Bộ đội trẻ ở Trường Sa

Thứ tư, 22 Tháng 12 2010 09:35
In

66 năm, đi qua bao cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, chính quy và tinh nhuệ. Không chỉ là lực lượng chủ chốt trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trước đây, ngày nay QĐND còn là lực lượng nòng cốt của sức mạnh quốc phòng toàn dân, trong đấu tranh quốc phòng và các hoạt động quân sự phi chiến tranh để giữ nước ngay cả trong thời bình. Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập Quân đội nhân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2010), Tạp chí Ngày nay xin gửi tới bạn đọc bài viết về những sĩ quan quân đội đang sống và làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.

Trường Sa đầu sóng ngọn gió vẫn vững vàng vì có đội ngũ cán bộ mạnh, cái “gốc” của mọi công việc. Nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm…

Đủ, trẻ, mạnh…

altKhác với nhiều đoàn ra Trường Sa, năm nào cũng vậy, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng không chỉ “thăm” mà còn “kiểm tra”, không chỉ kiểm tra mà còn trả lời câu hỏi: “Sức mạnh chiến đấu của Trường Sa tới đâu?”. Năm 2009 và 2010, các đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng đều kết luận: Bộ đội Trường Sa đủ sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Chưa bao giờ Trường Sa đầy đủ cán bộ so với nhu cầu sẵn sàng chiến đấu như hiện nay. Hầu hết các đảo đủ 100% quân số so với nhu cầu, thậm chí có đảo nhiều hơn “một chút” để bảo đảm cơ động…Tỷ lệ sĩ quan trẻ ở Trường Sa chiếm gần 50%. Riêng các đảo Đá Tây, Đá Đông, Thuyền Chài có 70-90% cán bộ là sĩ quan trẻ. Các đảo Đá Nam, Đá Thị, Cô Lin, Len Đao, Tốc Tan, Tiên Nữ…100% cán bộ là sĩ quan trẻ.

Trẻ nhưng 10% sĩ quan đã ở Trường Sa 3 “tăng” (tức 5-6 năm) và có tới hơn 50% sĩ quan đã ở Trường Sa 2 “tăng” (tức 3 năm) công tác. Như vậy, 60% sĩ quan trẻ đều đã ở Trường Sa 3 năm trở lên, nhiều người 2-3 lần ở cùng một điểm đảo, giàu kinh nghiệm và bản lĩnh ứng phó trước mọi tình huống.

Năm 2008, 100% đảo được Bộ Quốc phòng khen thưởng. Hầu hết các cấp uỷ, chi bộ đảo đều trong sạch vững mạnh. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ luôn ở mức 80-100%. Không có vi phạm nghiêm trọng, không ai giảm sút ý chí. “Anh em đều tốt, Trường Sa có thể có nhiều đảo 100% cán bộ, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chứ? Không nên khống chế “chỉ tiêu” quá chặt!” –Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng nói với lãnh đạo Quân chủng Hải quân.

Bài toán cần giải

          Trường Sa giờ đây đã có mặt các sĩ quan từ hơn 30 tỉnh, thành. Nhưng cơ cấu không đều: sĩ quan quê ở miền Bắc chiếm tới 90%, riêng Thái Bình, Thanh Hoá, mỗi tỉnh chiếm tới gần 20%. Sĩ quan quê thuộc các tỉnh phía Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong số đã lập gia đình, mỗi đảo có 70-80% sống xa vợ con.

          Nhìn vào con số hơn 60% cán bộ ra đảo 2-3 “tăng”, thấy mừng vì đó là đội ngũ từng trải nhưng chưa vui vì có không ít cán bộ muốn chuyển vùng để hợp lý hoá gia đình mà đơn vị chưa thể đáp ứng do thiếu cán bộ. Theo Đại uý Đinh Văn Cường, Trợ lý cán bộ đoàn M46: Theo quy định thì sĩ quan chuyển vùng phải có ít nhất 5 năm công tác tại lữ đoàn song trên thực tế, nhiều người phải trên 10 năm. Q. bạn tôi, trước khi ra Trường Sa ở Hải Phòng, đơn vị động viên sau khi đi về, sẽ được chuyển vùng. Nhưng xong “tăng 1”,  thiếu cán bộ, đơn vị giữ lại. Đến nay, Q đã tròn 10 năm ở đoàn Trường Sa, 3 lần ra đảo mà nguyện vọng hợp lý hoá gia đình vẫn chưa thực hiện được. Trên các đảo, có hàng chục trường hợp như Q.

