Một vùng đất thăng hoa!

Thứ năm, 28 Tháng 10 2010 11:05
In

Có được Hà Nội như hôm nay và Thăng Long như ngàn năm qua, thật vô cùng diệu kỳ và tự hào, không chỉ với những ai từng gắn bó với Thăng Long - Hà Nội, mà còn rất đỗi tự hào với hết thảy con em của đất nước, dù sinh sống cách quê hương ngàn vạn dặm xa, và đối với bạn bè năm châu dù họ chưa một lần đến với kinh đô cổ kính này! Thăng Long - Hà Nội đã tròn ngàn năm tuổi, ngàn năm tựa một giấc mơ dài, nhưng không phải chiêm bao mộng mỵ, mà là một thực thể sống động.

Chúng ta hôm nay đang sống giữa lòng thủ đô Hà Nội, nhớ về thuở kinh đô Thăng Long xa xưa như một hoài niệm đầy tự hào, khi đọc lại đoạn quan trọng nhất trong Chiếu Dời Đô của Hoàng đế Thái tổ Lý Công Uẩn: “Huống chi, đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam - bắc - đông - tây, tiện hình thể núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà đóng đô, các khanh nghĩ thế nào?”. Đã ngàn năm rồi, thời gian lịch sử thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội càng chứng tỏ nhận định đó của Lý Thái Tổ hoàn toàn đúng, lời của ông xứng đáng là lời của bậc đại tiên tri. Phải chăng, Ông đã nhìn thấy trước sự thăng hoa của mảnh đất  thiêng này ? Và quả thật Thăng Long - Hà Nội đã thăng hoa!

alt

Một vùng địa - Cảnh quan thăng hoa

Chỉ với mấy câu đánh giá ngắn gọn súc tích trong Chiếu Dời Đô vừa dẫn ở trên, cho ta cảm nhận khá chính xác về thế đất Thăng Long ngay buổi đầu định đô, với thế rồng cuộn hổ ngồi, mà cả nước Việt không đâu có được! Một ngàn năm trước đã là thế và trong lịch trình một ngàn năm sau lại càng hơn thế nữa. Cảnh quan Đại La là nơi trội vượt hơn trong vùng sông nước châu thổ sông Hồng, đã lọt vào tầm mắt tinh đời của vị Hoàng đế khai sáng vương triều Lý. Từ thế kỷ thứ X trở đi, cái vị thế ấy ngày càng được nâng cấp theo tiến độ của lịch sử dân tộc. Một Thăng Long thời Lý, một Thăng Long thời Trần, một Thăng Long thời Lê Sơ, một Thăng Long thời Mạc, một Thăng Long thời Hậu Lê (hay thời Lê - Trịnh), một Thăng Long (là hưng thịnh) đầu thế kỷ XIX, một Hà Nội thời Nguyễn và một Hà Nội của nước Việt Nam mới từ sau năm 1945 vẫn đứng ở vị thế hàng đầu của đất nước.

Từ Cổ Loa đến Thăng Long - Hà Nội mọi giá trị địa - cảnh quan được khẳng định và nhân lên gấp bội. Ngày nay Cổ Loa trong lòng Hà Nội, thế đất đẹp ôm ấp cảnh quan đẹp, tạo nên những thăng hoa liên tục suốt hơn hai ngàn năm có dư. Âu cũng là cái mà trời đất giành cho vùng địa linh này.

