Đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ

Thứ tư, 02 Tháng 3 2011 09:40
In

altTại Hội nghị Thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN 2001-2010, đánh giá kết quả hoạt động KH&CN 2006-2010 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2011-2015 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức, nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động KH&CN đã được các nhà quản lý, nhà khoa học mổ sẻ nhằm tìm kiếm giải đáp thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển.

Những kết quả đạt được

Theo báo cáo của báo KH&CN, về tổng thể trong công tác quản lý, Bộ KH&CN đã xây dựng và hoàn thiện một hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi, tiếp cận một cơ chế, chính sách, một mô hình quản lý hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế đặc biệt thành công ở nhiều nước có nền khoa học phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Thông qua việc giải quyết các vấn đề KH&CN do thực tiễn đặt ra, năng lực nghiên cứu trong một số lĩnh vực KH&CN đã có sự phát triển vượt bậc (các công trình công bố quốc tế, các văn bằng sở hữu trí tuệ được bảo hộ). Với mức đầu tư vẫn còn rất thấp nếu xét về giá trị tuyệt đối, nhưng trình độ nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi (đặc biệt là chăn nuôi lợn, gia cầm) và giống thuỷ sản, sản xuất vắc xin, trong điều trị bệnh tim mạch, công nghệ tế bào, một số công nghệ dùng trong ngành đóng tàu và ngành y tế đã so sánh được với trình độ của các nước trong khu vực và một số nước tiên tiến.

Ngày 28.9.2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 171/2004/QĐ-TTg về đổi mới cơ chế quản lý KH&CN. Theo đó, công tác khoa học có điều kiện triển khai một cách đầy đủ và toàn diện, nhất là các nội dung phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN đã được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là KH&CN đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào các công trình kinh tế trọng điểm của đất nước như: Thuỷ điện Sơn La, khai thác dầu khí, Khu kinh tế Dung Quất…

Đối với cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo nguyên tắc cạnh tranh, dân chủ, bình đẳng và công khai đã được dư luận xã hội và cộng đồng các nhà khoa học ủng hộ và đánh giá cao, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý các tổ chức KH&CN đã từng bước được đổi mới theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Việc phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về KH&CN đã được đổi mới mạnh mẽ thông qua việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, đặc biệt là tổ chức bộ máy của sở KH&CN ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, cơ chế, chính sách tài chính cho KH&CN cũng đã được đổi mới theo hướng đa dạng hóa nguồn đầu tư cho KH&CN. Việc cấp kinh phí đến nhà khoa học được cải tiến một bước quan trọng theo hướng giảm bớt một số khâu trung gian không cần thiết. Quyền tự chủ về tài chính bước đầu được áp dụng đối với các tổ chức KH&CN công lập theo Nghị định 115 của Chính phủ.

Phương thức khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN, nội dung chi và mức chi được mở rộng đã được áp dụng triệt để trong toàn ngành KH&CN, tạo không khí phấn khởi và động viên các lực lượng KH&CN cống hiến, sáng tạo.  

Một số tồn tại hạn chế

Mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng, song hoạt động KH&CN vẫn còn những tồn tại sau: Một là, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN hoàn toàn nhất quán, đầy đủ, rõ ràng nhưng: nhiều nội dung, cũng như các giải pháp chậm được triển khai, một phần do tính thiếu thống nhất trong nhiều văn bản của các Bộ ngành; khá nhiều bất cập, yếu kém được nhắc lại nhiều lần nhưng chưa có giải pháp khắc phục.

Hai là, các cấp, các ngành và bản thân các nhà khoa học chưa nhận thức được hết đặc tính và sự khác biệt giữa hai quá trình nghiên cứu khoa học và thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như tác động qua lại hữu cơ của hai quá trình này trong một chu trình thống nhất, từ đó có những nhận định, đánh giá khác nhau về quá trình nghiên cứu, việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, có khi còn mâu thuẫn lẫn nhau.

Ba là, tình trạng quan liêu ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước đã ăn sâu vào tâm thức nhiều tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học; tinh thần làm việc của một bộ phận nhà khoa học còn thiếu nhiệt huyết và cảm hứng sáng tạo, thiếu chủ động để vượt qua khó khăn, thách thức...

Các giải pháp phát triển

Nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đã đồng tình với những tồn tại mà hoạt động KH&CN Việt Nam đang phải đối mặt. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng, hoạt động KH&CN là một lĩnh vực “đặc biệt”, những kết quả trong hoạt động KH&CN thời gian qua có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, hoạt động KH&CN phải được nhìn nhận ở khía cạnh thuộc lĩnh vực đầu tư lâu dài, đầu tư cho “tương lai”. Chính vì thế, để KH&CN cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu trong phát triển kinh tế đất nước, chúng ta cần phải tạo dựng được cơ chế và các chính sách “đặc thù” để thúc đẩy hoạt động này phát triển.

Theo Lãnh đạo Bộ KH&CN, để thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, về cơ bản chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như:Đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho hoạt động KH&CN; đổi mới hoạt động của các tổ chức KH&CN; phát triển thị trường công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN; cần có chính sách và giải pháp để phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN được nhà nước đầu tư theo kết quả hoạt động KH&CN; tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức thực hiện các chương trình, dự án KH&CN trọng điểm cấp nhà nước; tập trung đầu tư cho phát triển nhân lực KH&CN; phát triển hệ thống thông tin quốc gia về KH&CN…

Phó Thủ tướng Chính phủ - GS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để KH&CN trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế, KH&CN Việt Nam cần hình thành một mạng lưới tổ chức KH&CN trong đó có sự “phân vai” rõ ràng cho từng ngành; xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực KH&CN để có kế hoạch đào tạo phù hợp. Thiết lập mối quan hệ ổn định giữa doanh nghiệp với nhà khoa học nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Tiến hành đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến những thành quả đạt được của hoạt động KH&CN để tôn vinh các cá nhân, tập thể điển hình trong KH&CN và người dân hiểu được tầm quan trọng, những thành tựu của KH&CN.

Mặt khác, Bộ KH&CN cần phối hợp với các bộ/ngành có liên quan xây dựng cơ chế để trích lại phần lợi ích cho các nhà khoa học do bên hưởng lợi có được nhờ áp dụng các thành tựu KH&CN, thực hiện khoán thí điểm ở một số tổ chức KH&CN trên cơ sở đóng góp sản phẩm cho xã hội, sớm trình kế hoạch thành lập quỹ đầu tư triển vọng để hỗ trợ những doanh nghiệp KH&CN trẻ.../.

Phong Vũ

alt