của hội nghị cũng là thành quả và sự làm việc bền bỉ nỗ lực của Nhóm công tác qua 5 cuộc họp diễn ra từ tháng 12-2003 đến tháng 7-2005.


Một số mốc quan trọng về hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế

- 6-10-1993: Ngài Patrick Gallaud, Tổng Thư ký Hiệp hội UNESCO Thế giới dự Đại hội thành lập Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam. Sự có mặt của Ngài Gallaud xác nhận sự công nhận của Hiệp hội UNESCO Thế giới đối với Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam (ảnh).
- 11-1993: Ngài Sugi Riotaro, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nhật - Việt tiếp xúc với Ông Nguyễn Xuân Thắng, Q. Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và GSTS Phạm Huyễn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam để trao quà cho Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đề bày tỏ mong muốn phối hợp hoạt động với Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam (ảnh).  
- Hội nghị lần thứ 8 khoá Một của Ban Chấp hành Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam thông qua nghị quyết về việc tăng cường quan hệ quốc tế, thúc đẩy hợp tác và quan hệ hữu nghị với các Hiệp hội trong khu vực và thế giới. Hội nghị đã thông qua Bản quy chế về “Thống nhất và quản lý đối ngoại” nhằm hướng dẫn hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế cho các đơn vị thành viên.
- 11-1996: Đại diện Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam dự Diễn đàn Thanh niên quốc tế về “Văn hoá - Động lực phát triển” tổ chức tại Loei, Thái Lan. Đây là cơ hội để Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đặt những viên gạch đầu tiên cho quan hệ với Hiệp hội UNESCO Thái Lan.
- 7-1997: Đón Đoàn lãnh đạo của Hiệp hội UNESCO Hàn Quốc và Trung tâm Giáo dục quốc tế Hàn Quốc thăm và làm việc tại Việt Nam, ký bản ghi nhớ đặt nền móng cho quan hệ hợp tác giữa hai Hiệp hội.
- 8-1997: Lần đầu tiên đại diện của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam tham dự Hội nghị Ban Chấp hành của Hiệp hội UNESCO Châu á - Thái Bình Dương, tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
- 12-1997: Đại diện của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam thăm và làm việc với Hiệp hội UNESCO Hàn Quốc và Trung tâm Giáo dục Quốc tế của Hàn Quốc để bàn về kế hoạch hợp tác giữa hai Hiệp hội. Tại Đại hội, đại diện của Hiệp hội UNESCO Việt Nam và Thái Lan đã thoả thuận về hợp tác trên lĩnh vực tổ chức tham quan nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm cho hội viên hai nước trên lĩnh vực giáo dục.
- 2-1998: Hiệp hội tổ chức Đoàn gồm 31 Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường phổ thông Trung học Hà Nội tham quan hệ thống giáo dục của Thái Lan. Đoàn đã được Hiệp hội UNESCO Thái Lan tổ chức đón tiếp nồng nhiệt, được Thứ trưởng Thứ Nhất Bộ Giáo dục Thái Lan tiếp và tặng quà cho toàn Đoàn. Tháng 3-1999 Hiệp hội đã đón Đoàn gồm 40 Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường Trung học Băngkok sang tham quan, làm việc với Hiệp hội và ngành giáo dục Việt Nam. Hai hoạt động trao đổi này đã mở đầu cho một chương tham quan trao đổi kinh nghiệm giữa hai Hội diễn ra hết sức sôi nổi và có hiệu quả trong những năm tiếp theo, được các nhà sư phạm hai nước hưởng ứng và dư luận hoan nghênh.
- 4-1999: Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 13 Hiệp hội UNESCO khu vực họp tại Bangladesh bầu Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO khu vực Châu á - Thái Bình Dương.
- 5-2000: Đại diện của Hiệp hội dự Hội nghị tập huấn Tiểu khu vực về công tác UNESCO do UNESCO phối hợp với Hiệp hội UNESCO Thế giới và Hiệp hội UNESCO ấn Độ tổ chức tại New Delhi, ấn Độ. Hội nghị này đã được chuyên gia UNESCO phổ biến nghị quyết 60 của Đại hội đồng lần thứ 30 của UNESCO về tăng cường ủng hộ và tăng cường vai trò của hoạt động UNESCO phi chính tại các quốc gia thành viên UNESCO.