          Trường Sa rất cần người giàu kinh nghiệm, bản lĩnh để ứng phó mọi tình huống xảy ra. Muốn vậy, phải làm sao để bộ đội thật sự yên tâm, gắn bó với đảo, coi “đảo là nhà”. Thế nhưng, mấy năm qua, Đoàn M46 đã có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề nhà ở cho cán bộ song số người được cấp đất cũng mới chỉ chiếm vài phần trăm. Theo chính uỷ Nguyễn Đức Vượng, ước mơ xây dựng một khu chung cư cho bộ đội Trường Sa hiện càng trở nên khó khăn khi ở Cam Ranh khiến cơn sốt đất càng tăng lên. Năm ngoái, có hàng chục lá đơn của cán bộ, sĩ quan ở Trường Sa xin đưa vợ con ra lập nghiệp ngoài đảo nhưng cấp trên còn đang nghiên cứu, tìm ra mô hình phù hợp.

          Phân tích về “bài toán cán bộ” Trường Sa, Đại tá Bùi Huy Truyền, Trưởng phòng Kế hoạch (Cục Cán bộ) cho biết: Trước kia, cán bộ Trường Sa được lấy từ các đơn vị trong toàn quân. Cách làm đó giúp tăng cường được quân số nhưng sĩ quan chỉ là “quân gửi”, quân “phối thuộc” nên khó tránh tâm lý “tạm thời”. Yếu tố kinh nghiệm cũng khó phát huy. Mấy năm gần đây, cán bộ Trường Sa trừ một vài lĩnh vực đặc thù lấy luân phiên trong toàn quân, còn lại đều là “người” của Quân chủng Hải quân. Cục Cán bộ đã tăng cường điều động sĩ quan tốt nghiệp các học viện, nhà trường hàng năm về Quân chủng với số lượng cao hơn, đủ “bù đắp” cho số chuyển vùng. Tuy nhiên, cần có những giải pháp “dài hơi” hơn như đảm bảo cơ cấu vùng miền ngay từ khâu tuyển sinh quân sự. Vừa qua, Đảng uỷ QSTƯ, Bộ Quốc phòng  đã có nhiều quan tâm tới vấn đề này nên kể từ năm 2008, số cán bộ phân công công tác “trái tuyến” chỉ còn chiếm 10%. Với bộ đội Hải quân, cần được quan tâm hơn trong công tác điều động và chính sách cán bộ.

          Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm TCTC rất cảm thông khi trao đổi với chúng tôi về chính sách cán bộ đối với Trường Sa: “Những khó khăn ấy khiến tôi liên tưởng đến thực trạng cán bộ ở Binh đoàn Tây Nguyên, nơi tôi công tác trước đây. Có tới 95% cán bộ quê ở miền Bắc và chỉ 50% cán bộ đưa được vợ con vào sinh sống gần đơn vị. Quy định 5 năm được chuyển vùng nhưng thực tế phải nâng lên tới…10 năm. Rõ ràng là Trường Sa cũng như nhiều đơn vị khác, cần được quan tâm nhiều hơn để anh em an tâm công tác gắn bó với biển đảo. Tôi nghĩ việc xây dựng mô hình những “làng quân nhân”, “khu kinh tế quốc phòng” nơi đảo xa hoặc gần bờ để ngày càng có nhiều hơn những gia đình sĩ quan gắn bó với Trường Sa là giải pháp cần được thực hiện”./.

Nguyễn Văn Minh

alt