Dân tộc Chứt

Thứ sáu, 14 Tháng 5 2010 15:02
In
Dân tộc Chứt có hơn hơn 3.700 người, phần đông cư trú ở huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá và Bố Trạch (Quảng Bình), một ít ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Cộng đồng Chứt gồm các nhóm: Rục, Sách, A-rem, Mày, Mã liềng và có các tên gọi khác: Tu vang, Pa leng, Xe lang, Tơ hung, Cha cú, Tắc củi, U mo, Xá lá vàng. Tiếng Chứt thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường.

chutNguồn sống chính của nhóm Sách là làm ruộng, còn nhóm Rục và A-rem là làm rẫy. Ngoài ra người Chứt còn hái lượm, săn bắn, đánh cá, chăn nuôi. Nghề mộc và đan lát là phổ biến. Đồ dùng bằng kim loại và vải vóc, y phục phải mua hoặc trao đổi. Người Chứt không trồng bông và dệt vải.

Hầu hết người Chứt đã định canh định cư, nhưng các làng thường tản mạn. Nhà cửa không bền vững. Ngày nay người Chứt thường nhận mình là họ Cao, họ Đinh... Mỗi dòng họ đều có người tộc trưởng, có bàn thờ tổ tiên chung. Trong làng, tộc trưởng nào có uy tín lớn hơn thì được suy tôn làm trưởng làng. Người Chứt ăn cơm đồ cách thuỷ, thức ăn thông thường là rau rừng thái nhỏ nấu với ốc, cá suối. Trước kia, bọt cây báng và thịt khỉ là thức ăn quan trọng của nhóm Rục.

Quan hệ vợ chồng của người Chứt bền vững, hiếm xảy ra bất hoà. Việc ma chay đơn giản, nhóm Sách có tiếp thu ảnh hưởng của người Kinh. Theo nếp chung, tang gia tổ chức cúng bái 2-3 ngày, rồi đưa người chết đi chôn. Mồ được đắp thành nấm đất, không có nhà mồ bên trên. Sau 3 ngày, tộc trưởng làm lễ gọi hồn cho người chết về ngụ tại bàn thờ tổ tiên ở nhà tộc trưởng, từ đó người thân không lai vãng chăm sóc mộ nữa. Người Chứt thờ cúng tổ tiên. Đồng bào tin có ma rừng, ma suối, ma không trung. Thần nông bảo vệ mùa màng là vị thần cao nhất.

Kho tàng văn nghệ dân gian của người Chứt khá phong phú. Làn điệu dân ca Kà-Tưm, Kà-lềnh được nhiều người ưa thích. Vốn truyện cổ dồi dào gồm nhiều đề tài khác nhau. Nhạc cụ có khèn bè, đàn ống lồ ô loại cho nam và loại cho nữ, sáo 6 lỗ…

Theo TTXVN