Ngoại giao Việt Nam, 65 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ hai, 13 Tháng 9 2010 14:08
In

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dành cho Tạp chí Ngày Nay của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 – 28/8/2010)..

Tạp chí Ngày Nay (TCNN): Năm 2010, ngành Ngoại giao Việt Nam vừa tròn 65 tuổi. Nhân dịp này xin đồng chí Phó Thủ tướng cho độc giả biết đôi nét về bối cảnh ra đời của ngành Ngoại giao Việt Nam?

Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (Ảnh TL)Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm:Cách đây 65 năm, vào những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử, dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ và của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân ta đã vùng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám thần kỳ, lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập tự do. Ngày 28/8/1945, Bác Hồ đã công bố việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời. Bộ Ngoại giao là một bộ phận trong Chính phủ Cách mạng lâm thời do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Do tầm quan trọng của công tác ngoại giao lúc đó, Bác Hồ đã kiêm nhiệm luôn chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Đó là vinh dự to lớn của Ngoại giao Việt Nam. Kể từ đó, ngày 28/8 hằng năm được coi là ngày truyền thống của ngành Ngoại giao.

TCNN: Thưa Phó Thủ tướng, 65 năm là một chặng đường dài với rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng cũng có rất nhiều thành tựu và vinh quang. Xin Phó Thủ tướng cho độc giả biết đôi nét về những thành tựu nổi bật của ngành Ngoại giao trong 65 năm qua?

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: 65 năm qua, vượt lên rất nhiều khó khăn, thử thách, Ngoại giao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay khi mới ra đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dìu dắt, Ngoại giao đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ thành công chính quyền cách mạng mới thành lập, tránh phải đụng đầu với nhiều thế lực thù địch cùng một lúc, tranh thủ được thời gian để củng cố và xây dựng lực lượng phục vụ sự nghiệp kháng chiến trường kỳ sau này.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, Ngoại giao Việt Nam đã cùng với quân dân cả nước khắc phục mọi khó khăn, góp phần phá thế bao vây của địch, mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam, đã kết hợp được sức mạnh to lớn của toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ được sự ủng hộ quý báu cả về vật chất và tinh thần của các nước XHCN, của bạn bè yêu chuộng hòa bình và tiến bộ khắp năm châu, của kiều bào ta ở nước ngoài, tạo nên so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đỉnh cao của Ngoại giao Việt Nam thời kỳ này là Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương và Hiệp định Paris về chấp dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngoại giao Việt Nam đã phát huy tối đa những thắng lợi trên chiến trường để biến thành sức mạnh đàm phán, kết thúc chiến tranh bằng các biện pháp hòa bình. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được công nhận, quân đội nước ngoài rút hết khỏi lãnh thổ Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân cả nước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân lịch sử 1975.

Trong thời kỳ Đổi mới toàn diện đất nước, Ngoại giao đã góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập quốc tế trên tinh thần Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước. Ngoại giao đã góp phần quan trọng trong việc phá thế bao vây, cô lập và cấm vận của các thế lực thù địch; góp phần tạo dựng và giữ vững môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và tranh thủ những điều kiện thuận lợi nhất phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau 25 năm Đổi mới, chưa bao giờ sự giao lưu và hợp tác quốc tế của Việt Nam lại diễn ra sôi động và ngày càng hiệu quả như hiện nay. Chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 179 nước; có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng ta có quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước lớn, các trung tâm kinh tế chính trị lớn trên thế giới. Quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng khu vực, các nước bạn bè truyền thống, các nước, các đối tác ở khắp năm châu ngày càng được củng cố và phát triển. Chúng ta đang là thành viên tích cực của gần 70 tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có những tổ chức quan trọng như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Cộng đồng Pháp ngữ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC)… Chúng ta vừa đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009 và hiện đang làm Chủ tịch của ASEAN. Vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

TCNN: Thưa Phó Thủ tướng, trong 65 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Ngoại giao đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý. Xin Phó Thủ tướng có thể nói rõ hơn về những bài học này?

