Liên bang Nga hiện đại hoá chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Thứ hai, 01 Tháng 11 2010 09:33
In

Các nhiệm vụ cơ hản của công cuộc hiện đại hóa (đổi mới) giáo dục (GD) Liên Bang Nga (LBN) là nâng cao khả năng đáp ứng quyền được học tập cho mọi người, chất lượng và hiệu quả  của hệ thống GD. Đó là sự đổi mới không những về mặt cấu trúc, thế chế, tổ chức-kinh tế  của hệ thống GD mà quan trọng hàng đầu là đổi mới cơ bản về nội dung GD trước hết đối với giáo dục phổ thông (GDPT). Chúng ta sẽ tìm hiểu công cuộc đổi mới  nội dung GD và sự đổi mới về cơ chế xây dựng chương trình (CT) các môn học gắn với CT là sách giáo khoa (SGK) của GDPT .               

1/ Xây dựng Chuẩn quốc gia GDPT để hiện đại hóa nội dung GDPT  của LBN

altLBN chủ trương thiết lập “Chuẩn quốc gia GDPT “(sẽ gọi tắt “Chuẩn”) làm công cụ điều hành việc xây dựng nội dung GDPT. Điều 7 luật GD LBN (1992, 1996) quy định: “Chuẩn GD quốc gia” thuộc thẩm quyền cấp liên bang và cấp dân tộc-vùng, Chính phủ LBN quy định trình tự biên soạn, chuẩn y, triển khai “chuẩn”, trong trường hợp đặc biệt “chuẩn” được thể chế hóa thành luật liên bang. “Chuẩn” được xây dựng trên cơ sở thi tuyển và được bổ sung  trong thời hạn không quá 10 năm mỗi lần. Chính phủ LBN phải công bố cuộc thi tuyển chọn này. “Chuẩn” là cơ sở để đánh giá khách quan trình độ GD và nghiệp vụ của học viên ra trường không lệ thuộc vào hình thức tiếp nhận GD.

Từ khi có luật GD 1992 đến nay (2010) LBN đã chính thức tiến hành hai vòng đổi mới nội dung GDPT và cơ chế  tổ chức biên soạn CT và SGK bậc học phổ thông, do vậy đã có hai thế hệ “Chuẩn quốc gia GDPT”.

“Chuẩn” thế hệ 1 được xây dựng từ 1994/95, sau thời gian kiểm chứng thông qua thực nghiệm sư phạm đã được điều chỉnh trình Bộ trưởng GD LBN ký duyệt, lần lượt vào năm 1998 và 1999 dưới dạng “Nội dung GD tối thiểu bắt buộc của GDPT”, đối với từng môn học các cấp học, có hiệu lực áp dụng tại mọi cơ sở GDPT toàn LBN. Theo đó, nhiều phương án SGK tác giả đối với mỗi môn học đã được biên soạn để Bộ GD chuẩn y cho phép đồng thời lưu hành tại các trường học. Đó là cơ chế quản lý nhà nước về GD đối với CT và SGK GDPT lần đầu tiên áp dục trong hệ thống GD LBN. “Chuẩn” thế hệ 1 về cơ bản đã  kết thúc vai trò lịch sử ở chỗ xây dựng được “hạt nhân GDPT thống nhất” theo nội dung luật GD LBN  trong hoàn cảnh rất phức tạp về chính trị - xã hội của đất nước Nga và hệ thống GD LBN hậu Xô Viết vào những năm 1990. Tuy nhiên “Chuẩn” thế hệ 1 đã tỏ ra hạn chế  ở chỗ chưa tạo được sự sáng tạo trong việc triển khai CT của giáo viên và chưa đáp ứng được nhu cầu “cá thể hóa” trong GD của  học sinh. Do vậy năm 2004 LBN đã xây dựng “Chuẩn quốc gia GDPT” thế hệ 2 và hiện đang được kiểm chứng qua thực nghiệm sư phạm.

Điểm tiến bộ của “Chuẩn” thế hệ 2 so với “Chuẩn” thế hệ 1 là đã hoàn thiện một bước về mặt lý luận xây dựng “Chuẩn”. Nội dung “Chuẩn” mới  phù hợp với tổ chức hệ thống GDPT mới (xem bài trong số tháng 9/2010). “Chuẩn” mới phải thể hiện các quan điểm, chính sách GD mới của Nhà nước LBN do tình hình đổi thay và  phát triển mới của đất nước Nga và của nền GD trong thế kỷ XXI theo xu thế toàn cầu hóa, thời đại công nghệ thông tin và truyền thông bùng nổ, nhân lọại bước vào nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin, hệ thống GD theo cấp học chuyển sang chế độ GD liên tục, GD suốt đời.

 Bài này chỉ trình bày tóm tắt cơ sở lý luận của “Chuẩn quốc gia GDPT” thế hệ 2.

“Chuẩn” mới  ra đời trong bối cảnh đang xuất hiện các thách thức như: Sự khủng hoảng về sự thống nhất nước Nga; hiểm họa làm tan vỡ nước Nga; sự không ổn định về các định hướng giá trị của các thế hệ đang lớn lên; chất lượng GD suy giảm.

Các định hướng giá trị của hệ thống GD Nga thể hiện trong “Chuẩn” là: Sự thống nhất công dân; Các ý tưởng giá trị về xã hội dân sự; Chủ nghĩa yêu nước dựa trên những nguyên tắc trách nhiệm công dân và đối thoại văn hóa; Các giá trị an ninh (cá nhân, xã hội, quốc gia); Sự đồng thuận dân tộc theo các thời kỳ đổi mới và phát triển đất nước; Các giá trị gia đình; Giá trị của đời sống con người;

“Chuẩn” có các chức năng là công cụ pháp lý và nghiệp vụ để thực hiện các mục tiêu GD vì quyền lợi của các cá nhân, xã hội và quốc gia. Công cụ đảm bảo niềm tin về thiết chế xã hội, sự đồng thuận xã hội và tăng cường công dân; công cụ thực hiện chính sách quốc gia về GD;

“Chuẩn” đảm bảo sự quá độ: từ mô hình GD dựa vào kết quả theo môn học sang mô hình GD dựa vào sự hình thành nhân cách có sự khác biệt, sang quan hệ đối tác giữa các thế chế thực hiện xã hội hóa nhân cách (gia đình, tôn giáo, nhà trường…), sang môi trường GD mở .

“Chuẩn” như là khế ước về mặt xã hội để thực hiện sự giao ước giữa ba đôi tác tham gia quá trình GD gồm gia đình(thành đạt về nhân cách, về xã hội và về nghề nghiệp); xã hội(an ninh và lành mạnh, tự do và tính trách nhiệm, xã hội công bằng và thịnh vượng); quốc gia(thống nhất, an ninh, tạo nguồn nhân lực, tính cạnh tranh).

 “Chuẩn” hướng vào các kết quả tổng thể về nhân cách, hoạt động GD ngoài các môn học (siêu môn), hoạt động dạy học các môn học, sự phát triển từ am hiểu thành thạo tới hình thành các năng lực.

Điều kiện  thực hiện “Chuẩn” và quá trình GD đòi hỏi phải có các nguồn lực đáp ứng như ngân sách, cán bộ, cơ sở vật chất, kỹ thuật, cơ sỏ hạ tầng…

“Chuẩn” quy định kế hoạch GD cơ sở bậc tiểu học về môn học, lớp hoc (số giờ trong tuần lễ với phần cố định, phần được thay đổi) của các mô hình trường tiểu học. “Chuẩn” quy định các chương trình GD mẫu về các môn học theo truyền thống thuộc hai cấp GDPT trung học, trong đó xác định hạt nhân cơ bản về nội dung mỗi môn học, các định hường giá trị, hoạt động GD ngoại khóa và ngoài nhà trường.    

Công việc biên soạn văn bản “Chuẩn” mới được Bộ GD&KH chủ trì và phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Viện Hàn lâm GD Nga nghiên cứu soạn thảo thành văn bản có hệ thống .Văn bản “Chuẩn” (dự thảo) được công bố rộng rãi để thảo luận góp ý trong các tổ chức xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng, phải được kiểm chứng qua thực nghiệm sư phạm trong vòng 5 năm. “Chuẩn” phải được trình Chính phủ LBN xây dựng thành dự luật, tiếp đó phải được Thượng viện thông qua để pháp quy hóa thành luật liên bang. Phần “Chuẩn” của các vùng - dân tộc do các chủ thể liên bang đảm nhiệm xây dựng theo luật GD.

2/ Cơ chế quản lý nhà nước về GD đối với việc tổ chức biên soạn và cho lưu  hành SGK GDPT

Luật GD LBN (1992,1996) quy định công dân có quyền lựa chọn trong GD, do vậy nhà nước chỉ quy định CT chuẩn tối thiểu của các môn học, còn CT triển khai và SGK là đa dạng để giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh được lựa chọn SGK sử dụng trong học tập. Nay Bộ GD chủ trương tổ chức kiểm tra đánh giá SGK theo hai kênh + “kênh nhà nước” được tiến hành một cách chuyên nghiệp thông qua các Hội đồng chuyên môn của Nhà nước + “kênh xã hội” lấy ý kiến đánh giá rộng rãi và mở của các giáo viên giỏi và các cộng đồng xã hội. Bộ GD&KH quy định các trường chỉ được chọn sử dụng sách có trong danh mục các SGK hay “tài liệu giáo khoa” do Bộ chuẩn y cho lưu hành. Nhà nước cho các nhà xuất bản (NXB) có năng lực (về cơ sở thiết bị và nguồn nhân lực) tổ chức biên soạn SGK. NXB tổ chức thẩm định chuyên nghiệp nội bộ và trình Bộ thẩm định chính thức. Bộ GD&KH giao hai cơ quan khoa học thẩm định độc lập: Viện Hàn lâm Khoa học Nga thẩm định về mặt cơ sở khoa học, về tính sư phạm (phù hợp tâm, sinh lý học sinh  và đáp ứng các đòi hỏi của “Chuẩn”). Hội đồng chuyên trách của Bộ công nhận  theo các tiêu chí do Bộ đề ra, trình Bộ trưởng ký duyệt thành văn bản pháp quy kèm theo danh mục các bản Sách được duyệt theo hai mức: SGK thì “Khuyến nghị” sử dụng, nếu bản sách nào có khiếm khuyết nhỏ thi công nhận là “tài liệu giáo khoa” sẽ đóng dấu “cho phép” lưu hành vào sách. Căn cứ vào danh mục trên  các NXB sẽ lập dự án phát hành và thông báo cho khách hàng (tức các địa phương và trường học) đặt hàng để in và phát hành chính thức theo cơ chế thị trường…Với các sách loại “tài liệu giáo khoa” thì song song với việc xuất bản để lưu hành tạm thời, NXB có kế hoạch tổ chức hoàn thiện trình Bộ duyệt lần sau./.

TS Nguyễn Như Ất

alt