Hát trống quân vùng đồng bằng Bắc Bộ

Thứ năm, 11 Tháng 3 2010 16:51
In
aaNếu như hát “Quan Họ”, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, đặc sản văn hóa của vùng Kinh Bắc và thể giới; hát “Xoan”, hát “Ghẹo”, 2 thể loại dân ca độc đáo của Phú thọ; hát “ Hôi Dô”, hát “Chèo Tàu” di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội .v.v. thì hát “Trống Quân” là loại hình ca hát dân gian phổ biến ở một số địa phương vùng Đồng bằng Bắc bộ như: vùng ven Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Hát “Trống Quân” thường được các chàng trai, cô gái hát trong dịp rầm trung thu, trong ngày hội đình, làng hoặc trong những đêm trăng sáng khi mà công việc nhà nông không còn bận rộn nữa. Không chỉ diễn xướng ở các địa phương vùng đồng bằng Bắc bộ, ngày nay, hát “Trống Quân” còn được các nghệ nhân, nghệ sĩ đưa lên sân khấu ca nhạc dân tộc biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người yêu nghệ thuật trên khắp các miền đất nước. Nhằm cung cấp thêm những thông tin về hát “Trống Quân”, loại hình dân ca phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc bộ tới độc giả, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với nhạc sĩ Thao Giang, phó giám đốc Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam về loại hình dân ca này.

PV: Thưa nhạc sĩ Thao Giang, ông có thể kể cho độc giả biết công việc sưu tầm hát Trống Quân của Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam.

Thao Giang: Công việc sưu tầm các làn điệu dân ca có nguy cơ thất truyền là một trong những nhiệm vụ của Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam. Hát Trống Quân nói chung chỉ là một làn điệu hát thôi nhưng do các phong cách diễn xướng của từng địa phương mà nó có những vẻ khác nhau được biểu hiện qua âm nhạc và nội dung lời ca. Vừa qua, chúng tôi đã dành thời gian để đi sưu tầm hát Trống Quân ở một số địa phương ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Địa phương đầu tiên mà chúng tôi đi sưu tầm hát Trống Quân là Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên. Theo các nghệ nhân nơi đây cho biết: Vùng đất này có hát Trống Quân từ rất xa xưa, thời kỳ Triệu Quang Phục luyện binh đánh giặc Lương ở Đầm Dạ Trạch. Thông qua việc sưu tầm, chúng tôi trực tiếp đưa anh em nghệ sĩ lên đấy để học, rồi ghi chép lại các bản mà bà con hiện nay còn giữ được, khoảng hơn 100 bản văn lời ca của hát Trống Quân Dạ trạch. Có thể nói, hát Trống Quân Dạ Trạch nghe mộc mạc, đơn sơ lắm. Thậm chí, khi hát lời ca họ còn không đưa được những tiếng đệm vào, ví dụ: Rằng thời, này, kia .v.v. Do vậy, khi tiếng hát vang lên cộng với tiếng trống đất đệm, trống được làm bằng việc đào 1 hố dưới đất, trên miệng đặt miếng ván và giăng sợi dây, nghe rất là cổ sơ và hay. Khi đi sâu vào phân tích lời ca, chúng tôi thấy nó có những nội dung rất là hay như bài “Nhời chào” lời ca rất xa xưa, lâu hơn bài mời trầu dân ca Quan họ Bắc Ninh nhiều. Ngoài ra, nó còn có một số nội dung khác nói về sự tích trầu cau, cưới hỏi, sự tích về các chiến binh, những người anh hùng đã ngã xuống ở đầm Dạ Trạch như thế nào.

Địa phương thứ 2 mà chúng tôi đi sưu tầm hát Trống Quân đó là ở vùng Đức Bác, Vĩnh Phúc. Hát Trống Quân ở đây cũng khác một chút so với hát Trống Quân Da Trạch do nó nằm trong nghi lễ phồn thực của người dân Phú Thọ xưa với lối diễn xướng hát kết hợp với múa. Thậm chí, đàn Trống Quân họ dùng hơi ít, tuy nhiên họ có sử dụng trống dẫn và phách đệm theo. Ngoài ra, giai điệu bài hát cũng khác. Trong chuyến đi này, chúng tôi cũng sưu tầm được điệu “Mó cá”, một điệu hát rất điển hình của hát Trống Quân nơi đây, có liên quan đến tín ngưỡng phồn thực. Chúng tôi cũng đã sưu tầm, học và ghi chép lời văn của hát Trống Quân Đức Bác.

