Âm nhạc CROR, giá trị đích thực chính là chiều sâu tâm hồn

Thứ tư, 12 Tháng 1 2011 15:59
In

Vừa qua, nhà soạn nhạc Lê Văn Tuấn đã cho ra mắt album nhạc “Nơi chốn của linh hồn” theo trường phái CROR. Tác giả Lê Văn Tuấn giải thích: tiêu chí âm nhạc của CROR là tôn vinh một triết học âm nhạc, vì một thế giới đại đồng trong hòa bình, hạnh phúc và sáng tạo, trong CROR có cả thơ, có cả nhạc, có cả kịch, những câu chuyện ngụ ngôn, cả hội họa và điện ảnh.

Khác với các dòng nhạc trước đây, âm nhạc CROR hướng đến sự thánh thiện tâm hồn, cả người hát lẫn người nghe cần có chung sự đồng cảm sâu sắc về nhân sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ và đồng cảm cũng có những ý kiến trái chiều. Bài viết này cố gắng đưa ra cái nhìn khách quan về âm nhạc CROR.

Một sáng tạo mới mẻ

Nhà soạn nhạc Lê Văn Tuấn (trái)Trước tiên, việc bỏ dấu hóa trong nhạc của Lê Văn Tuấn là thay thế vai trò âm chủ bằng giai điệu chủ (Lead melody). Điều này có phù hợp hay không? Thạc sĩ âm nhạc Bùi Đức Thịnh nhận định: “Việc bỏ dấu hóa đầu khuông nhạc này là phù hợp với xu hướng âm nhạc hiện đại và lẽ thường tình với âm nhạc CROR. Trong âm nhạc CROR, âm chủ này chuyển nhanh sang âm chủ khác, sự biến chuyển này diễn ra nhanh và hài hòa với tự nhiên. Chính vì vậy, bỏ dấu hóa để không xác định âm chủ là cần thiết”. Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng, đối với âm nhạc của Lê Văn Tuấn nếu để dấu hóa sẽ rối lên, giai điệu mới là chính.

Ca sĩ Ka Đíck (đoàn ca nhạc Lâm Đồng): Chất giọng trong âm nhạc CROR khác hẳn với dòng nhạc trước đây, nó thể hiện sự thoát tục của tâm hồn. Trong lúc thể hiện bài hát, đến cao trào, người ca sĩ không xử lý theo công thức nữa mà theo hướng chủ động với cách cảm của người hát và đây là điều thù vị, thể hiện sự sáng tạo mới mẻ.Nhạc CROR nổi bật ở âm vực cao, cần chất giọng khỏe và đề cao tự nhiên, cái nào gồ ghề thì gồ ghề, cái nào sâu lắng thì sâu lắng. Vì vậy, để thể hiện tốt nhạc CROR, người ca sĩ cần phải “cảm” được cái thần của bài hát.

Giai điệu trong âm nhạc CROR biến bất tận cuốn theo từng mạch cảm xúc của nhân vật, hòa quyện trong một khối tổng thể của bài hát. Đây cũng là nét mới mẻ, hiện đại trong âm nhạc CROR. Nữ ca sĩ Hoàng Kim (nhà hát ca múa nhạc Bông Sen) chia sẻ: “Lúc đầu tôi cảm thấy “rối” khi thể hiện bài hát, nhưng càng hát tôi càng bị cuốn vào cảm xúc tác phẩm lúc nào không hay. Nhạc CROR không phải dễ hát, người ca sĩ ngoài kỹ thuật thanh nhạc và tố chất còn phải hòa tâm hồn của mình vào từng lời ca, điệu nhạc”.

            Riêng về nốt lặng, theo Thạc sĩ âm nhạc Bùi Đức Thịnh: Nốt lặng trong nhạc CROR vẫn có ý nghĩa tâm hồn không như một bài viết nào đó đã phản bác, có lúc cao trào theo mạch cảm xúc, có lúc sâu lắng qua cử chỉ, ánh mắt của người thể hiện. Triết lý trong nhạc CROR còn được thể hiện rất đặc thù thông qua nốt lặng, đó là sự biến động của cuộc sống ngay trong cái tĩnh tại và mơ hồ.

