Đánh giá cao ý tưởng táo bạo biến cầu Long Biên thành bảo tàng, bãi giữa sông Hồng thành công viên…, nhưng không ít chuyên gia quy hoạch cho rằng không nên nâng cầu thêm 3 m và biến Long Biên thành cây cầu chết.
PGS. TS Vũ Thị Vinh, Phó tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam: “Ý tưởng biến bãi giữa sông Hồng thành công viên rất khả thi”
Đây là lần đầu tiên một ý tưởng về cải tạo cầu Long Biên được đưa ra. Nó đầy sáng tạo, táo bạo và rất khả thi. Đề án đã khai thác tối đa cơ sở vật chất hiện có, từ khoảng không gian dưới gầm cầu cho tới tháp nước Hàng Đậu, bãi giữa...
Khi tôi còn công tác tại ĐH Kiến trúc Hà Nội, một nhóm sinh viên của trường đã tham dự cuộc thi ý tưởng và đoạt giải nhất. Trước khi gửi tác phẩm dự thi, các em đã đưa tôi đọc và mở đầu là tựa đề: “Pháp có sông Seine, Anh có sông Thames, Hà Nội thì có sông Hồng nhưng Paris và London được dòng sông ôm lấy còn sông Hồng lại quay lưng với Hà Nội. Vậy phải làm thế nào để biến sự quay lưng này thành sự ôm ấp lấy thủ đô?”.
Do đó, tôi thấy ý tưởng biến bãi giữa thành công viên nghệ thuật và trồng cây rất khả thi vì nếu có ngập úng thì tổn hại cũng không đáng kể và nhiều khả năng chúng ta thực hiện được. Tôi tưởng tượng nếu đứng trên cầu mà nhìn được thảm xanh hoa phía dưới thì có lẽ nhiều nhà hàng tư nhân sẽ xin đầu tư vì không một chỗ nào đẹp hơn ở đây.
Vừa rồi chúng tôi sang Đức và thấy họ có cây cầu không đẹp bằng của mình nhưng cũng được UNESCO công nhận là di sản. Vậy tại sao trước hết chúng ta không công nhận đây là di sản quốc gia?
Tôi nghĩ Hội Quy hoạch kiến trúc nên đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải giữ cây cầu Long Biên thành cầu lịch sử, chỉ phục vụ giao thông nhẹ. Còn Hà Nội nên tổ chức triển lãm để giới thiệu đề án trước người dân và tôi tin nhiều người sẽ ủng hộ ý tưởng này.
GS. TS Nguyễn Lân, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam: "Ý tưởng đúng thì chúng ta có thể làm được"
Khi còn là Kiến trúc sư trưởng thành phố, lúc làm quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, tôi có nêu mấy vấn đề là đưa con sông vào giữa thành phố để dễ sử dụng 2 bên bờ sông Hồng. Báo chí thời ấy nói rằng đó là vấn đề không tưởng và đừng nghĩ rằng sông Hồng giống như sông Seine của Pháp.
Bây giờ, khi nghe KTS Nguyễn Nga trình bày ý tưởng này, tôi thấy cần sử dụng những gì thiên nhiên cho ta và những gì 1000 năm ta có. Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch và cầu Long Biên là 3 công trình mà tôi muốn giữ nguyên trạng, dù có ý kiến cho rằng đó là di sản của thời kỳ Pháp thuộc. Vì vậy, ý tưởng giữ gìn cầu Long Biên để đánh dấu một giai đoạn lịch sử của Hà Nội, niềm tự hào của Hà Nội là điều hoàn toàn nên làm.
KTS Nguyễn Nga muốn khôi phục tiếng leng keng của tàu điện và tôi thấy nếu làm tuyến tàu điện đi từ Nhà hát Lớn, qua 5 điểm tới cầu Long Biên, rất hay. Nó làm chúng ta nhớ lại một thời.
