Home Khoa học Khảo cổ Phát lộ công trình kiến trúc cổ thời Lý - Trần

Phát lộ công trình kiến trúc cổ thời Lý - Trần

Email In PDF.

Trong quá trình phục hồi một giếng cổ tại khu vực xã Xuân Giang - Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Ban Quản lý di tích Nguyễn Du đã phát hiện những dấu tích của một công trình kiến trúc cổ thời Lý - Trần.

Khu vực công trình kiến trúc cổ được phát hiện

Theo Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du, thuộc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh, địa điểm phát lộ công trình kiến trúc cổ nói trên nằm cách đền thờ Tam Tòa (thờ Hoàng tử Lý Nhật Quang) 100m về phía tây thuộc địa bàn xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân.

Những dấu tích của một công trình kiến trúc cổ phát lộ ban đầu mới khoảng 30m2, trong đó dấu vết lộ rõ là nền móng hình chữ nhật được tạo ghép bởi các nguyên vật liệu đá cuội và nhiều loại gạch bằng đất nung kích cỡ và màu sắc khác nhau, như gạch hình vuông, hình chữ nhật, màu đỏ, màu xám. Đặc biệt, trong số các loại gạch được tìm thấy có những viên gạch có kiểu dáng rất lạ, được trang trí họa tiết hoa văn hình sóng nước.

Trong số các vật liệu được phát hiện tại nền móng công trình kiến trúc cổ, phát lộ một viên đá hình chữ nhật có kích thước dài 0.40m, rộng 030m, dày 10cm, một cạnh phiến đá được tạo lõm hình vuông.

Trao đổi với PV, ông Hồ Bách Khoa, quyền Trưởng Ban Quản lý di tích Nguyễn Du cho biết: "Bước đầu qua nghiên cứu, chúng tôi nhận định dấu tích phát lộ trên có khả năng là nền móng của một công trình kiến trúc cổ thời Lý - Trần, mang ý nghĩa tâm linh tín ngưỡng nằm trong quần thể các di tích đền Huyện và các vùng phụ cận".

Cũng theo ông Khoa, Trung tâm văn hóa tín ngưỡng thời Lý - Trần của vùng đất Nghi Xuân - Hà Tĩnh còn nhiều điều bí ẩn cần được tiếp tục khảo sát nghiên cứu.

Nền móng hình chữ nhật được tạo ghép bởi các nguyên vật liệu đá

Gạch hình vuông, hình chữ nhật, màu đỏ, màu xám...

 

 

Theo Dân Trí