Nếu có dịp đến với đất nước Italy vào trung tuần tháng 2, rất có thể ta sẽ được chứng kiến một trong những lễ hội có một không hai của đất nước nổi tiếng với món pizza này.
Đó là Ngày hội Ivrea (Carnevale di Ivrea), nơi những người dân địa phương tập trung và tắm mình trong những trái cam ngon lành.
Lễ hội có phần kì dị này được tổ chức ở Ivrea, một thị trấn với 25000 dân nằm ở phía bắc nước Ý cách Turin 35km. “Cuộc chiến của những trái cam” _ theo cách gọi của người dân bản địa, đã trở thành sự kiện truyền thống của Ivrea từ thế kỉ 12. Sự bắt nguồn của lễ hội pha trộn màu sắc truyền thuyết nhưng cũng có những căn cứ lịch sử. Đó câu chuyện về cuộc nổi dậy vào năm 1194 của những người dân bản địa đã đứng lên chống lại sự giày vò của tên bạo chúa Raineri xứ Biandrate, kẻ đã cai trị vùng này với những biện pháp hà khắc và bóc lột người dân nặng nề. Họ đã phá hủy lâu đài của hắn, và không lâu sau tổ chức ăn mừng chiến thắng tại quảng trường của thị trấn. Cuộc vui này nhanh chóng đã trở thành trận chiến giả giữa những người từng hầu hạ tên bạo chúa. Mọi năm, dân địa phương đều kỉ niệm ngày giành được tự do của họ bằng “Cuộc chiến của những trái cam.”. Cuộc nổi dậy sẽ được tái hiện lại với Đội Aranceri ( những người đi bộ , trong tay nắm những quả cam biểu tượng cho mũi tên và đá) đại diện cho những người dân bị áp bức và đối đầu với họ là những người trên cỗ xe ngựa kéo, tượng trưng cho những tên đồng bọn của Biandrate.
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc vì sao họ lại chọn trái cam? Thực ra, ban đầu người dân Ivre sử dụng hạt đậu hoặc táo. Tuy nhiên vào khoảng thế kỉ 19 các cô gái đã chọn cam-thứ quả hiếm ở vùng này để ném cho những chàng trai họ ngưỡng mộ khi mà, nếu một nhành hoa được thay thế, sẽ không gây được ấn tượng. Nếu chàng trai đồng ý đáp lại tình cảm, anh ta sẽ ném trả trái cam lại cho cô gái.Ước tính lễ hội mỗi năm đều tiêu tốn một lượng cam khổng lồ, ví như năm 1994 đã có khoảng 265 tấn cam được nhập vào vùng.
Ngày hội ném cam này được tổ chức vào ngày 13-16 tháng 2 , có lẽ bạn sẽ bị choáng ngợp bởi sắc đỏ của những chiếc mũ Phrygian,tượng trưng cho sự tự do và tự quyết. Khi bạn đội chiếc mũ này, bạn sẽ ngoài tầm ngắm của những cú ném trực tiếp nhưng đồng thời cũng không được tham gia trận chiến mà chỉ được đứng quan sát. Những người không tham gia vào cuộc chiến sẽ tụ tập phía sau một tấm lưới , bảo vệ họ khỏi những trái cam không trúng mục tiêu trong cuộc chiến hỗn loạn đang xảy ra.Nhưng nếu bạn thực sự muốn hưởng trọn không khí náo nhiệt của ngày hội này, hãy bỏ mũ và tham gia chiến đấu.
Những người tham gia được chia thành 9 nhóm, phân thành 46 chiếc xe ngựa kéo và hàng triệu trái cam được mang đến. Mỗi chiếc xe được kéo bởi 4 chú ngựa, trên đó là 6 người tình nguyện đóng giả làm lính gác lâu đài. Mỗi đội sẽ tự túc trang bị mũ bảo hiểm và quần áo của riêng mình. Mặt khác, họ còn trang trí cỗ xe của đội mình như một bức tường thành kiên cố .Những người đóng vai thường dân chiếm khoảng hơn 3000 người, cùng đoàn xe đi khắp thành phố.Cả hai bên : thường dân và lính gác liên tiếp chọi nhau bằng những trái cam, cuộc chiến dữ dội đến mức chỉ sau vài phút đường phố sẽ ngập bởi vỏ cam và nước quả, khiến con phố trở nên trơn trượt hơn bao giờ hết. Những chú ngựa tất nhiên không phải là mục tiêu, tuy vậy khó tránh khỏi việc sau trận chiến, bộ lông của chúng sũng nước cam. Điều này khiến ta không khỏi liên tưởng đến lễ hội ném cà chua ở Tây Ban Nha hay lễ hội Té nước ở Thái Lan và Campuchia.
Trong trận chiến vô cùng hào hứng này còn có sự góp mặt của phụ nữ và trẻ em, những người không chịu ngồi trong đoàn người quan sát mà muốn góp mặt vào cuộc vui mỗi năm mới có một lần.
Cuối hội, phần thưởng sẽ được trao cho đội thể hiện tốt nhất dưới sự giám sát của đội tuần tra quảng trường. Nhóm giành được chiến thắng là những người bị dính ít nước cam nhất. Những người không giành được phần thưởng , tuy vậy, vẫn vui vẻ khẳng định rằng cái họ đã đạt được chính là niềm vui và sự sảng khoái tinh thần, điều lễ hội hướng tới. Sau phần trao thưởng thì người dân Ivrea ăn mừng những người thắng cuộc bằng việc đốt lửa trại và nhảy múa thâu đêm.
Có lẽ cảnh tượng hàng ngàn người cùng cơn lốc những trái cam được ném đi khá lạ lùng và ác liệt, khác với những lễ hội khi mà thông thường mọi người nhảy múa và hát vang. Nhưng chính điều đặc biệt này đã tô đậm thêm nét đặc sắc văn hóa và cho ta thấy một khía cạnh mới của đất nước Italia vốn xem như cái nôi của sự lãng mạn./.
Quách Thảo