Về phản văn hoá

Thứ tư, 09 Tháng 6 2010 10:34
In
Văn hóa (VH) và phản văn hóa (PVH) mãi mãi tồn tại trong lịch sử nhân loại, cái cốt yếu nhất là làm sao VH khống chế được PVH, đẩy lùi hay đè bẹp được PVH (chứ đừng hòng mà thanh toán được ý chí của con người), nếu trong mọi hoạt động VH người ta luôn luôn cảnh giác với PVH, đừng có bao giờ dương cao một cách lãng mạn tính ưu việt của VH, chính hành vi không cảnh giác với VH đích thực cũng làm nẩy mầm họa PVH trong đó một cách có ý thức.

phanvanhoaTrong văn cảnh như thế này mà nói đến Phản văn hóa ắt có người cho rằng chẳng có chuyện gì để nói nữa hay sao mà đưa cái PVH ra một cách vô duyên! Vì VH còn biết bao nhiêu điều cần nói lại không nói. Văn hóa còn khối cái để mà triết luận, để mà giáo huấn, để mà mổ xẻ, để mà minh chứng cho tất cả mọi người được mục sở thị! Quả có như vậy thật! Song nói về PVH, theo tôi cũng là một cách nói, một cách tiếp cận, một cách giải phẫu về VH, rằng nói đến cái PVH là nhằm khẳng định cho VH, vì VH cho đến nay mới được tiếp cận từ những gì gọi là quan phương, là chân - thiện - mỹ, là cái bề nổi bồng bềnh dễ nhìn thấy, rằng VH dưới con mắt của công chúng hẵng còn xa lạ, còn đối với các giới nghiên cứu VH lại là một thứ khuôn mẫu cố định nào đó, có sẵn rồi họ vẫy vùng trong ma trận VH, thể hiện ở chỗ ai cũng muốn giành quyền ưu tiên và có giá trị nhất khi nói về VH, rằng VH đối với nhiều người nghiên cứu tương tự như các phần của cơ thể voi khổng lồ trước đôi mắt kính râm của các gã thầy bói và VH được tiếp cận theo cách của thầy bói tiếp cận voi. Nhìn trên tổng thể xã hội thì VH đang nằm ở giữa tập mờ của hiện thực và tư duy trìu tượng, có phần rất là đời thường và cũng nhiều phần hư ảo do ai đó nghĩ ra chẳng hạn rồi áp đặt vào cho cái gọi là VH một cách ngẫu hứng. Đó là nói từ góc độ VH học.

Chúng tôi bắt đầu bằng cách tiếp cận mới về VH hay gọi đi gọi lại cho đúng cái gọi là VH, vâng! biết rồi! Khổi lắm, nói mãi... như thế mà VH vẫn chưa tự biện bạch trước công chúng, rằng VH vẫn còn mấy tầm tay với đối với chúng ta một cách nhọc nhằn. Nhiều người đã nói về VH, có hàng mấy chục cách (có người nói là mấy trăm – sao mà nhiều thế!) định nghĩa VH, chúng tôi cũng có cách tiếp cận riêng và cho rằng : Văn hóa là toàn bộ sáng tạo về vật chất – tinh thần - ứng xử cho con người để ngày càng nâng cao nhu cầu sống tốt đẹp của con người (Xem Bùi Thiết - Cảm nhận về văn hóa. VTTT; HN 1999 tr. 10-24)

Khi soi sáng vào đời sống thực tại của con người cụ thể là cộng đồng dân cư hiện nay của nước ta, có khá nhiều lao động của con người làm ra của cải vật chất - tinh thần - ứng xử lại không nhằm nâng cao nhu cầu và điều kiện sống tốt đẹp và tiện lợi cho dân! Rất nhiều bất cập giữa khẩu hiệu sống và điều kiện sống thực tại, những thứ đó buộc chúng tôi phải lật ngược cái gọi là VH – cái đối lập của VH – cái cản trở đích thực của VH... là những gì, và có thể gọi đích danh những thứ đó ra cho mọi người nhận mặt có được không?

