Những phiên chợ kì thú

Thứ sáu, 26 Tháng 2 2010 09:23
In
cho-bac-ha

Chợ không chỉ để trao đổi hàng hoá, chợ còn là nơi giao duyên, hẹn hò, mơi mua may bán rủi. Hơn thế nữa, Chợ Việt Nam còn mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc. Người đến chợ không chỉ để trao đổi hàng hoá và tìm kiếm những sản phẩm thiết yếu của mình, mà còn gặp gỡ, trao đổi thông tin và tình cảm. Có những phiên chợ, mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp giáp Tết hay đúng vào ngày Tết. Xa xôi, cách trở, bận rộn mấy, người ta cũng đến du xuân, cầu duyên, cầu phát tài, phát lộc hay đơn giản chỉ là dịp để gặp gỡ thăm hỏi, chúc Tết lẫn nhau. Chợ một phiên dịp Tết đã vượt ra ngoài ý nghĩa kinh tế dẫu có bán mua cũng không màng đắt, rẻ để trở thành một thú vui ngày xuân, một cách giao duyên đầu năm mới.

Chợ phiên Bắc Hà.

Ngay từ khi tỉnh Lào Cai được thành lập thì chợ Bắc Hà được hình thành tại Châu Bắc Hà. Từ đó đến nay chợ Bắc Hà chỉ họp mỗi tuần một phiên vào ngày Chủ nhật. Chợ phiên Bắc Hà được coi là một trong 10 phiên chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Chợ Bắc Hà là nơi trao đổi hàng hóa địa phương với hàng hóa ngoài tỉnh, nó được chia ra các khu chợ nhỏ mang tính chất đặc trưng như: chợ thổ cẩm, chợ ẩm thực, chợ ngựa, chợ gia cầm, chợ thực phẩm, chợ chim, chợ rèn đúc…Mỗi khu chợ đều phong phú đa dạng và mang màu sắc dân tộc địa phương. Nhưng điều làm nên vẻ hấp dẫn của phiên chợ Bắc Hà là sau mỗi tuần làm việc, đồng bào dân tộc lại xuống núi, mặc những bộ váy áo sặc sỡ đủ màu và xem đó như ngày hội, trai gái coi đó như một lần được gặp gỡ trao duyên. Người già vui vẻ đi thăm hỏi bạn bè, lớp trẻ có cơ hội để tiếp xúc và làm quen với bạn khác giới. Điểm đặc biệt là mọi người kết bạn qua tiếng khèn, sáo... chứa đựng tình cảm mà họ muốn thổ lộ. Những sắc màu văn hóa của phiên chợ Bắc Hà đã tạo nên sự hấp dẫn cũng như sức sống trường tồn của nó bởi không chỉ đơn thuần là nơi mua và bán mà còn là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em trong vùng Tây Bắc.

Chợ Lượn

Ngoài giêng, một số chợ thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, đồng bào Tày thường tổ chức hát lượn giao duyên, nên gọi là chợ Lượn. Thanh niên nam nữ đến đây chơi chợ, mua bán là phụ mà hát lượn, một điệu hát trữ tình dân tộc là chính để bày tỏ tình ân ái với nhau. Nhiều lứa đôi đã bén duyên, nên vợ nên chồng từ cái chợ một phiên này. Họ hát say sưa, bằng cả trái tim của tuổi trẻ, nam xướng, nữ đối (hoặc ngược lại) từ sáng tới chiều, cho đến lúc tàn phiên mới chịu rời nhau.

Chợ tình Khâu Vai

Chợ tình Khâu Vai, gắn liền với một câu chuyện cổ tích về tình yêu. Chuyện kể rằng có cô gái và chàng trai thuộc hai tộc khác nhau. Do những lời nguyền của dòng tộc, họ không được lấy nhau. Nhưng tình yêu đã cho họ dũng khí, họ đã đến nơi vùng núi cao này để thề nguyền trọn đời có nhau và cùng chết.  Ngày 23/3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày tình yêu của người H'Mông với phiên chợ hẹn hò duy nhất.

