Trông nắng nhớ mầu áo lụa Hà Đông

Thứ ba, 02 Tháng 11 2010 14:22
In

Nước ta có nhiều làng nghề, sớm nhất là nghề tầm tang canh cửi hay trồng dâu nuôi tằm dệt vải, làm thành quần áo tạo nên dáng vóc con người. Hà Đông là một quê hương đầu tiên của vải lụa, đã đi khắp các vùng miền gắn liền với tà áo dài tượng trưng cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.

Ca dao có câu:

The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng

Lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn.

Hà Đông có tới bảy làng La, ba làng Mỗ đều dệt lụa. Tuy nhiên, lụa nổi tiếng nhất lại là lụa của làng Vạn Phúc, mà nay là xã Vạn Phúc phía tây bắc thị xã Hà Đông, Hà Tây cũ nay là Hà Nội. Nhờ địa thế phía đông giáp sông Nhuệ, phía nam giáp sông đào La Khê, trên bến dưới thuyền Vạn Phúc có cảnh quan sầm uất và đã phát triển nghề dệt lụa từ lâu, với những xúc lụa mềm mại, mát dịu, họa tiết đối xứng rực rỡ. Từ thế kỷ 15, Vạn Phúc đã có nhiều thứ lụa cao cấp mỏng mảnh như lụa, là, gấm, vóc, the, sa tanh, lĩnh, bằng, quế, đoan, sa, kỳ, câu, đũi…; in hình mây nước, hoa lá, chim muông, rồng chầu, hổ phục, các chữ phúc lộc thọ và hình học...

Em về Vạn Phúc cùng anh

Áo lụa em mặc thêm thanh vẻ người.

Tương truyền, bà Lã Thị Nga tổ sư của làng lụa Vạn Phúc, là người Hàng Châu Trung Quốc, theo chồng sang làm tiết độ sứ ở nước ta, ngụ tại làng Vạn Phúc nhớ quê đã đem nghề tầm tang truyền cho trai gái trong làng phát triển thành làng nghề bên dòng sông Nhuệ. Năm 896 bà mất, do công lao trời biển của bà, dân làng đã tôn bà làm Thành hoàng làng quanh năm hương khói. Thời Lý Trần, triều đình đã nhiều lần ghi công đối với nghề dệt lụa ở Vạn Phúc. Hiện nay trên tấm bia ở chùa Ngòi, còn ghi bài thơ, đại ý:

Thạo nghề dệt lụa se tơ,

người dân no ấm xóm làng tốt tươi,

ơn trên xin nhớ muôn đời.

Thời Nguyễn, người dân Vạn Phúc chuyên làm lụa tiến vua. Đến thời Pháp thuộc, do sự o ép của chính quyền thực dân làng Vạn Phúc vẫn phải vừa sản xuất lụa để bán vừa phục vụ giới quý tộc ăn chơi trong nước và nước Pháp, song cũng nhờ thế lụa Vạn Phúc đã nổi tiếng châu Âu, và tới năm 1931 và 1934, chính thức vinh danh tại hai thành phố Marseille và Paris Pháp. Các năm 1970 - 80, lụa Vạn Phúc đã được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Liên Xô  cũ và nay là 30 nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Thụy Điển… Chính phủ đã nhiều lần mua hàng nghìn mét lụa tốt của Vạn Phúc để biếu tặng các mẹ Việt Nam anh hùng và các phụ lão thượng thọ.

altĐể tấm lụa đẹp, phải nhờ tới những bàn tay vàng. Khi chưa có máy móc, các nghệ nhân Vạn Phúc đã vẽ tay làm được nhiều loại hoa văn đẹp đối xứng, trang nhã mà phóng khoáng, bay bổng. Đầu tiên phải kể tới lụa Vân - tấm lụa nổi hình mây. Đây là một kỹ thuật tinh tế chỉ Vạn Phúc mới dệt được. Lụa mượt mà nổi vân. Hoặc như lụa in hình hai con rồng chầu mặt trăng đối xứng kỳ diệu. Khi bắt đầu dệt từ đuôi con rồng thứ nhất lên tới thân mình đầu rồng uốn lượn, kế đến là mặt trăng rồi tiếp tục là con rồng thứ hai từ đầu tới đuôi vậy mà khi trải tấm lụa ra hoa văn họa tiết đều tăm tắp. Một điểm đặc sắc nữa là mầu lụa Vạn Phúc không bao giờ phai, bền bỉ trong nắng trong mưa, tứ thời.

Người dân Vạn Phúc đã nhiều lần cải biến máy móc, từ những chiếc khung dệt con cò ngất ngưởng lúc đầu với chiếc thoi sừng mà người dệt phải dùng những ngón tay thanh mảnh lao chiếc thoi qua khung dệt đến những chiếc khung dùng sợi dây để giật cho con thoi lao qua và những chiếc khung cài hoa cải tiến gồm hai người với người dệt ngồi dưới và một người ngồi trên nóc khung dùng tay lồng từng sợi tơ để tết thành hoa. Cuối cùng là những chiếc khung hôm nay có hàng nghìn que kim tự động, cài các loại hoa. Người thợ đồng thời cũng tạo được những quy trình kỹ thuật hết sức phức tạp gồm xử lý tơ, hồ, dệt, nhuộm nghiêm ngặt, giúp lụa đạt độ hoàn mỹ, mịn óng, mềm mại, mầu sắc bóng bẩy, đường nét hài hòa khi nổi lúc chìm.

Nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc và phim truyện về lụa Hà Đông, một ví dụ là bài thơ và sau thành bài hát Áo lụa Hà Đông đã đi vào tâm cảm nhiều người vì sự tinh tế của lụa cũng như vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn

Mà mùa thu dài lắm ở xung quanh…

Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn

Giữ hộ anh mầu áo lụa Hà Đông.

 

Mới đây là bộ phim Áo lụa Hà Đông phản ánh cuộc sống của người dân Việt Nam trước và sau năm 1954 ở miền Bắc và miền Trung, trong đó hiện lên hình ảnh chiếc áo lụa đẹp đẽ được xem là tượng trưng cho thân phận của người phụ nữ nông thôn Việt Nam. Bộ phim Áo lụa Hà Đông đã giành được giải thưởng phim nước ngoài hay nhất tại Liên hoan phim Kim Kê - Bách Hoa lần thứ 16 tại Trung Quốc.

Đáp ứng nhu cầu thị trường, Vạn Phúc đã có nhiều chất liệu lụa từ hạng bình dân tới cao cấp; hạng bình dân là loại lụa pha lanh và sợi tơ hóa học; hạng cao cấp là lụa pha tơ tằm và tơ bong, mà đa số là sa tanh nhiều mầu, loại sa, đũi, trong đó sa tanh là mặt hàng được nhiều quan khách yêu thích nhất. Lụa sa tanh lấp lánh như pha lê và có những hình hoa hướng dương viền quanh cực kỳ quý phái.

Về Vạn Phúc, đến đầu xã đã nghe thấy tiếng máy dệt rộn ràng, lụa phơi phấp phới. Vạn Phúc hôm nay có 1.000 máy dệt, sản xuất tới hai triệu rưỡi mét lụa mỗi năm.

Đến Vạn Phúc, du khách cũng thường rẽ vào thăm quan các kiến trúc văn hóa lịch sử của làng nghề. Tuy tình trạng đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở nhiều nơi, song Vạn Phúc vẫn giữ được phong cảnh cổ kính, êm đềm của làng quê xưa với chiếc giếng làng xanh trong nở đầy hoa sen hoa súng lục bình, với cây đa cây đề cổ thụ đã hàng trăm tuổi rang tán che đỡ cho những đám trẻ mục đồng và những bà con nông dân nghỉ chân buổi trưa nhàn, với những lũy tre xanh mát chạy ven ruộng đồng ễnh ương ộp oạp và với những buổi chiều họp chợ sôi động các mặt hàng quê mắm muối hành rau. Đặc biệt là ngôi đình Vạn Phúc uy nghiêm, giữ nguyên những nét cổ sơ trong lần trùng tu tôn tạo từ thời vua Tự Đức. Đình rộng rãi xanh mướt cây cỏ. Hậu cung đặt ngai thờ Thành hoàng làng và để các báu vật như gương, lược, vạch chỉ, thước đo, chỉ may của bà tổ nghề dệt. Trên nóc cổng làng ghi bức đại tự Vạn Phúc lai cầu bằng chữ Hán, nghĩa là Vạn sự hạnh phúc, vạn điều may mắn đang đến.

Vạn Phúc còn là một cơ sở cách mạng vững mạnh nằm trong An toàn khu của Trung ương và xứ ủy Bắc Kỳ trong suốt bảy năm từ 1938 - 1945. Đặc biệt ngày 3/12/1946 tại xóm Đoàn kết, Hồ Chủ Tịch đã sống và làm việc cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng và viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946. Năm 1973, để lưu lại sự kiện lịch sử trọng đại này tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây đã đề nghị Bộ văn hóa cho khôi phục lại ngôi nhà mà Bác đã từng sống và làm việc trong suốt 16 ngày tại Vạn Phúc và đến ngày 19/12/1974 Nhà lưu niệm Bác Hồ chính thức khánh thành.

Hỡi cô thắt dải bao xanh

Có về Vạn Phúc với anh thì về

Vạn Phúc có gốc cây đề

Có ao tắm mát, có nghề cửi canh…

Chu Mạnh Cường

alt