Đó là cái mà chúng tôi gọi là Phản văn hóa (PVH), và PVH được xem xét như là mặt trái của VH, nhờ có PVH mà chúng ta mới nhận ra đâu là cái VH hay là cái có VH, đó cũng là một thứ thường tình tồn tại từ thuở khai sinh ra con người, ra VH, có con người là có đời sống VH và có sự chụp dựt PVH, VH và PVH là cặp song sinh, chúng không bao giờ loại trừ hay tiêu diệt được lẫn nhau, mà làm tiền đề cho nhau tồn tại và phát triển, nó như hai thế lực kình địch nhau, hễ bên này ngừng sự dẫn bước của mình là bên kia nống lên, và đến lượt có sự phục hưng lại từ hai phía đối lập, để làm cuộc đua trường tồn giữa VH và PVH trong lịch sử bất tận của nhân loại.

Vậy phản văn hóa là gì? Chưa có ai ở ta nghiên cứu về PVH, vì cũng chưa có ai đặt PVH lên bàn làm việc của mình, coi PVH là một cái gì đó lép vế, bị coi nhẹ, không có ảnh hưởng gì, không có giá trị gì với hiện thực và lý thuyết. Nhầm to! Hàng ngày mỗi khi chúng ta nói đến VH liền có sự đáp lại và hưởng ứng to lớn của PVH, rằng cái anh chàng PVH thường khi như một bóng đen to bao trùm lên không gian đang vang vọng cái VH mà chúng ta đang gieo trồng, đất mới cày bừa xong, hạt thóc chưa nảy mầm mà cỏ dại đã mọc xanh um.

Như thế, ngược với VH là PVH, theo đó, những gì được gọi là PVH, bao gồm mọi sáng tạo ra của cải vật chất – tinh thần - ứng xử của con người, mà các của cải đó làm ảnh hưởng trực tiếp hay lâu dài đến đời sống của con người hay làm chậm, ngừng trệ sự phát triển của xã hội thậm chí huỷ hoại - huỷ diệt đời sống và môi trường sống của con người.

Không hẳn phải bình luận gì thêm mệnh đề PVH này vì chúng ta đã quá rõ khi đặt đối lập với VH. Coi thế thì PVH cũng là một thế lực vô cùng hùng hậu, và có khi chính là sự thống trị của PVH.

Trong trường kỳ lịch sử của nhân loại khi con người sáng tạo ra VH cũng chính là khi xuất hiện PVH một cách ngẫu hứng. Chúng ta hãy lấy vài hệ quả lịch sử mà xem xét: khi con người ra sinh sống khỏi hang động mái đá, sống ven các cánh rừng, họ chặt cây, làm nhà, khai khẩn đất đai rừng làm nương rẫy, một mặt sáng tạo ra nhà ở làm nơi cư trú, có lương thực để nuôi sống mình một cách chủ động, đó là hai loại sáng tạo ra giá trị VH, đồng thời họ cũng đồng tác giả tạo ra các giá trị PVH là chặt cây rừng và nương làm xói lở rừng gây nạn lũ lụt, lũ quét nghiêm trọng. Làm các công trình kiến trúc tiện nghi, cũng là lúc thiên tai hoành hành khắp hành tinh. Mỗi một lần làm tăng giá trị VH cũng là một dịp gia cố thêm các giá trị PVH kèm theo. Trong đời sống xã hội – chính trị cũng từng như vậy, chẳng hạn nền văn minh Ai Cập cổ đại, sáng tạo ra nhiều giá trị VH to lớn - khổng lồ như các kim tự tháp, cũng chính là thời gian mà hàng triệu lao động nô lệ bị đày ải cực nhọc trên các công trường đó, hàng đống của cải đáng lẽ ra dùng để nuôi sống dân nghèo khổ phải vung vãi bừa phứa cho một nhóm vương thất; chẳng hạn Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, xây Vạn Lý Trường Thành... là những sản phẩm VH vĩ đại của nhân loại, cũng chính đó tạo nên mặt trái PVH là tiêu diệt nhiều nền VH khác nhau ở Trung Hoa, tiêu diệt nhiều sắc tộc khác nhau và giết hại hàng chục triệu sinh linh nô lệ.

Trong các dẫn chứng vừa nêu, chúng ta thấy PVH được sản sinh ra từ ý đồ của VH, hay là sự hy sinh và sự phục tùng của PVH cho một giá trị VH đích thực trường tồn, khi người ta nói đến PVH chỉ nhằm cổ suý cho một tư tưởng nhân văn cao cả mà thôi, nếu không có những hy sinh và phục tùng của PVH chắc sẽ không đạt đến một giá trị VH có tầm vóc cho mọi thời đại.

