Có rất nhiều yếu tố để tạo nên thành công

Thứ hai, 20 Tháng 9 2010 15:45
In

Hoàng thành Thăng Long xưa Đầu tháng 8/2010, tổ chức UNESCO đã công nhận Hoàng Thành Thăng Long là di sản thế giới mới của nhân loại. Tin vui này đến đúng vào dịp đất nước ta đang chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội khiến cho người dân Thủ đô nói riêng, Việt nam nói chung không khỏi tự hào. Tuy nhiên, đằng sau thành công này là những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà ngoại giao, các nhà sử học, các chuyên gia, các nhà văn hoá, người dân Thủ đô và cả nước. Bên lề một cuộc giao lưu trực tuyến mới đây về sự kiện Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO vinh danh, ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Uỷ ban UNESCO Việt nam đã chia sẻ đôi điều về chặng đường UNESCO công nhận Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hoá thế giới.

Hoàng Thành Thăng Long được công nhận di sản thế giới mới của UNESCO là một tin rất vui khi chúng ta đang chuẩn bị Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông có thể kể đôi nét về việc xây dựng hồ sơ di sản của Hoàng Thành Thăng Long?

Ông Phạm Sanh Châu: Thông thường việc làm một hồ sơ thường mất 4 năm. Trong đó, 1 - 2 năm xây dựng hồ sơ. Nhưng trước khi xây dựng hồ sơ, di sản phải có giá trị, phải được xếp hạng quốc gia, được quốc gia đưa vào danh sách chuẩn bị đề cử và lập hồ sơ. Chúng ta nộp hồ sơ vào tháng 9/2008 và đến 1/2/2009 là giai đoạn cuối bổ sung hồ sơ. Di sản này đã có giá trị từ lâu, chúng ta chỉ phát hiện, tôn vinh và đệ trình với giá trị như vốn có của di sản.

Thưa ông tại kỳ họp vừa qua ở Brasilia (Brazil), đã có rất nhiều hồ sơ di sản được đệ trinh lên UNESCO. Trước thềm hồi nghị này, tại vòng xét duyệt thứ 2, hồ sơ đề cử Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long của Việt Nam đã bị ICOMOS (tổ chức chuyên môn độc lập xem xét các hồ sơ ứng cử di sản văn hóa của UNESCO) đề nghị hoãn việc xem xét công nhận trong năm nay. Khó khăn nằm ở đâu và chúng ta vượt qua khó khăn như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Sanh Châu: Một hồ sơ theo quy định của công ước UNESCO phải trình trước hai năm. Ở thời điểm 1/2/2009 khi chúng ta trình hồ sơ, Ban thư ký Ủy ban UNESCO đã chuyển qua tổ chức ICOMOS. Có nhiều hồ sơ không lọt được vào vòng này, trong đó có hồ sơ Hoàng Thành Thăng Long của Việt Nam. Ngày 4 tháng 6, 8 tuần trước khi hội đồng họp, chúng ta có thông tin về khuyến nghị của ICOMOS và xếp hồ sơ của chúng ta thuộc loại D (là loại làm lại hoàn toàn hồ sơ). Tại thời điểm đó, các quốc gia cũng vận động theo các loại khác nhau bởi Hội đồng 21 quốc gia này bầu rất khó khăn, chặt chẽ 2 năm một lần. Khi hồ sơ được loại I thì thường là được công nhận ngay như hồ sơ cửa 3 vòm của Israel. Loại R thì các quốc gia vận động để được lên từ R lên I. Còn loại hồ sơ D như chúng ta thì vận động để không bắt làm lại từ đầu mà chỉ phải bổ sung.

Tại sao hồ sơ của chúng ta lại xếp loại D? Vì di sản có giá trị toàn cầu nhưng một số điểm cần làm rõ. Thắc mắc của ICOMOS là: Tại sao di sản trông là phế tích thế mà lại công nhận?; Vùng đệm của chúng ta là đường Nguyễn Tri Phương không đủ lớn phải mở rộng; Trung tâm Hoàng Thành quá nhỏ so với một di sản; khái niệm di sản trong thành phố hiện nay phải mở rộng ra cả thành phố…

Chúng ta đã phải gặp các đoàn và gặp ICOMOS để trình bày quan điểm của chúng ta. Và quan điểm đó phù hợp với một xu thế mới ở Hội đồng di sản thế giới. Đó là xu thế kết hợp giữa thừa nhận các giá trị nhìn thấy như Kinh thành Huế hay Mỹ Sơn với thừa nhận các giá trị không nhìn thấy được. Chúng ta muốn nhấn mạnh rằng Khu trung tâm Hoàng Thành có những cái hiển hiện nhìn thấy được như Đoan Môn, Hậu Lâu, thềm rồng, có cả khảo cổ, nhưng quan trọng hơn là những giá trị không nhìn thấy được như là trung tâm quyền lực suốt 13 thế kỷ qua…

Khu di tích Hoàng thành Thăng LongChúng ta đã trình bày 3 yếu tố như vậy. Còn ICOMOS họ cũng bảo vệ quan điểm của họ. Hội đồng 21 nước nghe hai bên trình bày và rất nhiều nước lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Cuối cùng Hội đồng đã thông qua nghị quyết, bác bỏ nhận xét của ICOMOS, đưa ra khuyến nghị đồng thuận công nhận di sản của Việt Nam mà không cần bỏ phiếu.

