Với quan niệm Tết đến, mọi thứ đều phải mới lạ, sáng sủa và niềm tin mầu sắc rực rỡ, âm thanh chan hòa sẽ đem lại vượng khí, niềm vui, may mắn cho gia đình từ đầu tháng Chạp nhà nào cũng sửa sang nội thất, quét vôi, sơn tường, dán giấy mầu hồng, vàng, đỏ trong phòng ngoài sân, chuồng trại... Người dân cũng dán ngoài cổng hình ảnh Vũ Đinh, Huyền Đàn hai vị hộ pháp cầm đao và kiếm; dán lên tường, chân bàn ghế, bát đĩa, nông cụ những mảnh bùa chú và treo bên cửa sổ, cửa ra vào những cái phong linh bát quái, chuông, khánh, ống sáo phát ra tiếng nhạc để trấn trạch, trừ tà, xua tan âm khí, thu hút hồng vận, điềm lành, cát tường đến với gia đình. Ngày 30 Tết trên sân chùa và đình đều dựng những cây nêu bằng tre cao vút, trên ngọn treo những tấm áo cà sa, cờ ngũ sắc, khánh đất, xương rồng gai, lá dứa... dưới đất vẽ những vòng tròn vôi bột, tên nỏ chĩa về mọi hướng nhằm xua đuổi ma quỷ, tà khí tụ ám mấy ngày xuân.
Do nông nghiệp và cuộc sống chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên nên đầu năm mới dân gian luôn sắp đặt mọi thứ để cảm tạ trời đất, những sự vật hiện tượng cố hữu trường tồn, mong sao người an vật thịnh, mùa màng bội thu. Đầu tiên phải kể đến đất, biểu tượng của cát lợi, an cư, lạc nghiệp. Ở nhiều nơi người dân chủ yếu làm vườn và ruộng, phần lớn nhà cửa là mái gianh, mái ngói, vách đất, tường gạch, nền đất đá nện, vật dụng sinh hoạt bằng gốm sứ, đất nung, đất phơi nên trước Tết nhiều nhà đã phải dọn dẹp phong quang vườn tược, đáp vá những chỗ vách rỗ, san thẳng mặt nền và lau rửa các đồ dùng từ đất đặt ở nơi trang trọng, kỳ vọng sang năm đất đai sẽ thêm màu mỡ; mảnh ruộng sinh nhiều lúa ngô khoai sắn; nhà cửa khang trang, vững chắc. Thứ hai là nước- biểu trưng cho sự sinh sôi, trôi chảy, trù mật. Cuối năm, ai nấy đều đổ nước đầy chum vại, bày hòn non bộ, treo tranh sơn thủy, cá tôm, sen súng... mong muốn năm mới công việc, tình bạn, tình yêu sẽ vô cùng thuận lợi; tiền của, danh tiếng ùa vào nhà nhanh chóng, dồi dào như nước. Thứ ba là lửa, hiện sinh của nguồn ánh sáng, hơi ấm và cụ thể với đời sống dân dã là cái bếp cho cơm dẻo canh ngọt, không khí sum vầy. Ngày áp Tết khi đàn ông dọn dẹp trang trí xong xuôi nhà cửa thì phụ nữ cũng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho bữa cỗ đón mừng giao thừa. Mọi người tin rằng vào xuân nếu thiếu bếp lửa căn nhà sẽ lạnh lẽo, túng bấn nên kể từ ngày 23 tháng Chạp khi Ông Công Ông Táo về trời cho đến ba ngày mồng một, mồng hai và mồng ba Tết tuyệt đối không tắt lửa. Đặc biệt đêm 30, khi đốt đèn, hương nến trên linh án nghinh tiếp đại vương hành khiển, vị quan nhà trời xuống cai quản nhân gian trong năm mới người dân rất xem trọng việc giữ gìn ngọn lửa, nếu lửa đột nhiên cháy bùng vào thời điểm chuyển giao năm cũ năm mới thì xem đó là vận may, hồng phúc đã được đại vương chứng giám. Một yếu tố nữa không thể thiếu ở mỗi gia đình là màu xanh tươi, hương thơm, bầu không khí ngọt lành đem lại sự vui vẻ, trẻ trung, năng động. Đêm trừ tịch nam thanh nữ tú rủ nhau đi chơi, nhân đó hái lộc là những chồi lá non, hoa tươi mang về ngụ ý như thể mang khí xuân, sắc đẹp và bổng lộc trời cho về với gia đình. Những ngày lễ đầu năm, đi lễ chùa, đình, phủ người già cũng xin đốt một nắm hương khấn vái trước Phật đài, Thánh điện rồi mang về cắm trên ban thờ tổ tiên mong cho quanh năm có hương lành thanh khiết, Phật Trời độ trì.
Để gia đình hạnh phúc, ngươi dân luôn treo dán những chữ phúc trong nhà Ngoài dán xuôi, còn dán ngược gọi là phúc đáo môn tiền (phúc lại đến trước cửa) có ý mời gọi hạnh phúc tới một lần nữa. Cũng có người mong ước nhiều hơn dán thêm năm chữ: phú (giàu có), quí (sang trọng), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe) và ninh (bình an) hay phúc, lộc (thuận công danh), thọ, hỷ (vui vẻ), tài (lắm tiền của) chỉ Ngũ Phúc Lâm Môn - năm điều tốt đẹp đến nhà, các chữ: nhân (bác ái), nghĩa (công bằng),lễ (hòa nhã), trí (thông minh), tín (trung thành) (xin cho người nam giới), công (đảm đang), dung (xinh đẹp, hiền dịu), ngôn (ăn nói nhẹ nhàng),hạnh (chung thủy, nết na) cho nữ, tâm (tốt bụng), đức (làm nhiều điều phúc), nhẫn (giỏi chịu đựng), kiên (cương trực), dũng (quả cảm)cho người học đạo..., Cũng có cá nhân hoặc gia đình xin riêng cho mình trong năm mới những điều mong ước sẽ thành hiện thực như quý tử (sinh con ngon, học giỏi), thêm đinh (thêm con trai), nghinh phúc (gặp may), thuận khoa (thi cử dễ dàng), đăng khoa (thi đỗ làm quan), hoạch tài (tiền của bất ngờ), bảo kho (tiền của dự trữ), tiến bảo (của quý), hưng vượng (làm ăn phát đạt)... Mỗi chữ được viết bằng mực đen hoặc nhũ vàng trên nền giấy điệp đỏ theo lối chân, thảo, triện, lệ, vuông, tròn, phiến diện... cũng như được khắc lên rường cột; dựng thành cấu hình vòm cửa; đính hay thêu, vẽ trên đèn, rèm, vỏ gối...
Ngoài đại tự, các chữ lớn người dân còn treo những câu đối dọc hai bên ban thờ gia tộc, cột nhà, cửa cổng như Công đức tổ tôn nghìn năm thịnh/ Hiếu hiền con cháu vạn đời nay, Dâng cánh đào xuân khói nhang quện sắc hoa, ơn tiên tổ thấm nhuần hậu thế/ Viết câu đối Tết đỉnh trầm hòa ý tứ, tình cháu con thơm ngát tiền nhân, Khuyến học khuyến tài đắp cao nền tổ nghiệp/ Nhân văn, nhân đức, lưu đức ấm thiên xuân... Sở dĩ như vậy nhằm cầu mong điềm lành, ca ngợi những thành quả của cha ông và cảm nhận như có hơi thở anh linh, sự nâng đỡ bảo vệ của họ tộc./.
Chu Mạnh Cường