Kỹ năng xã hội - nền tảng cho sự hội nhập của trẻ

Thứ hai, 01 Tháng 11 2010 09:39
In

Hiện nay, việc rèn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ không nằm trong chương trình chính khóa của hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của kỹ năng tương tác tích cực với cộng đồng trong thành công tương lai của trẻ. Khả năng thu hút và gìn giữ các mối quan hệ lành mạnh sẽ ảnh hưởng đến thành công của trẻ trong các mặt tình cảm, sự nghiệp, sức khỏe cũng như sự trưởng thành của tâm hồn.

Con bạn sẽ ít có điều kiện được rèn luyện các kỹ năng xã hội ở trường, vì thế tốt nhất các bậc phụ huynh nên chắc chắn rằng con trẻ được học các kỹ năng này ngay từ buổi đầu. Trường mẫu giáo và các cô nuôi dạy trẻ chỉ đóng vai trò trợ giúp chứ không thể thay thế được sự ảnh hưởng của gia đình tới các kỹ năng xã hội của trẻ. Làm thế nào để gia đình và nhà trường phối hợp trong việc rèn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ? Một vài gợi ý để bạn có thể cung cấp cho trẻ những kỹ năng cần thiết.

1. Nêu rõ ràng các kỹ năng xã hội cần thiết mà bố mẹ mong muốn trẻ sẽ học được, và dạy cho con biết tầm quan trọng của các kỹ năng đó. Trẻ cần phải học cách ý thức được về cộng đồng, các hành vi của trẻ sẽ ảnh hưởng đến những người khác, để trẻ có thể nuôi dưỡng được lòng cảm thông đối với mọi người. Điều này cũng kích thích phát triển những quy chuẩn đạo đức của trẻ: tôn trọng và đối xử tốt với người xung quanh, đổi lại trẻ sẽ trải nghiệm được những cảm giác tốt đẹp trong lòng.

altTrẻ cũng nên được dạy rằng đối xử công bằng với mọi người mang lại lợi ích thực tế. Ví dụ, khi bạn lịch sự với hàng xóm, với những người bán hàng, bạn sẽ dễ dàng có được mối liên hệ và cũng như cân nhắc vào vị trí mà bạn muốn. Nếu trẻ có thể học được điều này, trẻ sẽ trở nên lịch sự với giáo viên và phụ huynh, cũng như bạn bè. Trẻ sẽ cố gắng giao tiếp để được hiểu, chứ không đơn thuần dùng những hành động để diễn tả cảm xúc của mình.

Cuối cùng, điều trẻ cần được học là nên đặt ra những giới hạn và định mức cho lòng tự tôn của mình. Học cách phản ứng lại với những điều còn chưa tốt của xã hội là một kỹ năng cần thiết của cuộc sống. Trẻ cũng cần được dạy dỗ cách bảo vệ bản thân mà không tạo cơ hội cho những hành vi tiêu cực từ các đối tượng khác phát triển.

2. Nêu gương tốt: Nếu trẻ chưa cư xử đúng phép, bạn nên tự đánh giá lại những hành vi của bản thân.Liệu bạn có đang căng thẳng, chịu áp lực, hoặc có thể đang trải qua một cảm giác tiêu cực nào đó? Bạn có trở về nhà từ nơi làm việc mang theo bao nhiêu những phàn nàn về sếp và đồng nghiệp, hoặc nói không tốt về người khác sau lưng họ? Cách bạn nói chuyện với những người trong gia đình có lịch sự nhẹ nhàng không? Bạn có hay nói những câu như “Vô vọng thôi”, “Tôi không thể vượt lên được” ,“Thế giới này đầy rẫy những thứ chẳng ra gì”, “Bọn họ đúng là dốt nát” không? Bạn có thể nghĩ rằng không có gì bất ổn khi nói hay làm như thế, tuy nhiên, trẻ con biết bắt chước đấy!

3. Hãy chuyện trò: Đôi khi trẻ “thử nghiệm, nghịch ngợm” với những hành vi mà trẻ quan sát được trong cuộc sống, nếu như trẻ có nói điều gì đó không tốt, phụ huynh nên cố gắng nói chuyện với trẻ một cách khách quan.Ví dụ, bạn có thể chỉ ra “Bạn con rất giận dữ khi nghe con nói thế, và bố/mẹ nghĩ rằng con có thể diễn đạt cách khác để nói cùng một ý đó mà không làm bạn ấy giận.” Ở lứa tuổi này, trẻ học được từ cách thức đóng vai trong giao tiếp, vì thế hãy để gia đình lần lượt đóng vai những người khác nhau, trò chuyện “giả vờ” với nhau. Ví dụ, bạn có thể đóng vai một người nói năng chẳng dễ chịu tý nào, hay người bị tẩy chay, hoặc người lúc nào cũng được chú ý, với mỗi người khác nhau, cùng một ý nhưng trẻ sẽ học cách nói với các tông điệu, cách thức khác nhau. Trẻ cũng nên đóng những vai tương tự, trò chuyện với trẻ rằng nếu trẻ là người như thế, liệu cách trò chuyện, đặt vấn đề đã ổn chưa, hay còn có cách khác hợp lý hơn. Giúp trẻ đóng vai chính là cách để làm trẻ thích nghi với các mối quan hệ một cách tốt nhất.

