Dạy trẻ biết tôn sư trọng đạo - bài học đầu đời của trẻ

Thứ bảy, 20 Tháng 11 2010 09:40
In

Hầu hết cha mẹ ở xã hội hiện đại có đủ điều kiện giáo dưỡng con cái toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, do thực trạng về giáo dục hiện nay có một số vấn đề bất cập nên ảnh hưởng khá nhiều đến thái độ của cha mẹ với thầy cô giáo của con. Tình hình đó dẫn đến việc phụ huynh ít lưu tâm giáo dục con trẻ về lòng biết ơn thầy cô giáo, biết tôn sư trọng đạo. Nhân ngày Hiến chương Nhà giáo, chuyên đề Giáo dục của tạp chí Ngày nay lạm bàn việc giáo dục nhân cách và thể hiện lòng biết ơn của trẻ trong xã hội ngày nay.

Từ ngàn đời xưa, dân tộc ta đã có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “tiên học lễ, hậu học văn”, điều đó cho thấy tầm quan trọng và vai trò người thầy giáo trong việc phát triển nhân cách của trẻ. Điều này không chỉ cần thiết và quan trọng với xã hội xưa mà ngày nay, cũng là một trong những viên gạch đầu tiên của nền tảng về giáo dục nhân cách cho trẻ.

Còn nhớ ông ngoại tôi kể lại rằng, mỗi dịp Hiến chương nhà giáo, nhà ông thường rất đông học sinh đến chơi thăm thầy với những món quà nhỏ nhưng được chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Quà lúc ấy thuần túy mang giá trị tinh thần và thể hiện sự biết ơn, như những thước vải gói khéo trong hộp quà nhỏ, vài lạng chè mạn đặc biệt được người thân chọn mua thật kỹ, cuốn sổ tay… hoặc bó hoa nhỏ cắt ngay vườn nhà… Chỉ thế thôi, nhưng ấm áp tình nghĩa, cả người trao lẫn người nhận đều rất phấn khởi, hân hoan. Đến lượt tôi, Ông vẫn dạy rằng “Văn hóa tặng quà” mang ý nghĩa sâu xa là để thể hiện lòng biết ơn và khó có thể quy đổi thành giá trị hữu hình.

Ngày nay, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh đã đa dạng hóa các loại quà cáp lẫn hình thức biếu xén, họ quy đổi thành giá trị vật chất khiến ngày lễ Hiến chương bớt đi phần thanh cao và mang ý nghĩa thực dụng hơn trước. Phụ huynh tặng quà cho thầy cô theo nghĩa vụ, thậm chí “cạnh tranh” lẫn nhau để lấy lòng thầy cô. Trẻ em rất tinh và khôn, không cần người lớn phải nói với chúng mà tự chúng hiểu điều người lớn làm sẽ có ảnh hưởng thế nào đến chúng. Có đứa trẻ mẫu giáo mới 5 tuổi đã về hỏi mẹ: “mẹ ơi, mẹ đã gửi thư đến cho cô giáo con chưa?” (vì bố mẹ thường để tiền vào trong phong bì dùng để gửi thư mỗi khi đến nhà cô giáo, điều đó khiến việc giáo dục con trẻ biết “tôn sư trọng đạo” khó khăn hơn bởi ý nghĩa thực của lễ Hiến chương dường như bị mai một đi nhiều.

Dạy con lòng biết ơn

Biết ơn người dạy dỗ và dìu dắt chúng ta nên người là bài học đầu tiên về truyền thống tôn sư trọng đạo. Đặc điểm tâm lý của trẻ từ 0 – 2 tuổi vốn chỉ biết tập trung vào những nhu cầu của riêng mình còn việc nhận thức về những giá trị đạo đức còn rất hạn chế. Từ 2 tuổi trở lên, bé mới có thể bắt đầu hiểu được “cho” và “nhận” là một phần quy luật tự nhiên của mọi vật. Cha mẹ định hướng trẻ lòng biết ơn thầy cô là điều nên làm, dạy trẻ từ những điều cơ bản, lễ phép với thầy cô, giải thích vai trò, tầm quan trọng và sự yêu thương của thầy cô, lúc ấy trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận một cách tự nguyện. Đây là cách để trẻ làm quen với lễ nghĩa sơ khai về lòng biết ơn thầy cô và những mối quan hệ bạn bè, trường lớp.

“Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, người lớn hãy viết lên đó những điều tốt đẹp bằng chính lời nói và hành động của mình”. Điều này lý giải tại sao phụ huynh cần dạy cho trẻ hiểu được việc thể hiện lòng tri ân đối với công lao dạy dỗ của thầy cô giáo là một nghĩa cử cao đẹp mà ngày Hiến chương là dịp bồi đắp thêm tình nghĩa thầy trò.

Hãy làm gương cho con, trò chuyện, trao đổi với con về những khúc mắc trong quá trình đi học, làm cầu nối cho con và thầy cô để bé không lấy làm buồn giận nếu lỡ mắc một hình phạt nào đó ở lớp học.

Hầu hết phụ huynh trong xã hội hiện đại đều trải qua tuổi đến trường và cũng đã thuộc lòng bài học đầu tiên là lễ nghĩa, là truyền thống "tôn sư trọng đạo". Vì thế hãy truyền đạt sự cảm thụ chân thành của lòng biết ơn ấy cho con trẻ, cho dù nó được thể hiện ở hình thức tặng quà thì sự “cho” và “nhận” ấy đơn giản là tình cảm chân thành để thể hiện lòng biết ơn người dìu dắt, hãy cho con hiểu đó là cách biểu lộ tình cảm phù hợp và hoàn toàn chính đáng:

Dạy trẻ từ những điều nhỏ nhất: Lời chào hỏi

Chào thầy cô giáo là một thói quen rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ tôn trọng việc học tập của chính mình. Khi đến lớp, bố mẹ hãy yêu cầu cháu chào thầy giáo. Trẻ sẽ rất thích được chào thầy giáo to gần như hét lên để thầy phải chú ý tới mình. Đó là một điều tuyệt vời, khi đó các thầy cô đừng bỏ qua việc chào lại học sinh.

Giáo dục trẻ lòng biết ơn theo từng độ tuổi

Ở tuổi mẫu giáo bé đã bắt đầu hiểu được cuộc sống là tổng hòa các mối quan hệ, trong đó nghĩa thầy – trò, bè bạn, gia đình… đều cần mỗi cách ứng xử khác nhau. Dạy trẻ thể hiện lòng biết ơn và nhận thức dần với những nghi thức, những bài học làm người, những truyền thống tốt đẹp của cha ông là một phần trong hành trình giáo dục kỹ năng sống và đạo đức của trẻ.

Theo từng độ tuổi tầm nhận thức của trẻ cũng được bồi đắp và nâng cao hơn, lối cư xử của người lớn, những vấn đề phát sinh trong xã hội, môi trường sống, môi trường học tập, đặc biệt là sự xuống cấp của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên trong xã hội hiện đại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức cũng như việc hình thành nhân cách của trẻ.alt

Dạy lễ nghĩa là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con người. Những thói quen sẽ hình thành nên nhân cách và ảnh hưởng đến tính khí của một người sau này, vậy nên việc dạy lễ nghĩa cho con cái vô cùng quan trọng, cần thiết hơn cả việc dạy chữ cho con”.

“Không thầy đố mày làm nên”, một triết lí dân gian đã được lưu truyền từ bao đời nay. Điều này cho chúng ta thấy người thầy có vai trò to lớn đối với con đường học vấn của mỗi học trò. Dẫu là học trò bán tự, nhất tự (có câu "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" - một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy), huống chi, chúng ta, trong đời ai chẳng là học trò hơn một lần "nhất tự" hiểu theo nghĩa rộng của khái niệm này.

Giúp trẻ hình thành sự lễ phép, lòng kính yêu, tôn trọng thầy cô là một việc làm đáng khích lệ, không phải cứ dịp Hiến chương mới thể hiện nó mà truyền thống "tôn sư trọng đạo" là biểu hiện chân thành theo suốt cuộc đời mỗi đứa trẻ./.

Hà Minh Loan

alt