Người Mường đón Tết vui xuân

Thứ tư, 23 Tháng 2 2011 15:13
In

Dân tộc Mường cư trú trên một dải đất dài từ Nghệ An ra Thanh Hoá, từ Sơn Tây lên Phú Thọ, từ Nghĩa Lộ sang Sơn La... Nhưng quần cư đông đảo nhất là ở Hoà Bình. Người Mường đón tết vui xuân có nét chung giống như người Kinh (vì người Mường, người Kinh xa xưa cùng một gốc - người Việt - Mường) nhưng cũng có những nét rất riêng, giàu tính nhân bản. Chúng ta có thể xem những tập tục đón tết, vui xuân của người Mường như của người Việt cổ vậy.

alt

Người Mường có Lịch riêng gọi là Sách Đoi. Lịch được xây dựng trên cơ sở quan sát chuyển động của sao Đoi (sao thần nông). Lịch làm bằng 12 thẻ tre. Mỗi thẻ là một tháng, trên đó khắc đủ ngày trong tháng và có đánh dấu cả ngày tốt, ngày xấu. Căn cứ vào lịch Mường thì tết Mường chậm hơn tết của người Kinh 1 ngày. Riêng với Mường Bi thì lệch đến 2 tháng. Tuy nhiên, ngày nay, người Mường Bi cũng ăn tết như các Mường khác trên đất Mường.

Từ 26, 27 tháng Chạp hàng năm, người Mường nghỉ việc đồng ở nhà để lo tết. Các nhà lo gạo, củi, lợn, gà, rượu… Trong dịp Tết, người Mường uống nhiều loại rượu, như rượu trắng, rượu cần, rượu nếp (gọi là ráo tăm, ráo toọng, ráo te), nên việc chuẩn bị khá công phu. Bánh tết chủ yếu là hai loại bánh: bánh chưng và bánh nếp (gọi là bánh pang và bánh uôi). Giữa ăn tết với chơi tết, người Mường nghiêng về chơi tết nhiều hơn.

Cùng với chuẩn bị rượu, thịt, bánh mà người Mường thường làm trong ngày Tết. Công việc đầu tiên là trồng một cây nêu trước cửa nhà. Nêu được làm bằng cây lành hanh (họ nhà tre, nhưng thân nhỏ, đốt thưa, thẳng và rất cao). Trên ngọn cây nêu người ta buộc một vỉ tre đan lỗ mắt cáo, người Mường gọi là vỉ va leo. Dấu hiệu là phần đất của người, ma quỷ không được xâm nhập.

Đón giao thừa

Người Mường chia giờ trong ngày ra làm 16 giờ. Nhưng có 3 giờ trọng 1/giờ ca cáy (giờ gà gáy. Giờ giao ngày, phút chuyển giao từ ngày nọ sang ngày kia) 2/giờ lơi tha (giờ mặt trời mọc - giờ bắt đầu công việc của một ngày mới) 3/giờ lặn lơi (giờ mặt trời lặn. Giờ kết thúc những công việc lớn trong ngày)

Sát trước giờ ca cáy trong đêm cuối của năm, mọi người trong nhà đều ăn mặc đẹp, thức để chuẩn bị đón giờ phút đầu tiên của năm mới. Khi người già trong mường, nghe được tiếng te te đầu tiên của con gà rừng trên nương báo chuyển canh, thì đó được xem là phút giao thừa. Ngày xưa, vào giây phút đó ở mường nào trên đất Mường cũng đều cho nổ pháo, bắn súng lên trời, đâm chiêng, thúc trống để mừng.

Sau khi khắp Mường rung động trong âm thanh rộn rã thì mỗi nhà Mường đều lên hương cúng đất trời, tổ tiên, ông bà. Mâm cỗ cúng có đủ thịt, cá, lá canh. Tuỳ theo hoàn cảnh mỗi nhà, có thể bớt đi một hai món. Ở vùng Mường Bi trên mâm cỗ cúng giao thừa còn có thêm một đĩa “quéch”. Trên đĩa này bày đủ: “tuôi, thai, quai, chò” tượng trưng cho cả con lợn.

Cúng giao thừa xong, mọi người trong nhà cùng ăn cỗ rồi chúc thọ và mừng tuổi nhau. Chúc và mừng người già trước sau đến trẻ nhỏ.

Sáng mồng một Tết

Trước giờ lơi tha, người Mường làm lễ rửa mặt lấy may. Người ta ra suối lấy nước (phải sang mồng một mới đi lấy, chứ không được dùng nước lấy ngày hôm trước, và nước phải được lấy từ giữa dòng). Dùng nước này đun pha trà uống sáng mồng một và mời ông, bà cha mẹ rửa mặt xong, con trẻ trong nhà thường đọc một bài bộ mẹng tỏ lòng biết ơn trời đất, biết ơn con suối đã nuôi con người và cây lúa, nuôi con cá và ngọn rau cho người Mường sống đẹp.

      Bài mộ mẹng (dân ca Mường) có câu:

                                      “Ai uống nước suối này nên người đẹp nhất

                                      Ai rửa nước suối này nên người đẹp nhì

                                      Đẹp đời hỡi đời

                                      Đẹp lời hỡi xá

                                      Đẹp quá đất Mường mình ơi!”

Sau lễ rửa mặt lấy may là lễ cúng vía lúa.

Chủ gia đình rước một ôm lúa gồm ba bó lúa còn nguyên cả bông lẫn rễ (người Mường cất lúa qua vụ, không làm ra hạt thóc như người Kinh mà để nguyên cả bó như khi đưa ở ngoài nà về, cất lên gác, ăn đến đâu lấy xuống vò, đâm chày giã đến đấy).

Theo nhịp chiêng đánh, người chủ nhà rước lúa đi quanh sân và mo đọc bài khấn vía lúa. Bài mo kể về nguồn gốc cây lúa, kể về ông Tá Bố Lèm dạy người Mường trồng lúa, và bầy tỏ lòng biết ơn của người Mường với cây lúa.

Tục cúng vía lúa tuỳ lâu hay chóng, linh đình hay sơ lược khác nhau, nhưng nhà nào cũng làm. Vì người Mường cho rằng có thờ cây lúa như thế thì vía lúa mẹ mới đẻ lúa vía con. Và, cứ thế lúa sinh sôi cùng đơi để nuôi sống con người cho người Mường sinh sôi nẩy nở.

Sau lễ cúng vía lúa, chủ nhà cắt bánh pang (bánh chưng) mời mọi người trong nhà mỗi người một miếng nhỏ ăn lấy may. Có một chi tiết hết sức nhân bản mà ít người chú ý đến là: sau khi chia bánh cho người, chủ nhà còn chia bánh cho trâu, bò hiện có trong chuồng và xát bánh vào răng bừa, lưỡi cày, để tỏ lòng biết ơn trâu bò, cày bừa đã cùng người vất vả mưu sinh trong năm.

Tết và các lễ hội mừng xuân

Những cuộc chúc tụng và vui chơi trong tết trên đất Mường Hoà Bình thường diễn ra theo trình tự:

- Ngày mồng 1 Tết: chúc tết bên nội. Vào ngày mồng 1, ở mường nào cũng có một đội cồng, gọi là phường bừa vừa chơi nhạc cồng vừa hát xéc bùa đi chúc tết mọi nhà. Khi đến cổng vào nhà, phường bùa hát đoạn khoá rác (hát gọi mở cửa):

                                    Năm cũ nhà ông đã hết,

                                    Tết cũ nhà ông đã qua.

                                    Bước chân ra năm mới,

                                    Mỗi một năm một lần.

                                    Anh em chúng ta,

                                    Đến chơi nhà ông nào?

                                    Đến chơi nhà ông này

                                    Cửa trong nhà ông còn trông thấy cài

                                    Cửa ngoài nhà ông còn trông thấy đóng

                                    Phường bùa anh em ta ơi

                                    Đánh một hồi chiêng boong boong...

Chủ nhà ra mở cổng mời phường bùa vào xướng (sân) lên sàn. Họ chơi cồng, chúc tụng nhau, ăn bánh trái, hoa quả và uống rượu. Rồi phường bùa lại tiếp tục đi chúc các nhà khác trong xóm.

Suốt từ sáng đến khuya, xóm mường lúc nào cũng rộn rã tiếng cồng.

- Ngày mồng 2 Tết: chúc tết bên ngoại. Vào ngày này cùng với hát xéc bùa, trong các xóm mường thường tổ chức chơi ném còn, đâm đuống...

- Ngày mồng 3 Tết: chúc tết những người mình chịu ơn như thầy dạy học, thầy lang, bà mỡi... Những người đã dạy dỗ, chữa chạy cưu mang mình hoặc người thân. Vào ngày này các trò chơi tết vẫn rất đông vui.

- Ngày mồng 4 Tết: các nhà làm lễ động thổ, nhà nhà bắt đầu được đâm, chày giã gạo. Sau tết cả (mùng một tết) thì mùng bốn tết được người Mường xem trọng, vì đây là ngày đi thăm đồng, đi khai súng lấy may...

Ngày mồng 7 Tết. Người Mường làm lễ hạ cây nêu. Và cũng là lễ khai hội đầu xuân. Từ ngày này trở đi trên đất Mường có những hội lớn như: Hát pồn pông (hát mừng hoa) hát thường rang - bộ mẹng, chơi hang, chơi suối, hội săn...

Những cuộc chơi xuân, hội xuân được con trai, con gái Mường rất yêu thích.

Thường rang - bộ mẹng, là thể loại hát và chơi phong phú, đặc sắc nhất trong sinh hoạt văn hoá Mường. Nó được tổ chức hát một cách linh đình vào mỗi dịp tết đến, xuân về.

Thường rang - bộ mẹng có nhiều khúc hát khác nhau. Người già nói có tới 36 khúc thường: khúc ca ngợi đất Mường tươi đẹp, khúc ca ngợi người Mường hồn hậu, khúc ca ngợi tình yêu chung thuỷ. Thủ pháp của thường rang là lối so sánh, ẩn dụ. Thể thơ tự do, số lượng chữ không chừng, khi là năm, khi là bẩy, lúc sáu tám, rất hoạt. Những câu hát trao duyên thật lúng liếng, thật đa tình mà nhân bản đến không ngờ.

                                    Không biết xá nào anh hay đi

                                    Để em trồng cây si làm rạng

                                    Đường nào anh hay sang

                                    Em xin trồng cây búng cây bang làm bóng.

Thường rang - bộ mẹng hát trong ngày xuân làm mê đắm lòng người. Có những câu hát tình tứ, chân thật mà khêu gợi đến nao lòng.

                                    Con gái Mường mười bảy, mười ba

                                    Vú căng gai gạo

                                    Nước khoong mình tiết ra thơm như hương ráo

                                    Con trai Mường thèm mềm môi

                                    Như uống nhiều ráo tăm, ráo toọng, ráo te

                                    Nước sông Đằm, sông Đè chảy,

                                    Cứ chảy!

                                    Đã yêu nhau không thay dòng...

Cứ mỗi độ xuân về, mỗi hội thường rang qua, lại thêm những mối tình mới nở. Nhiều mối tình đẹp. Nhưng cũng không ít những mối tình dang dở, những trái tim tan vỡ và những dòng nước mắt khởi từ đây./.

Nguyễn Hải

alt