Home Văn hóa Tin văn hóa Xích lô phố cổ trong mắt du khách Tây

Xích lô phố cổ trong mắt du khách Tây

Email In PDF.

Phil Anderson, một người Australia sống ở Hà Nội hai năm, ngạc nhiên khi biết tin giới chức bàn về việc bỏ xích lô. Ông nói sẽ tiếc những chiếc xe thô sơ mang vẻ xưa cũ, bởi chúng như một phần của khu phố cổ.

Khám phá phố cổ bằng xích lô là một sở thích của nhiều khách du lịch nước ngoài.

“Xích lô là một nét đẹp văn hóa của các bạn. Nếu bỏ xích lô, Hà Nội không còn là Hà Nội nữa”, Anderson nói.

Gần một tháng nay, kể từ khi Sở giao thông Hà Nội phối hợp với Công an thành phố xiết chặt việc lưu hành, đội xích lô du lịch của thành phố này đang đối mặt nguy cơ bị du khách quên lãng. Trên những con phố cổ như Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Cầu Gỗ bây giờ, khách du lịch nước ngoài vẫn đông đúc nhưng những chiếc xích lô thường phục vụ họ thì hầu như vắng bóng.

Khi được hỏi về xích lô, anh Wilko Van Oosterhout, một khách "du lịch bụi' người Hà Lan, tỏ ra ngạc nhiên. Anh cho biết đây là lần đầu tiên nghe nói đến và nhìn thấy phương tiện này.

“Nó rất thích hợp để đi trong những con phố nhỏ, nhưng tôi cảm thấy không an toàn nếu ngồi trên loại phương tiện này”, Oosterhout nói khi anh đứng trên một con phố nhỏ nơi xe máy, taxi, ô tô chen bánh ở giữa, còn hai bên là hàng quán san sát. Oosterhout lưu ý rằng người ngồi trên xích lô không có thiết bị bảo hiểm nào.

Alice, sinh viên người Anh, cùng với 4 người bạn vừa đến Hà Nội chơi vài ngày lại cho biết cô không thể tìm được xích lô. "Xích lô ở đây không sẵn", cô nói. Alice thêm rằng với nhóm thanh niên bạn cô, thì tham quan và mua sắm bằng cách đi bộ tiện hơn đi loại xe ba bánh.

“Còn với những quãng đường xa 4- 5 km, thuê xe máy hoặc taxi là sự lựa chọn thuận tiện hơn”, Alice nói.

Sự hiếm hoi của xích lô du lịch trong phố cổ đã làm cho nhiều khách nước ngoài đến Hà Nội gần như không hề biết đến loại phương tiện từng thông dụng của thủ đô. Trong khi đó, với những du khách muốn được trải nghiệm phương tiện này thì xích lô “dù” là sự lựa chọn duy nhất. Do không chịu sự quản lý về giá của các công ty, tài xế có thể chở số người cũng như đòi mức giá tùy thích.

Một khách du lịch trẻ người Thụy Điển có tên là Sophia kể rằng xe xích lô ở Indonesia mà cô từng đi lớn hơn ở Việt Nam và giá cả cũng rẻ hơn nhiều. “Cùng một quãng đường, đi bằng xích lô ở đây có khi còn đắt gấp đôi thuê xe máy hay bắt taxi”.

Từng sử dụng phương tiện này, Anderson đến từ Australia cho rằng việc xích lô của các công ty du lịch khó vào phố cổ chính là điều kiện để các bác tài xế "dù" bắt bí du khách. Và thế là sau khi bị lấy giá cao, du khách không còn mặn mà với phương tiện đặc trưng địa phương này nữa.

Dọc tuyến phố Trần Quang Khải, nơi tập kết của hơn 200 chiếc xích lô thuộc 4 công ty kinh doanh xích lô du lịch Hà Nội, thưa thớt các đoàn khách nước ngoài đặt tour. Một tài xế của một hãng xích lô nổi tiếng cho biết trước đây mỗi ngày ông phục vụ được 6-7 lượt khách nước ngoài. Tuy nhiên, gần một tháng nay, con số này chỉ còn chừng phân nửa.

Theo quy định, các xích lô chỉ được phép đỗ tại hai điểm ở đường Yên Phụ và Trần Quang Khải. Các hãng xích lô cũng phải đi theo một lộ trình cố định, trong đó có khoảng một nửa chặng đường qua các phố hiện đại như Trần Quang Khải, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền...

Kim Minh, khách du lịch Trung Quốc cho biết: “Lộ trình tour bằng xích lô ngắn và không có gì đặc biệt. Chúng tôi muốn đi dạo trong phố cổ bằng loại xe ba bánh này nhưng các tài xế nói rằng họ không được phép vào đó”.

Nhiều khách của các hãng kinh doanh xích lô du lịch nổi tiếng như Sans-Souci đề nghị dừng tour, bỏ tour giữa chừng vì không hài lòng về lộ trình.

Sự tồn tại của xích lô Hà Nội vì thế đang ở giữa một bên là nhu cầu phục vụ du lịch, một bên là đảm bảo thông thoáng giao thông khu phố cổ - như yêu cầu của giới chức thành phố. Chính quyền mới đây quyết định vẫn tạm thời duy trì hoạt động của xích lô, sau khi đã đề cập đến khả năng cấm lưu thông loại phương tiện này.

Phoebe White, một người Australia từng đi chơi bằng xích lô ở Huế, Hội An và Hà Nội, tâm sự rằng chị yêu mến nó. Cảm giác khi ngồi trên những chiếc “salon di động” thô sơ, chầm chậm, quanh co qua các con phố cổ kính khiến những người đến từ phương tây hiện đại như chị cảm thấy thư thái và thú vị.

“Xích lô là một cái gì đó rất Việt Nam. Xích lô ở ba thành phố mà tôi từng đi mang đến cho tôi những cảm xúc khác biệt", White nói. "Với Hà Nội, tôi luôn nhớ đến nó trong sự gắn bó với phố cổ. Tôi nghĩ các bạn sẽ có cách để giữ nét đẹp này".

 

Theo Vnexpress

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...