Bản Pan Khèo đánh nàng tiên nâu

Thứ năm, 10 Tháng 6 2010 15:04
In
“Những năm 80 của thế kỷ 20, ngay sau bản này là chợ đầu mối chuyên cung cấp thuốc phiện cho hệ thống thương nghiệp vùng cao. Mua bán tự do, người ở mọi nơi mang thuốc phiện về này bán, sôi động lắm… Vì thế, dân bản mình cũng trồng thuốc phiện để bán lấy tiền. Gần nó nhiều thì phải hút, mình làm ra mà không hút thì còn nói làm gì, có khi đến 70% người dân trong bản nghiện thuốc phiện. Thấy tác hại của thuốc phiện nhà nước mình cấm trồng và buôn bán thuốc phiện, vậy mà họ đã cai được; cả chục năm rồi, không một ai tái nghiện. Cuộc sống của họ từ chỗ xơ xác tiêu điều nay đã khá lên, kỳ tích đó, anh bảo mấy nơi được như thế”... Những lời tán dương kèm sự so sánh được ông Nguyễn Văn Cận – Bí thư xã Thèn Sin (huyện Tam Đường - Lai Châu) dùng để mở đầu câu chuyện khi trao đổi với chúng tôi về Pan Khèo, chuyện về bản người  Mông nơi đây cùng nhau vượt qua “cơn lũ thuốc phiện”.

Thời  nàng tiên nâu ngự trị

Con đường độc đạo uốn lượn, với những cái dốc cua ngang đến ghê người khiến “con ngựa sắt” trong tay tôi cứ gầm lên sặc sụa, phả khói đen sỳ, khét lẹt. Sau vài tiềng đồng hồ đánh vật tướt mồ hôi với giao thông vùng cao, chúng tôi cũng đến được Pan Khèo. Bản nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, những mái nhà lợp Prôximăng ẩn khuất dưới những tán cây rừng xanh ngát, cảnh vật hiện ra êm ả, thanh bình. Ai chưa một lần nghe, chưa một lần đến Pan Khèo, nhìn cảnh vật đó hẳn không bao giờ tin nổi nơi đây đã từng có một thời gian dài ngót 20 năm chìm trong khói thuốc phiện. Nhưng hôm nay, mọi thứ đã thay đổi, con người nơi đây đã vượt qua cơn lũ đen, đẩy khói thuốc phiện chìm vào quá khứ để đến với một tương lai mới tốt đẹp, tươi sáng và no ấm hơn.

ban-pakeo“Trước kia cả bản này trồng và hút thuốc phiện, thuốc được mua bán tự do ở chợ. Sau này thấy tác hại của thuốc phiện, nhà nước cấm trồng và buôn bán. Nhưng đến khi nhà nước cấm thì đa số dân bản lại nghiện thuốc, mà đã nghiện thì phải tìm cách mà hút, cấm trồng thì trồng trộm, không trồng ở đây thì sang đất Sin Suối Hồ trồng. Nhà nào không trồng được thì nai lưng đi làm công, làm mướn, vào rừng chặt gỗ, tìm sản vật… bán lấy tiền mua thuốc hút. Cứ thế cho đến tận năm 2000 cả bản cai được thuốc phiện mọi người mới quay vào tập trung làm ăn, nhờ thế mới có được như ngày hôm nay”. Ông Khay đừng câu chuyện, nét mặt trầm ngâm như đang hồi tưởng quá khứ đắng cay.

Tâm trạng nặng trĩu, ông Khay tiếp: “Tôi lấy vợ khi đã nghiện thuốc phiện, ở gần tôi lâu vợ cũng nghiện theo, thế là bao nhiêu của cải trong nhà vợ chồng đem nướng hết cho nàng tiên nâu. Có 2 mặt con với nhau nhưng chưa ngày nào chăm sóc chúng được tử tế. Năm 5 tuổi, đứa con gái mắc bệnh, vì hút thuốc phiện nên không có tiền chữa bệnh cho nó thế là con ma rừng bắt nó đi. Còn thằng Su, không được học hành, 8 tuổi phải lang thang xuống bản Lửa Thàng dưới trung tâm xã chăn ngựa, chăn trâu thuê cho người ta để kiếm miếng ăn. Hai vợ chồng tôi cứ vất vưởng ngày này qua ngày khác. Cái nhà ở như túp lều con con chỉ để tạm trú chân. Chủ yếu là ở trong rừng chặt gỗ, tìm sản vật, thỉnh thoảng qua bản khác làm mướn… tất cả chỉ để kiếm tiền mua thuốc phiện thoả mãn cơn vật. Bây giờ cứ nghĩ lại, thấy mình có lỗi với con cái, ân hân lắm”.