Thưa ông, để hồ sơ được các thành viên của UNESCO đánh giá cao, các nhà khoa học đã dành 4 năm nghiên cứu những hiện vật đã phát lộ. Được biết UNESCO cũng đã cử chuyên gia Nhật Bản, Italia, Pháp… cùng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu một cách toàn vẹn giá trị của khu di tích. Xin ông cho biết trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận Hoàng Thành Thăng Long là Di sản thế giới, chúng ta đã nhận được sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế như thế nào?

Ông Phạm Sanh Châu: Sự thành công việc lập hồ sơ, vận động công nhận hồ sơ là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Chúng ta có sự giúp đỡ tích cực của bạn bè quốc tế ở nhiều cấp độ khác nhau. Thứ nhất: UNESCO và bạn bè quốc tế đã vào cuộc giúp chúng ta viết hồ sơ. Để nắm rõ hơn tiêu chí quốc tế, chúng ta cần mời các chuyên gia, Uỷ ban UNESCO quốc gia đã xin được một khoản tài trợ của UNESCO và UNESCO đã giới thiệu các chuyên gia hàng đầu về viết hồ sơ trên thế giới cho Việt Nam. Sau khi nghe thảo luận của học giả và chuyên gia Việt Nam, rút ra tinh túy nhất, giúp chúng ta viết hồ sơ bằng tiếng Anh. Thứ hai: Bạn bè quốc tế đã giúp đỡ trong quá trình bảo tồn. Ngay sau khi hồ sơ được trình, chính phủ Pháp đã giúp xây dựng quy hoạch. Quan trọng hơn là UNESCO và Chính phủ Nhật Bản giúp thành lập quỹ ủy thác trị giá 1,2 triệu USD để bảo tồn di sản ngay cả khi hồ sơ đang đệ trình. Thứ ba: Bạn bè quốc tế giúp chúng ta làm rõ hồ sơ với ICOMOS.

Có thể nói, các chuyên gia và bạn bè quốc tế đã giúp ta rất nhiều, trên cả 4 lĩnh vực là viết hồ sơ, bảo vệ di sản, giải thích và bảo vệ hồ sơ.

Để đạt được danh hiệu này, cũng có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với những ràng buộc chặt chẽ. UNESCO có thể rút bỏ quy chế di sản văn hóa thế giới nếu những quy định không được tôn trọng. Xin ông cho biết sau khi Hoàng Thành được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, chúng ta sẽ phải thực hiện những quy định gì?

Ông Phạm Sanh Châu: Ủy ban UNESCO Quốc gia đã làm một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước đánh giá tác động nhiều chiều việc một di sản được công nhận. Trước hết là lòng tự hào dân tộc được nâng lên. Thứ hai, chúng ta có một thương hiệu để từ đó chuyển thành lợi ích kinh tế. UNESCO đã nói rất rõ, hàng năm cứ mỗi địa danh được công nhận Di sản thế giới sẽ mang lại lợi ích kinh tế hơn 500 triệu USD. Cái được thứ ba là sự thừa nhận, bảo đảm bởi một công ước quốc tế về tính pháp lý và tính giá trị lịch sử của di sản (văn hóa là lĩnh vực nổi bật nhất của UNESCO). Trong 5 công ước về văn hóa, Công ước năm 1972 về bảo vệ các Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới là đứng đầu. Cái được lớn nhất đó là sự thừa nhận và bảo đảm của một công ước quốc tế đối với một di sản có những giá trị toàn cầu nổi bật và đặc biệt của Việt Nam.

Cùng với đó, công ước cũng quy định rất rõ, từ nay Hoàng Thành Thăng Long không phải là tài sản của Việt Nam mà là của nhân loại. Thế giới gửi di sản này để Việt Nam bảo quản. Nếu anh bảo quản không tốt thì họ sẽ rút lại danh hiệu và di sản lại trở thành di sản của riêng Việt Nam.

Phải thừa nhận rằng viết hồ sơ đã khó, giải trình hồ sơ khó hơn, và càng khó để bảo vệ và phát huy di sản. Chúng ta đã làm theo khuyến nghị của ICOMOS và UNESCO, nhưng còn phải tiếp tục triển khai bởi họ theo dõi rất sát sao. Nếu không làm theo những quy định của UNESCO, thì trước hết là ICOMOS có khuyến nghị. Bước hai là nhắc nhở. Bước ba là đưa vào danh sách cảnh báo đỏ và bước bốn là ra khỏi danh sách di sản. Như vậy, trách nhiệm, thách thức của chúng ta là rất lớn.

Xin cảm ơn ông!/.

alt