Đàn xã tắc ở cố đô Huế

Thứ bảy, 04 Tháng 12 2010 09:24
In

Đàn Xã Tắc của vương triều Nguyễn được xây dựng vào năm 1806 dưới thời Gia Long, nằm trong phạm vi Kinh thành. Đây là nơi nhà vua cúng tế Xã (thần Đất) và Tắc (thần Lúa). Người xưa quan niệm, Xã là thần lớn nhất trong năm vị thần... Tắc là loại quí nhất trong ngũ cốc. Tắc mà không có xã thì không sinh trưởng được. Xã mà không có tắc thì hoang vu. Cho nên hiệp tế xã-tắc là công lợi ngang nhau.

Lễ tế xã tắcTừ ngàn xưa cư dân nước ta là cư dân lúa nước. Hai yếu tố đất đai và ngũ cốc chi phối hầu như toàn bộ sinh hoạt kinh tế của từng cá nhân cũng như cộng đồng trong xã hội. Chúng quan trọng đến nỗi cổ nhân khi nói đến “sơn hà xã tắc” tức là phải hiểu như quốc gia hay tổ quốc, những khái niệm thiêngliêng nhất của dân tộc.

Cai trị một đất nước trong hoàn cảnh xã hội nông nghiệp và khuynh hướng trọng nông, tất yếu Nhà Nguyễn phải lập đàn Xã Tắc để đáp ứng nguyện vọng tâm linh, tín ngưỡng của thần dân.

Vua chúa triều Nguyễn khi xây dựng đàn đã cho lấy đất của tất cả các nơi trong cả nước, vì thế mà nó mang một ý nghĩa đặc biệt linh thiêng. Nhà vua đã xuống chiếu sức cho các địa hạt trong cả nước phải lấy đất sạch, các loại chuyên chở về Kinh đô để đắp đàn Xã Tắc. Riêng 11 thị, trấn ở Bắc thành (từ Ninh Bình trở ra) lệnh truyền phải chở cho được 256 tấn.

Như vậy, nền đất của Xã đàn được đắp bằng đất của cả nước, tượng trưng cho máu thịt của non sông. Cũng có thể nói xã đàn là non sông thu về một mối.

Theo sử sách thì đàn Xã Tắc của cố đô Huế rộng đến 6 ha, nằm giữa 4 con đường hiện nay là Ngô Thời Nhiệm, Trần Nguyên Hãn, Trần Nguyên Đán và Nguyễn Cư Trinh. Đó là chưa kể hồ Xã Tắc cạnh đường Ngô Thời Nhiệm và tám bình phong nằm phía nam đường Trần Nguyên Hãn.

Đàn xã Tắc được xây dựng theo nguyên tắc âm dương ngũ hành của dịch lý. Đàn gồm 2 tầng với mặt bằng hình vuông. Tầng dưới cao 1,2m, mỗi cạnh dài 70m, giữa mỗi cạnh có bậc thềm bằng đá lên xuống. Chung quanh xây lan can cao 1m. Tầng trên cao 1,6m, mỗi cạnh dài 28m. Thành bao chung quanh đàn có hình chữ nhật, 162m x 202m xây bằng đá, cao 1,2m dày 0,75m.

Ngày xưa triều đình tổ chức cúng tế ở đây mỗi năm 2 lần, vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức từng nhiều lần thân hành làm chủ lễ ở đàn Xã Tắc, vì cúng trời đất là một trong những đại tự của triều đình.

Trải qua nhiều biến thiên, đàn Xã Tắc nơi thờ cúng linh thiêng ấy bị biến thành khu gia binh rồi thành khu tập thể, có đến gần 500 gia đình vào ở, thuộc rất nhiều thành phần xã hội khác nhau, làm cho diện mạo đàn không còn nữa. Nay còn một số di tích như một khoảng trống hình vuông, người ta đoán là hình trên của đàn. Tại đây còn một tấm bia đá khắc chữ “Thái xã chi thần”, tức là còn một tấm bia nữa là “Thái Tắc chi thần” không biết vùi lấp ở đâu. Ngoài ra hồ Xã Tắc ở phía bắc đàn và tấm bình phong bằng gạch dài 10m, cao3,7m, dày 0,85m ở phía nam vẫn còn dù không nguyên vẹn.

Đàn Xã Tắc là một di tích lịch sử rất giàu ý nghĩa (được xây bằng đất của cả nước) nhưng nó không được gìn giữ và bị tàn phá vì thời gian và lòng người, mất đàn Xã Tắc, thiệt hại đầu tiên là văn hóa, sau đó là lịch sử./.

alt