Lễ tưởmg niệm lần thứ 702 ngày mất của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Thứ ba, 11 Tháng 1 2011 01:12
In

Ngày 6 tháng 12 năm 2010, tức ngày 1 tháng 11 năm Canh Dần, tại Câu lạc bộ Trần Nhân Tông Linh Xuân, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam, thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tổ chức trọng thể  lễ tưởng niệm lần thứ 702 ngày mất của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Tới dự buổi lễ có đại diên Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, các Câu lạc bộ Trần Nhân Tông trên cả nước, đại diện lãnh đạo các ngành của Quận Thủ Đức, phường Linh Xuân, cùng đông đảo các tăng ni, phật tử và hội viên Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam.

Hòa thượng Thích Đạt Niệm, Trưởng Ban đại diện Phật giáo Quận Thủ Đức, Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam tại các tỉnh phía Nam, ca ngơi công lao to lớn của Đức Trần Nhân Tông , hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông, xây dựng đất nước ở thế kỷ XIII và Ngài là vị Tổ thứ nhất của thiền phấi Trúc Lâm.

Thay mặt Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam, ông Ngô Văn Quán , giám đốc Trung tâm bày tỏ niềm vinh hạnh của Trung tâm dã lấy tư tưởng và hình ảnh Vua Phật Trần Nhân Tông, để đưa Đạo vào Đời, để tập hợp trí tuệ của cộng đồng, nghiên cứu các nguyên lý Phật học một cách khoa học có hệ thống, từ đó chắt lọc để ứng dụng vào đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân, trong đó đặc biệt ưu tiên ứng dụng các biện pháp giải quyết những vấn đề giáo dục nhân cách cộng đồng, giáo dục trách nhiệm công dân đối với đất nước.

Để  ứng dụng những giáo lý tinh hoa nhất, trí tuệ sáng suốt nhất của Phật vào cộng đồng, Trung tâm đã thông qua các hội thảo, trao đổi, sinh hoạt học thuật, xuất bản sách về Trần Nhân Tông và vận động trùng tu tôn tạo chốn Tổ Trúc Lâm Yên Tử, xây dựng nơi thờ Đức Điều Ngự Giác Hoàng, để qua đó đưa vào nhân dân và Phật tử những bài học quý báu của Ngài trong công cuộc lãnh đạo nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII, bảo vệ và xây dựng đất nước, và công cuộc hoằng dương Phật pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, anh hùng dân tộc thời Trần, đã lập nên khu văn hóa lịch sử Phật giáo nổi tiếng, mà đến nay, di sản tư tưởng, văn hóa có ý nghĩa và giá trị to lớn vẫn trang nghiêm, sống mãi trong lòng dân tộc.

Đối với giáo lý của Phật Tổ, Trần Nhân Tông là một hình ảnh ứng dụng trọn vẹn nhất. Ứng dụng lời dạy của Ngài một cách thiết thực, Trung tâm đã thành lập các Câu lạc bộ Trần Nhân Tông tại một số địa phương trên cả nước, hoạt động với các nội dung: Giáo dục tư tưởng, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống; làm từ thiện; khuyến học và tư vấn bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Trong hơn mười năm qua, Trung tâm đã xuất bản gần 20 đầu sách, với hàng vạn cuốn, trong đó tập “Những Điều Dạy Về Phật Của Trần Nhân Tông”, đã tái bản và tập Thơ “Vua Phật Trần Nhân Tông”, là những tư liệu quí, giúp cho hội viên học tập gương sáng của Ngài, rèn luyện để hoàn thiện nhân cách, phát huy  trí tuệ, sáng tạo, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam, dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Để ghi ơn công đức của Ngài, hằng năm, các CLB Trần Nhân Tông trên toàn quốc đã phối hợp với ngành y tế, kịp thời hỗ trợ các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ người già cô đơn, trẻ em tàn tật, nhiễm chất độc màu da cam, đồng bào bị thiên tai; tặng cầu, tặng nhà “Tình Thương” cho một số xã và gia đình gặp khó khăn, với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng.

