Nhận diện chân dung người thầy

Thứ bảy, 20 Tháng 11 2010 09:50
In

Dân ta vốn hiếu học. Do vậy mà có đạo lý tôn sư trọng đạo. Tôn sư đến triệt để trong sắp xếp thang bậc: Quân - Sư - Phụ. Thầy xếp sau Vua và trước Cha; trong tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”; trong cách nói chữ: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”... Đây là đạo lý nằm trong truyền thống phương Đông và Việt Nam. Chuyển sang thời kỳ hiện đại, đạo lý ấy vẫn được tiếp tục, người thầy vẫn là một gương mặt được coi trọng. Trong các đại từ để người đời xưng hô, thầy là đại từ vừa thân tình, vừa kính nể.

Ảnh mang tính minh hoạTrong hơn nửa thế kỷ qua, nền GD nước ta phát triển rất mạnh mẽ về cơ cấu và quy mô, trong đó có vai trò đóng góp rất to lớn của người thầy. Và mối quan hệ cơ bản, cốt lõi trong sự nghiệp đó là thầy và trò. Thầy ra thầy, trò ra trò - đó là mục tiêu, vừa như sự khởi động, vừa là kết thúc của một sự nghiệp trong đó độc diễn hai nhân vật chính: Thầy và trò. Để hình dung cụ thể mối quan hệ ấy có thể xem thầy là người ươm cây và trò là hoa trái.

Thầy, ở bất cứ đâu, và vào lúc nào cũng phải là hiện thân của tri thứcnhân cách. Ở nước ta, những bậc thầy rất được tôn vinh trong lịch sử như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp...; và của thời hiện đại như Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Giàu... chính là hiện thân tuyệt vời của hai phẩm chất cao quý tri thứcnhân cách. Cho đến bây giờ, tôi nghĩ, đó vẫn là hai phẩm chất cốt lõi cho sự nhận diện chân dung người thầy.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của ta đã và đang mở ra trên nhiều phạm vi, nhiều cấp độ, từ hẹp đến rộng, từ thấp lên cao; sự nghiệp đó vẫn đang triển khai trên nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, cố nhiên đòi hỏi sự phát triển và mở rộng đội ngũ người thầy. Thầy ở trường và thầy trong các hoạt động ngoài nhà trường. Thầy ở học đường và thầy trong nghề nghiệp... Để có quan hệ bình thường và tốt đẹp giữa thầy - trò, về phía thầy, đó là sự truyền thụ tri thức và để lại dấu ấn của nhân cách; còn đối với trò, đó là sự tiếp nhận và chịu ơn.

Xét trên các tiêu chí đó và nhìn vào các mối quan hệ đó, theo diễn biến thời cuộc, lại thấy bức tranh giáo dục - đào tạo không dễ lúc nào cũng gây nên sự lạc quan, và ở thời điểm hôm nay, còn thấy có nhiều điều báo động. Sự phát triển nhanh chóng đến gấp gáp của các lĩnh vực khoa học và công nghệ khiến cho không phải bậc thầy nào cũng thỏa mãn hoặc theo kịp được yêu cầu về tri thức. “Cơm chấm cơm” cũng là sự thật đã xẩy ra khiến cho không phải ai được gọi là thầy cũng có thể vượt hơn trò một đầu. Nhất là ở những lĩnh vực mới của khoa học mà nhiều chục năm qua, do hoàn cảnh chiến tranh, ta còn ít quan tâm. Ở trường hợp này chúng ta cần có sự thông cảm, và đành chấp nhận đạo lý “trứng gà trứng vịt”, kẻ đi trước dắt người đi sau. Chẳng riêng ở các cấp thấp như tiểu học, trung học. Ngay ở Đại học và sau Đại học cũng vậy. Ở một số trường Đại học hoặc Viện nghiên cứu, nếu một Phó Giáo sư vừa mới được phong chỉ mấy năm đã đào tạo nên hàng chục Tiến sĩ, hoặc một Tiến sĩ vừa mới ra lò cũng chỉ vài năm sau đã đào tạo được hàng chục Thạc sĩ thì đó là điều cực kỳ đáng lo về chất lượng, cho cả hai phía thầy và trò. Thế nhưng, nếu tiêu chuẩn về tri thức là có thể nhân nhượng do một hoàn cảnh lịch sử đặc thù nào đó, và cũng không nên kéo dài, thì tiêu chuẩn về nhân cách lại không thể nhân nhượng. Người thầy, dẫu ở lĩnh vực nào, cũng phải là một nhân cách đáng trọng nể đối với trò, và đối với cả xã hội. Thiếu điều này, uy tín của họ dễ dàng bị sứt mẻ, và sụp đổ.