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Đúng như vậy, 65 năm đồng hành cùng đất nước, cùng sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc ta, ngành Ngoại giao đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý, cả trong đối ngoại cũng như trong xây dựng ngành. Từ nhiều năm nay, Bộ Ngoại giao đã làm tốt công tác tổng kết, rút kinh nghiệm và phổ biến quán triệt tới từng đơn vị, từng cá nhân ở trong và ngoài nước. Nói về những bài học kinh nghiệm của Ngoại giao Việt Nam trong 65 năm qua thì có rất nhiều, nhưng ở đây tôi chỉ xin nhấn mạnh một vài bài học lớn.

Trước hết, đó là bài học luôn luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường. Độc lập, tự chủ gắn liền với CNXH luôn là mục tiêu cao nhất và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Hoạt động đối ngoại của nước ta phải luôn xuất phát từ mục tiêu này, phải đảm bảo tối đa lợi ích của dân tộc. Bên cạnh đó, tự lực tự cường là phải biết phát huy sức mạnh của chính mình, trong đó lấy phát huy sức mạnh của nhân dân làm nòng cốt. Bác Hồ đã từng dạy là phải lấy sức ta mà giải phóng cho ta. Đây là một nhân tố quan trọng bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt 65 năm qua.

Hai là, bài học về việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc là tổng hợp các yếu tố vật chất, tinh thần, là sự kết hợp của truyền thống lịch sử, chính trị, quân sự ngoại giao, kinh tế, văn hóa…Sức mạnh dân tộc còn bắt nguồn từ khối đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh thời đại là sức mạnh của lực lượng sản xuất, của tiến bộ về khoa học công nghệ…Đó còn là sức mạnh của các xu thế lớn, các trào lưu chung trên thế giới, là sức mạnh đoàn kết, đấu tranh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển. Trong quá trình đi lên của cách mạng Việt Nam, chúng ta phải biết dựa vào sức mạnh dân tộc là chính, nhưng phải biết cách kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn với các yếu tố bên ngoài để phục vụ các mục tiêu cách mạng.

Ba là, phải xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu bền với các nước láng giềng ở khu vực, quan tâm và xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn. Các nước láng giềng có vai trò rất quan trọng đối với chúng ta trên nhiều phương diện, nhất là về an ninh quốc phòng. Ông cha ta đã dạy “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Nền tảng của quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng là tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Quan hệ với các nước láng giềng của Việt Nam ta có những nét đặc thù do ta và các nước láng giềng khu vực đã trải qua nhiều biến cố lịch sử phức tạp, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Ngày nay, muốn duy trì và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, ổn định lâu dài thì chúng ta cần phải đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt, thông qua nhiều cơ chế khác nhau trên nguyên tắc cùng có lợi vì hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển.

Quan hệ với các nước lớn là mối quan tâm hàng đầu của ta. Chính sách của các nước lớn và quan hệ giữa các nước lớn với nhau có những tác động rất to lớn đối với tình hình thế giới và quan hệ quốc tế. Đôi khi sự cọ xát về lợi ích giữa các nước lớn có những ảnh hưởng sâu rộng đối với các nước vừa và nhỏ liên quan. Nếu có những đối sách khôn khéo, các nước vừa và nhỏ vẫn có thể tìm được chỗ đứng riêng, tạo dựng được những khuôn khổ hợp tác cùng có lợi.

Thứ tư là bài học về tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo và tận tụy cống hiến cho sự nghiệp của ngành và của toàn dân tộc. 65 năm qua, Bộ Ngoại giao đã xây dựng được một truyền thống quý báu là tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, không ngừng phấn đấu vươn lên, năng động sáng tạo trong công việc.

Đây là những bài học rất quý báu mà chúng ta cần phát huy.