Có một hình thức hát Trống Quân khác mà trong sử sách đã đề cập đến là hát Trống Quân của các dân binh thời Nguyễn Huệ có rải rác ở vùng Thường Tín, Sơn tây, vùng ven xung quanh Hà Nội hoặc thậm chí có thể xa hơn một chút nữa. Nó là lối hát giữa các tốp nam nữ với nhau, phần lớn là mang tính chất giao duyên nhiều hơn là nghi lễ. Các nghệ nhân địa phương cho biết: đây là hình thức sinh hoạt sau giờ luyện tập của các dân binh hoặc sau giờ hành quân. Tóm lại, họ cùng nhau hát theo một chủ đề vui vẻ như một sinh hoạt văn nghệ bây giờ. Còn ở Sơn Tây và Hà Đông, chúng tôi cũng sưu tầm một thể loại khác nữa mà ngay trong lòng Hà Nội cũng có, đó là thể loại hát Trống Quân tương đối tổng hợp trong đó có cả sự tích, giao duyên, hát đối đáp, hát đố giảng. Nội dung lời ca đề cập đến các câu chuyện đô thị như: tên các phố xá, làng xóm, làng nghề hoặc là các di tích, thánh tích liên quan đến lịch sử. Đó là 4 hình thức hát Trống Quân mà chúng tôi đã sưu tầm để anh em luyên tập và trình diễn thường xuyên trên phố đi bộ ở Hà Nội.

PV: Sinh hoạt của hát Trống Quân được diễn ra như thế nào, thưa ông?

Thao Giang: Do phong cách Hát Trống Quân ở các địa phương khác nhau nên điều này cũng thể hiện luôn trong sinh hoạt văn hoá gắn với nó, ví du: hát Trống Quân ở Dạ Trạch là lối hát giao duyên nam nữ nên họ thường hát chỉ một đôi nam nữ, hoặc hát bài “mời trầu” có thể hát tập thể, còn hát kể về thánh tích có khi chỉ hát một người. Còn ở hát Trống Quân Đức Bác lại gắn liền với múa bởi vì nó là lối hát gắn với nghi lễ. Ví dụ: điệu hát “mó cá” bao giờ cũng có 12 cô gái làm cái lưới, còn bốn chàng trai bên trong đi tìm bắt những con cá dính vào những cái lưới của các cô gái. Họ hát có kết hợp với những vũ đạo tuy rất đơn sơ thôi nhưng cũng gây hưng phấn cho cả người diễn cũng như người xem, phù hợp với các nghi lễ phồn thực được tổ chức hàng năm của người dân vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

abCòn hát Đố giảng hoặc hát Trống Quân vùng ven đô Hà Nội thì phần lớn họ hát vào những dịp “Xuân thu nhị kỳ”, khi có hội hè đình đám hoặc những đêm trăng sáng hay lúc nông nhàn, nó có tính chất giải trí. Dựa trên một câu chuyện hoặc một sự tích nào đó, họ tự ứng tác ra các lời văn để hát đối với nhau. Trong cuộc hát, hai nhóm nam, nữ hát với nhau, mỗi bên có một người cầm cái để dẫn dắt nhóm mình. Còn ở trong các thị trấn, thậm chí ngay ở cả Hà Nội nữa, những điệu Trống Quân cổ chúng tôi sưu tầm phần lớn là do hai tốp nam và nữ hát với nhau, cùng với Trống Quân đệm theo. Về hình thức, Trống Quân này khác với Trống Quân ở Dạ Trạch ở điểm: người ta đào một cái hố ở dưới đất rồi căng sợi dây sang hai bên, bên nam đánh một đầu, bên nữ đánh một đầu, tạo ra âm thanh “phình, phình ” cách nhau một quãng 4 hoặc quãng 5 để đệm cho hát, đồng thời cũng giữ chủ âm.

Ở Hà Nội, phần lớn là vùng ven đô, họ lại chế tác Trống Quân gắn trên một cái thùng, trên mặt thùng cũng có sợi dây căng và khi chơi cũng tạo ra âm thanh cách nhau một quãng 4 và quãng 5 nhờ sợi dây căng sang hai bên qua cái chống ở giữa. Khi hát, hai bên nam nữ, mỗi bên cầm một cái dùi gõ vào dây tạo nên tiếng “phình, phình”, để đệm khi 2 bên hát đối đáp. Bên cạnh đó, những người hát khác ở cả 2 bên nam nữ, mỗi người cầm một cái phách để gõ nhịp theo. Cách hát họ phần lớn là ứng diễn nên khác với cách hát Trống Quân ở vùng Phú thọ và Vĩnh phúc. Bởi, hát Trống Quân nơi này nằm trong khuôn khổ nghi lễ nên nó ít tính ứng diễn và hình như nó có các bài bản ghi sẵn và hát kèm theo múa.

PV: Xin nhạc sĩ cho biết âm nhạc trong hát Trống Quân như thế nào?

