Home Giáo dục Chương trình UNESCO: Thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số Việt Nam

UNESCO: Thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số Việt Nam

Email In PDF.

Chiều ngày 28/3, tại Tòa nhà Xanh Liên Hợp Quốc (Hà Nội), Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung Ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tập đoàn CJ, Tạp chí Ngày Nay, và các đối tác khác tổ chức Lễ công bố dự án “Chúng tôi Có thể” giai đoạn II – Thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở các vùng dân tộc thiểu số Việt Nam”.

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, phát biểu khai mạc Lễ công bố dự án “Chúng tôi Có thể” giai đoạn II.

Buổi lễ có sự tham dự của ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; bà Justine Sass, Trưởng ban Giới và Hòa nhập trong Giáo dục của Trụ sở chính UNESCO tại Paris; ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Bế Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách dân tộc, Ủy Ban dân tộc; bà Lê Hồng Nhung, Phó Ban Quốc tế, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; bà Hee Kyung Jo Min, Phó Chủ tịch CJ CheiJedang - Giám đốc các Chương trình Cống hiến xã hội của CJ CheilJedang tại Hàn Quốc; và nhà báo Nguyễn Hùng Sơn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay.

Lễ công bố dự án “Chúng tôi Có thể” giai đoạn 2 – Thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở các vùng dân tộc thiểu số Việt Nam” diễn ra theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hơn một trăm đại biểu đến dự và hàng ngàn khán giả đã theo dõi phát trực tuyến buổi lễ trên Fanpage của UN, UNESCO, CJ việt Nam, Tạp chí Ngày nay và Trung Ương Đoàn TNCS HCM.

Bà Justine Sass, Trưởng ban Giới và Hòa nhập trong Giáo dục của Trụ sở chính UNESCO tại Paris, trao hoa cho các đơn vị hợp tác trong dự án “Chúng tôi Có thể” .

Phát biểu khai mạc Lễ công bố, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Được phát động vào năm 2019, giai đoạn I của dự án “Chúng tôi Có thể” đã đạt được nhiều thành công trong việc tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục và cơ hội việc làm cho của trẻ em gái và phụ nữ, đặc biệt là những đối tượng trong cộng đồng dân tộc thiểu số…Trong giai đoạn II, Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp vào Kế hoạch Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ Việt Nam, Chiến lược công tác dân tộc và cam kết quốc gia trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 4 về Giáo dục và Mục tiêu 5 về Bình đẳng giới”.

Tại Việt Nam, các vùng dân tộc thiểu số thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các vùng dân số khác bởi các định kiến ​​và rào cản văn hóa. Mặc dù đã có những tiến bộ trong phổ cập giáo dục cơ bản, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái vẫn có nguy cơ bỏ học cao hơn các nhóm trẻ em khác. Dự án “Chúng tôi Có thể” (We are ABLE) được khởi xướng nhằm góp phần giải quyết vấn đề này. Với khẩu hiệu “Hướng đến Mức sống và Giáo dục tốt hơn” viết tắt là “ABLE” (Có thể) khẳng định niềm tin vào năng lực vượt qua thử thách, khó khăn của trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái.

“Giáo dục là một công cụ trao quyền mạnh mẽ bởi giáo dục có thể giải quyết được những rào cản, sự kỳ thị và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới đang cản trở người học thực hiện quyền được giáo dục và các cơ hội trong cuộc sống, công việc và định hướng trong tương lai. Chúng ta phải khai thác sức mạnh của giáo dục để khơi sáng những tiềm năng của người học và tôn trọng sự đa dạng của họ cũng như việc chuyển đổi các tổ chức giáo dục để đạt được công bằng xã hội, bình đẳng và hòa nhập”, Bà Justine Sass, Trưởng ban Giới và Hòa nhập trong Giáo dục của Trụ sở chính UNESCO tại Paris, chia sẻ.

Bà Justine Sass, Trưởng ban Giới và Hòa nhập trong Giáo dục của Trụ sở chính UNESCO tại Paris, phát biểu tại Lễ công bố dự án “Chúng tôi Có thể” giai đoạn II. Ảnh: Minh Hiếu

Giai đoạn I của dự án do UNESCO thực hiện từ năm 2019-2022, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc, được tài trợ bởi Quỹ Malala UNESCO về Quyền giáo dục cho trẻ em gái với hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Tập đoàn CJ. Dự án tập trung triển khai tại 12 huyện ở ba tỉnh: Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng. Dự án đã đạt được thành công trong việc đáp ứng được các đầu ra mong đợi nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục và duy trì việc học của trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái dân tộc thiểu số, tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số.

“Báo cáo nghiên cứu từ dự án “Chúng tôi Có thể” sẽ là tài liệu quan trọng trong việc đề xuất chính sách giáo dục đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới”, bà Bế Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc; Giám đốc Ban Quản lý Dự án EMPS, đơn vị đồng phối hợp triển khai dự án trong giai đoạn I, nhấn mạnh.

Dự án Giai đoạn I đã tiếp cận được 16.296 học sinh (trong đó có 8.021 nữ sinh). Tại 24 trường dự án, trong số học sinh dân tộc thiểu số, tỷ lệ nhập học tăng từ 62% lên 67%, tỷ lệ bỏ học giảm từ 3,8% xuống 2,9% và tỷ lệ chuyển tiếp lên trung học cơ sở tăng từ 69,7% lên 76,7%. 2.136 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã được đào tạo về tư vấn trường học có nhạy cảm giới và hàng nghìn người khác sẽ được tiếp cận thông qua việc triển khai khóa học trực tuyến trên toàn quốc. 120 phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số đã được đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp và tiếp tục được hỗ trợ thông qua Hội Phụ nữ xã.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu tại buổi lễ.

“Nhiều năm gần đây song song với dự án “Chúng tôi Có thể”, nhà trường đã thu hút được 100% học sinh đến trường, không có trẻ em phải nghỉ học đi lấy chồng, đó là thành công của nhà trường và bước đầu hình thành cho các em về hướng nghiệp qua các buổi tham quan thực tế các mô hình tại địa phương”, cô giáo Bích Vy, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, cho biết.

“Những bài học bổ ích từ dự án đã giúp chúng em dám nói ra ước mơ của mình. Đó cũng là nguồn động lực lớn để chúng em cố gắng hơn”, em Phàn Thị Trang, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, chia sẻ.

Giai đoạn II của dự án “Chúng tôi Có thể” sẽ được triển khai tại các tỉnh Cao Bằng, Kon Tum và Ninh Thuận. Với mục tiêu tiếp tục trao quyền cho thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái và nữ thanh niên tại các trường trung học cơ sở nội trú và các vùng lân cận, để vượt qua định kiến, lên tiếng và hành động vì ước mơ, hy vọng và nguyện vọng trong giáo dục. Giai đoạn II sẽ xây dựng các kỹ năng và nền tảng, thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các hoạt động truyền thông và vận động do học sinh khởi xướng, và tăng cường cam kết của Chính phủ về giáo dục cho trẻ em và thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục là đối tác chính để triển khai dự án cùng với UNESCO, bên cạnh đó Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, một đối tác mới của dự án, sẽ hỗ trợ các hoạt động truyền thông và vận động do học sinh khởi xướng và thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái thông qua tiếp cận cộng đồng, các diễn đàn địa phương và trung ương. UNESCO cũng hợp tác với Tạp chí Ngày nay thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO tại Việt Nam nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông của dự án.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị “các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, Kon Tum và Ninh Thuận tiếp tục chỉ đạo triển khai các hoạt động của dự án để đạt được thành tựu như giai đoạn I”.

Trong Giai đoạn II, Tập đoàn CJ tiếp tục là nhà tài trợ chính đồng hành cùng dự án“Chúng tôi Có thể”. Tại Lễ công bố, Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bà Bế Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách dân tộc, Ủy Ban dân tộc, đối tác chính trong Giai đoạn I, bày tỏ sự ghi nhận đối với UNESCO, tập đoàn CJ, và các đối tác khác của dự án.

Bà Hee Kyung Jo Min, Phó Chủ tịch CJ CheiJedang, Giám đốc các Chương trình Cống hiến xã hội của CJ CheilJedang tại Hàn Quốc, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Minh Hiếu.

“Dự án đầu tiên thành công bất chấp tình hình đại dịch COVID – 19 là nhờ sự tham gia nhiệt tình của không chỉ học sinh mà còn có thầy cô, phụ huynh, cộng đồng và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam”, bà Hee Kyung Jo Min, Phó Chủ tịch CJ CheiJedang, Giám đốc các Chương trình Cống hiến xã hội của CJ CheilJedang tại Hàn Quốc chia sẻ. “Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực hết mình để giúp đỡ nhiều trẻ em hơn tiếp cận giáo dục mà không bị phân biệt đối xử và phát triển thành những tài năng dẫn dắt tương lai của Việt Nam dựa trên triết lý chia sẻ của CJ”.

UNESCO và các đối tác đã cùng đưa ra cam kết tiếp tục hợp tác triển khai giai đoạn II dự án “Chúng tôi Có thể” nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Tại Lễ công bố, ca sĩ Isaac Hong (Hàn Quốc) và Phương Mỹ Chi (Việt Nam) đã tham gia biểu diễn nhiều ca khúc ý nghĩa như một lời kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng để hỗ trợ những nỗ lực của dự án về giáo dục trẻ em gái dân tộc thiểu số. Khách mời cũng được tham quan một phần của triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" kể về 99 ngày xuyên Việt đầy nhân văn của nữ nhà báo, đạo diễn Bông Mai - Tạp chí Ngày Nay.

 

Nguồn: Tạp chí Ngày Nay

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...

 

 

Liên kết

TT UNESCO Thái cực Trường sinh
Thông tin về chương trình và hoạt động của Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh
TT UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam
Thông tin hoạt động với tiêu chí bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
 TT Thông tin UNESCO - UNET
Trung tâm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà khoa học, những người hoạt
động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, văn hóa và các thành
phần xã hội nói chung