TCNN:Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Người đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong ngành ngoại giao. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (1980 – 2010), xin Phó Thủ tướng giới thiệu với bạn đọc đôi nét về tư tưởng và phong cách ngoại giao của Hồ Chủ tịch?

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Trong năm 2010, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã tổ chức nhiều hoạt động trọng thể, rộng khắp để tưởng nhớ vị Chủ tịch muôn vàn kính yêu của dân tộc. Với ngành Ngoại giao, chúng tôi còn có vinh dự to lớn được Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Bộ trưởng Ngoại giao ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng xây dựng nên nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại. Người đã trực tiếp chỉ đạo và làm đối ngoại trong những thời kỳ cam go, nóng bỏng nhất của cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh là một bộ phận cấu thành không thể tách rời trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và phát triển một hệ thống những nguyên lý, quan điểm về thế giới và thời đại, về đường lối quốc tế, chiến lược và sách lược ngoại giao của Việt Nam. Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tinh hoa văn hóa của nhiều dân tộc, cả phương Đông và phương Tây. Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh còn là sự tiếp thu các kinh nghiệm ngoại giao thế giới, được vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của nước Việt Nam, làm nên bản sắc riêng của Ngoại giao Việt Nam hiện đại. Cốt lõi của tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh chính là tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Những nội dung chính của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, đoàn kết và hợp tác quốc tế; đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản của mọi quốc gia; bảo vệ hòa bình và chống chiến tranh; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…

Phong cách ngoại giao Hồ Chí minh là một phong cách  riêng, giản dị, khiêm tốn nhưng đầy chất trí tuệ và được mọi người tôn trọng. Ẩn sâu trong phong cách đó là một phương pháp tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, kiên quyết về mục tiêu chiến lược, mềm dẻo về biện pháp sách lược, nhắm đúng đối tượng và có sức thuyết phục rất cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh có nghệ thuật ngoại giao tài tình, nhạy bén, uyển chuyển và hiệu quả cao trong vận dụng chiến lược, sách lược như “hòa để tiến”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “ngoại giao tâm công”…

Tư tưởng và phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang là kim chỉ nam cho mọi hoạt động ngoại giao trong giai đoạn hiện nay.

TCNN:Thưa Phó Thủ tướng, đất nước ta đang chuẩn bị bước vào giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xin Phó Thủ tướng cho biết những định hướng lớn của công tác đối ngoại thời gian tới là gì?

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Sau 25 năm thực hiện Đổi mới, toàn Đảng, toàn Dân và toàn quân ta đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trên hầu hết các lĩnh vực. Đất nước ta đang đứng trước những vận hội mới, nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn thách thức. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Ngoại giao ngày càng nặng nề.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngoại giao thời gian tới là phải bằng mọi cách giữ vững được môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, đồng thời tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Để làm tốt các nhiệm vụ này, thời gian tới Ngoại giao Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác cùng phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa trên tinh thần “Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đường lối đối ngoại độc lập tự chủ đã được kiểm chứng trong những năm qua và đã mang lại những thành quả quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc. Trong triển khai, chúng ta cần đẩy mạnh công tác ngoại giao toàn diện với 3 trụ cột là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa kết hợp chặt chẽ với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm.

Chú trọng và chủ động nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phối hợp công tác giữa các Bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương, giữa các cơ quan trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức quán triệt và triển khai sâu rộng các Nghị quyết, các văn kiện, báo cáo tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới để đưa các Nghị quyết, các văn kiện của Đảng vào cuộc sống.

Kể từ khi ra đời đến nay, Tạp chí Ngày Nay của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã góp phần làm tốt công tác tuyên truyền ngoại giao văn hóa và ngoại giao nhân dân theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Tôi mong thời gian tới, Tạp chí sẽ tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp của ngành.

Xin cảm ơn đồng chí Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 – 28/8/2010), xin chúc ngành Ngoại giao tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa để đóng góp cho sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc./.

alt