Hồn ngủ nơi thắt lưng em

Thứ ba, 16 Tháng 3 2010 08:56
In
Mùa xuân cũng là mùa hò hẹn của các nam thanh nữ tú vùng cao. Các chàng trai cô gái Mông bày tỏ tình yêu bằng lời hát, bằng tiếng khèn, tiếng sáo. Vì thế, trong kho tàng dân ca Mông, những bài hát về tình yêu nam nữ chiếm số lượng lớn. Trong số 187 bài dân ca Mông được sưu tầm và xuất bản có tới 140 bài ca về tình yêu hay còn gọi là dân ca giao duyên.

dan-toc-1Những bài hát về tình yêu này, người Mông gọi là “Gầu plềnh”. Con trai con gái Mông hát “Gầu Plềnh” khi đi chợ, đi làm nương, hát trong ngày hội Gầu Tào. Hát tình yêu gồm những bài hát tỏ tình, tương tư, thề thốt với tất cả các cung bậc tình cảm, có nhớ nhung, có ca thán vì những éo le trắc trở. Dân ca giao duyên của người Mông luôn đề cao tình yêu chân chính, coi trọng hạnh phúc gia đình, thể hiện khát vọng yêu mãnh liệt. Họ quan niệm tình yêu là dâng hiến, là trọn đời vì nhau, như lời bài hát:

Gió về thổi lá cây bên khe

Nếu ta là hạt mưa sương

Ta xin tan trên bàn tay nàng

Gió về thổi lá cây, lật ngả nghiêng bên suối

Nếu ta là hạt mưa sương

Ta xin tan dưới bàn chân nàng

Dân ca Mông chở nặng yêu thương. Bao nhiêu lời ca là bấy nhiêu lời bày tỏ tình yêu, nỗi nhớ nhung, giận hờn, trách móc. Dường như không hát thì thôi, đã hát thì giãi bày cho hết, cho thoả nỗi lòng. Vì vậy mà những bài dân ca Mông có cảm giác như hát mãi không hết. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bình, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Lào Cai cho rằng: “Dân ca của người Mông rất dài vì bài hát của người Mông mang tính chất kể. Do vậy, giai điệu của nó được lặp đi lặp lại không có sự phát triển theo dạng của các nhạc sĩ sáng tác ca khúc bây giờ. Họ nghĩ cái gì họ kể cái đó bằng giai điệu, đặc biệt là vừa đi vừa kể, vừa đi vừa hát, vừa đi vừa nói. Nghĩ cái gì nói cái đó bằng âm nhạc”.

Có lẽ do tính chất kể lể như vậy cho nên qua những bài dân ca, người nghe hiểu được những cảnh ngộ, tâm tình của người trong cuộc thật rõ nét:

Mình hỡi,

Mình hẹn mình ở làm gái tơ chờ ta

Ta đi vài năm kiếm bạc trở về cưới mình

Bạc ta chưua kịp đầy túi, mình đã đi lấy chồng

Đêm nay, mình theo ta nói lời tâm tình

Ngại rằng mình đã có người khác tốt hơn

Trong bốn mươi tám thớ tim mình, người ấy đứng sừng sững

Chính sự giãi bày tình cảm theo kiểu kể lể như vậy tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên, chân thành, tìm được sự đồng cảm của người nghe. Những bài ca về tình yêu của người Mông phần lớn là những bài ca rất dài, thường từ 8 đến hơn 10 phút. Có cảm giác lời bài dân ca Mông cứ dạt dào, tuôn chảy trên môi người hát, bởi theo chị Hùng Thị Hà, người dân tộc Mông, giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang thì: “có như thế mới diễn tả được hết điều mà những trái tim yêu muốn nói với nhau”. Tôi rất thích cách dùng hình ảnh để bày tỏ tình yêu của dân ca Mông, chằng hạn như: “Cái bụng anh thương em nhiều như lá rừng”. Khi tỏ tình hay khi diễn tả niềm thương nỗi nhớ, các chàng trai Mông thường khéo léo mượn cảnh vật để nói hộ lòng mình. Chị Hùng Thị Hà cho biết: “Dân ca Mông có những nét rất độc đáo, không lẫn vào bất kỳ loại dân ca nào. Ví dụ khi bày tỏ khát vọng tình yêu có lời hát: “Anh ước làm 1 cái kim, sợi chỉ cho em cài vào vạt áo, để suốt đời không rụng, không rơi”. Nếu như ca dao của người Kinh bày tỏ nỗi nhớ: “nhớ ai bổi hổi bồi hồi, như đứng đống lửa, như ngồi đống than”. Hay như dân ca Giáy tả nỗi nhớ: “nhớ quá, cơm quên xới. Nhớ quá cơm quên ăn” thì dân ca Mông bày tỏ: “Đêm đã rạng, lối đi sáng tỏ. Anh lê bước về nhà mà hồn còn ngủ nơi thắt lưng em”.

Không biết các bạn thấy thế nào, còn tôi, tôi đặc biệt thích thú và ngưỡng mộ người nghệ sĩ dân gian Mông diễn tả nỗi nhớ, diễn tả niềm khao khát cháy bỏng của tình yêu: “Anh lê bước về nhà mà hồn còn ngủ nơi thắt lưng em”. Điều đáng nói là cho đến nay, thanh niên nam nữ dân tộc Mông vẫn như cha anh mình thuở trước, lấy tiếng đàn, lời hát để giãi bầy tâm tư, bày tỏ lòng mình với người yêu dấu.

Minh Huệ

Ngay-nay