Bối cảnh kinh tế thị trường và sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội rõ ràng có làm nhòe, thậm chí hoen ố hình ảnh đẹp của người thầy. Sự kiếm sống hoặc mục tiêu kiếm tiền khiến thầy phải dốc tâm sức vào những chuyện “phi chuyên môn”, “phi nghề nghiệp”, chẳng còn mấy hơi sức và thời gian để bồi dưỡng thêm tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Một thời dài, trong hoàn cảnh hậu chiến và bao cấp, sự kiếm sống còn khiến thầy phải lao vào những công việc đầy nhọc nhằn và tủi hổ, kể không sao xiết! Đó là nỗi khổ tâm chẳng riêng của người thầy, mà là chung cho toàn xã hội.

Bây giờ thì dường như đã nhạt dần câu chuyện đó rồi. Nhưng lại nẩy ra biết bao chuyện khác. Qua các lò luyện thi, từ các huyện - thị gần xa đến các thành phố lớn nhỏ, bức tranh giáo dục vào những năm đầu thế kỷ XXI này vẫn tiếp tục sự sôi động và chưa hề giảm nhiệt. Cũng nhờ đó mà có sự cải thiện rõ rệt mức sống cho một bộ phận người thầy. Gương mặt người thầy hôm nay rõ ràng không còn là gương mặt của người “mất sổ gạo”. Nhưng một gương mặt khác cũng đã le lói xuất hiện: từ một chân dung xanh xao, nhếch nhác vì kiếm sống đang chuyển sang một chân dung mệt mỏi, mụ mẫm vì kiếm tiền, khi đồng tiền lên ngôi và mua được tất cả.

Trong các lý thuyết và động thái nhằm cải cách giáo dục lâu nay tôi có nghe nói đến sự xác lập vai trò chủ động của trò, tư thế làm chủ của trò. Nhà trường mới, phải là nhà trường trong đó trò là chủ. Ý kiến đó rất đáng được tham khảo để làm thay đổi tư thế khép nép, thụ động, ỷ lại ở trò. Nhưng mặt khác, nếu cần phải tiếp tục dùng chữ thầy trò, nếu vẫn còn tồn tại quan hệ thầy trò, và quan hệ đó vốn đã bền vững hàng ngàn năm nay, thì theo tôi nghĩ, dẫu ở bất cứ không gian nào, thời gian nào, người thầy vẫn cứ phải là người ở trên trò một đầu, người mà lớp lớp các thế hệ trò đều phải lấy đạo tôn kính mà ứng xử. Trừ những người theo phương thức tự học; hoặc học bằng các phương tiện văn minh mà không cần đến thầy.

Trong sách Quốc văn giáo khoa thư, soạn cho bậc Tiểu học, tôi được đọc hồi nhỏ, và nhớ mãi, câu chuyện một danh nhân lịch sử nước Pháp là Các-nô (Carnot) trở về thăm trường cũ, gặp lại thầy thuở hàn vi, thầy đã già và xa cách trò quá lâu nên không nhận ra trò, còn trò thì cung kính, cúi đầu, lễ phép: - “Thưa thầy, con là Các-nô đây!”1).

1)Không biết có phải là Sadi Carnot - Tổng thống Pháp, người đã ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội ở Đông Dương, ngày 19-7-1898.