Chưa đưa 'cụ rùa' hồ Gươm lên bờ chữa bệnh

Thứ tư, 16 Tháng 2 2011 15:34
In

Trong khi các nhà khoa học trong nước khẳng định cụ rùa hồ Gươm cần được đưa lên bờ để chữa trị các vết thương thì một số chuyên gia quốc tế cho rằng việc tách cá thể này khỏi hồ chỉ là "giải pháp cuối cùng".

Sáng 15/2, tại Hà Nội, lần đầu tiên một hội thảo khoa học quy mô bàn giải pháp bảo vệ rùa hồ Hoàn Kiếm đã được tổ chức với sự có mặt của các chuyên gia quốc tế.

Mang đến hội thảo hàng trăm hình ảnh và ghi chép thu thập trong suốt 20 năm qua, Phó giáo sư Hà Đình Đức cho rằng việc rùa xuất hiện nhiều gần đây là "điều không bình thường". Riêng tháng 1/2011, cụ nổi lên 14 lần, mang trên mình nhiều vết thương, trong đó vết thương mới ở cổ và mai.

"Điều quan trọng bây giờ là sức khỏe cụ. Tôi khẩn thiết đề nghị đưa ngay cụ lên chân Tháp Rùa để kiểm tra và chữa trị kịp thời, tránh để tình hình ngày càng xấu thêm, nhất là tình trạng xâm lăng của rùa tai đỏ, chúng có thể đang gặm mai cụ", ông Đức nói.

Ông còn đưa ra hàng loạt kiến nghị như: đánh bắt và tiêu diệt rùa tai đỏ trong hồ để bảo vệ cụ rùa và hệ sinh thái hồ Gươm; kiểm tra đáy hồ, thu dọn các chướng ngại vật; kiểm tra hệ thống thoát nước của các nhà hàng gần hồ; thông cống, cải tạo chất lượng nước; tiến hành nạo hút bùn, nghiêm cấm phóng sinh rùa tai đỏ...

Vết thương mới ở cổ và mai được ghi nhận vào cuối tháng 12/2010 khiến các nhà khoa học vô cùng lo ngại về sức khỏe của cụ rùa hồ Gươm. Ảnh: Vũ Long.

Thạc sĩ Kim Văn Vạn, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cho rằng có thể do trong quá trình di chuyển với thân lớn, tuổi cao, cụ rùa va chạm vào các vật sắc, nhọn ở đáy, thành hồ dẫn đến bị tổn thương. Khi bị xây sát, lại sống trong môi trường nước ô nhiễm càng khiến vết thương của cụ nặng hơn.

"Biện pháp tốt nhất là đưa cụ lên cạn để xử lý đồng bộ các vết loét một cách triệt để, đồng thời xử lý môi trường trong hồ (nạo vét bùn, xử lý nước)", thạc sĩ Vạn đề xuất.

Chuyên gia này lưu ý thêm, khi đưa cụ lên cạn cần tuyệt đối tránh gây tổn thương do đánh bắt, phải giữ ấm, vệ sinh sạch sẽ trên thân cụ, sau đó rửa lại bằng nước sinh lý, dùng thuốc sát trùng. Khi kiểm tra thấy vết lở loét do nấm có thể dùng hóa chất đặc trị nấm. Thời gian để cụ trên cạn tối thiểu 5-7 ngày mới đủ liệu trình xử lý vết thương.

Phương án đưa cụ rùa lên cạn để chữa trị được hầu hết các nhà khoa học trong nước có mặt tại hội thảo tán đồng. Theo các chuyên gia, việc đưa lên bờ cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Nhiều người góp ý chi tiết phương pháp bắt để tránh xây xước, thậm chí có ý kiến còn đề xuất dùng máy bay trực thăng phối hợp, trục vớt...

Một tiêu bản rùa được cho là cùng loài với rùa ở hồ Gươm được mang tới hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hưng

Dù khẳng định cho đến nay vẫn chưa tìm thấy cá thể rùa Hoàn Kiếm nào khác tại Việt Nam, do đó việc bảo vệ cụ rùa ngày càng trở thành vấn đề ưu tiên, song ông MCormark, điều phối viên Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP), lại bày tỏ lo ngại với phương án di chuyển lên bờ. Theo ông, nên tiếp tục theo dõi vết thương của rùa, việc đưa ra khỏi hồ để chữa trị chỉ là giải pháp cuối cùng.

"Những rủi ro nghiêm trọng của chấn thương mới hoặc tử vong có thể xảy ra nếu di chuyển rùa để điều trị mà không có đủ cơ sở vật chất và chuyên môn thú y. Trong khi sức khỏe rùa ngày càng xấu đi nên có thêm sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm", ông nói.

Cùng quan điểm, tiến sĩ, bác sĩ thú y cao cấp Nimal Fernando đến từ Ocean Park (Hong Kong) cho rằng, phương án đưa rùa ra khỏi hồ để chữa trị trực tiếp tuy nhanh hơn nhưng dễ gặp rủi ro trong quá trình bắt và vận chuyển. Hơn nữa, việc tách cá thể ra khỏi môi trường quen thuộc có thể khiến rùa bị stress và nhiều yếu tố phát sinh không lường trước.

Ngoài ra, theo ông phương án dung hòa là quây một diện tích hồ nhỏ từ vài chục tới vài trăm m2 để đưa rùa vào chữa trị cũng không hiệu quả do môi trường nước trong hồ không thay đổi. Nhà khoa học này cho rằng, phương án tối ưu là cải tạo môi trường nước toàn hồ Gươm. Môi trường sạch sẽ tác động tốt tới sức khỏe của rùa, những vết thương sẽ tự khỏi. "Phương pháp này cần nhiều thời gian hơn, nhưng tôi nghĩ ít gây ảnh hưởng đến rùa nhất", ông nói.

Theo ông Timothy MCormark, việc đưa cá thể rùa ra khỏi hồ Gươm để chữa trị chỉ là biện pháp cuối cùng. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Với kinh nghiệm 10 năm nghiên cứu về rùa và 3 năm thường xuyên tiếp xúc, nghiên cứu loài giải khổng lồ ở Trung Quốc, tiến sĩ Nimal Fernando cho rằng cần thận trọng, thu thập thêm nhiều hình ảnh hơn nữa ghi lại vết thương của rùa để có đánh giá cụ thể, chính xác về hiện trạng sức khỏe. "Chỉ dựa trên những bức ảnh tư liệu hiện tại tôi chưa thể đưa ra một phác đồ điều trị được. Trường hợp bắt buộc phải đưa rùa lên bờ chữa trị, theo tôi, có thể mất đến 6 tháng", bác sĩ này nói.

Với hàng loạt góp ý của các nhà khoa học, ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội khẳng định, thời gian tới, những gì có thể làm được sẽ được làm ngay. Đó là các giải pháp nhằm giảm chướng ngại vật có thể gây thương tích cho cụ rùa, cải thiện môi trường hồ Gươm, nạo vét lòng hồ, gỡ các đường ống từ bờ ra đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, dựng đài phun tăng cường oxy, bổ cập nước...

Giám đốc Sở cho biết sẽ kiến nghị cải tạo bờ kè ở Tháp Rùa để cụ rùa có thể trèo lên đảo phơi nắng... Tuy nhiên, việc bắt cụ rùa lên bờ là việc chưa thể tính đến tại thời điểm này.

 

Nguồn Vnexpress.net