Thao Giang: Hát Trống Quân theo tôi chỉ là một loại hình thôi, nhưng mỗi địa phương lại có cách tiến hành giai điệu khác nhau. Qua khảo sát chúng tôi thấy nó chỉ có 3, 4 hoặc 5 nốt tuỳ từng bài, nhưng do mỗi địa phương lại có một cách tiến hành giai điệu khác nhau nên thành ra có ba bốn phong cách khác nhau. Điều đó cũng rất hay, đặc biệt là nó gắn với nghi lễ hoặc cũng có khi với một trò chơi dân gian hay hát đối đáp giao duyên nam nữ, hay là sinh hoạt của các làng quê trong dịp “Xuân thu nhị kỳ” những lúc nông nhàn. Tuy nhiên, ở Hà Nội, các nghệ nhân còn đưa thêm một số làn điệu dân ca khác nữa ví du: điệu “cò lả”, ngâm “sa mạc”, “bồng mạc” rất hay, qua đó vận tải nội dung dài hơn hoặc là nghe đỡ nhàm chán. Do diễn ra ở đô thị, đối tượng thưởng thức âm nhạc khác với ở nông thôn nên hát Trống Quân ở đây cũng khác hơn so với ở địa phương, nơi nó còn giữ được tính nguyên sơ, cổ kính. Ở Hà Nội, khi biểu diễn điệu hát này đặc biệt là hát cùng với điệu cò lả thì nó như là âm với dương, cứng với mềm nghe rất là hay.

PV: Nội dung văn học của hát Trống Quân đề cập đến các vấn đề gì thưa nhạc sĩ?

Thao Giang: Qua khảo sát chúng tôi thấy: nội dung văn học của nó cũng thể hiện rõ nét đặc điểm của hát Trống Quân ở mỗi địa phương như: đề cập đến các nghi lễ hoặc vui chơi hay là giao duyên nam nữ. Ngoài ra, một điểm đặc biệt nữa của dòng văn học này đó là: khi sưu tầm văn học của hát Trống Quân được truyền tụng trong dân gian từ xưa đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy một từ nào kể về chiến tranh cả mà chỉ đa phần là nói về tình yêu, rồi xung quanh việc xóm làng, rồi những điều liên quan đến lịch sử cũng như những bài học để dạy dỗ con cháu, rồi nói về sức khỏe của người thanh niên thời đó, rồi là những mơ ước của con người về công việc nhà nông, con trâu, cái cày, cây tre, ruộng lúa .v.v. . Mặc dù ai cũng nói là Trống Quân là lối hát của các dân binh hay Trống Quân trong quân đội, thậm chí ở triều Trần trong lịch sử cũng ghi là quân đôi ta có gõ trống và hát, rồi xăm mình .v.v. Tất nhiên là các bài hát đó có từ lâu quá rồi, chúng tôi không thể sưu tầm được vì không ai còn nhớ. Như thế, nó đã phản ánh một khát vọng hòa bình, về công việc làm ăn của người nông dân Việt Nam thuần chất và bình dị lắm. Đây là một đặc điểm thật thú vị và chúng tôi rất tự hào với văn học trong hát Trống Quân của đất nước mình. Điều này có một sức mạnh ghê gớm, bởi tình yêu quê hương có ý nghĩa tất cả, đi chiến đấu cũng chỉ để bảo vệ quê hương, để được về với con trâu, cái cày, thửa ruộng thôi.

Tôi cho rằng: văn học của hát Trống Quân rất là tuyệt vời mặc dù âm nhạc nó tiến hành rất là đơn sơ thôi, nhưng đơn sơ không có nghĩa là sơ sài. Bởi vậy, khi chúng tôi cho anh em tập hát các bài hát Trống Quân thì yêu cầu các diễn viên phải làm rõ 4 phong cách âm nhạc của hát Trống Quân ở 4 vùng văn hóa khác nhau nhưng nó vẫn phải là Trống Quân chứ không được phép biến thành loại hình ca hát khác. Hiện nay trong một tháng, chúng tôi có khoảng từ 7 đến 10 buổi biểu diễn ở phố đi bộ cho nhân dân thủ đô Hà Nội và người dân nhiều nơi đến xem, trong đó thanh niên ưa thích lắm và hát tưng bừng, thậm chí còn vỗ tay theo. Qua công việc sưu tầm và biểu diễn ở khu phố cổ, chúng tôi cũng hy vọng là hát Trống Quân sẽ đọng lại trong tâm trí và trái tim của thanh niên, người dân ít nhiều và đó cũng là cách để bảo tồn loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại.

PV: Cảm ơn nhạc sĩ Thao Giang./.

Nguyễn Quang Vinh

Ngay-nay