Lại có thêm những ấn tượng không đẹp về du lịch Việt Nam. Mỗi câu chuyện thực tế từ du khách đề cập đến một vấn đề "muôn thuở" nhưng luôn đáng để suy ngẫm.
Bất ngờ đầu tiên mang tên “Taxi”…
Cô bạn Ceridwen xuống sân bay Phú Bài (Huế). Cô đưa địa chỉ ghi trên mảnh giấy cho anh taxi để yêu cầu được về đúng khách sạn đã đặt từ trước. Mọi thứ dường như ổn thỏa cho đến khi Ceridwen bước vào phòng tắm của khách sạn.
Cô hoảng hốt vì địa chỉ ghi trên khăn tắm chính xác không phải là địa chỉ mà cô yêu cầu. Sau khi thanh toán tiền phòng 1 đêm ở khách sạn với giá: 500 ngàn đồng, thay vì 300 ngàn đồng như giá niêm yết, cô lập tức chuyển sang khách sạn như ban đầu cô muốn đến (khách sạn 2 sao với mức tiện nghi hơn khách sạn kia, với giá chỉ 10 euro = 280.000 VND).
Ceridwen nói với tôi: “Tôi không hiểu tại sao người taxi đã làm như vậy, nhưng dường như điều đó luôn xảy ra đối với những người nước ngoài tại Việt Nam. Khi tôi nhận ra rằng, tôi không phải ở DMZ, khách sạn đã lấy Passport của tôi, vì vậy tôi không thể thay đổi khách sạn”.
Giá thức uống "bí mật" và 10 USD "boa" cho người chèo đò
Tôi nghỉ đêm tại Hạ Long trên con tàu gỗ H.. Trên tàu chỉ có vợ chồng tôi là người Việt, còn lại là khách nước ngoài. Ở đây có một điểm rất kỳ lạ là không cho du khách biết giá thức uống. Tôi ngồi ăn trưa cùng bàn với một gia đình người Pháp, họ có hỏi tôi về giá một số loại thức uống để gọi thêm.
Tôi đã đến hỏi lễ tân cũng như người phục vụ, nhưng tuyệt đối họ không hé răng mà chỉ nói: “Anh chị cứ uống thoải mái đi, trước khi lên bờ mới có phiếu tính tiền”. Nhưng sau đó cả tôi và hầu như toàn bộ du khách trên tàu đều "méo mặt" khi phải thanh toán thức uống với giá "bí mật": Tiger lon 60.000 đồng (tương đương 2,5 USD), gấp gần 6 lần giá bình thường và gấp 3,4 lần giá dịch vụ trong các nhà hàng khác. Một cốc nước cam giá 80.000 VND (tương đương 3,9 USD), gấp 4 lần giá dịch vụ ở các nhà hàng khác….
Khi đoàn chúng tôi chia nhau lên các ghe nhỏ để đi thăm một số nơi trên vịnh Hạ Long (giá vé tour đã bao trọn gói) thì đến phiên người chèo thuyền không hề để cho tôi và 3 du khách yên chút nào. Cô ta luôn miệng kêu la như kiểu ráng hết sức mỗi khi vung tay chèo, một người khách quay sang hỏi tôi: “Cô ấy bị đau à?” .
Tôi thấy rõ sự khó chịu hằn lên trên mặt các du khách. Suốt quá trình đi, cô ta luôn nhắc đến từ “boa” rõ to với đồng nghiệp của cô ấy đang tác vụ ở chiếc thuyền sát bên. Khi lên bờ tôi đưa cho cô ta 50.000 VND và tội thay, gia đình ở chiếc xuồng bên kia phải móc ra đến 10 USD để “boa” cho người chèo thuyền. Họ nói với tôi: “Chúng tôi phải trả thêm tiền cho những người này để được họ chở đi à?!!...”
Ấn tượng cuối cùng khi rời Việt Nam
Trên chuyến xe Bus 24 chỗ ngồi ra sân bay, Josiane, một du khách người Pháp nhớ lại: “Tôi không thể hiểu tại sao người tài xế này có thể lái xe bằng một tay, còn tay kia lại có thể gọi điện thoại để luyên thuyên về một vấn đề gì đó suốt nhiều phút liên tục. Anh ta cũng không thèm thắt dây an toàn. Với chúng tôi tất cả điều đó là tối kỵ. Khi xe đỗ xịch trước sân bay, chúng tôi mới thực sự tin là mình an toàn. Cầu chúa cho điều đó”.
Ngồi trên máy bay với những nghĩ suy miên man về chuyến du lịch Việt Nam, đôi vợ chồng Josiane và Alain lại tiếp tục bất ngờ về cung cách phục vụ của tiếp viên hàng không: “Họ chìa trước mặt chúng tôi một trong hai cái bình gì đó và nói một cách cộc lốc "trà hay cà phê ?", liệu có phải đó là cách mời chào thông thường của tiếp viên nước bạn? Josiane hỏi tôi như vậy!
Khi tôi hỏi lại: “Bạn thấy thế nào khi đến du lịch Việt Nam”, bà cho hay: “Tôi hài lòng khi được khám phá các nền văn hóa dân tộc bản địa của các bạn, Hà Nội thật tuyệt đẹp, nhưng có vẻ như người Hà Nội sống khép kín hơn so với người Sài Gòn”.
Cũng đúng thôi, bất cứ du khách nào đến Việt Nam đều thực sự ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, với các nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng với cách làm du lịch như trên thì Josiane đã kết thúc bằng câu nói: “Thật khó cho tôi khi nói về cách làm du lịch của đất nước bạn với các bạn bè của tôi khi họ muốn đến Việt Nam”.
Theo Vnexpress.net