Giá trị không phải ở kỹ thuật và kỹ xảo âm nhạc

Trước đây, theo ý thức hệ của các nhà sáng tác, âm nhạc phần lớn chỉ diễn tả cái “tôi” cá nhân. Âm nhạc CROR đã thành công trong việc chuyển tư duy “tôi” sang tư duy “cộng đồng”, từ việc thể hiện tình cảm của riêng “tôi” sang việc thể hiện tình cảm và số phận của những người khác trong cộng đồng và cuộc sống mưu sinh “đa chiều” của họ. Sự thay đổi vai trò và trọng trách lớn lao của âm nhạc mới chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hàng loạt thay đổi vai trò lịch sử của giai điệu, của nhịp phách, của dấu hóa, của âm chủ và hợp âm chủ, của các loại đàn trời, của dấu lặng, của không gian nhiều chiều trong âm nhạc…của kinh tuyến (dọc) và vĩ tuyến (ngang) trong bản nhạc.

Âm nhạc CROR kêu gọi sự chia sẻ để tìm sự thánh thiện và cảm thông cho số phận con người, khởi xướng nền âm nhạc đại đồng vì nhân sinh.

Nhiều nhạc sĩ và ca sĩ đều thừa nhận “cái lạ” trong âm nhạc CROR. Nhạc sĩ Tấn Ngọc cảm nhận: “Tôi khâm phục “ý thơ” trong nhạc Lê Văn Tuấn, nhạc của anh đã thể hiện cách nhìn mới mẻ về cuộc sống mà các dòng nhạc trước đây không thể hiện được”: Mùa xuân sẽ đến khi đông tàn…Tình yêu sẽ tới lúc không ngờ” (trích nhạc phẩm Mùa xuân đến muộn). Vâng, lúc không ngờ thì niềm vui, niềm hạnh phúc cũng đến lúc chúng ta tưởng chừng như đã hết. Và đây là điều mà con người khi không nhận ra.

Nhạc phẩm Thời Hoang Vắng cho chúng ta miền cảm xúc trừu tượng về những dải đất hoang vắng trên khắp địa cầu. Qua thời gian, những thời hoang vắng bỗng dưng hiện vế. Không những thế, ngay trong cả một con người một lúc nào đó bất chợt thấy lạc lõng đến trơ trọi. Âm nhạc của Lê Văn Tuấn thể hiện triết lý nhân sinh sâu sắc mà không phải ai mới nghe lần đầu cũng cảm nhận ngay được giá trị của nó. Đó chính là cái: “thần của nhân sinh” thể hiện sắc màu của cuộc sống và cũng chính là giá trị đích thực trong âm nhạc CROR.

Âm nhạc CROR sinh ra không phải đơn thuần chỉ để khởi xướng một học thuật bỏ âm chủ, hợp âm chủ, bỏ dấu hóa…mà CROR sinh ra để dấn thân vào “sứ mệnh” của một loại hình âm nhạc diễn tả cuộc sống của nhân gian, đi vào trái tim con người để thấu hiểu hoàn cảnh, số phận nhiều biến động của họ. Qua đó, không chỉ cảm thông, chia sẻ mà còn để tiếp sức, để “ôm ấp” họ trong sức mạnh tiềm ẩn, để “nâng niu” họ trong ân tình lớn lao: “Mưa xé, gió hú, bão cuốn…là những hiểm nguy còn nhìn thấy được…Những hiểm nguy về từ kiếp người…mang về những hoang tàn (trích nhạc phẩm Ngôi nhà mái lá). Hàng vạn người bỗng chốc trôi dạt bơ vơ…Thế giới hãy chìa bàn tay ra cho những người nghèo khó, hãy đùm bọc họ, kể cả họ là ai, đến từ đâu, hãy sưởi ấm cuộc đời họ.

Và để đạt được “trình độ” đó, ngòi bút của nhạc sĩ phải thấm đẫm máu, ,mồ hôi và nước mắt của nhân loại mới có thể viết được cho nhân sinh, âm nhạc phải viết bằng trái tim, bằng tâm hồn chứ không phải đơn thuần là kỹ thuật âm nhạc gò bó, công thức. Chính vì vậy, trong nhạc CROR, số phận con người, vạn vật và linh hồn của họ mới là cốt lõi.

Đó chính là giá trị đích thực, tạo nên những khao khát thay đổi trong bước đột phá của âm nhạc CROR./.

Từ Ngôn Dân

alt