Tiếng Hà Nội - Dù có đi bốn phương trời

Thứ tư, 16 Tháng 6 2010 13:59
In
“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…”. Nhớ về Thủ đô yêu dấu khi ở nơi xa thì không chỉ dân Hà Nội chính hiệu mà cả những ai dù đôi ba lần đặt chân đến nơi đây. Người Hà Nội “vị” Hà Nội là lẽ đương nhiên rồi. Nhưng những người “khác bản địa” cũng lại có những cảm nhận không thể nào quên với đất và người Hà Nội. Trong những “nỗi niềm” đáng nhớ đó, phải kể đến “lời ăn tiếng nói” rất riêng của đất kinh kì ngàn năm.

Cô gái làm duyên phải từ giọng nói

hang-maTừng làm ở Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nhiều năm, tôi đã tham gia hầu hết các Hội thảo Ngữ học Trẻ thường niên của Hội (thường vào tháng 4 hằng năm). Tôi nhận ra một điều khá thú vị: Rất nhiều báo cáo viên là đàn ông (cả trẻ và già) đều có cảm tình với mấy cô ở Văn phòng Hội. Đầu tiên là Hoàng Tuyền Linh, rồi đến Nguyễn Hồng Chi, Đặng Kim Dung, Bùi Thị Tiến, Đào Minh Phương… Các cô gái trẻ này (có thể có bố mẹ ở tỉnh khác) đa số là sinh ra và lớn lên tại Hà Nội (chúng tôi hay đùa là thế hệ lai F2) là những người được hưởng sự giáo dục của nhà trường và gia đình, có ngoại hình tươi trẻ, nhưng điều ấn tượng của người phương xa (nhất là dân miền Trung, miền Nam Bộ) là giọng nói rất hay, nghe “thánh thót như chim” của họ. H.C.M.H. - Một anh chàng gốc Sài Gòn chính hiệu, giảng viên đại học, hăng hái tham dự mấy hội thảo liền (vào cuối những năm 90 của thế kỉ trước) cũng chỉ vì “hớp hồn” với khuôn mặt tươi tắn cùng giọng nói hết sức dễ thương của Hồng Chi - “hoa khôi làng Ngôn ngữ”. Vàng thì thử lửa, thử than/ Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời. Những biểu hiện của cách ứng xử ngôn từ chính là bước khởi đầu gây ấn tượng (hay không) với bất cứ ai trong các cuộc giao tiếp. Người Hà Nội, trong đó phải kể đến các cô gái Hà Thành, luôn luôn tạo được cảm tình của người nghe qua câu nói và giọng nói. Lời chào khơi mào câu chuyện. Cách nói năng ý tứ, lịch sự, đậm đà phong vị bản địa là “chìa khoá” quan trọng để mở ra mọi quan hệ giao tiếp.

Cái duyên “trời cho” hay sắc thái một phương ngữ?

Kinh thành Thăng Long xưa là một dải đất nằm trong lưu vực sông Hồng. Cái tên Hà Nội (do vua Minh Mạng đặt vào năm 1831) có nghĩa là “ở trong sông”. Trong tổng thể phân vùng tiếng Việt, Hà Nội nằm trong vùng phương ngữ Bắc Bộ (trong 3 vùng chính: phương ngữ Bắc, phương ngữ Trung, phương ngữ Nam). Nhưng bản thân phương ngữ Bắc lại tiếp tục phân nhánh theo các vùng lãnh thổ nhỏ hơn. Chẳng hạn, tiếng miền biển Hải Hậu (Nam Định) tiếng trung du Tiên Yên (Bắc Giang), tiếng Xứ Đoài (Hà Tây cũ)… đều mang sắc thái riêng về biến thể từ vựng, âm vực, thanh điệu... Theo PGS.TS Vũ Bá Hùng (Viện Ngôn ngữ học), tiếng Hà Nội “là di sản văn hoá của lịch sử ngàn năm, được kết tinh từ nhiều phương ngữ, thổ ngữ Việt cổ, được chắt lọc và gọt giũa, được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác để có một diện mạo như ngày nay”.