Cái PVH, nhiều khi cũng không phải là cái ăn theo của VH, mà nó được sản sinh ra từ một ngẫu hứng lịch sử, bởi những mưu đồ cá nhân và phe nhóm hay nói cho đúng là bởi những ý đồ PVH đích thực, như việc Tần Thuỷ Hoàng đốt sách và chôn sống nho sĩ là hành vi PVH không chối cãi, biểu hiện một xã hội độc đoán chuyên chế của một con người, một xã hội không có chỗ cư trú cho trí tuệ công cộng. Cũng có người biện minh cho hành vi đó của Tần Thuỷ Hoàng, rằng không tiêu diệt lũ nho sinh và giáo lý cổ hủ truyền thồng ấy, thì khó bề cho một bước đột phá của đế chế Tần. Nếu như vậy thì cách giải quyết của Tần Thuỷ Hoàng cũng được xếp trọn gói trong hành trang của cái gọi là PVH của lịch sử nhân loại. Ở nước ta cũng xảy ra nhiều cái được xếp vào PVH, chẳng hạn sau khi Cách mạng thành công, nhằm để xây dựng nền VH mới, nhưng vì không hiểu kỹ càng VH mới là gì? Văn hóa mới có đối lập với VH truyền thống hay không? Và VH mới có nên thừa kế VH cổ truyền?... Một loạt vấn đề đó không được giải quyết, thế là người ta ra sức xây dựng VH mới một cách tuỳ tiện, phàm cái gì có sẵn phải dỡ bỏ, rằng cái mới là cái chưa có tiền lệ trong đời sống... Và một cuộc đập phá VH truyền thống được coi như sự khơi mào cho sự nghiệp xây dựng VH mới, hàng loạt đình, đền... hàng loại tập tục, hội lễ, nếp sống... là đối tượng của VH mới cần thanh toán cho thật nhanh. Hậu quả của mấy chục năm xây dựng nền VH mới thực chất là những hành vi PVH nằm ngoài mong muốn của mọi người, kể cả những sáng tạo ra các hình thức xử lý đó, bây giờ mới tỉnh ngộ ra mình đã gây ra bao nhiêu tổn thất cho VH truyền thống dân tộc và những mất mát đó là một đi không bao giờ trở lại, vĩnh viễn đi vào cõi hư vô với vô vàn nuối tiếc.

Nói VH truyền thống thì PVH cũng là truyền thống hay nói cho chính xác thì PVH là một thói quen cố hữu là những gì lạc hậu so với sự phát triển của xã hội, chẳng hạn hệ thống loa truyền thanh ở đô thị lớn. Chúng ta cũng tìm thấy nhiều giá trị từng một thời là VH đích thực, thế rồi thời gian trôi đi các giá trị đó bị xếp vào loại PVH, khi con người đang thiếu khẩu phần ăn thì săn bắt và hái lượm của cải từ thiên nhiên để nuôi sống lao động có VH, việc phát hiện ra các loại vũ khí săn bắt, giúp hiệu suất săn bắt gia tăng là đáng mừng, thì vào thời hiện tại các công cụ - vũ khí săn bắn chim chóc muông thú, chỉ nhằm mục đích thỏa mãn khoái khẩu các khách ăn, làm tiêu diệt sinh thái... là hành vi PVH. Ngoài ra ta còn thấy một số trường hợp PVH là biến tướng thái quá của VH.

Những gì vừa trình bày sơ qua ở trên cho chúng ta hiểu về cái gọi là PVH, một sự hiểu biết bắt buộc và kèm theo của VH, đồng hành với VH là PVH, một khi nói đến VH phải dè chừng đến PVH, PVH luôn luôn rình rập VH một cách thường trực và chiến đấu với VH một cách không khoan nhượng; không nhận thức được đầy đủ về PVH, chúng ta sẽ gặp nhiều cản trở trong những ý tưởng xây dựng VH đích thực và chân chính, PVH là một hiện hữu và nói theo ngôn từ của triết học thì PVH là một thực tại đang tồn tại và mãi mãi tồn tại, hay PVH là tồn tại, vì vậy cái đang tồn tại là cái phải được chấp nhận, dù rằng chẳng ai muốn thừa nhận có PVH!

Phản văn hóa là thế đó, hãy tìm chung sống với PVH, hạn chế, khống chế và đẩy lùi mọi tác hại của PVH bằng trí tuệ VH của nhân loại; chỉ có VH mới ức chế được PVH, một cặp đồng hành suốt đời của nhân loại./.

Bùi Thiết

Ngay-nay