Lỗ thủng văn hóa

Thứ ba, 04 Tháng 1 2011 15:44
In

Đất nước ta không giàu tài nguyên như ta lầm tưởng,nhưng cũng không phải nghèo. Nhân dân ta có truyền thống yêu thương nhau nên mới có chữ “đồng bào”, mới có câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương...” Mỗi khi trên mảnh đất hình chữ S này có có thiên tai bão lụt (mà cái tai họa này rất thường xuyên) thì khắp nơi lo lắng, ai có gì giúp nấy, không kể nhiều ít giàu nghèo, cơ quan truyền thông thì lập tức lo tổ chức vận động quyên góp.

altNhà nước quyết định lấy ngân sách chi ngay trợ cấp. Kết quả bao giờ cũng rất khả quan, có được một số tiền rất lớn về cả ngân sách lẫn tiền do dân ủng hộ, điều này làm cho chúng ta rất mừng, không riêng những người bị nạn. Ví dụ Quĩ vì người nghèo lên đến 5000 tỉ đồng, qua phí tin nhắn trên điên thoại di động mà cũng gần 7 tỉ đồng, riêng người Việt ở Nga 8000 USD. Hà Nội bỏ kinh phí xây 5000 ngôi nhà tình nghĩa,.v.v..Riêng trong trận lũ quét vừa qua tràn qua ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình là một trận lũ rất lớn, gây thiệt hại quá nặng nề, Nhà nước đã chigần ngàn tỉ đồng cứu trợ, tất cả các cơ quan, nhân dân đóng góp cứu trợ gần trăm tỉ đồng, chưa kể đến lương thực, thực phẩm khẩn cấp cứu trợ trong thời gian bão lụt.

Có trải qua những tai họa mới thấy tấm lòng nhân ái của dân ta thật bao la, có những tấm lòng hào hiệp rất cảm động, có những nghĩa cử làm ta muốn rơi nước mắt. Đó là văn hóa, mà văn hóa nhân ái là yêu thương con người và đề cao con người làvăn hóa cao nhất.

Tuy nhiên, cũng chính chúng ta, trong những đợt cứu trợ đưa tiền gạo về cho người bị nạn hoặc nghèo khó, bên cạnh những tấm lòng nhân ái, cao cả lại không ít những “tấm lòng”phản văn hóa, phản nhân đạo.

Có tỉnh khi thiên tai đã qua, cái thời khắc đói đã qua ba bốn tháng mới đưa gạo cứu tế về xã. Người dân lại phải qua bình bầu xem xét của chính quyền, phải chầu chực để nhận, khi nhận được mấy chục cân gạo thì phải kê khai  những qũi gì quĩ gì chưa nộp. Có nơi, sau bao nhiêu chờ đợi và hi vọng, khi nhận về thì gạo đã mốc. Có nơi cán bộ coi tiền cứu trợ nhân đạo như tiền xin dự án, trừ bốn mươi phần trăm. Có tỉnh tiền cứu trợ mọi người ủng hộ được 2,3 tỉ, cứu trợ cho đồng bào bị lũ 1,1 tỉ, còn 1,2 tỉ chia nhau, có người nhận đến 150 triệu, có người 166 triệu, dĩ nhiên là có người hiện ở trong tù. Những người này (họ đều là cán bộ có chức cả) trong thâm tâm rất muốn mỗi năm trời cho tỉnh vài cơn bão lũ là họ thành tỉ phú. Có một tờ báo lớn năm gần đây, đứng ra tổ chức và nhận tiền cứu trợ cho đồng bào bị bão, nhưng số tiền mọi người ủng hộ, cuối cùng vào túi cá nhân, vân vân,... Chuyện không kể hết.

Cũng trong chương trình nhân danh từ thiện, thường là tiền bán vé được ủng hộ cứu trợ một phần hay tất cả, doanh nghiệp ủng hộ hoặc bán đấu giá vật phẩm gì đó là cơ hội để các doanh nhân vừa thể hiện lòng nhân ái của mình đồng thời quảng bá thương hiệu công ty mình. Một chương trình rầm rộ và hoành tráng được truyền hình trực tiếp 3giờ liền ở một tỉnh miền Trung, có đến 71 doanh nghiệp lên sân khấu tuyên bố làm từ thiện hàng trăm tỉ đồng, có giám đốc tuyên bố ủng hộ người nghèo cả tỉ đồng. Tổng kết đêm đó số tiền ủng hộ từ các doanh nhân lên đến 10 tỉ đồng. Các doanh nhân được tặng Bằng khen, được ghi danh Bảng vàng danh dự, những thương hiệu được quảng bá sáng choang vì tấm lòng cao cả. Nhưng thật đáng tiếc, sau gần một năm, những doanh nhân đã nhận bằng khen và sự ngưỡng mộ của một người kia, bỏ quên lòng tốt của mình. Đến nỗi, tỉnh đã phải gửi công văn nhắc nhở đến các công tynhư CtyTNHH Hoàn Cầu granite, CtyTNHH Quốc Thắng, Tập đoàn Hanaka, CtyC&P...       

Cái điều này ngoài sự tưởng tượng của người bình thường. Bây giờ khi những trận bão lụt đến và khi những đợt cứu trợ được vận động rầm rộ trên đài báo, khi những đống tiền cứu trợ được công bố, người bình thường thì nghĩ “không biết có đến tay người nghèo không” còn nạn nhân thì lại nghĩ “có đến mình thì cũng dăm bảy tháng, cũng chẳng được bao lắm, mất công chầu chực, mang tiếng”  

Trên thế giới không biết nhưng ở ta xa xưa không có chuyện thế này vì không thấy sử sách nào ghi. Mà không biết gọi hiện tượng quái dị này là gì, cứ tạm gọi là “lỗ thủng văn hóa”./.

Trần Huy Quang

alt