Văn hoá Việt Nam - Văn hoá đa sắc tộc (tiếp)

Thứ năm, 15 Tháng 7 2010 10:51
In

Người Việt là ai, từ đâu tới? Theo kết quả nghiên cứu, tôi và GS. Hà Văn Tấn đã đưa ra một giả thiết như sau: vào khoảng thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên, hàng loạt các tộc người nhất là cư dân Môn Khmer miền Bắc Đông Dương – cư dân Tiền Việt Mường - những người làm rẫy trên núi, đã ào ạt xuống vùng trũng quanh Vịnh Hà Nội và đã cộng cư với người Tày cổ sống tại đây.

 

altHọ đã áp dụng mô hình kinh tế xã hội lúa nước của người Tày vào việc khai phá châu thổ Sông Hồng với việc quai đê lấn biển theo phương thức: cây cói đi trước lúa nước theo sau. Quá trình đó đã hình thành một cộng đồng mới: cư dân Việt Mường, chủ nhân của tiếng Việt Mường chung. Vì thế, chúng tôi đã đi đến một nhận thức chung rằng, người Việt là cư dân đồng bằng châu thổ làm lúa nước. Suốt thiên niên kỷ thứ nhất sau công nguyên, khi tiếp xúc với văn hoá Hán, bộ phận lớn dân cư Việt Mường vùng đồng bằng (kẻ chợ) đã dần dần biến đổi theo hướng Hán hoá người Kinh, bộ phận còn lại ở vùng cao (miền ngược) ít biến đổi và dần dần tách thành người Mường. Thế kỷ X người Việt đã giành lại nền độc lập từ tay người Hán và trở thành dân tộc chủ thể của Nhà nước Đại Việt.

Nhà nước Đại Việt từ lúc ra đời cho đến hôm nay đã có 3 lần tiếp xúc và biến đổi mô hình văn hoá của mình.

- Tiếp xúc với Văn hoá Hán để hình thành và xây dựng mô hình văn hoá quốc gia dân tộc trên cơ tầng Đông Nam Á và mô phỏng theo mô hình văn hoá Trung Hoa xưa suốt cả trong thời kỳ cổ đại, để xây dựng một quốc gia văn hiến, khu biệt với văn hoá Hán, như Nguyễn Trãi đã viết:

“Nhớ Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng Văn hiến đã lâu

Sơn hà cương vực đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác...”

Người Việt và các dân tộc đã bản địa hoá mô hình Văn hoá Hán và cả Văn hoá Ấn Độ theo tâm thức của mình. Nhà nước Đại Việt sau này cũng đã tích hợp trong lòng nó các nền văn hoá chịu ảnh hưởng Ấn Độ: Văn hoá Phù Nam và Khmer, văn hoá Champa và Mãlai. Vì vậy có thể xem Việt Nam là nơi hội tụ các văn hoá Châu Á, và ở đây đã tạo nên một nền văn hoá quốc gia dân tộc gồm hai dòng: Văn hoá bác học chịu ảnh hưởng văn hoá Hán và Ấn Độ, Văn hoá dân gian bảo lưu các yếu tố văn hoá dân tộc với mối quan hệ tác động qua lại trong một thể thống nhất.

- Tiếp xúc với văn hoá Pháp và phương Tây để hiện đại hoá nền văn hoá dân tộc. Đây là nơi diễn ra cuộc tiếp xúc Đông – Tây mà ngày càng mang tính chất toàn cầu. Quá trình hiện đại hoá ấy dù trong hoàn cảnh thống trị của chủ nghĩa thực dân, đã được định hướng mô phỏng mô hình văn hoá phương Tây bằng cách du nhập các yếu tố ngoại sinh và biến đổi chúng theo một trật tự từ sao phỏng, mô phỏng đến Việt hoá. Đồng thời với các yếu tố nội sinh thì cũng đi qua ba bước từ giải thể cấu trúc rồi tái cấu trúc theo hướng hiện đại để cuối cùng hiện đại hoá chúng trong một mô hình văn hoá vừa dân tộc vừa hiện đại. Ở đây lại hình thành một nền Văn hoá với cấu trúc gồm 2 thành tố: Văn hoá dân tộc (hội nhập cả hai dòng văn hoá truyền thống: dân gian và bác học) và Văn hoá hiện đại (những yếu tố ngoại sinh đã được Việt hoá) và có mối quan hệ tác động qua lại đưa văn hoá truyền thống của Việt Nam đi vào Văn hoá hiện đại của thế giới.

- Tiếp xúc với văn hoá XHCN để định hướng cho nền văn hoá Việt Nam đi vào quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Nền văn hoá này được chỉ dẫn bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là một nền Văn hoá tiên tiến và giữ được bản sắc dân tộc vừa hiện đại hoá theo trào lưu chung của quốc tế theo định hướng CNXH. Người Việt Nam đi lên hiện đại bằng căn cước dân tộc.

Ngày nay, nhìn trên tổng thể và toàn cục, loài người đang bước vào thế kỷ XXI với một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử nhân loại. Sự chuyển hướng đó diễn ra dưới tác động sâu sắc, toàn diện của ba cặp các sự kiện vô cùng quan trọng.

Một là, hai sự chuyển hướng chiến lược toàn cầu: sự chuyển hướng chiến lược từ đối đầu chạy đua vũ trang sang đối thoại cùng tồn tại hoà bình ; sự chuyển hướng chiến lược từ Châu Âu - Đại Tây Dương sang Châu Á – Thái Bình Dương.

Hai là, hai cuộc cách mạng đồng thời: cuộc cách mạng khoa học công nghệ thần kỳ chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh tin học hoá (hay hậu công nghiệp) ; cuộc cách mạng xã hội chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội (hay hậu tư bản).

Ba là, hai quá trình đồng thời diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Đó là quá trình khu vực hoá và toàn cầu hoá.

Ba cặp sự kiện nêu trên đã làm thay đổi tận gốc bộ mặt thế giới và ảnh hưởng trực tiếp đến từng khu vực, từng quốc gia và chỉ có thể bằng công nghệ tin học mới giúp chúng ta tính toán để tìm con đường phát triển. Trong điều kiện đó, không một quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay đang phát triển lại có thể sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Do đó, chúng ta phải đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy để có thể hiểu sâu sắc thế giới và tự nhận thức được mình nhằm từ đó xác định “vị thế” của mình trong quan hệ quốc tế. Ứng xử phù hợp với “thân phận” (nói theo thuật ngữ Xã hội học) nhất định sẽ mang lại hiệu quả cao. Đó là tính ưu việt của lý thuyết hệ thống. Tuy nhiên việc xác định vị thế của mỗi yếu tố không dễ dàng, đơn giản vì các yếu tố phải phụ thuộc vào sự biến đổi như vũ bão của thế giới, hơn nữa, mỗi con người, mỗi quốc gia đều bị khống chế trong điều kiện của chính mình với những tham vọng khó kiềm chế. Thái độ thích nghi trong điều kiện cộng sinh văn hoá là điều bắt buộc đối với tất cả mọi người, nếu chúng ta không muốn bị tụt hậu và bị đẩy ra ngoài lề của sự phát triển.

Chúng ta, một nước đang phát triển, đang đứng trước hai vấn đề bức xúc, hai nỗi lo không chỉ của riêng ai.

Một là,trong khi tập trung nguồn lực quốc gia chạy theo tăng trưởng kinh tế trong cơ chế thị trường làm thế nào vừa nâng cao được đời sống vật chất cho đông đảo quần chúng mà vẫn giữ được những giá trị nhân bản của văn hoá truyền thống?

Hai là, trong xu hướng giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, làm sao có thể làm giàu nền văn hoá bằng cách cộng sinh văn hoá mà không đánh mất đi những giá trị của bản sắc dân tộc?

Văn hoá có khả năng bao quát một cách trực tiếp, đảm bảo tính bền vững xã hội, tính kế thừa lịch sử và không bị trộn lẫn ngay cả khi hội nhập vào những cộng đồng lớn hơn. Tính độc đáo của mỗi nền văn hoá dân tộc không những chỉ bị quy định bởi điều kiện môi trường tự nhiên và xã hội mà vì con người, ngay cả khi rất gần nhau vẫn có tâm lý muốn khu biệt “mình khác người” (ngay cả hai đứa con sinh đôi), hơn thế nữa, cuộc sống của loài người không phát triển như nhau mà qua những phương thức rất đa dạng đến lạ lùng (trí tuệ và tư duy, hứng thú thẩm mỹ, giá trị đạo đức xã hội...). Vì vậy trong quá trình hội nhập thế giới, nếu như khoa học công nghệ này càng nhất thể hoá, thì ngược lại, văn hoá mỗi dân tộc như tấm căn cước lại rất khu biệt.

Tuy nhiên, trong thời kỳ chuyển biến vĩ đại này, các dân tộc, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam đang phải vật lộn, bươn chải giữa dòng thác phát triển có nhiều cơ may nhưng cũng đầy những rủi ro cạm bẫy, đầy thách đố, mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, cái của người và cái của ta. Công cuộc đổi mới này tuy không đẫm máu như trong điều kiện chiến tranh nhưng cũng buộc chúng ta phải chấp nhận, phải có gan từ bỏ những gì không còn phù hợp dù rất đau đớn để biến đổi truyền thống dân tộc theo hướng hiện đại. Có thể nói chúng ta là một dân tộc rất tài ba và dũng cảm trong quá khứ, nhưng lại bất cập trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Theo tôi nghĩ, muốn tiến nhanh kịp các nước phát triển, chúng ta không có con đường nào khác là phải biết sử dụng và khai thác lợi thế của người đi sau. Các dân tộc trong nước cũng vậy, và Việt Nam trên trường quốc tế cũng vậy!

Lợi thế của người đi sau chính là ở chỗ được phép lựa chọn những giải pháp tối ưu, khả thi bằng cách kết hợp thông minh, giỏi giang, khôn ngoan giữa những nhân tố tiên tiến nhất của thời đại với những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa của dân tộc để xây dựng những chiến lược, những mô hình phát triển cân bằng hài hoà bền vững về môi trường tự nhiên và xã hội và có thể “làm bạn với tất cả mọi người” trên hành tinh.

Nếu như dự báo của Allvin Tofler là đáng tin cậy thì lợi thế quan trọng và có nhiều triển vọng nhất đối với các nước đang phát triển mà ta cần triệt để khai thác chính là ở chỗ: Sự xuất hiện mối trùng hợp lạ lùng giữa các xã hội của đợt sóng thứ nhất (văn minh công nghiệp) với nền văn minh của đợt sóng thứ ba (văn minh hậu công nghiệp). Điều đó tạo cơ hội hoàn toàn mới cho các nước nghèo kết hợp giữa quá khứ (văn minh nông nghiệp) với tương lai (văn minh hậu công nghiệp) trong một hiện tại mới và tốt đẹp hơn. Người ta có thể phác hoạ một chiến lược phát triển dựa vào:

1/ Công nghiệp nông thôn, ít vốn, hướng về làng mạc

2/ Công nghiệp cao được lựa chọn cẩn thận để tạo nên sự cân bằng mới giữa khoa học công nghệ tiên tiến với những đồng cỏ, những làng mạc đầy thơ mộng... một sự thay đổi ít đau khổ hơn.

Theo tôi, đó sẽ là cơ sở khoa học ủng hộ cho đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là đưa nước Việt Nam nông nghiệp lạc hậu tiên tiến chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Chúng tôi đã đưa ra một mô hình giả thiết để phát triển gồm có 4 thành tố chính sau đây:

Mô hình đó phải được chỉ đạo bởi tư tưởng cách mạng và khoa học công nghệ hiện đại với một nền kinh tế tri thức, một xã hội tri thức.

Một trong những lợi thế cơ bản của phương Đông là đặt nhân tố con người đúng vị trí của nó: con người là thành viên của vũ trụ, của cộng đồng, do đó xác lập được một lối ứng xử nhất quán: thích nghi hoà đồng với tự nhiên và xã hội. Nếu theo phương châm với các cụ xưa “Đông học vị thể, Tây học vi dụng”, chúng ta phải tiếp nhận khoa học công nghệ và giải phóng cá nhân nhưng vẫn giữ được thế mạnh, được bản lĩnh của mình.

Người là hoa đất! Hãy chăm sóc lấy con người đó cũng là cốt lõi của Văn hoá Việt Nam, văn hoá thời đại Hồ Chí Minh(3).


(3) Chú thích: Bài viết này dựa trên cuốn sách: Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á của GS.TS Phạm Đức Dương, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.