- 10-2000: Đại diện của Hiệp hội dự Hội nghị Quốc tế tại Nepal về việc vận động thanh niên ủng hộ UNESCO.
- 9-2001: Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội UNESCO khu vực Châu á - Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (Hà Nội). Đây cũng là lần đầu tiên Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đăng cai tổ chức một hoạt động quan trọng của khu vực. Mười ba nước thành viên Ban Chấp hành trong khu vực đã đến dự. Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm đã khai mạc Hội nghị. Hội viên và các đơn vị thành viên của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đã đóng góp nhiệt tình công sức, tinh thần và vật chất, góp phần tạo nên thành công rực rỡ cho Hội nghị. Các bạn quốc tế đánh giá rất cao công tác chuẩn bị cho hội nghị và tổ chức hội nghị.
- 12-2001: Đại diện của Hiệp hội dự Diễn đàn Quốc tế Terakoya (Chương trình Xoá mù chữ của Hiệp hội UNESCO Nhật Bản) tổ chức tại Kyoto, Nhật Bản.
- 2002: Đại diện của Hiệp hội dự hội nghị quốc tế về Giáo dục Đại học và Cao học tổ chức tại Phu Ket, Thai Lan.
- Từ đầu năm 2003-2005: Hiệp hội phối hợp có hiệu quả với Hiệp hội UNESCO Nhật Bản trong nhiều nội dung của Dự án xây dựng 40 Trung tâm Giáo dục Cộng đồng tại Tỉnh Lai Châu.
- 3-2003: Ban Chấp hành Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đóng góp ý kiến cho bản tham khảo của Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Thế giới về vấn đề cải tổ Hiệp hội UNESCO Thế giới, trong đó bày tỏ sự lo ngại sâu sắc và thái độ không đồng tình đối với biểu hiện chia rẽ trong một bộ phận Ban Chấp hành Hiệp hội UNESCO Thế giới (chủ yếu là nhóm đại diện khu vực Châu Âu), thể hiện sự ủng hộ và cam kết của Hiệp hội Việt Nam đối với mục tiêu lý tưởng của UNESCO và phong trào Câu lạc bộ UNESCO Thế giới, đồng thời không tán đồng kế hoạch của ông Chủ tịch đương nhiệm (người Tây Ban Nha) về việc có thể biến Hiệp hội UNESCO Thế giới thành một tổ chức mang màu sắc tổ chức nghề nghiệp.
- 10-2003: Đại hội lần thứ 6 của Hiệp hội UNESCO Thế giới tổ chức tại Cộng hoà Síp. Đây là Đại hội có số lượng đại biểu tham gia đông nhất từ trước đến nay (40 Hiệp hội UNESCO quốc gia thành viên và đặc biệt là có 14 Uỷ ban Quốc gia UNESCO của các quốc gia thành viên tham dự). Lần đầu tiên Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam cử Đoàn đại biểu đi dự Đại hội của Hiệp hội UNESCO Thế giới. Đại hội đã nhất trí bầu Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Thế giới.
- 10-2003: Đại diện của Hiệp hội tham gia Hội nghị Ban Tổ chức Liên hoan Quốc tế nghệ thuật dân gian tại Thành phố Kangneung, Hàn Quốc.
- 6-2004: Đoàn nghệ thuật Dân gian UNESCO của Hiệp hội tham gia Liên hoan Quốc tế nghệ thuật dân gian tại Thành phố Gangneung, Hàn Quốc (có 70 đoàn nghệ thuật tham gia, trong đó có 34 đoàn nghệ thuật quốc tế). Đoàn Nghệ thuật của Việt Nam đã được Ban tổ chức Liên hoan đánh giá là đoàn có nhiều tiết mục đặc sắc nhất, tham gia nhiệt tình nhất.
- 9-2004: Đoàn nghệ thuật thiếu nhi của Hiệp hội tham gia Lễ hội kỷ niệm 300 năm Thành cổ Nijo tại Kyoto, Nhật Bản.
- 5-2004: Ông Nguyễn Xuân Thắng tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội UNESCO Châu á - Thái Bình Dương tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
- 12-2003, 3-2004, 9-2004, 12-2004, 7-2005: Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam tham gia các hội nghị Nhóm Công tác của UNESCO bàn về cải cách và bổ sung Điều lệ của Hiệp hội UNESCO Thế giới, tổ chức tại Trụ sở UNESCO, Paris.
- 3-2004 (tại Thành phố Vinci, Italy) và 7-2005 (tại Paris): Ông Nguyễn Xuân Thắng tham dự các hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội UNESCO Thế giới.
- 5-2005: Đón đoàn hội viên Hiệp hội UNESCO ấn Độ sang thăm Việt Nam và trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các đơn vị cơ sở của Hiệp hội UNESCO Việt Nam.
- 7-2005: Hiệp hội cử Đoàn Đại biểu đi dự Hội nghị Quốc tế về 60 năm Phong trào Câu lạc bộ UNESCO tổ chức tại trụ sở UNESCO, Paris.