Ở lứa tuổi trẻ nhỏ, trẻ chỉ “thử nghiệm” và muốn biết điều gì sẽ xảy ra, vì thế không nên quá giáo điều và hà khắc khi trẻ học cách tiếp cận với xã hội bởi rất hiếm khi trẻ có ý định làm tổn thương đến ai. Hãy giúp trẻ thử nghiệm, phát triển lòng cảm thông bằng cách đặt trẻ vào vị trí của nhiều người. Cách này đặc biệt hữu ích khi trẻ thường bị bạn bè trêu chọc, tẩy chay. Trò chơi đóng vai cùng các thành viên trong gia đình sẽ giúp trẻ học cách trở nên kiên định, và hệ quả tiếp theo của các phản ứng của trẻ.

4. Khuyến khích trẻ:  Khi trẻ lớn hơn, hoặc trẻ chưa phát triển các kỹ năng xã hội tốt lắm, bạn có thể thử đưa ra các mức thưởng/phạt: cắt bớt “đặc quyền” của trẻ hoặc thưởng cho trẻ khi trẻ làm tốt việc gì đó.

Nếu bạn thử cách này, một điều quan trọng cần nhớ là nên thật rõ ràng và chi tiết trong các hành động mong đợi của trẻ. Ví dụ, mỗi lần con bạn nói những lời không hay, trẻ sẽ mất 10 phút xem tivi hoặc chơi vi tính hằng ngày. Hãy cho trẻ biết mỗi lần bạn nghe thấy trẻ nói, và đánh dấu vào một bảng theo dõi.

Hãy thưởng, phạt một cách công minh: Nếu con bạn có thể tự phát hiện ra việc mình nói như thế là không tốt, bạn hãy thưởng cho con bạn thêm 10 phút xem tivi, chơi trò chơi. Hãy dạy cho trẻ cách nói ra cảm nghĩ của trẻ, thay vì nói ra những lời nguyền rủa, và thưởng cho trẻ vì biết cách “bày tỏ” cảm xúc bằng những lời hay ý đẹp. Dạy trẻ thay vì nói bậy để diễn tả cảm xúc thất vọng, trẻ có thể nói “thật đáng chán”, vv…

5. Hãy tin tưởng vào trẻ. Dù tình huống xấu nào có xảy ra đối với con  bạn, luôn có một cách để bạn có thể giúp đỡ con mình. Hãy luôn giữ vững niềm tin vào con trẻ và bạn sẽ thành công!

Các bậc phụ huynh thường băn khoăn khi thấy con mình không biết tổ chức cuộc sống của chúng sao cho gọn gàng, ngăn nắp, và thường làm việc gì cũng hỏng dẫn đến lo lắng không biết con mình sẽ thích nghi cuộc sống được không? Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không cần lo lắng quá bởi ở trẻ có 2 điểm báo chính cho thấy trẻ có thể tự phát triển những kỹ năng cần thiết: Thứ nhất, hệ thần kinh của trẻ phải phát triển đến đúng độ “chín” để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thứ hai, trẻ cần được trao cơ hội (bởi phụ huynh và người chăm sóc) để thực hành việc hoàn thành nhiệm vụ, và tất nhiên trẻ cũng cần được hỗ trợ khi thực tập các nhiệm vụ đó. Theo thời gian phụ huynh sẽ dần thấy những thay đổi nhỏ ở trẻ cho tới khi trẻ nhuần nhuyễn kỹ năng đó. Rồi những kỹ năng xã hội sẽ dần được trẻ sử dụng thuần thục, điều này cũng giống như việc hình thành các kỹ năng thao tác như đánh răng, mặc quần áo… Điều quan trọng nhất cha mẹ phải hiểu rằng hình thành kỹ năng tất cả đều phải trải qua một quá trình.

Ở trẻ, nhịp độ phát triển ở từng đứa trẻ là khác nhau và khái niệm bước phát triển thông thường cũng rất linh hoạt với mỗi trẻ. Vì thế nếu con bạn có bắt đầu nắm vững những kỹ năng nào đấy muộn hơn hay sớm hơn một chút so với thông thường thì cũng không nên lo lắng.

Ths Tâm lý học  Nguyễn Thanh Tú

alt