Cứu bảo vật hoàng cung

Thứ ba, 15 Tháng 2 2011 00:34
In

Nếu không có một nghệ nhân kiệt xuất, những báu vật hoàng cung triều Nguyễn mãi mãi chỉ là đống vàng vụn nằm trong kho của ngân hàng.

Ông Vũ Kim Lộc và mũ nhà vua đã phục chế xong

Gần 70 năm sau khi vị vua cuối cùng của Việt Nam thoái vị, công chúng mới được chiêm ngưỡng những báu vật hoàng cung triều Nguyễn qua cuộc trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cuối năm 2010. Đằng sau những mũ vàng, sách vàng, kiếm vàng, khay ngà, chén ngọc ấy là một quãng trầm luân.

Từ chiếc ấn vàng bị lấy cắp...

Năm 1945, ông Trần Huy Liệu đại diện Chính phủ vào Huế nhận ấn kiếm từ tay vua Bảo Đại. Do toàn quốc kháng chiến nổ ra, hiện vật hoàng cung được đưa về bảo quản ở Liên khu 5. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, số tài sản này lại được đưa về Bộ Tài chính, rồi sang Bộ Văn hóa, cuối cùng Bảo tàng Lịch sử VN đứng ra nhận. Năm 1961, Bảo tàng tổ chức trưng bày ấn vàng, thì xảy ra việc khi một cái ấn trong số đó bị đạo chích cuỗm đi.

Lập tức, lực lượng công an được triển khai. Nhưng tên trộm và chiếc ấn dường như mất hút.

Kiếm triều Nguyễn

Bộ Công an yêu cầu chuyển những hiện vật còn lại sang Ngân hàng Nhà nước lưu giữ. Từ năm 1961 đến 2007. Và Bảo tàng Lịch sử có nhiệm vụ là dịp Tết hàng năm vào kho ngân hàng xem tủ, xem hòm và giấy niêm phong có còn nguyên dạng không. Các giám đốc Bảo tàng Lịch sử qua hàng chục năm không ai tận mắt thấy những hiện vật ấy ngoài vài bức ảnh đen trắng.

Năm 2007, Ngân hàng bàn giao lại. Ba mũ đại triều, một mũ tế giao, bộ cành vàng lá ngọc, khay ngà được đặt trong cái túi vốn dùng đựng bột mỳ ngày xưa. Mở ra, cả 4 mũ biến thành một thứ như đống vàng vụn.

...Đến chuyện biến vàng vụn thành mũ vua

Sau khi khảo sát nhiều làng nghề, nhiều nghệ nhân, rốt cục TS Phạm Quốc Quân – bấy giờ là Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – mời nghệ nhân kim hoàn, nhà sưu tập Vũ Kim Lộc từ TPHCM ra Hà Nội phối hợp phục hồi các bảo vật.

Nhóm phải làm sạch những dấu vết do mối xông, đặt từng mảnh vàng vụn lên hộp xốp để tìm phương án. Mỗi lần đặt là một lần hội thảo. Có 5 cuộc họp của hội đồng cấp trên, 20 cuộc họp của hội đồng cấp dưới.

Những đêm mất ngủ ở phố Phạm Ngũ Lão. Nghĩ ra ý tưởng, ông Lộc lại bật dậy giữa đêm khuya trình bày với TS Quân. Hai cộng sự Lê Anh Tuấn và Trần Ngọc Trí được cử từ TPHCM ra giúp. Nhóm làm sạch những dấu vết do mối xông, đặt từng mảnh vàng vụn lên hộp xốp để tìm phương án. Có 5 cuộc họp của hội đồng cấp trên, 20 cuộc họp của hội đồng cấp dưới. Chưa kể những lần hỏi ý kiến của các nhà nghiên cứu Phan Thuận An, Phan Thanh Hải ở Huế.

Bước thứ hai là chuyển ra cái cốt bằng gỗ để dệt xương mũ. Xương mũ thờ to và cứng, nhưng mũ chỉ có trọng lượng 1,5 lạng thì đầu người mới chịu được. Phải dùng hợp kim gì, dệt bằng máy gì? Ông Lộc đành mang cốt gỗ về TPHCM dệt bằng máy của ông. Tiếp theo là chọn vải để bọc cốt gỗ. Nhận ra vải mũ đều có nguồn gốc Việt Nam, nhóm liền đặt vải ở làng lụa Vạn Phúc – Hà Đông.

Phục dựng thanh kiếm An Dân cũng là việc gian nan. Kiếm gồm các chất liệu ngà, vàng, sắt, gỗ đồi mồi. Gỗ đồi mồi rất hiếm, lại thuộc sách đỏ. Ông Lộc phải tìm gỗ đồi mồi của thời cũ để ghép lại.

Gần một năm, ông Lộc phục hồi xong 4 chiếc mũ, 3 thanh kiếm, 6 khay ngà.

Trong quá trình phục hồi báu vật, ông Lộc phát hiện ra chiếc mũ Xung thiên có tới 39 con rồng bằng vàng chứ không phải 31 rồng như chính sử của nhà Nguyễn ghi.

Đến giờ, ông Lộc vẫn luôn trăn trở vì chưa tìm được chủ nhân của từng mũ, tức là mũ nào là của vua nào.

TS Quân thừa nhận, trên những chiếc mũ nhà vua, có những chi tiết được làm theo giả định của các nhà khoa học và nhóm phục hồi.

Công việc phục hồi ngốn khoảng 700 triệu đồng, lấy từ tiền ngân sách chi cho Bảo tàng hàng năm. Bởi nếu đủng đỉnh lập dự án, thì phải chờ đợi, hiện vật sẽ bị hủy hoại hoàn toàn. Nếu TS Phạm Quốc Quân không quyết đoán và nghệ nhân Vũ Kim Lộc không tâm huyết thì những chiếc mũ quý giá đã mãi chỉ là vàng vụn.

“Trong cuộc đời tôi có hai việc khó khăn: phục hồi báu vật hoàng tộc Nguyễn và bảo vệ xá lợi của hai thiền sư Vũ Khắc Minh – Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu” - TS Quân thở phào như chuyện mới xảy ra hôm qua.

Hiện, một hãng điện tử nước ngoài đã đặt vấn đề giúp Bảo tàng Lịch sử VN phương án bảo quản lâu dài những hiện vật quý. Báu vật triều Nguyễn sẽ xuất hiện tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia khi công trình này đi vào hoạt động.

Ông Lộc vào nghề kim hoàn từ năm 1987. Cha mẹ đặt tên Vũ Văn Giót, nhưng từ khi kinh doanh vàng bạc, ông Giót lấy tên cửa hàng là Tiệm vàng Kim Lộc, bởi vợ ông tên Lộc. Từ đó tên ông thành Vũ Kim Lộc.

Năm 1990, ông Lộc tình cờ mua được một số trang sức lạ thuộc văn hóa Óc Eo, từ đó tự mày mò rồi lao vào nghề sưu tầm cổ vật. “Khẩu vị” của ông là những cổ vật bằng vàng, bạc, đồng. Kho cổ vật của ông Lộc chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng chúng đều là “sao”, ông khẳng định thế. Trong đó đáng chú ý là 2 tượng đồng nghi lễ cầu mưa, và 2 cây trầm hương bằng vàng, thuộc văn hóa Champa.

 

Nguồn: tienphong.vn