Ý tưởng này rất hay và hoàn toàn làm được nếu như chúng ta thực sự nghiên cứu và có sự giúp đỡ của các cấp, các ngành. Nhiều người nói hiện ở khu vực gầm cầu có rất nhiều nhà bất hợp pháp nhưng bứng họ đi lại là chuyện phức tạp, vậy phương án như thế nào? Phương án, dự án và kế hoạch thì tính sau bởi bây giờ là ý tưởng.
Tôi không bàn sâu tới phương án cũng như dự án mà chỉ nói về ý tưởng và tôi hoàn toàn ủng hộ, hoan nghênh ý tưởng này. Khi mà ý tưởng đúng thì chúng ta có thể làm được.
Xin nêu một ví dụ thế này. Trước đây, khi chúng tôi đề nghị làm đường quanh hồ Tây bởi để bảo vệ được mặt nước thì phải làm đường và diện tích làm đường lên tới hơn 500 ha. Nhiều người nói ông này ở trên trời rơi xuống. Nhưng chúng tôi vẫn đề nghị để quyết làm bằng được. Và giờ đi xe máy vòng quanh hồ, tôi thấy cảm động quá.
PGS. TS Lưu Đức Hải, Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng): “Không nên để cầu Long Biên thành cây cầu chết”
Tôi đánh giá cao ý tưởng nghiên cứu này và mong sao chính quyền thành phố quan tâm. Tuy nhiên, tôi cũng thấy đề án này có một số điểm cần bàn thêm. Cầu Long Biên đang là cầu sống, cầu hoạt động thế nên tuyến tàu điện nên bắt đầu từ bãi taxi cạnh hồ Gươm và điểm cuối nên chuyển đến vườn hoa Hàng Đậu. Còn trên cầu nên khôi phục lại tuyến đường sắt để tàu hoạt động trong đô thị (từ Ga Hà Nội sang Nhà máy Xe lửa Gia Lâm) với ít toa và dùng đầu máy hơi nước. Không nên để cầu Long Biên thành cây cầu chết và cho đoàn tàu chỉ đứng trên cầu. Vì vậy, tôi không tán thành việc nâng cầu lên 3 mét.
Tôi cũng không tán thành việc lấy tháp nước Hàng Đậu làm bảo tàng cổ vật vì đây vốn là công trình cấp nước. Hơn nữa, đây là một trong hai tháp nước đáng giữ gìn nên cần xem lại phương án nâng cao thêm. Tôi tiếc là ống khói của Nhà máy Điện Yên Phụ đã bị đập bỏ, không được giữ lại như ống khói ở khách sạn Horison.
Tôi ủng hộ việc khôi phục 131 vòm để làm phố nghề, còn ý tưởng vườn treo thì không nên làm. Chính quyền Hà Nội phải coi đây là việc của mình và phải có ngân sách đóng góp chứ không hẳn chỉ là xã hội hóa.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội: “Khuyến khích xã hội hóa đầu tư dự án cải tạo cầu Long Biên”
Để bảo tồn, đầu tiên chúng ta phải xếp hạng được di sản này để có cơ quan quản lý độc lập cho cầu Long Biên chứ hiện nay có rất nhiều đơn vị cùng quản lý. Còn phương án tài chính, ở thời điểm hiện nay, như Ban Quản lý phố cổ đang làm chính là khuyến khích xã hội hóa bởi nguồn ngân sách để đầu tư cho một sản phẩm văn hóa như khái toán vài nghìn tỷ là khá lớn. Nên đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu phương án cũng như kết quả nghiên cứu tới các doanh nghiệp và xã hội.
Chúng tôi đang làm các dự án xã hội hóa tương đối giống ý tưởng của KTS Nguyễn Nga. Như dự án cải tạo mặt đứng phố Tạ Hiện, nhà nước chỉ hỗ trợ cho phần cải tạo mặt trước và lòng đường, còn bên trong là do người dân tự làm. Hay như nhà 87 Mã Mây, nhà nước đã phục hồi ngôi nhà này và làm sống lại cả phố. Theo đó, những ngôi nhà cùng niên đại đã được người dân ý thức chung tay tham gia tu sửa.
Theo: Vnexpress.net