Còn vợ chồng ông Giàng A Sử trong bản cũng có ngót 20 năm làm nô lệ cho nàng tiên nâu. Bao sức lực, vật lực đều dồn cho thuốc phiện, gia sản chẳng còn gì, ngoài một túp lều tranh. Anh Thào A Giơ, từng là con nghiện nặng hơn 10 năm đã thốt lên với chúng tôi rằng: “Sợ thuốc phiện lắm rồi, không làm được gì hết, không cơm ăn, không áo mặc, không nhà ở…”, rồi anh kể: “Nhà mình ở Tả Lèng, từ nhỏ sống trong gia đình bố mẹ đã nghiện thuốc phiện, vì thế mà mình cũng nghiện theo. Trước đấy nhà trồng được nên việc hút thuốc phiện cũng bình thường. Sau này nhà nước cấm trồng, không có thuốc hút nên gia đình đành bán hết tài sản để lấy tiền mua thuốc phiện. Bố mẹ vì nghiện mà mất sớm; mình không nhà, không cửa, lang thang đến Pan Khèo này. Mấy năm trời sống trong hang đá tối tăm, làm thuê được bao nhiêu dồn cho thuốc phiện. Hơn 30 tuổi cũng chẳng biết đến vợ con là gì. Mãi đến năm 2002 bỏ được thuốc phiện mình mới lấy được vợ. Cuộc sống bây giờ tuy còn khó khăn nhưng cũng có nhà để ở, ruộng để làm, không lo đói ăn nữa…”.

Gia đình ông Khay, ông Sử, anh Giơ chỉ là phần ít trong hơn 70% số người trong bản nghiện thuốc phiện lúc bấy giờ. Từ thanh niên, trai tráng, phụ nữ đến người già tất cả đều bỏ bê công việc, quanh năm ôm bàn đèn, cả bản chìm trong khói thuốc phiện, tiêu điều, xơ xác. Thảm cảnh chỉ thật sự qua đi khi mà cả bản cùng chung sức hỗ trợ nhau cai nghiện, cùng nhau vượt qua cơn lũ đen.

Quyết tâm…

Từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước người Pan Kheo bắt đầu cai thuốc phiện. Đi đầu trong cuộc vượt lũ này là gia đình ông Khay, ông Sử. Mặc dù phải mất hơn năm năm trời, bằng nghị lực phi thường, quên đi thuốc phiện mà không nhờ đến một thứ thuốc cai nghiện nào, họ mới hoàn toàn giã từ được ma tuý và trở thành tấm gương, là động lực để những con nghiện khác trong bản học và làm theo. Kể về phương pháp cai nghiện của mình, ông Sử hào hứng: “Tôi suy nghĩ rất nhiều, thấy người ta không nghiện thì giàu còn mình nghiện thì quanh năm đói thế là quyết tâm bỏ. Đầu tiên tôi hút ít dần đi, ngày đầu hút 3 lần thì ngày sau hút 2 rồi hút 1. Cứ thế cho hết một năm đầu thì không hút nữa. Lúc đó khổ lắm, vật vã suốt ngày, mỗi lần như thế tôi lại phải tự trói mình lại những vẫn chẳng ăn thua. Cái giống này nó vật ghê gớm lắm, hơn nữa cả hai vợ chồng đều là những con nghiện nặng nên việc cai nghiện nhanh không phải dễ. Vì quyết tâm bỏ nên vợ chồng động viên nhau mãi, đã nhiều lần chúng tôi rủ nhau vào rừng sâu, vợ thay chồng, chồng thay vợ trói nhau vào gốc cây khi lên cơn nghiện… Mất hơn 5 năm tự cai, cả 2 vợ chồng bỏ được hẳn. Bây giờ thì khá rồi, vợ chồng con cái chỉ phải lo bảo ban nhau làm ruộng, chăn nuôi phát triển kinh tế, lo cho tương lai thôi…”.

Từ những gia đình như gia đình ông Sử, ông Khay, người dân trong bản đã học theo và đồng loạt tình nguyện cai thuốc phiện. Người này học người kia, người không nghiện động viên người nghiện, người bỏ được chia sẻ kinh nghiệm cho người chưa cai, tất cả cùng giúp đỡ nhau chia sẻ từ miếng ăn đến công việc. Thêm vào đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự vận động của cán bộ xã, cán bộ bản…. thế là mọi người quyết tâm, nhà nào còn trồng trộm cây thuốc phiện thì tình nguyện đi phá, người nào mà chưa cắt cơn thì tình nguyện cho người khác trói mình vào, nhốt mình lại… Cứ như thế, chỉ sau vài năm, người Pan Khèo đã vượt qua được cơn lũ thuốc phiện, vượt qua được những tháng ngày tối tăm. Sau khoảng thời gian dài nỗ nực, đến nay, 100% người Pan Khèo đã cai được thuốc phiện, không một ai tái nghiện. Tất cả đã  tập trung làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng tương lai - ông Khay không giấu vẻ tự hào.

Trước khi rời Pan Khèo, dù trời đã muộn nhưng tôi vẫn cố nán lại để ngắm nhìn bản nghèo vùng cao thêm một chút; vừa là cảm nhận rõ thêm không khí  “ngày mới” đang đến ở nơi đây, vừa là để hiểu thêm về cái kỳ tích giã từ ma tuý mà người Pan Kheo đã làm được giữa núi rừng Tây Bắc bạt ngàn này./.

Vũ Chiến- Anh Tuấn
Địa chỉ : Vũ Thường Chiến
Số 401 Đường Lương Thế Vinh- Trung Văn- Từ Liêm- Hà Nội
ĐT: 090.2271.003

Ngay-nay