“Không bao giờ là quá sớm để tìm hiểu về khoa học, công nghệ”

Thứ tư, 21 Tháng 7 2010 09:45
In

“Một trong những nhân tố quan trọng để giới trẻ ngày nay quan tâm và yêu thích khoa học công nghệ hơn là phải làm cho các môn học thú vị và gần gũi. Và đó chính là tiêu chí hàng đầu của tất cả các chương trình hỗ trợ giáo dục của công ty
IBM chúng tôi. Học mà chơi, chơi mà học là cách tốt nhất để tất cả các lứa tuổi, từ mầm non cho đến đại học, gắn bó hơn với các môn học khoa học, công nghệ”

 

Từ nhiều năm nay, công ty IBM Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động cộng đồng nhằm khuyến khích trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên tìm hiểu về toán học và khoa học, công nghệ, nhằm giúp các em có sự chuẩn bị có định hướng cho nghề nghiệp trong tương lai. Thông qua các chương trình như KidSmart, Re-inventing Education, EX.I.T.E Camp, TryScience and Academic Initiatives, IBM đang mở rộng sự hỗ trợ ra đông đảo các học sinh và giáo viên Việt Nam trong môi trường học tập, giảng dạy các cấp học từ mẫu giáo tới cấp 3 và đại học.

Chương trình Giáo dục sớm KidSmart

KidSmart là một trong những sáng kiến nâng cao nhận thức cộng đồng của IBM, nhằm tạo điều kiện cho lứa tuổi mầm non được sớm tiếp cận với công nghệ thông tin và tăng cường sử dụng công nghệ mới như một công cụ học tập. Chương trình này được triển khai tại Việt Nam từ năm 2001 đến nay, với sự hỗ trợ của Vụ Giáo dục Mầm non thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo (Bộ GD&ĐT)

Trong năm 2009, IBM Việt Nam đã trao tặng 30 bộ “Nhà thám hiểm trẻ” (Young Explorer, là một tổ hợp máy tính và các phần mềm học tập, chủ yếu là học chữ và học toán thông qua trò chơi về khoa học) cho 30 trường mẫu giáo thuộc 28 tỉnh, thành của Việt Nam, nâng tổng số bộ “Nhà thám hiểm trẻ” đã tài trợ từ năm 2001 lên 322 bộ. Cho tới nay, chương trình đã đạt được mục tiêu đặt ra là xây dựng mô hình IBM KidSmart tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, đánh dấu nỗ lực hỗ trợ đổi mới hình thức tổ chức và giáo dục trẻ tại tất cả các mô hình trường mầm non với các điều kiện kinh tế và văn hóa, xã hội khác nhau.

altDưới sự điều phối của Vụ Giáo dục Mầm non, chương trình KidSmart của IBM đóng vai trò như một “cú hích”, góp phần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin và công tác xã hội hóa giáo dục trong ngành học mầm non. Theo báo cáo của Tiến sĩ Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, đến hết năm học 2008-2009, các địa phương đã trang bị thêm 25.000 máy vi tính (nhiều gấp 8 lần so với năm 2006 là 3.000 máy) cho hơn 9.000 trường mầm non (gấp 9 lần so với năm 2006 là 1.000 trường). Khoảng gần 20.000 giáo viên mầm non đã được tập huấn chương trình KidSmart.

Những kết quả đó đã khẳng định tính hiệu quả, thiết thực, và xã hội hóa cao của chương trình trong công tác giáo dục sớm trẻ em từ lứa tuổi mầm non. Trong các năm tới, IBM vẫn tiếp tục coi KidSmart là trọng tâm trong các chương trình cộng đồng của công ty.

Chương trình Tái sáng tạo Giáo dục Reinventing Education

Chương trình Tái sáng tạo Giáo dục do IBM tài trợ đã thúc đẩy các mô hình Dạy và Học với Máy tính và nâng cao hiệu quả dạy và học trong các trường THCS tại Việt Nam. Năm 1998, IBM đã ký Thỏa thuận hợp tác với Bộ GD&ĐT để hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị và tập huấn cho các trường học với tổng trị giá 500 nghìn USD (tương đương với 9.5 tỉ Đồng Việt Nam). Được đánh giá cao về tính khả thi và hiệu quả, mô hình này đã vượt ra ngoài khuôn khổ của chương trình Tái sáng tạo Giáo dục để trở thành một thành phần trong định hướng cải cách giáo dục và chính sách áp dụng CNTT trong nhà trường của Bộ GD&ĐT.

Trong năm 2009, IBM đã hỗ trợ tổ chức bốn buổi giới thiệu mô hình Dạy và Học với Máy tính, chương trình Tái sáng tạo giáo dục và các chương trình giáo dục khác của IBM cho hơn 200 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Trong năm 2010, IBM dự kiến đầu tư gần 20 nghìn đô la Mỹ (tương đương với 380 triệu Đồng Việt Nam) để xây dựng mô hình Tái sáng tạo Giáo dục dựa trên mã nguồn mở.

Hội trại Khám phá đam mê khoa học dành cho nữ sinh EX.I.T.E Camp

Tại IBM, phụ nữ đã đóng góp cho sự phát triển của CNTT gần như ngay từ những ngày đầu thành lập của công ty. IBM luôn tôn trọng và hỗ trợ sự phát triển nghề nghiệp của nhân viên nữ và coi đây là một phần quan trọng trong chính sách đa dạng nguồn nhân lực của IBM. Công ty có chính sách khuyến khích nữ giới vào làm việc và khuyến khích tạo điều kiện để họ phát triển tài năng và nghề nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT.
Nhằm khuyến khích các em học sinh nữ lứa tuổi THCS khám phá sở thích và niềm đam mê trong lĩnh vực kỹ thuật và CNTT, xóa bỏ suy nghĩ truyền thống về hạn chế của nữ giới trong việc theo đuổi lĩnh vực công nghệ đa dạng này, từ năm 2007 IBM đã tổ chức hàng năm hội trại EX.I.T.E  Camp (Khám phá đam mê khoa học). Mỗi hội trại kéo dài 3 ngày, giới thiệu với các nữ sinh các cơ hội có thể mở ra đối với nữ giới trong lĩnh vực khoa  học, kỹ thuật, tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với các gương mặt nữ giới thành đạt trong lĩnh vực này, và tham gia các trò chơi mang tính giải trí và giáo dục.
Mỗi năm, hội trại lại đưa ra một chủ đề thiết thực liên quan để định hướng cho các hoạt động vui chơi và tìm hiểu về khoa học công nghệ của các em. Chẳng hạn như chủ đề năm 2008 là “Hãy tưởng tượng ra tất cả các khả năng”, với các hoạt động như xây dựng các ngôi nhà lý tưởng từ các chất liệu tái sinh, quay phim về bảo vệ môi trường, thiết kế và mặc thời trang thân thiện với môi trường, phân loại rác, tiết kiệm năng lượng, v.v. Chủ đề năm 2009 là “Một ngày với Công nghệ”, với các hoạt động như tìm hiểu về công nghệ dự báo thời tiết, hoạt động của các trường đại học về CNTT, tìm hiểu về mật mã, các ngành nghề thủ công, v.v.
Thông qua các trò chơi, các buổi tham quan thực địa và giao lưu, các hội trại khuyến khích các em phát triển kỹ năng hoạt động nhóm, khả năng quan sát, tính sáng tạo, tư duy lô-gíc, khả năng thuyết trình và nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân, xã hội và môi trường.

Khám phá khoa học trên mạng với TryScience

TryScience là bảo tàng khoa học thế giới trên mạng đầu tiên, do IBM thiết kế để giúp các học sinh, giáo viên và phụ huynh khám phá thế giới khoa học và công nghệ thông qua các hình ảnh trưng bày tương tác, các cuộc phiêu lưu đa phương tiện, những chuyến tham quan hiện trường bằng camera sống động.

Qua địa chỉ www.tryscience.org, người sử dụng có thể truy cập các bảo tàng thiên nhiên tại San Francisco, Mexico City (Mỹ), London (Anh) và Sydney (Australia). Trang web có 4 nhóm hoạt động gồm: Adventure (Phiêu lưu), Field Trips (Thăm hiện trường), Experiments (Thí nghiệm) và Curious (Tò mò). Nội dung của bảo tàng sẽ thay đổi liên tục khi các trung tâm khoa học sáng tạo ra những thực nghiệm và mục trưng bày mới. Thay vì chỉ đọc hay xem tranh ảnh, TryScience cho phép giới trẻ thực sự cảm nhận khoa học thông qua việc thực hiện các thí nghiệm, quan sát, thiết kế, xây dựng và thử nghiệm những sáng tạo của mình.

“Có rất nhiều cơ hội trong các lĩnh vực kỹ thuật cho học sinh, sinh viên, và mô hình học qua game (trò chơi máy tính) đang mở ra nhiều lựa chọn mới và hấp dẫn”, ông Nguyễn Khiêm, Giám đốc chương trình hỗ trợ giáo dục của IBM Việt Nam cho biết. “Để có thể tham gia vào “trò chơi” của tương lai, học sinh, sinh viên Việt Nam cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức học thuật. Chúng tôi đang nỗ lực hỗ trợ cho sự chuẩn bị đó thông qua các phương pháp mang tính giải trí và tương tác cao”.

IBM cũng đã lắp đặt 4 kiosk TryScience tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để các em dễ dàng tiếp cận bảo tàng trực tuyến này.

Chương trình hợp tác giáo dục dành cho bậc đại học Academic Initatives

Chương trình nhằm trang bị cho sinh viên kỹ năng về công nghệ IBM và công nghệ mở. Cụ thể là chương trình cung cấp phần mềm, bài học của IBM miễn phí cho học tập và nghiên cứu và tổ chức và trả phí cho sinh viên thi lấy chứng chỉ IBM (theo hệ thống Prometric). Các môn học trong chương trình đều dựa trên khuyến cáo của Hiệp hội Điện toán ACM – tổ chức khoa học và giáo dục về điện toán lớn nhất thế giới. Riêng trong năm 2009, IBM đã phối hợp với các khoa CNTT tại các trường đại học trên cả nước giảng dạy tổng cộng 1.750 sinh viên cho hai ngành chính là Cơ sở dữ liệu DB2 và Rational, hỗ trợ các sinh viên thi chứng chỉ cho các môn học và 10 loại chứng chỉ chuyên môn.

Trong khuôn khổ chương trình này, IBM cũng tổ chức, hỗ trợ các hoạt động khác như lớp học cho giáo viên, hội thảo chuyên đề cho sinh viên, học bổng cho sinh viên, giáo viên, tiến sĩ, v.v. Bắt đầu từ năm 2009, IBM trao học bổng thường niên IBM Faculty Awards cho các đề xuất nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin thể hiện được tính khoa học, ứng dụng cao, có tính khả thi. Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn, Phó chủ nhiệm khoa công nghệ thông tin Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), là người đầu tiên tại Việt Nam giành được giải thưởng thường niên IBM Faculty Awards cho đề xuất về “trí tuệ nhân tạo”.

“Không bao giờ là quá sớm để tìm hiểu về khoa học, công nghệ” – bà Phạm Thị Thanh Long, Giám đốc phụ trách các chương trình hợp tác với chính phủ của IBM nhận định. «Một trong những nhân tố quan trọng để giới trẻ ngày nay quan tâm và yêu thích khoa học công nghệ hơn là phải làm cho các môn học thú vị và gần gũi. Và đó chính là tiêu chí hàng đầu của tất cả các chương trình hỗ trợ giáo dục của công ty IBM chúng tôi. Học mà chơi, chơi mà học là cách tốt nhất để tất cả các lứa tuổi, từ mầm non cho đến đại học, gắn bó hơn với các môn học khoa học, công nghệ.»

Vân Giang

alt