Cần Thơ hương nước hồn quê

Thứ tư, 29 Tháng 9 2010 15:24
In

Cần Thơ gạo trắng nước trong;

Ai đi đến đó lòng không muốn về"

Câu ca dao lưu truyền từ bao đời đã làm lay động lòng người mỗi khi có dịp dừng chân ghé thăm vùng đất từng được xưng tụng bằng mỹ danh Tây Đô nằm ở cực Nam Tổ quốc. Cần Thơ mang trong mình nét duyên thầm kín của tà áo bà ba làm tôn thêm vẻ duyên dáng của các thiếu nữ vùng châu thổ cùng chút điệu đà của một thành phố đang chuyển mình trong tiến trình đô thị hoá...

Xuất xứ từ tên “cầm thi giang” (sông thơ, đàn), Cần Thơ mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước. Con sông gắn liền với mọi hoạt động kinh tế, văn hóa của cư dân nơi đây. Nét độc đáo của nền văn hóa sông nước Cần thơ chính là chợ nổi và đờn ca tài tử. Nếu như chợ nổi là nơi buôn bán, kiếm ra của cải nuôi dưỡng thể chất, thì đờn ca tài tử, vọng cổ nuôi dưỡng tâm hồn con người vùng miệt vườn sông nước này.

Miệt vườn sông nước Cần Thơ

Nét độc đáo tự nhiên và kiến trúc đô thị của Cần Thơ là mạng lưới kênh rạch. Kênh rạch cũng là "đường phố", nó mang vẻ đẹp của một đô thị lớn từng được mệnh danh là Tây Đô. Vẻ đẹp bình dị mà nên thơ của làng quê sông nước, dân cư tập trung đông đúc, làng xóm trù phú núp dưới bóng dừa, đó là không gian tĩnh mịch, sâu thẳm của miệt vườn sông nước bỗng vẳng đâu đó một điệu hò mượt mà, trầm lắng, man mác ngân lên, kéo dài, quện lẫn âm thanh xao xuyến của cây đàn cò, níu giữ chân khách phương xa… đã đến đây rồi, lòng không muốn về!

Đến với Cần Thơ du khách được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng mang đậm hương vị vùng quê miệt vườn sông nước, ăn cơm sốt dẻo nấu bằng gạo Tài Nguyên thơm phức với mắm cá lóc, kèm bát canh cua đồng nấu với bông so đũa vàng ươm… Và hơn thế nữa, nơi đây còn có dòng “đặc sản” các cù lao: cồn Sơn, cồn Khương, cồn Tân Lộc... Những cù lao này đem lại cho khách phương xa nhiều cảm xúc dạt dào trong một môi trường sinh thái thơm ngát phù sa.

Vùng đất của đờn ca tài tử

Một lần đến với Cần Thơ, hẳn bạn cũng như tôi sẽ không thể quên các giai thoại về tài tử giai nhân trong những câu ca, làn điệu vọng cổ. Mặc dù sống trong môi trường có nhiều loại hình âm nhạc khác cùng hoạt động, nhưng phong cách tài tử của nhiều tiết mục vẫn mang một sắc thái riêng, đậm chất tài tử của miền “gạo trắng, nước trong”.

Cần Thơ soi bóng xuống sóng nước dòng sông huyền thoại, chinh phục du khách không chỉ bởiphong cảnh hữu tình, gợi cảm, gần với thiên nhiên. Mà còn bởi các làn điệu được ngân vang qua các giọng ca tài tử. Đến vùng đất sông nước này du khách có thể được nghe, được xem các ban ca nhạc tài tử ở bất cứ nơi đâu, có thể ở giữa cảnh trời trăng mây nước; dưới bóng mát gốc me, gốc xoài, gió lộng; trên gò đất cao cạnh ao làng được bao bọc bốn bề là đồng lúa xanh tươi, vàng rực. Hay trên chiếc thuyền trôi xuôi êm ả theo dòng nước lồng lộng trăng rằm, nên thơ tĩnh mịch, tiếng lá dừa nước hai bên bờ rì rào dịu êm như nền nhạc đệm làm tăng vẻ hữu tình cho buổi đờn ca tài tử trên sông.

Với những con người sinh ra và lớn lên nơi đây, khi hứng thì đờn ca, vui là chính, không chuyên nghiệp nhưng người chơi cũng phải bỏ ra lắm công phu, phải luyện cho tinh thần nhiều cảm xúc, luyện cho giọng ca ai oán u buồn hòa quyện với cảnh miệt vườn sông nước. Ai biết đờn thì đờn, biết ca thì ca, chẳng ai chê cười mà còn động viên cố gắng. Thậm chí người đi đường thích cũng có thể tham gia.

Đờn ca tài tử có ma lực, sức hấp dẫn làm say mê lòng người, ai biết qua rồi khó lòng bỏ được. Vì nó là bản sắc văn hóa Nam bộ, văn hóa của một vùng miệt vườn sông nước, là đời sống tinh thần của con người đất Cần thơ.

Lênh đênh Chợ nổi Cần thơ

Từ bến Ninh Kiều – điểm hợp lưu của hai dòng sông Cần Thơ và Hậu Giang, phóng tầm mắt giữa mênh mông sóng nước Cửu Long, chợt nhớ lời “dặn dò” của những người bạn đã từng đến nơi đây: “Xuống Cần Thơ mà chưa ghé chợ nổi coi như phí hoài cả chuyến đi”.

Chợ nổi ở Cần Thơ

Cần Thơ có nhiều chợ nổi nức tiếng: Cái Răng, Phong Điền, Phụng Hiệp… Ở đó sông ngòi chằng chịt, nơi có những đứa trẻ chưa biết chạy đã lặn ngụp trên sông và thuyền bè thay xe cộ làm phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân. Nơi chợ có khi không họp trên đất mà họp trên mặt nước, và người ta không bày hàng hóa trên sạp mà treo trên những cây sào dài vốn được người dân địa phương quen gọi là cây bẹo. Những cây bẹo vui mắt treo lủng lẳng đủ loại rau củ quả đầy mầu sắc đã làm tươi mới cả một vùng chợ nổi vốn đã rất tưng bừng và nhộn nhịp.

Khác với chợ trên bờ - chợ nổi với các "sạp" thuyền luôn di chuyển. Thay cho biển hiệu hay quảng cáo, trước mỗi thuyền có một cây sào cao, trên đó treo những hàng hóa cần bán, (dân địa phương gọi là bẹo). Chỉ cần nhìn dấu hiệu trên cây bẹo, những "bảng hiệu sống" là biết trên thuyền bán gì.

Hàng hóa chợ nổi cũng cực kỳ phong phú, trên bờ có gì, dưới sông có nấy. Từ cây kim sợi chỉ đến thực phẩm, đồ gia dụng và các loại rau quả, cây trái - bán ký, bán mớ, bán chục (gọi là chục nhưng có loại tính tới 16, 18). Người đi chợ cũng dùng thuyền. Cảnh thuyền bè đông đúc cặp mạn mua bán nhộn nhịp vui mắt. Có thuyền bán sỉ, có thuyền bán lẻ. Cả màu sắc và âm thanh chợ nổi đều ăn đứt trên bờ. Thuyền bè trên chợ đi lại như mắc cửi nhưng không hề ùn tắc hay va quệt vào nhau. Lái thuyền đa phần là phụ nữ với trang phục bà ba, nón lá, nói năng chân chất, mộc mạc. Nhiều cô xinh xắn, da trắng ngọt như nước dừa, má hồng như mận chín, mắt tròn đen như nhãn đầu mùa cứ lúng liếng cười khi gặp những khách lạ lớ ngớ lần đầu đi chợ nổi…

Chia tay chợ nổi có thể du khách còn được mang theo câu hò mượt mà của các thôn nữ miệt vườn châu thổ trong bóng áo bà ba thoắt ẩn thoắt hiện theo nhịp chèo đò:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền

Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền

Đừng cho lúa gạo sợ xóm giềng họ hay...

 “Ai đến Cần Thơ mà chẳng thương/Ai xa Cần Thơ mà chẳng nhớ?”: Nhớ hạt gạo trắng trong, nhớ cái Ngã ba sông Cái Răng, nhớ cái chợ nổi là kia. Nỗi nhớ ấy tập trung thành sức mạnh vô biên, được truyền lại và tiếp tục nhân lên qua nhiều thế hệ kế tiếp nối nhau xây dựng nên một Cần Thơ hôm nay và tương lai./.

Thái Mai (tổng hợp)

alt