Một vùng địa - chính trị, hành chính thăng hoa

Ngay từ đầu năm 1010, trong Chiếu Dời Đô, Lý Thái Tổ đã không chút hoài nghi lưỡng lự đã khẳng định Thăng Long "là nơi thượng đô của Kinh sư muôn đời". Lịch sử ngàn năm qua đã chứng minh mệnh đề bất hủ ấy! Lý Thái Tổ lập nghiệp từ kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình), nhưng đã nhìn thấy rất rõ vị trí bất lợi chính trị - hành chính của Hoa Lư, và chỉ mấy tháng sau khi giành được thiên hạ từ vương triều Tiền Lê, ông đã để lại Hoa Lư trong heo hút núi rừng, kéo triều đình Lý ra Thăng Long nhanh hơn một trận đánh. Tháng 7 âm lịch thuyền rồng cắm neo ở sông Cái thì tháng 10 âm lịch của năm Canh Tuất (1010) đã hiện hữu những cung điện nguy nga cho những buổi thiết triều. Một Thăng Long chính trị - hành chính đã được khởi động điều hành đất nước, theo phương thức của một thể chế phong kiến trung ương tập quyền vững mạnh và hiệu quả. Cũng từ đây, các vương triều của nước Việt có đủ điều kiện để tổ chức một hệ thống hành chính - chính trị điều hành đất nước công ích nhất, từ triều đình lan tỏa xuống các địa phương cũng dễ dàng và thuận tiện; so với Hoa Lư đã là điều diệu kỳ. Nhà Trần thay nhà Lý, nhà Lê nối tiếp Lý - Trần vẫn chọn Thăng Long làm Thượng đô, thế kỷ XIX Thăng Long mất vị thế đế đô về cho Huế (Thuận Hóa) vì những lý do tế nhị; ở đây không cần sự so sánh hơn thua của hai trung tâm hành chính này, nhưng nếu thật sòng phẳng lịch sử thì sự ưu tiên bao giờ cũng giành cho Thăng Long - Hà Nội. Tuy mất vị thế là đế đô, nhưng Thăng Long vẫn là trung tâm của Bắc Kỳ. Người Pháp xâm chiếm Việt Nam và Đông Dương, năm 1888 cho lập thành phố Hà Nội (tuy diện tích chưa đầy 10 km2) nhưng đó là thành phố được chọn đặt trung tâm hành chính cho ba nước Đông Dương.

Một Hà Nội của nửa đầu thế kỷ XX sôi động, và kết thúc bởi Cách mạng vĩ đại Tháng 8 - 1945, khi cuộc mít tinh khổng lồ của giới chức Hà Nội thay vì ủng hộ Chính phủ đương nhiệm chuyển sang ủng hộ Việt Minh và Chính phủ Cách mạng Lâm thời vừa được thành lập tại Đại Hội Quốc Dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ 13 - 15 tháng 8-1945; mà cũng tại Đại Hội Quốc Dân này thay mặt Chính phủ Lâm thời Lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc tuyên bố Thủ đô của nước Việt Nam mới là Hà Nội, Quốc kỳ là ngọn cờ đỏ sao vàng 5 cánh và Quốc ca là bài Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao.

Một vùng địa - Quân sự thăng hoa

Không rõ tự bao giờ, người Thăng Long - Hà Nội và nhân dân cả nước truyền tụng nhau về câu ngạn ngữ: Thăng Long phi chiến địa!, cũng có người đọc là: Thăng Long phi chiến bại! Hiểu hai câu đó như thế nào cũng được, nhưng cần lưu ý rằng, cả hai câu đó muốn nói lên rằng, nhân dân ta không bao giờ muốn chiến sự xẩy ra ở Thăng Long - Hà Nội, nhưng nếu kẻ thù muốn đưa chiến tranh vào đây ắt chúng sẽ bại vong! Từ thuở Lý Bí (thế kỷ thứ VI) thành lập vương triều Tiền Lý, thơ thần đã dõng dạc ngân vang: NamQuốc sơn hà Nam đế cưNhư hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư! Vương triều Trần đã 2 lần giải phóng Thăng Long khỏi ách xâm chiếm của Mông - Nguyên, đó là trận Đông Bộ năm Đinh Tỵ (tháng 1-1258), vì các chiến thắng Chương Dương - Giang Khẩu tháng 4 ất Dậu (1285) buộc quân giặc rút chạy khỏi Thăng Long. Kinh đô rền vang khúc ca khải hoàn. Bình Định Vương Lê Lợi bao vây Đông Quan, buộc giặc Minh xâm lược khốn đốn và sau khi phá phách tan nát Đông Quan buộc phải hưu chiến, rút quân về bắc trong danh dự bởi một hội thề giữa Lê Lợi với Vương Thông. Quân xâm lược Thanh mau chóng chiếm Thăng Long cuối năm Mậu Thân (1788), phè phỡn với Tết Kỷ Dậu (1789) trong thành, để rồi rạng sáng mồng 5 Tết đại bại ở Khương Thượng - Đống Đa, Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử, Tôn Sĩ Nghị chui ống đồng cùng bại quân tháo chạy qua sông Hồng tả tơi về đất bắc. Nửa cuối thế kỷ XIX, hai lần Hà Thành thất thủ (1872, 1882) bởi nhà Nguyễn không cùng toàn dân chống Pháp. Để bù lại Hà Nội làm Cách Mạng Tháng 8 - 1945, vùng lên chống Pháp xâm lược ngay năm đầu tiên sau Toàn Quốc Kháng Chiến (12-1946) và giải phóng Thủ đô.

