Ngày 24/6/2012, tức 6/5/ Nhâm Thìn, được phép của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa (đơn vị chủ đầu tư), Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh Hùng (đơn vị quản lý di tích), Hội đồng họ Trịnh Việt Nam, Hội đồng họ Trịnh tỉnh Thanh Hóa, đại diện họ Trịnh các tỉnh, thành trong cả nước và đại diện Trung tâm UNESCO Văn hóa Dòng họ Việt Nam đã có mặt, tham gia tổ chức long trọng Lễ khởi công tôn tạo Lăng mộ Triết vương Trịnh Tùng tại làng Sóc, xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng (1550 - 1623) là vị chúa Trịnh đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Người kế tục cha Trịnh Kiểm hoàn thành sứ mệnh phù Lê Trung hưng, có công bình trị nội chiến, rước vua Lê trở lại cai trị Thăng Long sau 65 năm binh biến (1527 - 1592), với vương triều Lê lưu vong từ Thăng Long và tồn tại trên danh nghĩa Nam triều Lê Trung hưng (cát cứ phía Nam là các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình), mở ra triều đại Vua nắm quyền, Chúa cai trị - tương đương và cũng là một trong những cơ chế đầu tiên trên thế giới có vua (hay nữ hoàng, hay tổng thống, hay chủ tịch nước) tổng quyền và có thủ tướng thay mặt thực hiện các chính sách đối ngoại và cai trị trong nước như Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Căm Pu Chia, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…thì vương triều Lê Trung hưng (1533 - 1789) đã có cơ chế này giữ vững đất nước trong thế ngoại giao bình ổn và mở cõi hơn 250 năm hòa bình, không có giặc ngoại xâm.
Với nhà Trịnh có 12 vị Chúa nối quyền lãnh đạo đất nước kéo dài 249 năm, hơn 1/4 thiên niên kỷ Thăng Long - Hà Nội đã phục hồi cho bộ mặt kinh đô Thăng Long một nền tảng kiến trúc kinh thành và di tích lịch sử văn hóa đồ sộ mang đặc thù Lê - Trịnh, một nền tảng kinh tế phân định đô thị theo hạng mục mở mang làng nghề về phố là phố Hàng Đồng, Hàng Nón, Hàng Khay….là các đặc thù hàng (hóa) giao lưu kẻ chợ của hơn 36 phường hội làng nghề lập thành và cùng thúc đẩy các phát triển nền kinh tế Thăng Long thông thương trong nước và quốc tế thế kỷ 16 đến nửa đầu thế kỷ 20.
Riêng chúa Trịnh Tùng được đánh giá là vị Chúa khởi đầu với các thành tích xuất sắc nhất trong công cuộc xử lý các phức tạp thời đại về nội bộ, kẻ thù đối kháng, trấn an lòng dân, động viên binh sĩ, đưa ra các chính sách công bằng, khoan dung và kiên quyết trong tư cách người lãnh đạo sau vua, dẫn đến thắng lợi toàn diện là đã rước vua về kinh đô Thăng Long, tiếp tục quyền cai trị đất nước trong văn hóa hòa bình.
Lễ khởi công động thổ đã diễn ra trong bầu không khí mùa hè nhưng mát mẻ như mùa thu, trong đó có các phát biểu bày tỏ lòng biết ơn và đánh giá công lao to lớn đối với Triết vương Trịnh Tùng của đại diện các cơ quan chức năng trong tỉnh, dòng họ Trịnh Việt Nam và họ Trịnh Thanh Hóa trước sự chứng kiến của nhân dân địa phương và thập phương làm mọi người phấn khởi, hy vọng công việc tôn tạo di tích Lăng Mộ Triết Vương Trịnh Tùng sớm được thành công, cắt băng khánh thành vào cuối năm 2013.
Tạp chí Ngày Nay