Chợ là nơi mua may bán rủi

Việc đi chợ Việt Nam ngoài việc thỏa mãn sở thích mua sắm còn là để tìm hiểu bản sắc văn hoá mỗi vùng miền… Và chợ còn gắn liền với văn hóa tâm linh. Phiên chợ Âm Dương (chợ âm phủ) làng Ó, Võ Cường, thị xã Bắc Ninh mỗi năm chỉ họp một lần duy nhất vào đêm 4/1 đến rạng sáng 5/1 Tết Nguyên Đán (tức mùng 4-5 tháng Giêng âm lịch). Tương truyền ngày xưa đó là bãi chiến trận và đã có rất nhiều người chết trong các cuộc giao tranh. Vì vậy, theo quan niệm của người dân trong vùng, thì chợ họp là cơ hội hiếm có cho người chết và người sống được gặp nhau. Chợ họp vào ban đêm nhưng không ai được đốt đèn, hàng hoá chỉ có giấy tiền, vàng mã, trái cây, trầu cau, hương hoa… Tất cả bày dưới đất, lót lá chuối khô. Không mặc cả, không nói to, không cả đếm tiền. Ngoài ra, nếu ai đi chợ cầu xin gì thì phải mang theo một con gà đen cúng lễ Thành hoàng làng Ó. Trong lúc đợi mặt trời lên, những người đi chợ mời nhau ăn trầu, hát quan họ, uống nước…

Chợ Viềng vào phiên

Cho-viengĐược nhiều người biết tới nhất là phiên chợ Viềng ở Nam Định, họp phiên duy nhất vào 8/1 âm lịch hằng năm. Chợ là nơi tập hợp sản phẩm của những làng nghề truyền thống từ rèn, đúc, chạm, khắc đến thêu, đan… của khắp các vùng, miền trong Nam ngoài Bắc. Đây còn là nơi bán cây cảnh, giống cây trái ngon của các vùng. Đặc biệt, phiên chợ này còn bán cả đồ cũ, những thứ tưởng như không còn dùng được. Người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả - một nét đẹp chỉ có duy nhất ở phiên chợ này. Sự bán mua ở đây mang nặng một ý thức tâm linh nào đó - rằng người ta chỉ cần trao đổi được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán kẻ mua đều gặp nhiều may mắn, tốt lành, đôi bên đều vui vẻ hỉ hả ra về. Chính vì vậy, hội chợ Viềng ngày xưa còn có tên gọi là chợ cầu may.

Chợ nổi

Nếu như những phiên chợ miền núi phía Bắc mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao thì miền Nam lại nổi tiếng với những phiên chợ nổi, những phiên chợ mùa nước lên với việc trao đổi hàng hoá trên ghe thuyền. Chợ nổi trên vùng sông nước là nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe/thuyền làm phương tiện vận tải, di chuyển. Nói đến chợ nổi, người ta không thể không nhắc tới Cài Bè và Cần Thơ. Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) có từ khoảng thế kỷ 18, nằm ở nơi giáp ranh giữa ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang.

Hàng hoá chợ nổi rất đa dạng, từ thực phẩm tươi sống đến đặc sản hoa quả địa phương... Điều khác biệt là mỗi quầy hàng có thể di chuyển mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, khi tới chợ nổi, ta sẽ bắt gặp hình thức tiếp thị hàng hoá khá độc đáo: ai bán loại gì thì cắm một cái sào trên mũi thuyền và treo sản phẩm mình muốn bán lên đó. Do vậy, chợ nổi không có tiếng rao hàng. Đơn vị mua là "thiên", "giạ", ít cũng là "chục", hàng hoá trao qua đổi lại tung hứng trên các ghe thuyền với nhau. Chợ nổi thường họp cả ngày, nhưng đông đúc nhất là vào buổi sáng khi trời còn khá mát mẻ. Đến với chợ nổi, người ta không chỉ thấy bạt ngàn sản vật của vùng sông nước miền Tây mà còn được chứng kiến cuộc sống và bản sắc văn hóa của người dân miền Tây: phóng khoáng và hiếu khách.

Theo dọc dài của dải đất hình chữ S, đi tới đâu cũng thấy những phiên chợ thú vị. Tất cả cộng hưởng, hòa điệu, góp phần tạo nên bề dày văn hóa và lịch sử của dân tộc. Đây không chỉ là câu chuyện của chợ Việt Nam, mà còn là câu chuyện về văn hóa và con người Việt.