.Với tinh thần được soi dọi chân thiện mỹ từ Trần Nhân Tông, nhằm góp phần phát huy truyền thống yêu nước, trí tuệ, đạo đức của dân tộc vào cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, kêu gọi đồng bào hướng về Tổ quốc để ngày càng xứng đáng với quê hương đất nước, Trung tâm chúng tôi đã đưa tư tưởng và hình ảnh vị Vua Phật Việt Nam đến các nước qua sách, tạp chí và các sản phẩm văn hóa nói về Ngài; đồng thời hỗ trợ cho các hiền giả Minh triết thành lập các Trung tâm, các Hội Thiền mang tên Trần Nhân Tông tại nước ngoài. Đến nay, Hội Thiền Trần Nhân Tông Hà Lan, Na Uy, Úc châu đã được chính quyền địa phương cấp giấy phép hoạt động. Tượng thờ Trần Nhân Tông đã được kiều bào ta tại các nước như Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch cung nghênh đón rước và an vị tại các ngôi chùa Việt trên đất khách. Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày mất của Trần Nhân Tông, các Hiền giả minh triết tại các nước Pháp, Mỹ, Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Úc châu, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy… đều tổ chức lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông một cách trang nghiêm, thành kính. Tháng 3 năm 2010, các Hội viên của Trung tâm đã cùng gần 300 hiền giả minh triết các nước dự cuộc gặp gỡ và giao lưu tại Thái Lan; đặc biệt đã tặng tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông cho Trung tâm Phật giáo Quốc tế Thái Lan và tặng cho chùa Việt thuộc hệ phái Đại thừa lớn nhất tại Thái Lan. Tại cuộc gặp gỡ, giao lưu này, mỗi người con dân đất Việt từ mọi miền lãnh thổ quốc tế hướng về tổ quốc Việt Nam, về Đức Điều Ngự Giác Hoàng với sự cung kính, tôn nghiêm, khắc ghi trong tâm khảm về trí tuệ, đạo đức, hành trạng của Ngài, cùng nhân dân ta tôn vinh Ngài là biểu tượng của Trí tuệ Phật Việt Nam, là viên ngọc vô giá không chỉ của người Việt Nam mà còn của cả nhân loại; Ngài là tấm gương đa chiều vẫn đang tỏa sáng về:

- Đạo đức và tri thức thiên tài của người lãnh đạo đất nước Đại Việt.

- Là gương soi về nhân cách để phát huy nhân cách người Việt Nam.

- Là tâm bản của trí tuệ vô ngã, đạo đức hướng thiện và công lý cân bằng của sự đoàn kết dân tộc.

- Là gương sáng của lòng yêu thương và niềm tin cho mọi thế hệ noi theo.

- Là gương sáng Đầu Đà cho mọi giới tu sĩ, phật tử Việt Nam hướng tới Đại Thừa: sống tích cực và hữu ích khi thực hiện niềm tin tín ngưỡng nói chung và Phật giáo nói riêng.

- Là gương soi của lòng dũng cảm và khoan dung đã tạo ra mọi khí phách chống giặc ngoại xâm.

- Là tấm gương diệt dục, dám từ bỏ mọi thứ hưởng thụ mà con người thường mơ ước để thực hiện lợi ích cho dân, cho nước.

- Là tấm gương giáo dục về tâm lý ứng xử, dùng người như dụng mộc cho mọi thời đại noi theo, đảm bảo sự điều hòa cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Nhìn lại, hơn mười năm qua, được sự chỉ đạo sát sao và hỗ trợ nhiệt tình của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam; đặc biệt là vai trò của ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam luôn khẳng định con đường phát huy nhân cách Trần Nhân Tông trong đời sống là rất lợi ích và đem lại hiệu quả tinh thần cho cộng đồng. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ thực hiện chương trình kế hoạch lâu dài đã đề ra là tham gia trùng tu, tôn tạo và phát huy di sản quí báu của Trần Nhân Tông trên Am Ngọa Vân, đỉnh núi thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh, nơi Trần Nhân Tông hành thiền và viên tịch; đồng thời tổ chức hội thảo, trao đổi và sinh hoạt học thuật, làm sáng tỏ hơn nữa công đức và phẩm chất của Đức Điều Ngự Giác Hoàng trên nhiều mặt có lợi nhất cho đời sống tinh thần của nhân dân ta.

Suốt hơn 700 năm qua, linh khí của đất nước Việt Nam đã, đang và tiếp tục tạo dựng nhiều thế hệ danh nhân văn hóa và anh hùng dân tộc, trong đó có Trần Nhân Tông là một trong những ngôi sao tỏa sáng nhất về đạo đức và ý chí anh hùng dân tộc. Điều này kể từ khi có UNESCO thế giới ra đời (1946) là có sự vinh danh các tấm gương sáng về tài năng và tri thức đặc biệt cho nhân loại học tập. Chúng ta cần hướng tới đệ trình với Nhà nước tiếp tục chủ trương đề nghị UNESCO thế giới vinh danh TRẦN NHÂN TÔNG LÀ ANH HÙNG VÀ DANH NHÂN VĂN HÓA, bởi vì, tiếp theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Nhân Tông là nhân vật xứng danh về tầm vóc tư tưởng vĩ nhân, là nhân vật có ảnh hưởng lớn lao, thúc đẩy Văn hoá và Lịch sử Việt Nam phát triển và rực rỡ như ngày hôm nay.

Lễ dâng hương và dâng hoa Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã kết thúc lễ tưởng niệm Ngài với niềm xúc động, tôn kính và trang nghiêm.

 

 

Vân Giang