Home Hoạt động UNESCO Chương trình phối kết hợp nghiên cứu lịch sử văn hóa các dòng họ Việt Nam

Chương trình phối kết hợp nghiên cứu lịch sử văn hóa các dòng họ Việt Nam

Email In PDF.

Trong nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu trước đây, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn hóa các Dòng họ Việt Nam, thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tập hợp được các chuyên gia đa ngành (cũng là thành viên từ các dòng họ Việt Nam) tự nguyện tham gia, đáp ứng các nghiên cứu và ứng dụng công tác theo tiêu chí UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin truyền thông để tìm ra giải pháp lưu trữ, thống kê về hệ thống di sản vô cùng đồ sộ trong các dòng họ ở Việt Nam và các tiến hành bảo trợ, vinh danh, động viên các dòng họ hướng tới các phát triển hệ thống và bền vững do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phát động.

Việc hợp tác hệ thống giữa các dòng họ Việt Nam là các nghiên cứu liên kết lâu đời trong "phi nội tắc ngoại", trong hệ thống kế thừa văn hóa lịch sử dân tộc, là các tập vựng lớn về đối chiếu, lắp ghép phả hệ, thẩm định di sản vật thể và phi vật thể, các nghi thức tín ngưỡng tổ tiên, các đánh giá về danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, trí sĩ và tài nhân xuất hiện trong các dòng họ kể từ khi con người được mang cụm từ họ và tên đầy đủ…

Ngoài ra còn có các nghiên cứu chuyên sâu về các di tích lịch sử văn hóa truyền thống trong các dòng họ được ứng với thiết chế văn hóa  theo quy định của các triều đại với phẩm trật, hoàng thân, quốc tính… (chức sắc quan lại hay vua chúa thời xưa) trong các dòng họ Việt Nam, để từ đó việc tôn vinh (thờ tự), vinh danh (lưu tên) cho danh nhân nói chung được trả giá đích thực trong truyền thống văn hóa dân tộc mà ở thời hiện đại hôm nay, nó đã được tạo điều kiện, nhưng không phải dòng họ nào cũng biết cách đi đúng con đường truyền thống của ông cha mình theo thiết chế của từng triều đại đã vinh danh, đã tôn thiết thờ tự - trong là tiên tổ, ngoài là dũng liệt - Nói thế để chúng ta hiểu rõ cái lớn nhất tồn tại ở các dòng họ là nghi thức thờ tự cùng di sản vật thể (là đền, đình, miếu, điện… sắc phong, tượng, pháp, cùng các đồ thờ, binh khí, bia minh, bia hậu…), phi vật thể (gồm lễ nghi, ngày chạp quy định cho hội lệ, di chúc, gia phả, thế phả, ngọc phả, nại phả…và cả những quy ước "thỏa thuận giữa hai bên cổ nhân và hậu duệ nội tự hương hỏa" sao cho giữ vững nền nếp quy định về nghi thức cúng, tế và đãi ngộ (phù độ) con, cháu ngày càng tấn phát…

Việc lựa chọn các dòng họ Việt Nam là đối tượng chính thống nhằm đáp ứng các nghiên cứu, ứng dụng văn hóa lịch sử để phát triển giáo dục truyền thống trong tương lai... là công tác chính của Trung tâm, do vậy mà có chương trình mời các dòng họ cùng tham gia và đáp ứng các chiến lược bền vững để chuyển tải kinh nghiệm, đạo lý, tín ngưỡng truyền thống và các giao lưu, quan hệ huyết thống nội, ngoại trong phả hệ để mở mang và xây dựng đạo lý chung, hướng tới tập trung tri thức văn minh, ổn định, dân giàu, nước mạnh phải bắt nguồn từ nền nếp văn hóa lịch sử các dòng họ Việt Nam vốn là lực lượng đóng góp to lớn trong công cuộc dựng nước và bảo về đất nước. Các đề xuất được nêu ra trên cơ sở phát huy những cái "Có" và "Còn" ở các dòng họ như: Thành lập tủ sách UNESCO để đáp ứng các nghiên cứu truyền thống cho mọi công dân, bạn bè quốc tế có nhu cầu tìm hiểu về các dòng họ Việt Nam. Khi phát triển được mở rộng, Trung tâm sẽ nâng cấp thành "Thư viện các Dòng họ Việt Nam". Và sau cùng sẽ tiến tới thành lập "Bảo tàng các Dòng họ Việt Nam". Điều này có được thành công hay không chính là sức đóng góp vô tư trí tuệ và tài sản có từ các dòng họ sẽ làm nên bội số kiện toàn văn hóa lịch sử các dòng họ Việt Nam.