Chợ Đồng

Nhà thơ Nguyễn Khuyến từng viết:

"Tháng Chạp, 24, chợ Đồng

Năm nay, chợ họp có vui không?"

Chợ Đồng thuộc làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam quê hương nhà thơ Tam Nguyên. Nhân dân làng này muốn kỷ niệm công đức của tiền nhân đã tổ chức phiên chợ Đồng họp ngày 24 Tết trên cánh đồng khô ráo của làng.

Tờ mờ sáng ngày hôm ấy, các vị thân hào, văn sĩ, nhà buôn, trẻ con, người lớn, thanh niên, phụ nữ của làng và địa phương lân cận đến cái chợ tạm nơi cánh đồng này để mua bán và chúc mừng nhau. Đặc biệt là đến dự hội thi thơ nhân dịp Tết tại đình làng, gần chợ. Ai có bài hay, được trúng giải thì được cùng các bô lão trong làng "nếm rượu tường Đền", một thứ rượu cực ngon đã được tuyển chọn để đón xuân.

Chợ Cưới

cho-cuoi2Đây là chợ phiên đặc biệt của đồng bào H’Mông xã Tam Lộng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc họp vào ngày 25 tháng Chạp. Trai gái trong bản làng kéo tới đây rất đông, có cả ông bà già đi theo để chứng kiến lời giao ước tâm tình của họ. Họ có thể đã yêu nhau, hoặc đến đây mới tìm hiểu nhau. Vì thế quần áo chỉnh tề, phong cách lịch sự, mặt mũi hân hoan. Mặc cho mưa phùn gió lạnh, từng đôi, từng đôi đứng túm tụm trên nền chợ, bờ ruộng, gốc cây bày tỏ nỗi niềm từ sáng sớm đến chiều tối khi lời giao ước một cuộc hôn nhân tương lai được quyết định, họ rủ nhau vào các quán chợ ăn uống, rồi mới chia tay. Chợ Cưới, thực chất là một kiểu chợ tình ở miền núi.

Chợ Gà (Chợ Sáu)

Chợ gà của làng Xuân Ổ - tức làng Sáu, thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh mở vào đêm mồng 4 Tết. Khi trời còn nhập nhoạng tối, dân làng đã đến chợ. Tương truyền, theo quan niệm tín ngưỡng của nhân dân ngày xưa, họp tối để người trần thế và âm phủ có thể cùng đi dự chợ được. Chợ chỉ mua bán những con gà đen tuyền, vì cho rằng giống gà này có thể nhập được vào cõi âm dò xét tình hình nơi ấy về tâu bẩm với đấng Thành hoàng, để Ngài liệu bề phù hộ cho dân được nhân khang, vật thịnh. Nhà nào có gà đen đem bán ở chợ để hiến tế Thành hoàng sẽ được hưởng phúc lớn. Chợ Gà vừa tan thì ngay trên khu vực chợ, nhiều quán trầu của các bà cụ mọc lên để cho các "liền anh"; "liền chị" mời nhau xơi trầu và hát quan họ. Nếu quán chật chỗ thì họ lại trải thêm chiếu trên nền sân chợ, hoặc ngồi trên cánh đồng chung quanh mà hát suốt đêm.

Chợ Mục Đồng

Tại xã Yên Thư, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có nhóm chợ dành riêng cho "mục đồng" vào ngày 28 tháng Chạp hằng năm. Sáng ngày 28, trẻ em "mục đồng" ăn diện quần áo thật mới rủ nhau đi họp chợ. Các em trai, em gái bày hàng trên một khoảng đất trống tạo nên khung cảnh ồn ào, tấp nập như một phiên chợ thật sự. Trước mặt các em là những sản phẩm vườn nhà hoặc những thứ do bàn tay khéo léo của mẹ, của các chị làm ra như hoa giả, têm trầu cau, bánh trái, gà vịt, mũ nón...

Chợ Bến

Chợ Bến ở Đồng Hới (Quảng Bình), chỉ họp ba ngày đầu năm. Chợ họp không có địa điểm nhất định, dọc theo bờ sông Nhật Lệ. Trên bộ xe cộ tấp nập, dưới sông thuyền ghe chen nhau san sát.

