Làng rối cổ ... online

Thứ sáu, 14 Tháng 5 2010 16:28
In
Ngoài thời gian đồng áng, luyện tập, những nghệ nhân phường rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm - huyện Đông Anh - Hà Nội) dành thời gian truy cập mạng để cập nhật tin tức và quảng bá cho chính trang web của mình: www.roinuocdaothuc.com. Đây là phường rối nước đầu tiên của Việt Nam lập web. Từ cách làm này, nhiều công ty lữ hành, nhiều du khách tìm đến với Đào Thục khiến cho làng rối ngày càng sôi động với những buổi biểu diễn phục vụ du khách.

Nếu nói những nghệ nhân phường rối Đào Thục đang dần... chuyên nghiệp hoá cũng không sai. Hơn một năm qua, trung bình mỗi tháng, phường rối diễn trên dưới 10 suất - một con số không nhỏ với một làng rối nước từng suýt bị thất truyền. Những nghệ nhân một thời khao khát được diễn, cho dù thù lao chỉ là những... tràng vỗ tay của khán giả, nay bước đầu cải thiện thu nhập đáng kể nhờ những quân rối do cha ông truyền lại. Những đổi thay đến ngạc nhiên ấy, bắt nguồn từ sự đổi mới, sự táo bạo của lớp trẻ trong gìn giữ, phát huy truyền thống quê hương.

roi-nuocNhững năm chiến tranh phường rối Đào Thục chìm vào quên lãng. Đến thập kỷ 1980, phường được khôi phục. Nhưng suốt một thời gian dài, phường hoạt động trong thế bị động. Mỗi năm, chỉ hoạt động vài lần vào những dịp lễ hội. Nếu có nơi mời diễn thì mới đưa quân rối lên đường. Có người mê quân rối đến mức không được đi biểu diễn, còn lăn ra... khóc ăn vạ. Nhưng cũng có người xa dần quân rối, bởi sức ép cơm áo gạo tiền. Mấy năm gần đây, Thành phố Hà Nội đã có những quan tâm đáng kể bằng sự đầu tư xây thủy đình, sắm quân rối mới. Tuy nhiên, chừng ấy mới chỉ làm được vế thứ nhất trong việc bảo tồn - phát triển. Từ năm 2007, các nghệ nhân phường rối thực hiện một cuộc chuyển giao thế hệ. Sau một thời gian được rèn luyện, thử thách, nhiều nghệ nhân trẻ thế hệ 7x, 8x dần được giao những nhiệm vụ quan trọng hơn. Với tư duy của giới trẻ, bộ mặt phường rối thay đổi nhanh chóng. Thay vì thụ động "chờ" biểu diễn, những bạn trẻ chủ động tìm đến khách hàng để nghệ nhân có "đất" diễn. Nói như nghệ nhân trẻ Nguyễn Thế Nghị: "Chúng tôi gặp thách thức lớn nhất là đất diễn. Có biểu diễn mới có thu nhập cải thiện đời sống nghệ nhân, phường rối mới có thể tồn tại và phát triển, nghệ nhân mới gắn bó với phường. Sau khi bàn bạc với một số anh em trong phường, chúng tôi thành lập một bộ phận kinh doanh, tổ chức biểu diễn và xây dựng một website để quảng bá hình ảnh về mình với tên miền www.roinuocdaothuc.com. Có quảng bá, các nơi mới thuận lợi trong tìm hiểu về làng rối".

Trước đây, người Đào Thục cũng từng đi "chào hàng" về nghệ thuật làng mình ở một số công ty du lịch. Nhưng phương thức tiếp cận bằng danh thiếp và ít lời giới thiệu sơ bộ bằng miệng không đem lại hiệu quả. Website của làng rối đã làm thay đổi hoàn toàn. Nhiều khách quốc tế khi đến Việt Nam có nghe nói đến rối nước, nhưng hỏi các công ty du lịch, các công ty cũng chỉ hiểu lờ mờ, không dám mạnh dạn dẫn khách đi. Nhưng nay, với hai phiên bản tiếng Anh, tiếng Việt, mọi người đều có thể tìm hiểu cặn kẽ về nghệ thuật rối nước nói chung, rối nước Đào Thục nói riêng. Website còn giới thiệu các tiết mục tiêu biểu của làng rối, cán bộ nghệ nhân, cả cách thức liên hệ và đường tới Đào Thục... Bởi thế, khi có du khách yêu cầu về nghệ thuật rối nước, các hãng du lịch chỉ cần click chuột là có thể giới thiệu cho du khách. Tận mắt thấy nghệ thuật trình diễn và cách làm chuyên nghiệp, cả du khách lẫn các công ty du lịch mới yên tâm không bị "hớ" khi dẫn khách du lịch về. Thêm một nét mới nữa, phường rối Đào Thục còn đặt một văn phòng đại diện tại nội thành Hà Nội (số 3, lô 12 - Khu đô thị mới Nam Trung Yên - Cầu Giấy) khiến việc liên lạc với phường rối càng trở nên thuận tiện.

