GS Ngô Bảo Châu: Đầu tư cho Toán học tốt sẽ thu hút được nhân tài

Thứ tư, 29 Tháng 6 2011 15:32
In

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ: Môi trường đào tạo tốt, chú trọng tới công tác nghiên cứu khoa học sẽ thu hút được người trẻ đến với Toán học.

Giáo sư Ngô Bảo Châu - người chứng minh thành công Bổ đề cơ bản Langlands và đã vinh dự nhận huy chương Fields (giải thưởng cao quý nhất về Toán học) năm 2010 vừa từ Mỹ trở về Việt Nam. Nhân dịp này, phóng viên VOVNews phỏng vấn Giáo sư để hiểu thêm về hoạt động xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp về toán học cũng như suy nghĩ của anh đối với việc đào tạo ở Việt Nam.

GS Ngô Bảo Châu và đoàn học sinh giỏi Toán năm 2011

Thưa Giáo sư Ngô Bảo Châu, anh có thể cho biết những hoạt động của mình trong lần này trở về nước?

Trong năm 2011, tôi sắp xếp công việc ở bên Mỹ và trở về Việt Nam trong 3 tháng (từ tháng 6-9). Lần này về nước, các hoạt động chủ yếu của tôi là tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học và tổ chức của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán học. Ngoài ra, tôi cũng sắp xếp một số buổi giảng bài cho học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh của Viện Toán học Việt Nam.

Việc giảng dạy cho học sinh, sinh viên Việt Nam sẽ được anh thực hiện như thế nào?

Tôi chỉ tham gia giảng dạy cho học sinh, sinh viên trong những đợt trở về nước, chứ chưa có dự định giảng dạy thường xuyên. Hoạt động chính của tôi trong những lần trở về nước là tham gia vào việc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về toán học. Còn trong tương lai xa, tôi chưa thể nói trước.

Giáo sư có thể chia sẻ đôi điều về công việc của mình tại Viện nghiên cứu cao cấp về toán học?

Cơ chế hoạt động của Viện nghiên cứu cao cấp về toán học sẽ được Nhà nước quản lý và cấp kinh phí. Những người đến nghiên cứu, làm việc tại Viện sẽ không có biên chế chính thức.

Với vai trò là Giám đốc khoa học đầu tiên của Viện, tôi sẽ đưa ra những định hướng để xây dựng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán học là nơi tập hợp đội ngũ tri thức, những người yêu thích và đam mê Toán học đến để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, tôi cũng sẽ liên hệ, mời những giáo sư, tiến sĩ Toán học có trình độ, kinh nghiệm trên thế giới đến Việt Nam giảng dạy cho học sinh, nghiên cứu sinh.

Tôi hy vọng, Viện nghiện cứu cao cấp về toán học sẽ thu hút được nhiều bạn trẻ say mê toán, các nhà khoa học trẻ tuổi.

GS Ngô Bảo Châu trong một buổi giảng bài cho học sinh tại Viện Toán học Việt Nam

GS đánh giá như thế nào về việc học toán của học sinh, sinh viên Việt Nam?

Toán học là một ngành khoa học cơ bản. Nước ta không phải là thiếu giáo viên dạy và học sinh học toán giỏi. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, trong những năm gần đây, nhiều học sinh không thích theo đuổi ngành Toán học.

Tôi quan sát thấy, nhiều gia đình khá giả ở các thành phố lớn không mặn mà với việc đầu tư, bồi dưỡng cho con mình học toán. Có thể họ nghĩ rằng, rất nhiều con đường học tập khác để lập nghiệp trong tương lai cho con, chẳng việc gì phải học toán vì mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa nhìn thấy được trước mắt. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho hiện nay, số người trẻ theo đuổi ngành Toán học ngày càng ít.

Theo anh, để thu hút các em học sinh theo đuổi ngành toán học, chúng ta phải làm những gì?

Tôi nghĩ là việc giảng dạy toán ở các trường học cần phải được đầu tư hơn. Trong đó, các trường học cần xây dựng quy trình giảng dạy các môn khoa học cơ bản một cách hệ thống, chuyên nghiệp hơn. Khi việc đầu tư cho hệ thống giảng dạy được đánh giá tốt thì sẽ làm thay đổi nhận thức trong tầng lớp nhân dân về học các ngành khoa học cơ bản. Bởi vì, toán học tác động trực tiếp đến nhiều ngành khoa học khác, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế-xã hội. Thực tế đã khẳng định, muốn xây dựng một nền kinh tế phát triển thì phải chú trọng đến khoa học công nghệ, trong đó có toán học.

Tại nhiều nước trên thế giới rất coi trọng việc đầu tư, đào tạo các ngành khoa học cơ bản, trong đó có toán. Ví dụ như ĐH Chicago (Mỹ) rất coi trọng việc đầu tư kinh phí cho các ngành khoa học cơ bản nên mỗi năm có ít nhất là khoảng 100 người theo đuổi học ngành toán và khoảng hơn 1.000 người học các ngành nghề khác nhưng vẫn kèm theo học toán.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã liên kết với một số trường ĐH uy tín trên thế giới để đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy. Giáo sư suy nghĩ như thế nào nếu chúng ta nghiên cứu, áp dụng mô hình giảng dạy Toán ở các nước tiên tiến trên thế giới cho việc giảng dạy ở Việt Nam?

Tôi đã từng đi nhiều nước và nhận thấy, hầu như nước nào cũng đều không hài lòng với nền Giáo dục của nước mình. Theo tôi, mỗi nước đều có những thành tựu và mô hình giảng dạy riêng. Vì vậy, trong việc đào tạo, liên kết với nước ngoài, chúng ta chỉ nên nghiên cứu, học hỏi những mô hình giảng dạy tinh túy, hiệu quả nhất của nước ngoài để ứng dụng tại Việt Nam. Bởi vì, có những phương thức giảng dạy ở nước ngoài phù hợp với nước họ nhưng lại không phù hợp với nước ta.

Tuy nhiên, theo tôi, việc áp dụng theo mô hình nào đi chăng nữa thì mục đích hướng tới vẫn phải là thu hút đội ngũ tri thức, giáo viên giỏi tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó là có cơ chế thu hút người trẻ tuổi có trình độ chuyên môn, tài năng đang nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài về nước công tác.

Tại các trường học cần xoá bỏ việc chạy theo thành tích, tiêu cực trong thi cử mà nên chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học.

Đối với người học, chúng ta phải duy trì chính sách hỗ trợ học bổng cho những học sinh, sinh viên nghèo nhưng có ý chí trong học tập và theo đuổi một ngành nghề nào đó.

Xin cảm ơn Giáo sư!

 

Theo Dantri