Trước Tết mấy hôm, nhân dân địa phương dựng lều trại, mở bài chòi. Người về họp chợ mang theo các loại đặc sản ở quê hương mình như các đồ thủ công mỹ nghệ, tôm, cá, thịt heo rừng, mật ong, gà, vịt, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em,v.v… kẻ mua người bán dù không quen biết nhau vẫn chào hỏi, chúc tụng lẫn nhau và không cần thách thức, cò kè bớt một thêm hai như những phiên chợ thường. Đi chợ chỉ mong cầu sự may mắn, cầu phúc lộc thọ cho năm mới. Đám thanh thiếu niên thì reo hò quanh các trò vui như chọi gà, leo cột mỡ, đi cầu nối trên sông hay túm tụm quanh các điểm bài chòi.

Chợ Cồn - Chợ thịt heo

"Chợ thịt heo" họp tại xã Mỹ Lợi, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế vào các ngày 29 và 30 tháng Chạp. Chợ không họp ở chợ thường ngày mà họp trên những chòi cao mới cất ở gần khu chợ thường ngày. Chợ Tết xã Vĩnh Mỹ cũng thuộc huyện Vĩnh Lộc, họp vào ngày mồng một, mồng hai Tết tại một cồn cát cách khu chợ thường ngày khoảng 1.500 m. Do địa điểm lập chợ là cồn cát nên còn gọi là chợ Cồn. Theo quan niêm của các bô lão đương thời giải thích thì trong những ngày Tết, "người cõi âm" cũng về họp chợ những nơi ấy nên người trần phải nhường họ mà họp chợ ở những chỗ khác.

Chợ Gia Lạc

Chợ nhóm mỗi năm một phiên, đông vui nhất là sáng mồng một Tết. Người đánh bài chòi ngồi ngất ngưởng trên những chiếc chòi dựng cao trên mặt cỏ. Còn các cụ gật gù nhắm rượu với nem chua An Cựu. Thanh niên nhấm nháp kẹo mè xửng, mứt gừng vừa nghe đàn sáo phụ họa theo tiếng rao bài chòi.

Chợ Gia Lạc bày bán đủ thức ăn, đồ chơi trẻ em trong ba ngày Tết. Hoa quả, các loại rượu Tết nhan nhản,v.v. Những đặc sản của các địa phương như: bún bò, bánh bèo, bánh phu thê (su sê), kẹo mứt, đặc biệt có chuối ngự Nam Giao, quýt ngọt Hương Cần, trầu cau Nam Phổ,v.v.

Chợ Tết Gia Lạc hình thành cách đây gần 2.000 năm. Người khởi xướng là Định Viễn công Nguyễn Phước Bình, hoàng tử thứ tư, con vua Gia Long. Đầu tiên, chợ họp ở phủ đệ, sau mới dời đến ngã ba đường Dương Nỗ - Ngọc Anh, cách trung tâm thành phố Huế chừng 3 km.

Chợ Gò Trường Úc:

Chợ họp một năm có một phiên

Người bán người mua ở khắp miền

Mồng một kêu nhau đi họp chợ

Tưng bừng khăn áo bước chân chen

Chợ Gò Trường Úc có tục nhóm phiên vào ngày mồng một Tết Nguyên đán trên một gò đất cao ở chân núi Trường Úc, cạnh thị trấn Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 8 km.

Chợ Gò Trường Úc được hình thành cách đây 200 năm. Trong thời kỳ quân Tây Sơn đóng tại đây, đã tổ chức các cuộc vui chơi giải trí và tổ chức nhóm chợ đầu năm trên Gò đất mang tên Trường úc.

Chợ Gò Trường Úc đã trở thành điểm vui xuân lý tưởng mang đậm tính chất lễ hội cổ truyền. Người đi chợ không những để đi mua sắm mà còn du Xuân hái lộc, cầu duyên nợ, cầu sự may mắn, hanh thông. Chùa Long Sơn cổ kính nằm kề bên núi Trường Úc từ lâu đã là nơi mọi người đến xin xăm cầu nhân duyên, bổng lộc nhân dịp Xuân về./.

Như Phương

Ngay-nay