Cau_Long_Bien_

Là kinh đô của một quốc gia, Thăng Long (mà có nguồn gốc xa xưa từ thành Cổ Loa) đã hội tụ 3 chữ “thành”: kinh thành, quân thành, thị thành. Chốn thị thành mà tiêu biểu là vùng Kẻ Chợ đã làm nên đặc trưng sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán hàng hoá, sản vật của mọi miền. Cư dân Hà Nội đầu tiên cũng hình thành khá đa dạng. Do không chịu sự chi phối “bế quan toả cảng” mang tính khép kín như nhiều cộng đồng cư dân khác, người Hà Nội có đặc thù “đa sắc tộc”, tiếng Hà Nội cũng vì thế mà phong phú, đa dạng, khoáng đạt hơn. Sự giao thoa, cọ xát giúp cho tiếng Hà Nội “loại” đi nhiều yếu tố bất hợp lí và giữ lại, thêm vào những nhân tố hay, vượt trội. Chẳng hạn, tiếng Hà Nội giữ được đầy đủ 6 thanh điệu khu biệt (ngang, huyền, ngã, hỏi, sắc, nặng). Cách phát âm nhẹ nhàng, không sử dụng 3 âm quặt lưỡi [r], [tr], [s] như một số vùng khác. Ví dụ, câu “Trong sáng làm sao, vẻ vang làm sao tiếng Việt Nam mình” thì người Nam Bộ sẽ đọc là “Trong sáng làm sao, giẻ giang làm sao tiếng Giệc Nam mừn” với các âm [tr], [s] đọc rung lưỡi. Hay câu “Sông Ba Lòng bay bổng lời ca” sẽ được người một số vùng Hà Tây cũ nói là “Sống Ba Long bay bống lơi ca”… Người Hà Nội phát âm gần như chuẩn giữa chính âm và chính tả. Cộng với kho ngữ vựng phong phú (với nhiều làng nghề, trung tâm buôn bán), cách nói duyên dáng, tế nhị, mang đậm dấu ấn nền nếp gia phong, tiếng Hà Nội đã thực sự mang một nét riêng về đặc trưng phong cách. Chả thế mà từ xưa, người ta luôn coi tiếng Hà Nội là tiếng chuẩn (Người Kinh kì nói gì cũng hay, Hay như tiếng Hà Nội). Bây giờ, tuy chưa có một quy định mang tính pháp lí nào, các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình) của cả nước đều coi tiếng Hà Nội là ngôn ngữ chuẩn của cả nước. Ai lên đài, lên hình cũng hướng về và cố phát âm cho đúng hoặc gần với tiếng Thủ đô, cứ như một quy định “bất thành văn” vậy.

Tiếng Hà Nội của ngày mai: Có còn hay, còn đẹp?

Thủ đô ta đang chuẩn bị đón chào cái mốc lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Nhưng Hà Nội năm nay so với Hà Nội năm xưa đã khác nhiều. Sau khi sáp nhập toàn bộ Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của Lương Sơn (Hoà Bình), diện tích của Hà Nội đã tăng vọt (3.324,9 km2) với dân số xấp xỉ 6,5 triệu người (tính đến 1-4-2009). Cư dân của nhiều vùng khác trên mọi nẻo đường đất nước cũng đổ về đây. Thủ đô trở thành một mảnh đất “nhiều trong một”. Vậy tiếng nói người Hà Nội xưa sẽ ra sao trong bối cảnh hôm nay?

Hà Tây rộng lớn với văn hoá xứ Đoài là một nền văn hoá có bản sắc riêng. Dĩ nhiên, văn hoá xứ Kẻ Chợ Kinh kì kia cũng đã được định hình và khẳng định từ lâu. Ngôn ngữ là một nét văn hoá và bản sắc của ngôn ngữ thủ đô về cơ bản không bị mất dù có sự “hoà trộn” đôi chút. Chúng ta biết, Hà Nội xưa rất nhỏ, đi một vòng chưa đầy nửa buổi sáng là hết. Vậy mà khi mở rộng thành 4 quận (thời chống Mỹ) và 9 quận gần đây, sức sống của tiếng Hà Nội vẫn giữ nguyên và lan toả, khó trộn lẫn. Bởi nét đặc trưng truyền thống (với lối nói, ngữ vựng, âm sắc…) gần như định hình và trở thành môt “áp lực” mạnh mẽ làm cho các biến thể lẻ tẻ lọt vào cũng dễ bị “hoà nhập” một cách tự nguyện. Không những thế, tiếng Hà Nội lại được bổ sung thêm nhiều nét hay khác của tiếng ngoại vùng (tiếng miền Trung, miền Nam, tiếng Nghệ… chẳng hạn). Giống như người Thái Lan, dù ảnh hưởng thị trường thương nghiệp, lối sống phát triển theo kiểu phương Tây, người ta vẫn không quên nghi thức cung kính chắp tay vái tay chào nhau theo kiểu Phật giáo. Hay dân xứ Phù Tang (Nhật Bản) “Tây hoá” hết tầm vẫn rất duyên dáng với bộ kimono truyền thống và tinh thần võ sĩ đạo bất tử. Một cô dâu Nga về Việt Nam thăm họ hàng, bà con nhận ra ngay cô là dâu Hà Nội. Cô đã học tiếng Việt qua “ông xã” người Hà thành chính gốc và thế là âm sắc tiếng Việt của cô là âm sắc Thủ đô. Thế đấy, tiếng Hà Nội ngàn đời vẫn phong phú, tinh tế, dễ thương và đáng yêu, đáng nhớ trong mắt đồng bào cả nước và cả quốc tế. Dù ở đâu, Paris, Luân Đôn… hay những miền xa…Ta vẫn nhận ra bóng hình quê hương qua giọng nói.


PGS TS Phạm Văn Tình

Phó Tổng biên tập tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư