Home Văn hóa Tin văn hóa Không nên biến Giờ Trái đất thành những cuộc chơi tốn kém vô nghĩa

Không nên biến Giờ Trái đất thành những cuộc chơi tốn kém vô nghĩa

Email In PDF.

Giờ Trái đất là sự kiện do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (Worrld Wildlife Fund) đề xướng, khởi đầu từ năm 2007 ở Sydney, Australia, được 2 triệu người ủng hộ với tiêu chí đề cao tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải CO2, với mục đích cuối cùng là giáo dục mọi người ý thức bảo vệ môi trường. Nhờ các phương tiện truyền thông sự kiện này đã trở thành một hoạt động quốc tế, năm 2008 có số người tham gia là 50 triệu người, năm 2009 là 1 tỷ người và đến 2010 đã được 128 quốc gia tham gia. Hình thức của Giờ Trái đất rất đơn giản: Khuyên các gia đình và các cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng đến sinh hoạt trong khoảng 1 giờ đồng hồ vào 8 giờ 30 phút (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng Ba hàng năm nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đáng tiếc cho đến nay vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu thật đúng mục đích của sự kiện này, các phương tiện truyền thông thay vì khuyến khích đại chúng thực hiện các biện pháp thiết thực vì mục đích bảo vệ môi trường thì chỉ nhấn mạnh yếu tố tiết kiệm điện như một nội dung chính, một số hoạt động khác thì sử dụng Giờ Trái đất như một chủ đề hướng đại chúng vào các hoạt động vui chơi, giải trí tốn kém. Tại nhiều đô thị Việt Nam trong mấy năm qua đã tổ chức nhiều hoạt động gọi là “hưởng ứng Giờ Trái đất”, nhưng trên thực tế lại gây ra sự lãng phí xa xỉ và gia tăng ô nhiễm môi trường. Hàng triệu ngọn nến được đốt lên trong một thời điểm kéo dài trong nhiều giờ đã tạo nên một lượng khí CO2 khổng lồ tung vào môi trường là điều đi ngược lại tiêu chí căn bản của Giờ Trái đất. Đứng về quan điểm tiết kiệm, một ngọn nến thông thường mà thanh thiếu niên đốt trong Giờ Trái đất đắt gấp khoảng mười lần lần tiền điện để đốt một bóng đèn thông thường trong một giờ, đồng thời như tạo nên một lượng muội và khí CO2 lớn gấp trăm lần so với việc tạo nên một giờ điện năng cho một ngọn đèn. Các “hoạt động văn hoá” cực kỳ xa xỉ diễn ra để tuyên ngôn cho Giờ Trái đất là những hoạt động về thực chất là mang tính thương mại, “ăn theo” Giờ Trái đất, chỉ thoả mãn nhu cầu vui chơi giải trí cho cộng đồng và PR cho các nhà tài trợ. Có những hoạt động nhân danh Giờ Trái đất đã tiêu phí hàng chục tỷ đồng Việt Nam. Một chương trình nghệ thuật truyền hình trực tiếp diễn ra trong Giờ Trái đất nhằm kêu gọi mọi người tắt điện, nhưng thực tế lại quảng cáo rầm rộ trước đó hàng tuần nhằm thu hút hàng triệu chiếc TV gia đình làm việc để thu hình, thu hút hàng vạn thanh niên tụ tập vui chơi với hàng vạn ngọn nến lập loè. Về bản chất đây là những hoạt động hoàn toàn đi ngược lại tiêu chí căn bản của Giờ Trái đất.

Do các tác động của PR vốn dĩ càng ngày càng khôn khéo biết cách mượn danh các tiêu chí cao quý để phục vụ các hoạt động kinh doanh ngày càng ít được kiểm soát về nội dung, đã tạo nên thói quen hình thức chủ nghĩa cho nhiều người Việt Nam, thích nói năng bằng “đại ngôn”, lời nói không đi đôi với việc làm. Một bạn sinh viên ở Hà Nội háo hức chờ đón tham gia Giờ Trái đất bằng một “gia tài” đáng kể với 50 cây nến, mối cây dài 20cm, dự kiến được đốt trên sân trường (một cây nến như vậy sẽ cháy liên tục trong 3 giờ). Một chủ khách sạn 3 sao ở khoe rằng nhân Giờ Trái đất năm nay khách sạn của bà đã có cơ hội bội thu bởi đã thu hút được một lượng khách đông bất ngờ đến ăn, uống, giải trí nhờ hàng nghìn ngọn nến được thắp sáng lập loè trước cửa, trên sảnh, các hành lang, quầy bar và nhà hàng của khách sạn. Đối với một số ngành kinh doanh, Giờ Trái đất quả là cơ hội để họ phô trương và kiếm lời. Tuy nhiên bà chủ khách sạn cũng tiết lộ rằng tiền mua nến để đốt trong Giờ Trái đất đó tương đương số tiền  mà khách sạn sử dụng điện trong 10 ngày. Thử hỏi, với một thực trạng như vậy Giờ Trái đất theo kiểu Việt Nam là lợi ích hay tác hại?

Bản thân Giờ Trái đất không có lỗi, mà lỗi là do các nhà tổ chức, các cơ quan có trách nhiệm, các cơ quan truyền thông đã không chịu bám sát các tiêu chí của sự kiện này và đã hướng nhân dân vào các hoạt động mang tính hình thức, làm cho sự kiện quốc tế quan trọng này càng ngày càng mất đi ý nghĩa tích cực, trở thành cơ hội để gây lãng phí công của, gây thêm ô nhiễm cho môi trường trái đất chúng ta.

 

 

Trung Nghĩa - Tạp chí Ngày Nay

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...