Hà Nội bàn cách cứu chữa Rùa hồ Gươm

Thứ hai, 14 Tháng 2 2011 23:44
In

Các nhà khoa học cùng giới chức Hà Nội sẽ bàn cách chữa trị các vết thương cũng như tạo điều kiện sinh sống tốt hơn cho 'cụ' Rùa hồ Gươm tại một hội nghị diễn ra ngày mai.

Hội nghị do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu về rùa và các loài bò sát.

Thời gian gần đây, "cụ Rùa" xuất hiện với nhiều vết thương trên mình, làm dấy lên nhiều ý kiến lo ngại về sức khỏe của cụ cũng như nguy cơ xâm lấn của loài rùa tai đỏ.

Rùa hồ Gươm luôn là tâm điểm chú ý của người dân và các nhà khoa học, bởi nó mang trên mình một huyền thoại lịch sử của Việt Nam. Rùa hồ Gươm là một trong bốn cá thể thuộc loài này còn sót lại trên thế giới, và năm ngoái đã được một tổ chức bảo tồn quốc tế xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong số các động vật nước ngọt trên toàn cầu.

Theo ông Lê Xuân Rao, Giám đốc sở, nhiều nhà khoa học ủng hộ ý kiến đưa "cụ Rùa" lên bờ chữa trị các vết thương. Rùa hồ Gươm được ghi nhận có dính các lưỡi câu chùm và có vết loét ở cổ.

Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam, cho rằng khi đưa cụ Rùa lên bờ, ngoài việc chữa vết thương, còn có thể lấy mẫu ADN của cụ để từ đó biết cụ thuộc nhóm nào, từ đó đưa ra giải pháp y tế tốt nhất.

"Trong điều kiện hiện tại, nên gắn chip điệ tử để theo dõi quá trình vận động của cụ. Chưa ai biết cụ bị thương nặng hay nhẹ nên cần theo dõi kỹ, nếu thấy cần thiết phải đưa lên bờ. Cần có biện pháp giữ ấm cho cụ không bị rét, sau đó các bác sĩ có thể chăm sóc, chữa trị vết thương cho cụ", giáo sư Huỳnh nói.

Rùa Hoàn Kiếm, có tên khoa học là Rafetus swinhoei đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Ảnh: Asian Turtle Program.

Môi trường sống ô nhiễm và bị thu hẹp, tình trạng xâm lấn từ sinh vật ngoại lai, cụ thể là rùa tai đỏ, gặp nguy hiểm từ các hoạt động của con người như câu móc, là những nguy cơ mà Rùa hồ Gươm phải đối mặt, theo đánh giá của các nhà khoa học. Thậm chí, ông Hà Đình Đức, một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, còn cho rằng "cụ Rùa" có thể bị rùa tai đỏ gặm mai.

Trên thế giới, rùa là một trong những loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2011 được Tổ chức Bảo tồn Động vật lưỡng cư và Bò sát quốc tế chọn là năm bảo vệ rùa.

Theo PARC, một tổ chức bảo vệ rùa và động vật lưỡng cư của Mỹ, rùa là loài đang dần biến mất khỏi hành tinh với tốc độ nhanh nhất so với các nhóm động vật khác. Hiện gần 50% số loài rùa tự nhiên đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng

Việt Nam là nơi phân bố của 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, nhưng hầu hết các loài rùa trên đều được liệt kê trong sách đỏ thế giới ở mức độ bị đe dọa. Rùa tự nhiên chỉ còn sống sót trong khu bảo tồn và vườn quốc gia. Trong đó, rùa Hoàn Kiếm và rùa Trung bộ của Việt Nam trước nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, theo đánh giá của tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI).

 

Nguồn: Vnexpress.net