Trước những đổi mới, các nghệ nhân thích nghi rất nhanh. Bất cứ khi nào các công ty du lịch có yêu cầu, ngay cả khi chỉ là đoàn khách lẻ vài người các nghệ nhân luôn sẵn sàng đáp ứng. Với những đoàn khách lẻ, mức thù lao thấp, phường chỉ huy động tối đa 7 nghệ nhân, nhưng vẫn đảm bảo được những buổi diễn hoành tráng. Một điều khá đặc biệt ở phường rối Đào Thục là chú Ba Khí (nhân vật giáo trò, ở các phường khác là chú Tễu) có thể nói song ngữ... Anh - Việt! Điều này cũng bắt nguồn từ nhu cầu khách quốc tế ngày một đông hơn. Trang web cũng khiến nhiều nơi mời Đào Thục lưu diễn. Với cách thức tổ chức hiện giờ, cùng lúc, Đào Thục có thể tổ chức được hai, thậm chí ba đoàn khác nhau để diễn cả trên "sân nhà" lẫn "sân khách".

Đào Thục là một ngôi làng cổ. Theo các cụ cao niên, người dân Đào Thục được Tiến sỹ Đào Đăng Khiêm dạy nghệ thuật rối nước từ thế kỷ XVIII. Làng rối qua hơn 300 năm tồn tại, người Đào Thục từ nhỏ đã đứng bên ao làng ngắm các quân rối sống động, với đủ các tích trò: Đánh vật, Múa tiên, Câu ếch, Xay thóc giã gạo, Trâu chui qua ống... Phía "hậu trường" kia, không phải ai khác, là ông, là cha, là chú, là anh hay những người họ hàng ruột thịt khác của mình. Thế hệ này cứ truyền cho thế hệ khác niềm đam mê một cách hồn nhiên như thế. So với các phường rối bạn ở các địa phương khác, Đào Thục có điều kiện thuận lợi hơn. Phường rối nằm không quá xa trung tâm, tương đối gần các địa chỉ du lịch nổi tiếng của đất Đông Anh như di tích Cổ Loa, đền Sái… Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố Hà Nội đã đầu tư rải nhựa con đường dẫn vào làng khiến việc đi lại thuận tiện hơn. Sau khi tòa thủy đình được xây dựng năm 2002, Đào Thục tiếp tục được đầu tư hoàn thiện hệ thống chỗ ngồi có mái che dành cho khán giả. Những cơ sở vật chất đó hẳn sẽ không phát huy hết tác dụng, nếu không có sự năng động của những người con đất rối. Sau lứa nghệ nhân ở độ tuổi trên dưới 30 như Nguyễn Thế Nghị, Nguyễn Văn Hà, Đinh Thanh Tiên, Đinh Văn Thiềm…, Đào Thục hiện có khoảng chục bạn trẻ đang tuổi cắp sách đến trường được xem là đội ngũ kế cận trong tương lai không xa. Một điều khá đặc biệt, người Đào Thục tự hào có hai nghệ nhân trẻ hiện là... Giám đốc, nhưng mỗi khi có du khách yêu cầu, những ông Giám đốc này sẵn sàng cởi bỏ những bộ vest lịch sự để trầm mình xuống nước cùng quân rối. Nguyễn Thế Nghị là Giám đốc Công ty Thiết bị bảo hộ lao động Ngọc Hà, Đinh Thanh Tiên là Giám đốc kỹ thuật của Công ty Công nghệ Thông tin Nam Á. Họ đều rời làng làm ăn thành đạt, nhưng vẫn giữ nguyên bầu nhiệt huyết với quê hương, góp công lớn trong việc tạo nên một diện mạo mới cho làng.

Trao đổi với chúng tôi về bảo tồn nghệ thuật truyền thống, anh Nguyễn Thế Nghị cho biết: "Hầu hết các nghệ nhân đều ít va chạm với xã hội bên ngoài, nên cần có sự hỗ trợ từ phía chính quyền. Giả dụ như tăng cường biểu diễn ở những trung tâm du lịch, cũng là một cách để cho các làng rối tồn tại. Hiện chúng tôi đang đề nghị thành phố tạo điều kiện để có thể đặt một toà thuỷ đình ở một công viên, hay một trung tâm văn hoá nào đó trong nội thành để có thể phục vụ cộng đồng, qua đó bảo tồn nghệ thuật rối nước nói chung"./.

Dã Liên

Ngay-nay