Để liên thông công tác này, phía Tung tâm cần thành lập Ban nghiên cứu Văn hóa Lịch sử tại các dòng họ đã có tổ chức để đáp ứng các nghiên cứu chuyên sâu về truyền thống của dòng họ đó với các bên liên quan về kiến trúc, gia phả, nghệ thuật, nghề làng và các nghi thức văn hóa trong dòng họ để từ đó đáp ứng chiến lược thành lập "Bảo tàng các Dòng họ Việt Nam" - Các dòng họ cần xác định đây là công việc của chính họ mình đóng góp trách nhiệm vào "ngôi nhà văn hóa dân tộc Việt Nam" để các thế hệ hậu duệ có chỗ, có nơi nghiên cứu và ghi nhận thành quả chung của đất nước, trong đó có dòng họ của mình. Ban này sẽ là thành viên của UNESCO sẵn sàng đáp ứng các nghiên cứu chuyên môn và tập hợp các di sản chung cho chiến lược hình thành các ý đồ đã nêu trên.

Các Ban nghiên cứu từ các dòng họ sẽ có trách nhiệm thống kê danh sách thân thế, sự nghiệp anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa trong họ của mình để Trung tâm có đủ điều kiện làm nên cuốn sách "Almanach anh hùng và danh nhân văn hóa trong các dòng họ Việt Nam" - dự kiến trong 2 năm phải kiện toàn sách kể từ khi chương trình được các bên ủng hộ.

Trung tâm sẽ đưa ra phương án ý tưởng để cùng các dòng họ khuyến nghị nhà nước cho lập bia bách họ (hơn 100 dòng họ) dưới chân núi Nghĩa Lĩnh (Đền Hùng, Phú Thọ) với mục đích tăng thêm tình đoàn kết dân tộc, tăng thêm giá trị văn hóa "hướng tới nguồn gốc tổ tiên" sâu sắc hơn khi Cha, Mẹ Lạc Long và Âu Cơ được chứng kiến con cháu hội tụ về đây để "chung lưng đoàn kết xây dựng đất nước" - Người hành hương Lễ Tổ sẽ được ấm lòng hơn, đó là trước lên lễ Thủy tổ đất nước, sau xuống núi lại được lễ Thủy tổ họ nhà mình, đấy cũng là đức hạnh "đồng bào là con cùng một bọc"…

Với chiến lược nghiên cứu bằng sự phối kết hợp giữa các dòng họ sẽ trao đổi thông tin thường xuyên trên các báo, tạp chí liên kết (như báo Gia đình và Xã hội, Tạp chí Ngày Nay; Báo Đại Đoàn Kết…) và cả trên website của Trung tâm, của các dòng họ với chương trình sẵn có, các lễ kỷ niệm, các vấn đề nghiên cứu và phát triển tiếp theo.

Các bên cùng phối kết hợp để hình thành các báo cáo đề nghị Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đáp ứng công tác bảo trợ di tích lịch sử văn hóa và vinh danh các nhân tài đã khuất và đang hiện hữu trong các dòng họ, có văn bằng bảo trợ, có giải thưởng kịp thời để biểu dương thành tích bảo tồn di sản trong dòng họ (theo kế hoạch của Hội đồng bảo trợ di tích và tài nhân Việt Nam)…đồng thời cũng tổ chức tập huấn về lập, viết phả, thống kê phả, thống kê di sản và tạo các buổi nói chuyện chuyên đề về văn hóa lịch sử dòng họ Việt Nam.

Tin rằng chương trình này sẽ được các dòng họ hưởng ứng một cách thiết thực để trở thành hệ thống tri thức giáo dục tương lai, đáp ứng các khoa học xã hội và nhân văn, quy tụ các thiết chế văn hóa lịch sử mang tính bền vững và thúc đẩy các thông tin truyền thông một cách hệ thống, nhằm đem lại các luồng gió mới trong nhận thức kế thừa lịch sử văn hóa các dòng họ ở Việt Nam.

 

Họa sĩ Trịnh Yên - Ủy viên Thường vụ

Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.

Giám đốc TT UNESCO nghiên cứu

Văn hóa các Dòng họ Việt Nam.