Vị thế địa - quân sự của Thăng Long - Hà Nội suốt ngàn năm ấy như mỗi thời gian một thăng hoa, chúng ta không bao giờ muốn Thăng Long - Hà Nội là bãi chiến trường, bằng mọi cố gắng để tắt mồi lửa chiến tranh nơi đế đô hào hoa; nhưng cũng không để cho quân thù trú ngụ ở Thăng Long - Hà Nội gây bao đau thương cho dân lành.

Một vùng địa - Kinh tế, văn hóa thăng hoa

Với tất cả mọi vị thế mà Thăng Long - Hà Nội có được, không phải tự nhiên mà có, mà là bởi vùng địa linh này được tôn vinh bởi các thế hệ cư dân Thăng Long - Hà Nội, chính họ tạo ra địa - cảnh quan, địa - hành chính, địa - quân sự… một cách kiên trì và vĩnh hằng, hay nói thật chính xác bởi lao động sáng tạo làm nên mọi của cải của những cư dân Thăng Long - Hà Nội.

Đồng ruộng vùng Thăng Long - Hà Nội xưa nay vẫn tốt tươi, lương thực rau dưa thực phẩm các loại không đâu bằng; nhà ở tiện nghi cũng không đâu bằng Thăng Long, hiện ở Hà Nội còn khu phố vài ba trăm tuổi như một minh chứng cho sự phồn hoa một thuở của Thăng Long; Hà Nội thời thuộc Pháp cũng được ưu ái, bởi những kiến trúc biệt thự lãng mạn kiểu Châu Âu mà những nhà kiến trúc ban tặng cho xứ thuộc địa một cách vô tình, chẳng hạn Nhà Hát Lớn Hà Nội như là một nét thăng hoa cho kiến trúc Hà Nội hiện đại. Và ngày nay, biết bao nhiêu khu đô thị hiện đại mọc lên ngày càng nhiều ở Hà Nội, như báo trước một cuộc thay đổi bộ mặt Hà Thành trong một tương lai gần.

Văn hóa tinh thần của Thăng Long - Hà Nội cũng là một đặc hữu của Đại Việt xưa và Việt Nam đương đại. Hơn trăm khoa thi Tiến sĩ ở Thăng Long từ thời Lý đến năm 1788, là một thăng hoa tột độ của tinh thần Thăng Long và Đại Việt, chính đội ngũ khoa bảng gần 3000 ông Nghè đó đã tạo nên cốt lõi cho văn hiến Thăng Long - Đại Việt ngàn năm. Đó là chưa kể hàng ngàn trứ tác bằng hán-nôm nói lên tầm vóc văn hiến của quốc gia này. Thật là nhiều cái để minh chứng cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội thăng hoa, chẳng hạn, vào thời hiện đại, số ca khúc hay về Hà Nội có đến hàng mấy chục, mà chưa có một vùng nào ở Việt Nam lại có lắm ca khúc hay như ở Hà Nội.

Văn hóa ứng xử Thăng Long - Hà Thành suốt ngàn năm phong phú và đa dạng. Và chính văn hóa ứng xử làm nên cốt cách văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

Thăng Long - Hà Nội đã ngàn năm, mọi giá trị của Thăng Long - Hà Nội đã được khẳng định qua trường kỳ lịch sử; chúng ta đã có một khởi đầu Thăng Long đầy ấn tượng, và đã có một Thăng Long - Hà Nội thăng hoa dần lên qua từng năm tháng lịch sử. Chúng ta từng tự hào về quá khứ, càng tin tưởng vào tương lai, và hy vọng sẽ có một Hà Nội thăng hoa hơn nữa.

Hà Nội tháng 10 – 2010

                                                                     Hà  Tĩnh

alt