Những chặng đường đã đi qua

Văn kiện của Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ Hai Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đã xác định  một số cột mốc quan trọng của chặng đường trưởng thành của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam, trong đó chia làm hai giai đoạn chính: Giai đoạn tìm tòi thử nghiệm và giai đoạn củng cố phát triển. Cụ thể:

Giai đoạn 1 (Từ cuối năm 1993 đến cuối năm 1996)
Đây là giai đoạn Hiệp hội hoạt động có tính chất thí điểm, chưa đề ra được các quy chế về công tác tổ chức, quản lý hội viên, đối nội và đối ngoại. Giai đoạn này Hiệp hội chỉ mới có khả năng phát triển theo quy mô bề rộng, thuận theo khả năng và yêu cầu tự phát của quần chúng, còn ít kinh nghiệm. Ban Chấp hành mới còn bỡ ngỡ trong công tác UNESCO, Hiệp hội không có bộ máy hành chính và cán bộ chuyên trách, nội dung và hình thức hoạt động còn nghèo nàn. Hiệp hội chưa tranh thủ được sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng của Nhà nước.
Giai đoạn 2 (Từ đầu năm 1997 đến nay)
Kỳ họp thứ Tám của Ban Chấp hành khoá Một của Hiệp hội đã quyết định củng cố và phát triển Hiệp hội bằng việc tăng cường công tác tổ chức, kiện toàn bộ máy và xây dựng phương pháp hoạt động cho hội viên và các tổ chức cơ sở trong điều kiện Hiệp hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về kinh phí và phương tiện hoạt động. Một mặt, Ban Chấp hành quyết định giải thể hoặc tổ chức lại các đơn vị hoạt động kém hiệu quả hoặc hoạt động lệch tiêu chí. Mặt khác, tiếp tục phát triển hội viên, dựa vào nhiệt tình của hội viên để vượt qua những khó khăn và hạn chế, đồng thời có kế hoạch mở rộng quan hệ quốc tế, thực hiện vai trò ngoại giao nhân dân của Hiệp hội.
Nhờ chủ trương trên từ 1997 Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo được nhiều hoạt động có ý nghĩa đóng góp vào công tác UNESCO của Nhà nước vào sự nghiệp phát triển văn hoá và dân trí cho nhân dân. Đây cũng là giai đoạn uy tín quốc tế của Hiệp hội được phát huy, thông qua đó góp phần nâng cao uy tín của đất nước trong lòng bạn bè và nhân dân thế giới. Đánh giá thành tích và công lao của Hiệp hội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước sau 10 năm hoạt động, đầu năm 2004 Chủ tịch nước đã tặng Huân chương lao động hạng Ba cho Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam.